Tôi đắn đo rất lâu vẫn không đưa ra được quyết định, quay sang nhìn Bạch Lâm lần nữa, rồi lại nhìn chú cảnh sát nghiêm nghị trước mặt. Dán mắt vào số điện thoại đó, ngón cái đã đặt vào nút gọi, nhưng mãi cũng không hạ được quyết tâm.
Lúc trước khi học lý luận quân sự, giáo viên nói trên quả địa cầu này có rất nhiều quốc gia và chính quyền quái lạ, họ thích mang những nước mạnh lân cận xem thành kẻ địch giả tưởng của mình trong suốt quá trình phát triển. Vậy bắt đầu từ cuối học kỳ trước, tôi đã xem Mộ Thừa Hòa là kẻ địch, có điều kẻ địch này không chỉ đơn thuần là do tôi tự mình tưởng tượng ra, trên thật tế những gì hắn làm cũng là đang nổ lực hướng đến kết luận này.
Nhưng, ngoài hắn ra, tôi còn có thể tìm ai đây?
Tụi anh họ chị họ của tôi, bảo họ giả làm giáo sư đại học là không thể nào, lỡ như bị mẹ tôi biết được, nói không chừng sẽ lột da tôi mất. Nhóm bạn bè trên mạng của Triệu Hiểu Đường thì càng khỏi trông mong, người sau quái lạ hơn người trước, anh kia đáng sợ hơn anh kìa, nhờ họ nhập vai, bị vạch trần không nói, quan trọng hơn nữa là làm ô nhục hình tượng của giáo viên trường chúng tôi.
Tôi xoa xoa vầng trán.
Nhỡ như Mộ Thừa Hòa không thèm đoái hoài tôi thì sao? Hắn báo cáo lên trường thì biết làm thế nào?
Còn chưa suy nghĩ xong, chú cảnh sát lại hỏi: “Tìm được số chưa?”
Tôi cười khờ: “Cháu đang cố nhớ ạ.”
Cuối cùng, không còn cách nào khác, tôi cắn răng, nhắm mắt, đánh liều gọi cho Mộ Thừa Hòa. Chuông reo mười mấy tiếng, chính ngay trong lúc tôi tuyệt vọng, hắn đã bắt máy: “Alô…”
Cái giọng nói thường ngày khiến người ta muốn sỉ vả trên lớp kia, giờ đây pha với cơn ngủ mông lung, mà tôi nghe vào lại như âm sắc chỉ có trên trời.
“Thầy Mộ.” Tôi run rẩy thận trọng, “Em là Tiết Đồng.”
Tôi không dám chắc là hắn có nhớ cái tên này, bởi vì mỗi lần hắn gọi tôi đều là cái chữ “trò” đáng chịu ngàn dao ấy, hoặc là “trò lớp trưởng môn”, thế là tôi liền bổ sung thêm: “Em là sinh viên năm ba, khoa ngữ văn Anh, học môn ngoại ngữ hai của thầy, tiếng Nga, lớp trưởng môn, Tiết Đồng.” Tôi thêm đến những năm cái định ngữ ở trước tên mình, chỉ hy vọng gọi lại thần chí ngủ dở nửa đêm của hắn.
Mộ Thừa Hòa hỏi: “Có chuyện gì thế?” Giọng của hắn ở bên kia đầu dây, dần nhỏ rồi lại dần to, hình như là do ngồi dậy, và truyền máy từ tai bên này qua tai khác.
Chỉ mấy chữ đơn giản thôi, lại làm tôi cảm nhận được sự ấm áp như người thân trong cái đêm khuya giá rét này.
“Thầy ơi…..” Tôi nói vào điện thoại, suýt chút đã khóc vì quá vui mừng.
“Sao vậy?” Hắn lại hỏi.
Thầy ơi, thầy là người tốt, hơn nữa còn là người tốt nhất thế gian này!
Tôi cảm động nói: “Thầy ơi, tụi em phạm lỗi rồi, thầy đến đón tụi em nha thầy.”
