nh ta như điếu đổ. Đó cũng là một cuộc hôn nhân kết hợp hoàn hảo.”
“Thế còn mẹ chồng mình thì sao?” Mỹ Nguyệt ngập ngừng hỏi.
“Bà Lữ đó ngày nào chả qua chơi với mẹ mình. Bà ấy tốt bụng lắm, tốt hơn so với những gì mình có thể kể với bạn.”
Đột nhiên, nước mắt trào ra từ đôi mắt của Tuyết Hoa. Điều ấy kỳ lạ đến độ tôi và Mỹ Nguyệt đều khúc khích cười, nghĩ rằng Tuyết Hoa lại bày trò. Lão đồng của tôi chớp mắt thật nhanh.
“Có con ma lọt vào mắt mình!” Tuyết Hoa la lên, rồi cùng cười với chúng tôi. Sau đó, cô lại tiếp tục đoạn bỏ lửng ban nãy. “Mỹ Nguyệt, bạn hẳn sẽ rất mãn nguyện cho mà xem. Họ sẽ yêu thương bạn thật lòng. Và điều quan trọng nhất là hằng ngày bạn có thể đi đến nhà Bách Huệ. Các bạn sẽ được sống gần gũi nhau biết bao.”
Tuyết Hoa liếc nhìn tôi. “Mẹ chồng tương lai của bạn là người rất truyền thống,” cô nói. “Bà ấy nhất nhất tuân thủ quy tắc của phụ nữ. Bà ấy rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Bà ấy ăn mặc trang điểm rất chỉn chu. Và khi khách đến, trà nóng luôn phải sẵn sàng.” Vì đã có Tuyết Hoa hướng dẫn làm những việc đó, tôi không sợ mình sẽ mắc lỗi. “Trong nhà đó kẻ ăn người ở đông hơn nhà mình nhiều,” Tuyết Hoa tiếp tục. “Bạn sẽ không phải nấu nướng, trừ khi phải làm những món đặc biệt dành riêng cho bà Lữ. Bạn cũng sẽ không phải chăm sóc con bạn trừ khi bạn muốn làm vậy.”
Khi cô nói với tôi những điều như thế, tôi nghĩ cô mất trí.
Tôi hỏi cô thêm về bố chồng tương lai của tôi. Cô nghĩ ngợi giây lát rồi trả lời, “Ông chủ Lữ là người hào phóng và giàu lòng thương người, nhưng ông ấy cũng rất tài trí, đó chính là lý do tại sao ông ấy được làm trưởng thôn. Mọi người đều kính trọng ông ấy. Mọi người cũng kính trọng vợ con ông ấy.” Cô nhìn tôi với đôi mắt sắc lẻm và nhắc lại, “Bạn quá may mắn.”
Nghe cái viễn cảnh mà Tuyết Hoa vẽ ra, làm sao tôi lại có thể không mơ tưởng tới lúc tôi ở Thông Khẩu cùng với người chồng yêu quý và những đứa con trai hoàn hảo?
HIỂU BIẾT CỦA TÔI BẮT ĐầU mở rộng ra ngoài phạm vi thôn tôi. Tuyết Hoa và tôi tới giờ đã đến Miếu Cô Bà ở Xá Hạ năm lần. Năm nào chúng tôi cũng leo lên những bậc thang dẫn đến ngôi miếu, dâng lễ vật lên bàn thờ, và thắp hương. Sau đó, chúng tôi đi ra chợ, nơi chúng tôi mua kim chỉ và giấy. Cuối ngày, chúng tôi đến chỗ ông lão Chu để ăn món khoai môn rán bọc đường nóng của ông. Khi đi qua đi lại, chúng tôi lén nhìn ra ngoài chiếc kiệu trong khi bà Vương ngủ. Chúng tôi nhìn thấy con đường mòn bắt đầu từ đường dẫn đến một thôn khác. Chúng tôi nhìn thấy những dòng sông và những con kênh. Những người khiêng kiệu kể với chúng tôi rằng những dòng sông này liên kết xứ tôi với các vùng khác trong cả nước. Sống trong căn buồng phụ nữ, chúng tôi chỉ nhìn thấy bốn bức vách, nhưng đàn ông ở xứ tôi thì không cô lập đến vậy. Nếu họ muốn, họ có thể lên thuyền đi bất cứ đâu.
