Đối với triều đình và dân gian, trong tháng Tám vốn có hai ngày cực kỳ quan trọng, một là tết Trung Thu, Mười lăm tháng Tám, hai là ngày đại thọ của Hoàng đế, Ba mươi tháng Tám.
Tuy nhiên, do đang trong thời gian quốc tang Thái hoàng thái hậu, tất cả lễ mừng đều không tổ chức, cho nên ngày tết Trung Thu chỉ miễn lên triều, đại thọ của Hoàng đế chỉ vẻn vẹn thu biểu chúc mừng từ các nơi gửi tới, hậu cung và các trọng thần tôn thất tổ chức mấy buổi tiệc nhỏ là xong.
Tiệc mừng thọ chỉ tổ chức đơn giản nhưng các trọng thần hoàng tộc vẫn phải dâng lễ vật mừng thọ theo đúng thông lệ. Đây luôn là lúc bọn họ phân cao thấp, mọi người đều tốn không ít tâm tư.
Thái tử tặng một bức bình phong lớn thêu rồng gồm chín tấm, cực kỳ tinh xảo, sặc sỡ chói mắt, vừa khiêng ra mọi người đã tới tấp than thở, khen ngợi. Dự vương thì không biết vơ vét từ đâu được một tảng đá Thái hồ cao gấp đôi người thường, thiên nhiên ăn mòn thành dáng dấp một chữ thọ, đẹp đẽ đặc sắc, cũng là trân phẩm hiếm gặp.
Các hoàng tử còn lại, có người tặng sách cổ tưởng như đã thất lạc không còn, có người tặng tượng Quan Âm cẩm thạch, món quà nào cũng đáng giá vạn kim.
Tĩnh vương tặng một con chim ưng săn mồi oai vệ, đẹp đẽ, được huấn luyện rất kĩ càng, hiên ngang đậu trên cánh tay Hoàng đế Đại Lương, nghiêng đầu đối mặt với Hoàng đế làm Hoàng đế vui vẻ cười to.
Hoàng đế Đại Lương bề ngoài đều yêu thích, khen ngợi những món quà mừng thọ này, nhưng vì mấy tiếng cười to kia, không ít người đã âm thầm nhìn ra vài manh mối.
Do trong thời gian quốc tang không thể tấu nhạc nên bầu không khí bữa tiệc nhạt nhẽo hơn bình thường. Mặc dù thần tử đều cố gắng nói cười vui vẻ nhưng Hoàng đế Đại Lương vẫn không hào hứng, chỉ nhận mấy lượt kính rượu rồi khởi giá về hậu cung.
Trong ngự hoa viên, Hoàng hậu đã sắp xếp lục cung bày tiệc chờ đợi.
Hoàng đế Đại Lương đã uống vài ly rượu từ ngoại điện, ngả nghiêng dựa vào gối mềm nhận lời chúc mừng của các hậu phi, mệnh phụ. Do thấy mỏi lưng nên sau khi nhận lời chúc xong, ông ta liền lệnh cho Tĩnh phi tới ngồi bên cạnh xoa bóp, hai mắt lúc nhắm lúc mở nhìn xuống bên dưới.
Tuy là ngày mừng thọ của Hoàng đế nhưng trong thời gian quốc tang có những quy định chặt chẽ về xiêm y, mọi người vừa không dám trang điểm quá đậm lại không dám không trang điểm, vì vậy khung cảnh không rực rỡ hoa lệ như những năm trước mà có vẻ nhẹ nhàng, tao nhã.
Mệnh phụ của các tôn thất và triều thần hành lễ xong, tất cả đều lui ra ngoài, trong điện chỉ còn lại cung phi và công chúa.
Hoàng hậu đương nhiên là người đầu tiên nâng rượu kính chúc, sau đó là Việt quý phi.
Do Thái tử liên tiếp bị trách tội nên Việt quý phi ở trong cung cũng thấp điệu hơn trước rất nhiều.