Chỉ nửa tiếng sau, Mộ Thừa Hòa nhuốm đầy cát bụi dọc đường đã lái xe xuất hiện, còn mang theo giấy tờ tùy thân: chứng minh nhân dân, chứng từ làm việc, thậm chí giấy chứng nhận giáo sư.
Một trong hai vị cảnh sát kia xem các chứng từ của hắn xong thì lập tức thay đổi cả sắc mặt: “Ồ, thầy chính là Mộ Thừa Hòa à, tôi từng trông thấy thầy trên báo.” Vẻ mặt hoàn toàn là ‘rất vinh hạnh được gặp thầy’.
Thế là, thầy đã giải quyết mọi việc thuận lợi, bế Bạch Lâm ra hàng ghế sau xe, dẫn chúng tôi ra ngoài như dẫn hai chú cún sống lang thang ngoài đường vậy.
Tôi tự giác ngồi vào ghế lái phụ, thắt dây an toàn, không đợi thầy mở lời trước, tôi đã nghiêm nghị chủ động xin tha: “Thưa thầy, tụi em sai rồi, sau này sẽ không dám nữa. Trải qua lần này, em nhất định sẽ bỏ hết tật xấu, tuân thủ kỷ luật nhà trường. Em xin thề, thật đó!” Tôi giành cơ hội hối lỗi trước khi hắn giáo huấn tôi, hy vọng khơi dậy lòng nhân từ của hắn, đừng gởi tôi và Bạch Lâm lên khoa.
Mộ Thừa Hòa quay đầu qua, nhìn tôi nói chuyện một mình với nét mặt thưởng thức, nửa ngày cũng không phát biểu lời nào.
Tôi không dám nhìn mắt của hắn, mãi nắm lấy ngón tay, chột dạ : “Thưa thầy, tụi em làm sai thật rồi, thầy mắng em đi.” Chỉ cần không giao em cho trường, mắng chết em cũng được.
Hắn đột nhiên bật cười, “Lúc trước tôi từng nói, tôi chưa bao giờ nổi nóng với bé con.”
Tôi ngẩng đầu lên nhìn hắn, đột nhiên cảm thấy nụ cười của người này, có hơi gian xảo, giả vô cùng. Dẫu rằng những từ ngữ này, dùng cho Mộ Thừa Hòa – ân nhân cứu mạng của chúng tôi – là không hề thích hợp, và rất không có đạo nghĩa.
“Trốn ra đây bằng cách nào vậy?”
“Leo tường.” Tôi thành thật báo cáo.
“Uống bao nhiêu rồi?”
“Bạn ấy 3, 4 chai, em 6, 7 chai.”
“Hơ….. tửu lượng của em khá nhỉ.” Hắn nhướn mày.
Tôi tự hào, “Đương nhiên rồi, từ nhỏ mẹ đã chú trọng huấn luyện em mặt này, mẹ nói con gái phải ngàn ly không say thì có ra ngoài mới không sợ bị người khác hiếp đáp.”
“Vậy sao?” Hắn hỏi lại.
Lườm thấy ánh mắt như cười như không của hắn, nét mặt đắc ý đến quên mình của tôi thoắt chốc âm u trở lại. Tôi đang là tội nhân, không thể tự kiêu.
Thế là, đề tài này đến đây kết thúc.
“Tiếp theo đây hai em định thế nào? Tôi đưa hai em về ký túc xá?” Hắn vừa khởi động máy xe, vừa hỏi.
“Không được! Nhà trường sẽ biết đó.” Hắn mà đưa chúng tôi về, chắc chắn sẽ không cho chúng tôi vượt tường vào trong nữa, mà sẽ gõ cửa viện nữ sinh, và để chúng tôi đi vào trong dưới ánh mắt nóng hổi của người quản lí.
“Vậy thì sao?”
“À…..” Lần này thì khó thật rồi, chính ngay lúc xe đi ngang cửa nam đại học A, tôi vội nói: “Thầy thả tụi em ở đây được rồi ạ, tụi em chờ trời sáng.”
