người vợ hay phàn nàn, chua chát về số phận của mình, khiếm nhã trước quà tặng. Còn tôi - trường hợp được gọi là đặc biệt - thì chấp nhận số phận của mình mà không hé một lời.
Một hôm, khi tôi đang đi quanh buồng, tôi nghe thấy rắc một cái. Một ngón chân tôi bị gãy. Tôi nghĩ đó chỉ là tiếng kêu bên trong người mình, nhưng nó rõ đến mức mọi người trong buồng đều nghe thấy. Mẹ tôi nhìn tôi chăm chú. “Đi tiếp đi! Cuối cùng thì cũng có tiến triển rồi!” Khi bước đi, cả người tôi run rẩy. Đến sẩm tối, tám ngón chân cần gãy đã gãy, nhưng tôi vẫn bị bắt phải đi tiếp. Tôi cảm thấy được tám ngón chân gãy dưới sức nặng của mỗi bước đi, vì chúng như long ra trong đôi giày của tôi. Khoảng trống mới hình thành ở chỗ trước đó là những khớp nối giờ đây là vết thương dính nhớp đau buốt óc. Tiết trời băng giá không làm tê dại nổi cái cảm giác đau đớn đang hành hạ khắp người tôi. Ấy thế mà, mẹ vẫn chưa hài lòng với sự phục tùng của tôi. Tối hôm ấy, bà bảo anh trai tôi mang về một cây sậy cắt ở bờ sông. Rồi bà buộc nó ở sau cẳng chân tôi để tôi tiếp tục phải bước đi như thế suốt hai ngày tiếp theo. Đến ngày thay băng, tôi ngâm chân như thường lệ, nhưng lần này việc xoa bóp tạo dáng cho xương tiến xa hơn những gì tôi từng biết. Mẹ dùng tay để kéo những chiếc xương gãy ra khỏi lòng bàn chân tôi. Chưa khi nào tôi thấy tình yêu của mẹ biểu lộ rõ ràng đến thế.
“Một bậc phu nhân đích thực không bao giờ để cái gì xấu xí lọt vào cuộc sống của mình,” mẹ lặp đi lặp lại, để nhồi nhét câu nói đó vào đầu tôi. “Chỉ qua đau đớn con mới trở nên xinh đẹp. Chỉ qua khốn khổ con mới tìm thấy bình yên. Ta quấn, ta bó, nhưng con mới là người được nhận phần thưởng.”
Các ngón chân của Mỹ Nguyệt gãy vài ngày sau đó, nhưng xương chân của em ba thì không. Mẹ sai anh trai ra ngoài làm vài việc vặt. Anh ấy phải đi tìm những viên đá nhỏ để bó lên chân em ba, tạo sức ép mạnh hơn vào các ngón chân. Tôi đã kể rằng nó luôn kháng cự, nhưng giờ thì nó còn khóc to hơn, nếu có thể làm vậy. Mỹ Nguyệt và tôi đều nghĩ nó phản ứng lại như vậy vì muốn được chăm sóc nhiều hơn. Rốt cuộc, mẹ lại dồn hầu hết toàn bộ nỗ lực của mình vào tôi. Nhưng vào những ngày thay băng, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt giữa đôi chân của chúng tôi với đôi chân của em ba. Đúng thế, máu và mủ thấm qua lớp vải bó chân của chúng tôi như thường lệ, nhưng với em ba, chất lỏng đó rỉ ra từ người nó có một mùi mới, khác lạ. Và trong khi da chân của tôi và Mỹ Nguyệt khô lại xanh xao để chết đi, thì da của em ba cứ hồng như đóa hoa.