Hôm nay bà ta chỉ vẽ lông mày và tóc mai, không tô son thoa phấn, khuôn mặt trắng xanh mang nụ cười nhàn nhạt, không còn vẻ diễm lệ kinh người trước kia mà khiến người ta cảm thấy thương hại.
Hoàng đế Đại Lương nhận chiếc chén vàng từ bàn tay trắng nõn nà của bà ta, uống một ngụm, nhìn dáng vẻ bà ta phục tùng cam chịu, lại nhớ tới vừa rồi trong ngoại điện, Thái tử cũng rụt rè, mặt mũi gầy guộc, trong lòng lập tức mềm nhũn.
Mặc dù ông ta tức giận vì Thái tử có hành vi không đúng nhưng dù sao cũng đã nhiều năm ân sủng mẫu tử hai người này nên tình cảm vẫn còn.
Huống hồ bây giờ tuổi đã cao, có lúc soi gương thấy tóc mai đã điểm bạc, bắt đầu có những lo nghĩ tuổi già, tâm tính dù sao cũng không thể tàn nhẫn, tuyệt tình như năm đó nữa.
"Gần đây nàng hơi gầy, hay là không khỏe? Nên truyền ngự y đến khám xem sao..." Hoàng đế Đại Lương vỗ vai Việt phi, dịu dàng nói. "Dạ Tần vừa tiến cống một ít chì than ốc, buổi chiều trẫm sẽ sai người đưa đến chỗ nàng."
"Tạ ơn Bệ hạ." Việt quý phi mắt hoe đỏ, nhưng trong một ngày thế này lại không thể rơi lệ nên vội cố gắng nhịn khóc, hai mắt long lanh nước, sóng mắt lấp lánh xao động.
Hoàng đế Đại Lương càng nhìn, trong lòng càng thêm thương yêu, cầm tay kéo bà ta ngồi xuống bên phải mình, thấp giọng nói chuyện với bà ta.
Hoàng hậu bực bội, không khỏi nhìn Tĩnh phi đang ngồi phía sau đấm vai cho Hoàng đế. Thấy Tĩnh phi buông mắt, vẻ mặt bình thản, trong lòng biết không thể trông chờ bà thu hút sự chú ý của Hoàng đế Đại Lương được.
Đang tính đi tính lại, chợt nhìn thấy mấy tiểu công chúa bên cạnh, Hoàng hậu vội đưa tay ra hiệu cho các nàng tiến lên chúc rượu.
Cũng như tiệc mừng thọ tại ngoại điện, bữa tiệc trong nội điện không kéo dài lâu.
Rượu qua ba tuần, Hoàng đế Đại Lương cảm thấy mệt mỏi, dặn dò Hoàng hậu dừng tiệc, ban thưởng theo thường lệ, sau đó khởi giá về tẩm cung của mình nghỉ ngơi.
Có lẽ là vì mệt nhọc, có lẽ là vì uống rượu, hôm sau Lương đế cảm thấy mỏi mệt chán ăn, truyền chỉ không lên triều một ngày.
Ngự y lập tức được truyền vào cung, sau khi chẩn trị kĩ lưỡng lại thấy không có bệnh nặng gì, chỉ kê thuốc bổ, ngâm nước ấm.
Chính bản thân Lương đế cũng cảm thấy mình chỉ chán nản, không muốn làm việc gì chứ thân thể không có nơi nào đau mỏi rõ ràng, không muốn gây động tĩnh quá lớn, truyền chỉ lệnh cho các hoàng tộc triều thần không cần vào cung thăm hỏi, sau đó uống thuốc, ngủ mấy canh giờ, buổi chiều thức dậy quả nhiên tinh thần đã sảng khoái hơn nhiều.
Mặc dù sức khỏe đã tốt hơn nhưng ông ta vẫn không muốn xử lý việc triều chính, vừa đọc được mấy trang sách, đột nhiên nhớ đến vẻ hốc hác của hai mẫu tử Việt quý phi hôm qua. Một ý nghĩ nảy ra trong đầu, ông ta lập tức gọi Cao Trạm sắp xếp xa giá, lặng lẽ đến Đông cung thăm Thái tử để biểu thị ân huệ.