Suốt thời gian đó, bà Vương và bà Cao ra vào nhà chúng tôi như hai con gà mái bận rộn. Sao cơ? Bạn nghĩ rằng, khi việc hôn nhân của chúng tôi đã được định đoạt, thì cả hai người đó sẽ để chúng tôi yên ư? Họ phải ngó nghiêng và chờ đợi, mưu tính và phỉnh phờ, để bảo vệ cho khoản đầu tư của mình. Bất cứ điều gì cũng có thể gặp trục trặc. Rõ ràng, họ đang lo lắng đến chuyện bốn đám cưới trong một gia đình và dò xem liệu bố tôi có đồng ý thông qua chi phí đi hỏi vợ cho anh trai tôi, ba món hồi môn ngang bằng nhau cho ba đứa con gái, và quan trọng hơn, là tiền thù lao cho bà mối hay không. Nhưng vào mùa hè năm tôi lên mười ba, cuộc chiến giữa hai bà mối đột ngột căng thẳng hẳn lên.
Chuyện khơi mào khá đơn giản. Chúng tôi đang ở buồng phụ nữ khi bà Cao bắt đầu than vãn rằng mấy nhà ở thôn này chẳng chịu trả thù lao đúng hẹn gì cả, ý muốn nói rằng nhà tôi cũng là một trong số đó.
“Một tên nông dân dấy quân nổi loạn trên vùng đồi núi đang làm tất cả chúng ta gặp khó khăn,” bà Cao phát biểu. “Không thu hoạch được mùa màng mà cũng chẳng bán ra được. Không ai có tiền cả. Tôi nghe nói có một số cô gái đã phải từ bỏ hôn ước của mình vì gia đình họ không thể cho họ của hồi môn. Những cô gái đó rồi sẽ chỉ thành nàng hầu vợ lẽ mà thôi.”
Trong huyện mọi việc trở nên rất khó khăn, đó chẳng phải là tin tức gì mới mẻ, nhưng cái vế bà Cao nói sau đó khiến tất cả chúng tôi đều sửng sốt.
“Thậm chí cô Tuyết Hoa bé bỏng cũng chưa chắc đã an toàn. Vẫn chưa phải là quá muộn để tôi đi kiếm mối khác thích hợp hơn.”
Tôi cảm thấy mừng vì Tuyết Hoa đã không có mặt ở đây để nghe những lời nói bóng nói gió này.
“Bà đang nói về một trong những gia đình phong lưu thần thế nhất trong huyện đấy,” bà Vương cự lại, giọng bà không trơn tuột như bôi mỡ nữa mà nghe tựa như đá choảng vào nhau.
“Có lẽ, bà dì ạ, bà muốn nói là đã từng. Người ta thấy ông chủ đó đánh bạc và nạp thiếp quá nhiều.”
“Ông ta chỉ làm những việc tương xứng với vị trí của mình thôi. Mặt khác, chính bà mới cần được tha thứ cho sự ngu dốt của bà. Chốn cao sang không phải là chỗ để bà mon men tới.”
“Ha ha! Bà làm tôi tức cười quá đi mất. Bà nói dối mà cứ như là đang nói thật. Cả huyện đều biết gia đình đó đang gặp chuyện gì. Dính líu với cái bọn trên núi, cùng lúc mùa màng thì thất bát, lại lơ là, và chẳng thể trông mong gì hơn ở con người bạc nhược đó ngoài việc ông ta chỉ biết ôm riết lấy cái tẩu hút.”
Mẹ tôi đột ngột đứng lên. “Bà Cao, tôi rất cảm kích vì những gì bà đã làm cho lũ trẻ, nhưng chúng chỉ là trẻ con và không nên nghe những chuyện như vậy. Tôi sẽ tiễn bà ra cửa, vì bà còn phải đến thăm những người khác nữa, tôi chắc chắn là thế.”