“Em định để người bạn này của em ở đâu?” Mộ Thừa Hòa nhìn vào gương chiếu hậu ra dấu cho tôi nhìn Bạch Lâm say khướt đang nằm ở phía sau.
Tôi cắn môi ngẫm nghĩ một lúc, “Ở cửa bên này có tiệm net, tụi em vào đó ngồi được rồi.”
Mộ Thừa Hòa lắc đầu, hiển nhiên là không đồng ý cái ý kiến tồi tệ của tôi.
Lát sau, hắn nói: “Nửa đêm khuya khoắc thế này thả hai em xuống xe, tôi cũng không an tâm. Thôi vậy, đến nhà tôi.”
“Nhà thầy ở đâu?”
“Đông Nhị Hoàn.”
“Ôi xa thật.” Tôi không mấy muốn đi.
“Sao lúc nãy khi gọi tôi đến bảo lãnh, em không nghĩ là tôi ở xa?” Hắn bất lực.
“Nhưng mà, sáng mai tụi em còn có tiết đọc báo.” Tôi chần chừ.
“Tôi đưa hai em về trường, được chưa?” Hắn nhẫn nhịn hỏi lại.
“Vậy được!”
Lần này thì tôi không còn gì phải lo lắng rồi.
(2)
Thời tiết đầu đông, gió đêm lạnh đến thấu xương. Không khí trong xe ấm áp dưới tác dụng của máy điều hòa, hắn bấm cho kính cửa sổ xe thu xuống một chút để lộ một khe hở nhỏ, thấp thoáng có thể cảm nhận được không khí trong lành từ từ tràn vào, có một cảm giác sạch sẽ.
Suốt chặng đường, hắn chỉ chuyên tâm lái xe. Không biết là hắn có đang thầm hối hận hay không, hối hận vì mình đã xui xẻo gặp phải đứa học sinh như tôi.
Lúc này đây, một số cụm đèn giao thông đã ngưng hoạt động, chuyển thành màu vàng chớp chớp.
Khi đến ngã tư chuẩn bị tiến vào khu Tam Hoàn, đèn đỏ lại bật lên, Mộ Thừa Hòa rất có kiên nhẫn mà dừng xe lại. Tay phải hắn đặt trên bàn lái, khuỷu tay trái đặt bên viền kính cửa sổ, chống cằm, mắt hướng ra ngoài nhìn những chiếc xe bên cạnh chạy qua.
Thừa lúc hắn đang nhìn sang nơi khác, tôi lén quan sát gương mặt của hắn qua kính chiếu hậu.
Lúc nãy không mấy để ý, bây giờ tôi mới phát hiện hắn đang đeo cặp kính gọng đen. Không ngờ hắn lại bị cận, chắc là nhận được điện thoại của tôi, đi vội quá nên không đã kịp đeo kính sát tròng.
Hai mắt của hắn đều là mí lót, do đó nhìn không to lắm, trái lại rất sâu. Mẹ tôi thường nói mắt to thu hút, mắt nhỏ hớp hồn, chẳng biết tên này sinh ra là muốn hớp hồn của ai đây.
Tròng mắt là màu nâu nhạt, sóng mũi rất cao.
Nếu buộc phải tìm một điểm đặc biệt trên gương mặt của hắn, chắc chắn là môi rồi. Môi của hắn dường như sinh ra là đã hơi cong lên như thế, bặm nhẹ môi lại thì cho dù nét mặt đang không có cảm xúc gì cũng sẽ khiến người ta cảm thấy hắn như đang cười.
Và nếu nói theo ánh mắt thẩm mĩ của đồng hương Tiểu Bạch, vậy Mộ Thừa Hòa có thể được xem là một người rất đẹp rồi chăng. Nhưng, tận đáy lòng tôi vẫn cảm thấy ba tôi đẹp trai hơn.
Đèn xanh sáng lên.