Hoàng đế nói phải "lặng lẽ" thì đương nhiên không thể truyền báo trước, Cao Trạm chỉ thông báo cho đại thống lĩnh cấm quân Mông Chí sắp xếp phòng vệ. Xa giá không rầm rộ, kể cả Mông Chí và tùy tùng cũng chỉ có hơn mười người, nhanh chóng đi tới trước cửa Đông cung.
Thánh giá đột nhiên tới nơi, đám người canh gác trước cửa Đông cung hoảng hốt cuống cuồng, tới tấp quỳ rạp xuống đất.
Vì Hoàng đế đã đến trước mặt, mọi người phải thi lễ, ai cũng không dám đứng dậy chạy vào trong, không một ai đi vào bẩm báo Thái tử.
"Thái tử đang làm gì?" Hoàng đế Đại Lương thuận miệng hỏi.
Một người mặc phục sức nội sử lục phẩm nơm nớp lo sợ đáp: "Hồi... hồi bẩm Bệ hạ, Thái tử điện hạ đang... đang ở bên trong…"
"Nhảm nhí! Không ở bên trong thì ở đâu? Trẫm hỏi Thái tử làm gì ở trong đó?"
"Hồi... hồi bẩm Bệ hạ... nô tài không... không rõ..."
Cao Trạm thấy hắn trả lời quá mất mặt, vội chuyển đề tài: "Bệ hạ, bảo bọn chúng vào thông báo cho Thái tử điện hạ ra tiếp giá chứ?"
Hoàng đế Đại Lương ờ một tiếng.
Cao Trạm tiện tay chỉ tên nội sử vừa trả lời, nhỏ giọng nói: "Còn không đi mau!"
Tên nội sử đó khấu đầu, bò lên chạy vào trong. Vì luống cuống nên lúc xuống bậc thang không cẩn thận, giẫm phải vạt áo choàng ngã sấp mặt, lại vội vã bò dậy chạy tiếp, có thể nói là vừa lăn vừa bò.
Thấy dáng vẻ chật vật của hắn, Hoàng đế Đại Lương phía sau không nhịn được cười to, nhưng mới cười được mấy tiếng trong lòng lại đột nhiên sinh nghi. Ông ta nhớ rằng tên nội sử đó thường hầu hạ bên cạnh Thái tử, dù phẩm bậc không cao nhưng cũng không phải người chưa từng gặp Hoàng đế cho dù hôm nay ông ta đến bất ngờ cũng chưa đến mức khiến hắn sợ hãi cuống cuồng như vậy...
"Gọi tên kia quay lại!"
Cao Trạm vội lệnh cho tiểu thái giám đuổi theo gọi tên nội sử đó quay lại, dẫn tới quỳ trước mặt Hoàng đế Đại Lương.
"Vừa rồi ngươi nói… ngươi không rõ Thái tử làm gì trong đó?"
Nội sử co rúm, quỳ rạp sát đất không dám ngẩng đầu lên, run giọng nói: "Nô tài thật sự... không rõ…"
Ánh mắt âm trầm của Hoàng đế dừng lại trên mặt hắn chốc lát, lạnh lùng nói: "Tất cả các ngươi đều quỳ ở đây cho trẫm, không được thông báo, không được tự ý đứng dậy. Mông Chí, Cao Trạm, các ngươi theo trẫm đi vào!"
"Vâng."
Sau khi cúi người lĩnh mệnh, Cao Trạm cảm thấy lo sợ trong lòng. Dù ông ta không biết tình hình trong Đông cung thế nào nhưng luôn cảm thấy có gì đó không đúng, sợ sẽ có sóng gió xảy ra, không khỏi lặng lẽ liếc Mông Chí, muốn xem thái độ của Mông Chí thế nào. Không ngờ trên mặt vị đại thống lĩnh này không có biểu cảm gì rõ ràng, chỉ cúi đầu, im lặng đi theo.
