- Ta chỉ biết Tế Cổ Trai có liên hệ với Du Li Cốc, mà muốn vào được Tế Cổ Trai rất khó, ta đang đau đầu thì nhìn thấy Công chúa. Công chúa vốn có bản lĩnh thưởng thức tranh chữ, lại tới Tế Cổ Trai làm việc, thế nên, Công chúa là người thích hợp nhất để điều tra tung tích của Du Li Cốc, cứu Tường Vi quận chúa.
Khi ánh mặt trời chiếu xuống sân vườn, Vĩnh Dạ đứng trong sân hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai. Lấy nước giếng rửa mặt, những giọt nước táp lên, mang tới cảm giác mát mẻ, dễ chịu.
Nguyệt Phách từ bên ngoài bước vào, vui vẻ búng trán nàng, nói:
- Ta mang thảo dược trong vườn đi bán ở tiệm thuốc phía tây thành, nàng ngoan ngoãn ở nhà chờ ta. Đều là thảo dược quý hiếm, ngày nào cũng nhìn thấy nên quên mất. Về ta sẽ mua đồ ăn ngon cho nàng. Cháo ở trong bếp, tối qua không ăn, nhớ ăn đấy.
Vĩnh Dạ đang định nói về chuyện mang cầm viên ấn thạch, nghĩ lại nên dành cho Nguyệt Phách một bất ngờ nên không nói nữa, cười vui vẻ đồng ý.
Nguyệt Phách cẩn thận nhổ mấy cây thuốc lên cho vào giỏ trúc, xoa đầu Vĩnh Dạ, cúi đầu hôn lên má nàng một cái, thấy nàng ngây người nhìn mình thì mỉm cười đi ra cửa.
Vĩnh Dạ đứng trong sân xoa mặt xuất thần, hơi thở của Nguyệt Phách khi cúi đầu hôn nàng dường như vẫn còn vương, một lát sau nàng vui sướng nhảy cẫng lên. Nguyệt Phách hôn nàng rồi, nàng không hề thấy phản cảm, nàng không phải là nam nhân! Chắc chắn không phải là người bị trở ngại tâm lý.
Vĩnh Dạ vui vẻ tìm bộ trường bào vải xám của Nguyệt Phách, cắt ngắn tay và vạt áo đi, cái áo rộng rãi khoác lên người. Vĩnh Dạ cười hi hi, trông hơi nhếch nhác nhưng đỡ phải dịch dung, nàng biến mình thành một thằng nhóc đen nhẻm, nhìn vào không hề có vấn đề gì, thế là hào hứng cầm ấn thạch lên phố.
Nàng thong thả đi trên đường phố của Thánh Kinh, thấy bố cục trong thành bằng phẳng, ổn định, đường phố rộng rãi, trên mặt đất đều lát đá xanh.
Vĩnh Dạ đã đi hết ba nước, cảm thấy đô thành của cả ba nước đều có đặc sắc riêng. Kinh Đô quý phái, Trạch Nhã thanh tú, còn Thánh Kinh, Vĩnh Dạ khen nó thật hoành tráng.
Đại Xương Hiệu là tiệm cầm đồ lớn nhất Thánh Kinh, là một tòa tứ hợp viện cao lớn. Cổng lầu cao ba tầng trông như một tòa lâu đài, bên ngoài cửa tiệm đặt hai con sư tử đá khổng lồ đang nhe nanh múa vuốt. Ba cánh cổng mở rộng đằng sau bậc tam cấp bằng đá xanh, Vĩnh Dạ ngẩng đầu nhìn rất lâu rồi mới bước vào.
Quầy tiếp khách của tiệm cầm đồ ở tít trên cao, trong số nữ nhân, nàng đã được coi là khá cao rồi mà quầy vẫn cao hơn nàng một cái đầu. Vĩnh Dạ bèn lùi lại một bước, nở nụ cười rạng rỡ nói với quản gia đứng sau song sắt:
- Tại hạ muốn cầm một miếng ấn thạch gia truyền. – Nàng đặt ấn thạch lên bàn, rồi lại lùi về sau một bước để nhìn.