Xe lại lăn bánh, hắn hướng mắt trở về, nhìn lướt qua. Ánh nhìn của tôi và hắn bắt gặp nhau thông qua tấm kính chiếu hậu, và có một giây phút ngắn ngủi là giao nhau. Hắn thản nhiên, còn tôi – một đứa lén lút quan sát tướng mạo của người ta nãy giờ bỗng cảm thấy ngượng nghịu, bèn vội vàng nhìn ra ngoài.
“Đang nghĩ gì vậy?” Hắn hỏi.
“Thì ra lúc đêm khuya, một vài cụm đèn giao thông sẽ biến thành đèn vàng chớp chớp, thật là thú vị.” Tôi nói đại, “Em là dân thành phố A lâu rồi, vậy mà trước đây lại không hề phát hiện.”
Hắn cười cười, không tiếp lời.
Tôi lại nói: “Nhưng tại sao lúc nãy lại có đèn đỏ?”
“Em không cảm thấy những ngã tư có đèn đỏ đông đúc hơn những chỗ đèn vàng sao?”
Hắn nói thế tôi mới ngẫm lại, hình như đúng thật là vậy, “Thì ra là thế ạ.”
“Xem ra khả năng quan sát của em kém đấy.” Hắn nói đùa, “Rodin nói: vẻ đẹp đâu đâu cũng có, đối với đôi mắt của chúng ta mà nói, cái nó thiếu không phải là cái đẹp, mà là phát hiện.”
Mẹ tôi khó lắm, tuyệt đối không cho tôi lang thang ngoài đường trễ hơn giờ xe buýt ngừng hoạt động. Do đó mặc dù đã sống ở đây rất nhiều năm, nhưng tôi rất ít khi nào có mặt ở ngoài đường vào lúc hai ba giờ khuya.
Bây giờ nghe hắn nói vậy, tôi bèn chăm chú quan sát cảnh đêm trên phố.
Những đoạn đường tấp nập người qua lại vào buổi sáng giờ đây lại yên tĩnh đến lạ kỳ. Ngoài một vài bảo vệ trực đêm đang đi lại ra, cơ hồ không còn ai khác. Vỉa hè rải rác một vài người sống vô gia cư.
Vì chỉ có vài chiếc xe đang lưu thông, do đó những chiếc xe tải buổi sáng không thể vào trung tâm giờ đây ra sức mà đạp ga, chớp mắt đã soẹt qua, cái âm thanh động cơ đùng đùng ấy càng thêm chói tai giữa đêm khuya yên ắng thế này.
Một vài con phố đã bắt đầu có lao công ra quét đường. Con đường màu vàng cam làm cho chiếc bóng của họ bị kéo ra rất dài, len lỏi một cảm giác cực nhọc.
Phía trước quãng trường có công nhân đang thay những chậu kiểng xanh.
Khi chạy ngang ngã tư Đại học Bắc Kinh, nhìn thấy bảng hiệu “Thịt bò nướng” to tướng, tôi bất giác bật cười, chỉ về phía đó, tôi nói với Mộ Thừa Hòa: “Khi em học tiểu học, tiệm thịt nướng đó chỉ là một quán nhỏ bên đường thôi, cánh gà nướng mà bà lão trong đó làm ngon lắm, lúc đó mỗi ngày đi học về em đều vào đó, nhưng nếu em ghé lại lâu quá sẽ bị mẹ la, cho nên lần nào em cũng hối thúc bà ấy. Kết quả là lần nào bà lão cũng giận dỗi quát em: ‘con nít con nôi vội vàng gì chứ, cái này phải nướng từ từ mới ngon.’ “
Hắn mủm mỉm: “Hình như em là người bản địa?”
Tôi gật đầu, “Phải đó.” Đáp xong lại do dự, sửa lại, “Nhưng cũng không phải.”
“Sao lại phải rồi lại không phải?”
“Năm 11 tuổi gia đình em mới chuyển đến thành phố A, lúc ấy nói tiếng địa phương giọng không giống lắm. Người ngoại địa tưởng em là người bản địa, còn người bản địa thì lại tưởng em là người ngoại địa.” Tôi nói lầm bầm, bỗng c