Ông ta cũng đành cúi thấp hơn nữa, vừa đi vừa chạy theo Hoàng đế đang càng bước càng nhanh.
Đông cung dù không thể so với cung thành của thiên tử nhưng dù sao cũng là chỗ ở của Thái tử. Từ cổng chính vào đến điện Trường Tín nơi Thái tử ở là một khoảng cách khá xa. Hoàng đế Đại Lương nghi ngờ lúc này Thái tử đang làm gì đó không hay trong Đông cung, lòng không vui nên mới quyết định âm thầm đi vào xem tận mắt. Nhưng dù sao tuổi tác của ông ta cũng đã cao, chưa đi được bao lâu đã bắt đầu thở dốc.
Cao Trạm là người hiểu thánh ý nhất, sớm đã chuẩn bị chu đáo, ông ta chỉ giơ tay lên vẫy, chiếc liễn sáu người khiêng vẫn đi theo phía sau liền được khiêng tới.
Hoàng đế được nội thị đỡ ngồi lên liễn, tốc độ lập tức nhanh gấp đôi so với đi bộ như vừa rồi.
Trên đường đi vào đương nhiên gặp không ít người hầu của Đông cung, những kẻ này dù không rõ tình hình nhưng đều hiểu được động tác giữ im lặng của Mông Chí, tất cả tới tấp quỳ xuống ven đường, không một ai dám động đậy.
Qua sân rẽ vào Vĩnh Phụng các, đi thẳng là tới điện Trường Tín.
Hoàng đế bước xuống liễn, vừa đi lên hành lang làm bằng gỗ của điện Trường Tín đã nghe thấy tiếng đàn sáo truyền ra từ bên trong. Ông ta lập tức giận dữ, bước chân cũng nhanh hơn một chút.
Thời gian quốc tang cả nước cấm yến nhạc, đây là lễ chế.
Tuy nhiên, thời gian quốc tang ba năm hơi dài, thời gian sau này trong dân gian có không ít người vi phạm, chỉ cần không công khai, không quá mức, không bị ai tố cáo thì triều đình cũng coi như không thấy.
Nhưng Thái tử dù sao cũng không phải người thường, thứ nhất hắn là Thái tử, thứ hai là con cháu trực hệ của Thái hoàng thái hậu, chịu hai tầng quốc hiếu gia hiếu, huống hồ bây giờ cũng chưa đến cuối thời gian để tang, thậm chí còn chưa được nửa năm, vậy mà Đông cung đã bắt đầu diễn nhạc thật sự là vô cùng trái lễ chế.
Đương nhiên không phải Thái tử không biết lúc này diễn nhạc là trái lễ chế, chỉ có điều hắn đã quen hưởng lạc, không chịu được sự yên tĩnh, buồn tẻ, gần đây tâm tình lại buồn bực, không nhịn được muốn giải sầu, hơn nữa hắn cho rằng đóng cửa điện Trường Tín thì có tấu nhạc bên trong, các ngự sử ngôn quan phò tá Đông cung cũng không biết được, vì vậy hành vi mới phóng đãng như thế. Do trước kia phụ hoàng chưa bao giờ đến bất ngờ nên hắn cũng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ông ta sẽ đi thẳng vào đây.
Hoàng đế Đại Lương đứng trên hành lang trước cửa điện đóng chặt, nghe tiếng nhạc cố ý tấu nhỏ bên trong, sắc mặt vô cùng khó coi.
Nhưng lúc này trong đầu ông ta vẫn còn sót lại chút lý trí, biết rằng nếu mình xông vào thì tội danh đại bất hiếu vì diễn nhạc trong tang kỳ của Thái tử sẽ không thể chối bỏ, đối với Đại Lương xưa nay lấy hiếu trị quốc thì đây không phải một tội nhỏ, đủ để hủy hoại tất cả đức danh vốn đã mỏng manh của Thái tử. Đến lúc đó không chỉ Thái tử chắc chắn phải phế mà e là rất nhiều người liên quan trong Đông cung cũng sẽ bị liên lụy theo.