Bà Vương lại đến thăm. Bà ta kiểm tra công việc của mẹ tôi và giới thiệu một vài loại thuốc lá sắc lên uống giúp giảm đau. Tôi không phải nếm cái thứ thuốc đắng ngắt đó cho đến tận khi tuyết rơi và xương ngón chân giữa gãy đôi. Đầu óc tôi lơ mơ cả do đau đớn lẫn do uống thuốc, đúng lúc ấy thì tình trạng của em ba bất ngờ thay đổi. Da chân nó nóng rực. Đôi mắt nó lấp lánh bởi nước và cơn sốt mê man, còn khuôn mặt vốn tròn trịa trở nên hốc hác. Khi mẹ và thím xuống nhà để chuẩn bị bữa trưa, chị tôi biểu lộ lòng xót thương với đứa em ruột thảm hại của mình bằng cách đặt nó nằm duỗi thẳng chân tay trên giường. Mỹ Nguyệt và tôi dừng lại nghỉ một chút. Sợ bị mẹ bắt gặp đang ngồi, chúng tôi đứng cạnh em ba. Chị tôi xoa chân cho nó, cố gắng làm nó cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng đây là thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa đông, và tất cả chúng tôi đều mặc áo bông to sụ. Với sự hỗ trợ của hai đứa tôi, chị tôi kéo quần của em ba lên tận đầu gối để trực tiếp xoa bóp bắp chân nó. Đó là lúc chúng tôi thấy những vệt đỏ sậm rỉ ra từ chỗ bó chân của em ba, chảy ngược lên phía trên và biến mất dưới ống quần. Chúng tôi nhìn nhau trong chốc lát rồi mau chóng kiểm tra chân còn lại. Cũng có những vệt đỏ như vậy xuất hiện ở đó.
Chị tôi đi xuống nhà. Khi nói ra những gì bọn tôi nhìn thấy, cũng tức là chị ấy phải thừa nhận chị đã không làm tròn bổn phận. Chúng tôi chờ nghe thấy mẹ tát chị. Nhưng không, mẹ và thím vội vã chạy lên gác. Họ đứng ở đầu cầu thang và nhìn vào căn buồng: em ba nhìn chằm chằm lên trần nhà, đôi chân nhỏ dang ra, hai đứa con gái còn lại ngoan ngoãn chờ bị trừng phạt, còn bà nội thì đang ngủ say dưới mấy lớp chăn. Thím liếc nhìn rồi đi đun nước.
Mẹ tôi bước đến bên giường. Bà không mang theo gậy, bà dang tay ra chấp chới đi vào buồng như con chim gãy cánh, và nếu là người bình thường thì bà cũng chẳng thể giúp gì hơn cho con gái mình. Ngay khi thím tôi quay lại, mẹ tôi bắt đầu mở đôi chân bó ra. Một mùi kinh tởm lan tỏa khắp căn buồng. Thím tôi lập tức bịt mũi. Mặc dù trời đang có tuyết, chị tôi vẫn xé toạc tấm giấy thông thảo bịt kín cửa sổ để mùi hôi thối thoát ra ngoài. Cuối cùng, lớp vải bó chân của em ba cũng được lột hết. Mủ có màu xanh thẫm và máu đóng cục lại màu nâu thẫm, như bùn thối. Em ba được đặt ngồi và đôi chân tháo băng được nhúng vào chậu nước nóng. Đầu óc nó đang phiêu du nơi đâu rồi nên nó không khóc thét lên.
Tiếng la hét của em ba mấy tuần trước hóa ra mang một ý nghĩa khác. Có phải từ cái ngày đầu tiên ấy nó đã biết điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra không? Có phải đó chính là lý do vì sao nó kháng cự không? Có phải mẹ tôi đã mắc sai lầm khủng khiếp trong khi quá vội vàng không? Hay loại máu nhiễm độc của em ba đã bị bởi những nếp nhăn của mớ vải bó? Có phải nó yếu đi là do chế độ dinh dưỡng tồi như bà Vương từng nói về tôi không? Kiếp trước nó đã làm gì mà phải gánh chịu sự trừng phạt như thế ở kiếp này?
Mẹ tôi cọ rửa chân nó, cố gột sạch chỗ nhiễm trùng. Em ba lả đi. Nước trong thùng đục ngầu máu mủ từ chân nó.
“Mẹ,” mẹ tôi gọi bà nội, “mẹ có kinh nghiệm hơn con. Mẹ giúp con với.”