Viên quản gia cầm viên đá lên nhìn, hỏi:
- Công tử định cầm sống hay cầm chết[1]?
- Cầm chết bao nhiêu, cầm sống bao nhiêu?
- Cầm chết hai mươi lượng bạc, cầm sống mười lượng.
Ít thế à? Vĩnh Dạ thở dài:
- Tôi không cầm nữa.
Viên quản gia không nói gì, trả ấn chương lại cho Vĩnh Dạ, thấy nàng ra khỏi cửa bèn bĩu môi lắc đầu.
Quả nhiên, Vĩnh Dạ đi một vòng, rồi lại quay lại:
- Tôi cầm, cầm chết!
- Một chiếc ấn chương đá vỡ, hai mươi lượng! - Viên quản gia dài giọng.
- Chờ chút, đây là điền hoàng thượng hạng, sao ông lại viết thành đá vỡ?
Viên quản gia cười nhạt:
- Công tử có cầm không?
Vĩnh Dạ tức khí, bắt đầu châm chọc:
- Nhà khác nghe nói Đại Xương Hiệu cầm hai mươi lượng đều đua nhau ra giá mười tám lượng, mười lăm lượng, Đại Xương Hiệu ra giá cao thế, sao lại không cầm? Viết phiếu cầm đi! Cầm chết luôn!
- Công tử quá khen. Bổn hiệu to nhất nước Tề thì đương nhiên giá tiền cũng cao hơn các nhà khác! – Tên quản gia tiếp lời.
Khi tiếng hô thạch chương bằng đá vỡ một lần nữa được vang lên, Vĩnh Dạ cầm hai mươi lượng bạc và một tờ phiếu hằn học bỏ đi.
Cầm đồ kiểu thế thì cho dù có cắt vụn kim thiền quan ra để mang cầm cũng chẳng được bao nhiêu.
Vĩnh Dạ cũng không định lấy trộm ví tiền hay đột nhập nhà giàu vào ban đêm trộm ngân lượng ở nước Tề. Ba cường quốc đều bị nàng náo lọan đến long trời lở đất, nay Thái tử Yến đang đi khắp nơi tìm nàng, nàng vẫn muốn cùng Nguyệt Phách sống cuộc đời bình an ở Tề quốc. Còn làm đạo chích… nàng không muốn.
Liếc nhìn thấy Tế Cổ Trai ở con đường đối diện, Vĩnh Dạ bật cười ha hả. Nhớ tới Đại Xương Hiệu lại bĩu môi, nàng không muốn làm bừa không có nghĩa là nàng không muốn báo thù. Kỹ thuật của kiếp trước đến kiếp này được mỹ nhân sư phụ chỉ điểm lại càng cao hơn, tóm lại nhất thời không thể ra khỏi Thánh Kinh, nàng quyết định quay về nghề cũ.
Cũng như Đại Xương Hiệu, Tế Cổ Trai là tiệm cầm đồ cổ nổi tiếng nhất Thánh Kinh, nghe nói các vương công quý tộc, gia đình giàu có của Tề quốc đều là khách hàng thường xuyên của nơi đây. Vĩnh Dạ nheo mắt nhìn chiêu bài của Tế Cổ Trai, lau mồ hôi trên trán rồi bước vào.
Mặt tiền Tế Cổ Trai không lớn lắm, bên trong bày đầy các giá trưng bày các loại đồ chơi quý giá, trên tường còn treo tranh chữ của danh gia. Chỉ có một tiểu nhị đang tiếp đón một khách nhân có cái bụng to béo.
Vĩnh Dạ thong thả đi xem, dỏng tai nghe đọan đối thoại giữa khách nhân và tiểu nhị kia.
- Sao có thể là tranh giả được? Đây là tranh của Trương Liên Thảo của Kinh Đô đích thân đề bút đấy ạ. – Khách nhân hình như cầm tranh tới ký bán.