Mẹ tôi gần như kéo bà Cao khỏi ghế và lôi bà ta ra cửa. Ngay khi họ đi khuất khỏi tầm mắt, thím tôi rót trà mời bà Vương, người vẫn ngồi đó im lặng, vẻ nghĩ ngợi, đôi mắt nhìn xa xăm. Rồi, bà chớp mắt ba lần, nhìn quanh phòng và gọi tôi đến chỗ bà. Tôi mới mười ba và vẫn còn thấy sợ bà ta. Tôi đã biết ngoài mặt phải gọi bà ta là dì, nhưng trong tâm trí tôi bà ấy vẫn luôn là bà Vương đáng sợ. Khi tôi đến gần, bà ấy kéo mạnh tôi lại, nắm chặt cánh tay tôi như lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
“Không bao giờ, không bao giờ được phép nói những điều cô vừa nghe được cho Tuyết Hoa, rõ chưa. Cô bé ấy ngây thơ lắm. Không nên để những lời thô tục của người đàn bà đó làm vẩn đục tâm trí cô bé.”
“Dạ vâng, thưa dì.”
Bà ấy nhìn tôi nghiêm khắc lần nữa. “Không bao giờ!”
“Dạ, con hứa.”
Lúc đó, tôi không hề hiểu một nửa những gì vừa nghe thấy. Mà nếu có hiểu đi chăng nữa, thì hà cớ gì tôi phải nhắc lại những chuyện bép xép xấu xa ấy với Tuyết Hoa? Tôi yêu quý Tuyết Hoa. Tôi sẽ không bao giờ làm tổn thương cô bằng việc nói lại với cô những lời độc địa của bà Cao.
Tôi chỉ nói thêm là: mẹ tôi sẽ phải nói chuyện với bố tôi, vì bà Cao sẽ không bao giờ được phép bước chân vào nhà chúng tôi một lần nữa. Mọi công việc giao dịch với bà ấy sẽ tiến hành ngoài ngưỡng cửa nhà tôi. Thế tức là mẹ và bố tôi hết sức lo lắng đến Tuyết Hoa. Cô là lão đồng, nhưng họ cũng yêu quý cô như tôi.
THÁNG THỨ MƯỜI năm tôi mười ba tuổi đã đến. Bên ngoài song cửa, bầu trời nắng gắt trắng xóa của mùa hè đã nhường chỗ cho màu xanh thăm thẳm của mùa thu. Chỉ còn một tháng nữa là tới đám cưới của chị gái tôi. Gia đình nhà trai đã chuyển đến những món quà cuối cùng. Các chị em kết nghĩa của chị tôi đã bán đi một suất hai mươi lăm cân thóc của họ và mua quà. Các cô gái đến ở cùng chúng tôi trong lễ Ngồi và Hát ở căn buồng trên gác. Những người phụ nữ khác trong thôn đến thăm để chung vui, khuyên bảo, và tỏ lòng quyến luyến. Trong vòng hai mươi tám ngày, chúng tôi cùng nhau ca hát và kể chuyện. Nhóm chị em kết nghĩa giúp chị tôi may những chiếc chăn cuối cùng và bọc những đôi giày chị tự tay làm lấy để làm quà cho những người phụ nữ trong gia đình mới của chị. Chúng tôi cùng nhau làm cuốn sách về ngày thứ ba sau lễ cưới cho chị tôi. Chính những thứ này sẽ giới thiệu chị với những người phụ nữ trong gia đình mới của chị, và chúng tôi cố gắng tìm những từ phù hợp để miêu tả những phẩm chất và tính cách tốt nhất của chị.
Ba ngày trước khi chị tôi về gia đình mới, chúng tôi có một ngày Buồn bã và Lo lắng. Mẹ ngồi ở bậc thang thứ tư trên cầu thang dẫn đến căn buồng, đặt chân lên bậc thứ ba và bắt đầu than khóc.