Nhưng bà nội không hề nhúc nhích dưới tấm chăn. Mẹ và thím tôi không đồng ý với nhau về những gì phải làm tiếp theo.
“Chúng ta nên để chân nó phơi ra ngoài,” mẹ tôi đề nghị.
“Chị biết đó là việc tệ hại nhất,” thím tôi cãi lại. “Nhiều xương chân của nó đã gãy. Nếu chị không bó lại, chân nó sẽ không bao giờ lành đúng cách. Nó sẽ bị què. Ai còn dám lấy nữa.”
“Tôi muốn nó sống, kể cả phải ở vậy, còn hơn là mất nó vĩnh viễn.”
“Thế thì đời nó sẽ không có mục đích và giá trị gì cả,” thím tôi lập luận. “Tình mẫu tử của chị bảo chị rằng thế tức là không có tương lai.”
Trong khi họ tranh cãi, em ba không động đậy. Phèn bọc quanh da và đôi chân của nó được bó lại. Hôm sau, tuyết vẫn rơi và tình trạng của em ba ngày càng tệ hơn. Dù nhà tôi không khá giả gì, bố tôi vẫn ra ngoài dưới trời bão tuyết để mời thầy thuốc trong thôn tới. Ông ta nhìn em ba rồi lắc đầu. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cử chỉ ấy, thế có nghĩa là chúng tôi không thể ngăn cản một linh hồn thân yêu về với thế giới bên kia. Bạn có thể kháng cự lại, nhưng một khi cái chết đã tóm được bạn thì chỉ còn nước nhắm mắt xuôi tay. Chúng ta trở nên ngoan ngoãn khi thế giới bên kia vẫy gọi. Thầy thuốc khuyên nên làm thuốc đắp và bốc thuốc để sắc lên cho em ba uống, nhưng ông là người tốt bụng và trung thực. Ông hiểu hoàn cảnh của chúng tôi.
“Tôi có thể làm vậy cho tiểu nữ nhà ta,” ông ấy nói với bố tôi, “nhưng cũng chỉ là mất tiền vô ích.”
Tuy thế, tin xấu của ngày hôm đó vẫn chưa hết. Trong khi chúng tôi khúm núm quỳ lạy ông thầy thuốc, ông ta nhìn quanh khắp phòng và thấy bà nội tôi dưới tấm chăn. Ông ta đến chỗ bà, sờ vào trán, bắt mạch. Ông nhìn vào bố tôi. “Người mẹ đáng kính của ông đang ốm nặng. Sao ông không bảo tôi về việc này?”
Bố tôi biết trả lời thế nào để giữ thể diện đây? Ông là một người con hiếu thảo, nhưng ông cũng là một con người, và việc này diễn ra bên trong thâm tâm. Tuy vậy, việc phụng dưỡng bà nội vẫn là bổn phận quan trọng nhất của người làm con như bố tôi. Trong khi bố ở dưới nhà ngồi hút tẩu với chú, chờ mùa đông đi qua, thì trên gác hai người đã bị ma quỷ nguyền rủa.
Một lần nữa, cả nhà tôi bắt đầu tranh cãi. Liệu có phải là mọi người đã quá tốn thời gian cho mấy đứa con gái vô dụng đến nỗi bỏ mặc người bà cao quý và đáng kính đang ốm đau thế không? Có phải việc dắt em ba đi đi lại lại trong buồng đã lấy bớt những bước đi của bà không? Hay là - do quá mệt mỏi vì phải nghe tiếng la hét của em ba - bà đã tắt khí đi để ngăn những tiếng ồn ào khó chịu? Hay phải chăng ma quỷ đến để bắt em ba đi đã bị thu hút bởi một nạn nhân tiềm năng khác?