- Gia, ngài nhìn ấn giám này hơi mờ, ngài nhìn lại bức tranh trong tay tiểu nhân đi. Còn nữa, Trương Liên Thảo sở trường vẽ hoa vẽ chim, tranh của ngài lại là tranh thủy mặc, tiểu nhân không dám nhận bức tranh này.
Vĩnh Dạ vừa nghe đã thấy hào hứng, vội vàng lại gần xem. Tranh của ai khác trên đời này có thể nàng không quen, chứ Trương Liên Thảo của An quốc vẽ dấu bàn tay trên mặt cha nàng, nàng quá quen ấy chứ.
Vĩnh Dạ ngắm nghía một lúc, thấy khách nhân và tiểu nhị đều tranh cãi đỏ mặt tía tai, bèn cười nói:
- Tại hạ cũng biết đôi chút, có thể cho tại hạ nói được không?
Tiểu nhị ngước mắt nhìn nàng đánh giá. Thấy nàng mặc bộ áo vải màu xám bình thường, gấu tay áo lại không được may cẩn thận, tuy ăn mặc như người đọc sách nhưng trông rất nghèo khổ, bèn hừ một tiếng:
- Vị công tử này ở trong tiệm đã lâu, có thấy gì vừa ý không?
Vĩnh Dạ biết hắn trông mặt mà bắt hình dong, cũng không nổi giận, đưa tay chỉ bức tranh nói:
- Người đời chỉ biết Trương Liên Thảo sở trường vẽ hoa và chim, thủ pháp tinh tế, màu sắc tươi tắn, mà không biết ông ta lấy tên Liên Thảo, sở trường nhất là hoa lan vẽ theo lối thủy mặc. Hình lá cong cong thanh tú, hoa đẹp như mỹ nhân. Hơn nữa Trương đại sư chỉ vẽ hoa lan khi đã say và tâm trạng vui vẻ, say xong ông dùng ấn run tay ấn xuống nên ấn giám mới hơi bị nhòe. Bức tranh này chính là bức “Túy hậu Lan thảo đồ” hiếm có của Trương đại sư.
Khách nhân càng nghe mắt càng sáng lên, tiểu nhị càng nghe lại càng tỉnh táo.
Trả tiền nhận tranh, thái độ của tiểu nhị trở nên khiêm nhường.
- Tại hạ có mắt không tròng, đa tạ công tử chỉ giáo.
Thấy hắn biết sai trở nên khiêm tốn, Vĩnh Dạ cũng có cái nhìn khác về Tế Cổ Trai này, thầm khâm phục ông chủ biết cách dùng người.
- Công tử có ưng món đồ nào không?
Vĩnh Dạ lại đi một vòng trong tiệm, cười nói:
- Mấy món đồ bày ở gian ngòai không lọt vào mắt tại hạ.
- Ồ, họa tác như thế nào mới lọt được vào mắt công tử? - Một lão nhân râu tóc bạc phở từ hậu viện đi ra, chắp tay hành lễ. - Mời công tử, tiểu lão họ Lương, là chưởng quầy của tiệm này. Ban nãy đã được nghe cao kiến của công tử, không biết công tử sẽ thích tác phẩm của ai?
- Tại hạ Lý Lâm, nhân sĩ An quốc, nghe nói Tế Cổ Trai trân phẩm vô số, muốn được nhìn cho đã, không hề định mua. – Nàng có khẩu âm An quốc, không hề che giấu điểm này.
Lương chưởng quầy đã quan sát chuyện vừa xảy ra, nheo mắt nhìn Vĩnh Dạ một cái, thấy nàng thản nhiên đứng đó, tuy rằng áo vải nghèo nàn một chút, nhưng hành động toát lên khí độ, ngôn ngữ cử chỉ lại có ý như thăm dò. Sắc mặt Lương chưởng quầy đã trầm xuống.
- Nếu ở Tế Cổ Trai ta không có trân phẩm thì toàn bộ Tề quốc này không có cửa hàng đồ cổ nào có trân phẩm nữa.