“Con gái ơi, con là viên ngọc trong tay mẹ,” mẹ hát. “Mắt mẹ đẫm lệ tuôn rơi. Hai suối lệ tuôn chảy trên mặt mẹ. Chẳng mấy chốc nơi này sẽ trống vắng bóng dáng con.” Chị tôi, các chị em kết nghĩa của chị, và những người phụ nữ trong thôn bắt đầu khóc khi nghe được nỗi buồn của mẹ tôi. Hu, Hu, Hu.
Kế đến thím tôi sẽ hát, theo đúng nhịp điệu mà mẹ tôi đã hát trước đó. Như mọi khi, thím luôn cố tỏ ra lạc quan ngay giữa lúc đau khổ. “Thím xấu xí và cũng không mấy khôn ngoan, nhưng thím luôn cố gắng để trở thành một người tốt tính. Thím yêu chồng và chồng thím cũng yêu thím. Chú thím là đôi uyên ương xấu xí và không mấy khôn ngoan. Nhưng chú thím đã được tận hưởng thật nhiều niềm vui chăn gối. Thím mong con cũng sẽ được như vậy.”
Đến lượt mình, tôi cất giọng. “Ơi chị gái ơi, trái tim em nhỏ lệ vì mất chị. Nếu chúng ta là con trai, chúng ta sẽ không bao giờ phải chia cách. Chúng ta sẽ luôn ở bên nhau như bố và chú, như anh cả và em trai. Gia đình ta đều buồn bã. Căn buồng này sẽ thật cô đơn khi thiếu vắng bóng dáng chị.”
Muốn tặng chị món quà quý nhất có thể, tôi đã hát những điều tôi học được từ Tuyết Hoa. “Mọi người cần quần áo - dù mùa hè có mát đến đâu và mùa đông có ấm đến đâu - cũng cứ may quần áo cho người khác, chẳng đợi ai đòi hỏi. Ngay cả khi trên bàn tràn ngập thức ăn, hãy để bố mẹ chồng ăn trước. Hãy cần cù chăm chỉ và hãy nhớ ba điều: là nàng dâu hiếu thảo luôn tôn kính cha mẹ chồng, là người vợ hiền luôn biết nâng khăn sửa túi cho chồng, là người mẹ ân cần chu đáo và mẫu mực đối với các con. Nếu làm được những điều như vậy, gia đình mới của chị sẽ đối xử tử tế với chị. Trong ngôi nhà tốt lành đó, hãy giữ cho tâm hồn chị yên ả.”
Những người chị em kết nghĩa tiếp lời tôi. Họ rất yêu quý người chị kết nghĩa của mình. Chị ấy có tài và chu đáo. Khi người con gái cuối cùng đi lấy chồng nốt, thì hội chị em kết nghĩa quý giá của họ cũng tan rã. Họ chỉ còn lại những kỷ niệm về những buổi thêu thùa và may vá cùng nhau. Họ chỉ còn lại những câu chữ ghi trong cuốn sổ về ngày thứ ba sau lễ cưới để an ủi mình trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Họ đã thề rằng khi một người trong hội chị em mất đi, những người còn lại sẽ đến viếng và đốt cuốn sổ họ đã viết để nó sẽ cùng người chị em đó sang thế giới bên kia. Ngay cả trong lúc đang đau buồn vì người đã ra đi, hội chị em kết nghĩa vẫn hy vọng người ấy được hạnh phúc.
Sau khi mọi người đều đã hát xong và để những giọt nước mắt tuôn trào, đến lượt Tuyết Hoa, cô bày tỏ theo một cách riêng khác. “Em sẽ không hát,” cô nói. “Thay vào đó em sẽ bày tỏ bằng cách mà em và em gái chị đã nghĩ ra để giữ chị mãi mãi ở bên bọn em.” Nói đoạn, cô lấy chiếc quạt của chúng tôi từ trong tay áo, mở nó ra, và đọc đôi câu thơ đơn giản mà chúng tôi đã cùng nhau viết: “Hỡi chị gái và cũng là người bạn tốt của chúng em, con người lặng lẽ và ân cần. Chị sẽ là một kỷ niệm hạnh phúc.” Sau đó Tuyết Hoa chỉ vào một đóa hoa cẩm chướng nhỏ cô đã vẽ trên vòng lá đang ngày một dày thê