Sau bao ồn ào huyên náo, và sau khi mọi người đã chú ý quá nhiều đến em ba trong mấy tuần nay, giờ đây mọi người lại đổ dồn về phía bà nội. Bố và chú tôi rời khỏi chỗ bà chỉ để hút tẩu, ăn uống, hay làm mình dễ chịu hơn. Thím tôi lo tất cả việc trong nhà, chuẩn bị bữa ăn cho mọi người, giặt giũ và chăm sóc tất cả chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mẹ ngủ. Là con dâu cả trong nhà, đời mẹ chỉ có hai mục đích lớn nhất: sinh con trai để quản lý gia đình và chăm sóc mẹ chồng. Lẽ ra mẹ phải chăm sóc sức khỏe của bà nội chu đáo hơn. Thay vì vậy, mẹ lại để tham vọng của đàn ông ám ảnh đầu óc mình khi chuyển sự quan tâm sang tôi và tương lai xán lạn của tôi. Giờ đây, với sự cả quyết sắt đá do thiếu tình thương từ khi còn nhỏ, bà làm tất cả các nghi lễ bắt buộc, chuẩn bị đồ cúng đặc biệt dâng các thần linh và tổ tiên, cầu khấn và tụng kinh, thậm chí lấy máu mình nấu canh để giúp mẹ chồng hồi phục.
Do mọi người đều bận bịu quanh bà nội, Mỹ Nguyệt và tôi được giao trông chừng em ba. Chúng tôi mới lên bảy nên không biết cách nói hay làm thế nào để giúp nó cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nỗi đau đớn của em ba quá lớn, nhưng chưa phải là cơn đau khủng khiếp nhất mà tôi sẽ phải chứng kiến trong đời mình. Nó mất bốn ngày sau đó, chịu đựng đau đớn quá sức, không công bằng với quãng đời ngắn ngủi của nó. Một ngày sau thì bà nội tôi mất. Không ai thấy nỗi đau đớn của bà. Bà chỉ thu mình lại, ngày càng nhỏ dần nhỏ dần như con sâu bướm dưới tấm chăn bằng lá mùa thu.
ĐấT MAI TÁNG quá cứng. Hai người chị em kết nghĩa còn lại của bà nội cũng có mặt, hát bài hát đưa tang, quấn thân thể của bà nội trong tấm vải muxơlin, và mặc quần áo cho bà ở kiếp sau. Bà nội tôi đã già, sống đã lâu, vì thế quần áo khi về nơi vĩnh hằng của bà gồm nhiều lớp. Em ba chỉ mới sáu tuổi. Nó sống ngắn ngủi, không có quần áo cả đời để giữ ấm hay nhiều bạn bè để hội ngộ trong thế giới bên kia. Nó chỉ có độc một bộ quần áo dành cho mùa hè và một bộ quần áo cho mùa đông, và thậm chí hai bộ này chị cả và tôi đã mặc trước rồi. Bà nội và em ba trải qua mùa đông dưới lớp tuyết dày.
Tôi muốn nói rằng từ lúc bà nội và em ba nhắm mắt cho đến khi chôn cất nhiều thứ đã thay đổi ở buồng phụ nữ. Ôi chao! Chúng tôi vẫn phải đi lại quanh buồng. Chúng tôi vẫn phải ngâm chân bốn ngày một lần và thay những đôi giày ngày càng bé đi hai tuần một lần. Nhưng giờ mẹ và thím trông chừng chúng tôi hết sức thận trọng. Và chúng tôi cũng chú ý hơn, không bao giờ kháng cự hay phàn nàn. Mỗi khi rửa chân, chúng tôi, cũng như mẹ và thím, nhìn chăm chăm vào mủ và máu. Mỗi đêm, khi cuối cùng mẹ và thím cũng đi, để bọn con gái chúng tôi ở lại trong buồng, và mỗi sáng trước khi công việc hàng ngày của bọn tôi bắt đầu, chị tôi lại kiểm tra chân của bọn tôi để chắc rằng chúng tôi không bị nhiễm trùng nặng.
Tôi thường nhớ lại những tháng đầu tiên bị bó chân đó. Tôi nhớ lại cách mà mẹ, thím, bà nội và chị gái tôi nhắc đi nhắc lại những câu nhất định để động viên chúng tôi can đảm lên. Một trong số đó là câu “lấy chim no