Kiếp trước nhà Vĩnh Dạ làm con dấu, bản thân cũng quen biết nhiều người chơi đồ cổ, đương nhiên biết rõ quy củ của các tiệm đồ cổ hàng ngàn năm qua. Hàng tốt thường không bày bên ngoài, trong tiệm cùng lắm chỉ có một hai món hàng quý để thể hiện mà thôi. Ba năm không khai trương, khai trương ăn ba năm. Bán được một món đồ đáng tiền cũng đủ để sống rất lâu rồi. Có người nào giàu có, trừ phi thích tìm hàng, nếu không chủ cửa hàng có được món hàng nào quý hiếm thường sẽ mang tới tận nhà người ta.
Nàng cười cười chắp tay:
- Nếu đã như thế thì xin cáo từ!
- Xin công tử dừng bước! Chưởng quầy biết mình đã gặp phải người trong nghề, lập tức nổi hứng, gọi vội một tiếng, chắp tay nói. – Lão phu có một chuyện muốn yêu cầu, có thể mời công tử xem thêm bức tranh nữa không?
Vĩnh Dạ quay đầu nói:
- Tế Cổ Trai có thể trở thành tiệm lớn nhất Tề quốc thì tất phải có cao thủ giám định. Lương ông khách sáo quá.
Lương ông thấy nàng vẫn định đi thì vội vàng bước lên, càng vái sâu hơn:
- Lão phu thất lễ! Công tử có thể dời bước theo lão ra nội viện không?
Vĩnh Dạ điềm nhiên nhìn ông ta, khó xử gật đầu:
- Mời Lương ông đi trước!
Qua một hành lang là tới nội đường, Lương ông cẩn thận mang một bức tranh ra, trải ra bàn. Đó là bức “Đại thanh lục sơn thủy”, nét bút đại khai đại hợp, các dãy núi trùng điệp, hiểm trở.
- Mời công tử xem, bút lực, thủ pháp, khí thế này không phải Trần Thu Thủy thì không thể vẽ được. Thủy Bạc cư sĩ là ấn giám của Trần Thu Thủy, nhưng một năm ngài chỉ vẽ ba bức tranh, theo như lão phu được biết, năm này Trần đại gia đã vẽ ba bức rồi, lão phu nhận bức tranh này mà thấy thắc thỏm không yên, muốn nhờ công tử xem giúp.
Vĩnh Dạ từng nghe mỹ nhân tiên sinh nói, “Đại thanh lục sơn thủy” của Trần Thu Thủy nước Tề số lượng rất ít, lại vì khí thế của tranh phi phàm nên được các vương công quý tộc, hào môn đại gia vô cùng yêu thích. Nàng lập tức hỏi:
- Còn họa tác nào khác của Trần đại gia không? Để tại hạ so sánh!
Lương ông lại mang một cuộn tranh khác trải ra.
Vĩnh Dạ tỉ mỉ nghiên cứu, hết một tuần hương mới thở phào, nói:
- Bức tranh này đúng là chân tích của Trần đại gia. Lương ông vì nghĩ một năm Trần đại gia chỉ vẽ ba bức tranh nên hoài nghi phải không?
- Đúng vậy!
- Nhìn kĩ bức tranh này, nét bút lưu loát đầy hào khí, tuy rằng vẽ núi xanh mà bút pháp bay bổng, lạc khoản một lần xong luôn, bút pháp có thần, có lẽ là tác phẩm của Trần đại gia sau khi say, phá lệ một năm ba tranh cũng là có thể. Hơn nữa ấn giám này rất khó ngụy tạo, Lương ông hãy nhìn chỗ này, ấn giám là chu bạch văn, nét bút cuối cùng hơi nhô ra, không nhìn kỹ thì không nhận ra, nếu đặt… đặt cạnh nhau là có thể so sánh ra được. – Suýt nữa nàng buột miệng là đặt kính lúp, nghĩ kỹ lại cảm thấy nếu mình có kính lúp thì càng tốt hơn. Kiếp trước làm giả đừng nói là kính lúp, đến kính hiển vi cũng có, kiếp này, người khác không có, như thế càng khó phát hiện nàng làm giả, Vĩnh Dạ mỉm cười.