i nhau mới dễ thân thiết và đồng cảm. Cả lớp bốn mươi nữ sinh đều ở cùng một dãy lầu, phòng ký túc xá tám người Hứa Tri Mẫn được phân vào nằm lọt thỏm trong góc phải lầu ba.
Vừa đẩy cánh cửa phòng 314 ra, cô đã thấy ngay bốn chiếc giường tầng và tám chiếc bàn học chiếm trọn không gian chật hẹp. Khoảng trống giữa hai giường chỉ rộng vừa đủ cho hai người chen vai nhau bước qua. Phía cuối phòng có một bức tường trắng làm vách ngăn trung gian, đằng sau nó là nhà vệ sinh và bồn rửa tay được bố trí riêng rẽ. Cửa sổ rải đều bốn bức tường xung quanh phòng.
Điều kiện ở đây tuy có kém hơn đôi chút so với ký túc xá đại học thương mại của Lương Tuyết nhưng vẫn chấp nhận được.
Nhà trường chỉ sắp đặt phòng ký túc xá cho sinh viên chứ không quy định cụ thể về giường ngủ, ai đến trước sẽ được quyền ưu tiên lựa chọn giường ngủ. Trong bốn giường dưới thì đã có hai giường trải chiếu giăng màn, chứng tỏ hai người bạn cùng phòng đã đến đây. Kỷ Nguyên Hiên chọn một giường còn trống trong số hai giường còn lại, hai chị em bèn nhanh tay trải chiếu lên giường thật lẹ.
Sắp xếp hành lý gọn gàng đâu vào đấy rồi ngồi nghỉ một lát, cô vẫn không thấy bạn cùng phòng trở về. Lúc Hứa Tri Mẫn tiễn anh họ và chị dâu ra cổng trường, Vu Thanh Hoàn dặn đi dặn lại cô: Nhớ thường xuyên liên lạc. Hứa Tri Mẫn nghe vậy liền gật đầu vâng dạ.
Trở về phòng sau khi tiện đường ghé căn tin mua ít vật dụng hàng ngày, đúng lúc tra chìa vào ổ khóa, cô phát hiện cửa đã bị người ở bên trong khóa trái. Cô gõ gõ cửa, nghe thấy tiếng bước chân vội vàng chạy đến, tiếp đó cửa phòng mở toang, rồi một cô gái vóc người nhỏ nhắn xuất hiện trước mặt cô. Cô gái nhìn Hứa Tri Mẫn, che miệng cười sảng khoái: “Tớ là Trần Minh. Cậu mới đến à? Xin lỗi nhé, tớ ở nhà khóa cửa quen rồi, lỡ tay khóa cậu bên ngoài luôn.”
Hứa Tri Mẫn cũng tự giới thiệu rồi đi vào phòng buông đồ đạc trên tay xuống, vừa ngẩng đầu lên thì thấy một cô gái duyên dáng yêu kiều đứng bên cửa sổ. Dưới ánh nắng dịu dàng, những đường nét trên nửa gương mặt trông nghiêng của cô ấy tựa như nét vẽ nàng Dương Quý Phi kiều diễm. Trong phút chốc Hứa Tri Mẫn ngây ngẩn cả người, từ trước đến nay cô chưa bao giờ nhìn thấy một nhan sắc quá đỗi xinh đẹp đến nhường này.
Cô gái quay lại, hờ hững nhìn lướt qua Hứa Tri Mẫn và Trần Minh rồi đi vào nhà vệ sinh.
Trần Minh thấp giọng nói với Hứa Tri Mẫn: “Cậu ta tên Diệp Văn. Hôm qua cậu không đến nên không thấy được cảnh cậu ta cãi nhau ầm ĩ với ba mẹ ngay trong trường chúng ta.”
“Cãi nhau chuyện gì vậy?” Hứa Tri Mẫn thắc mắc.
“Điểm thi của cậu ta chỉ suýt soát đậu vào khoa bác sĩ lâm sàng thôi, mà khoa chúng ta thì lại được quyền ưu tiên chọn sinh viên. Cho nên cậu ta mới làm ầm lên. Tớ đoán thể nào vài ngày nữa cậu ta sẽ chuyển đi cho mà xem, nếu không cậu ta còn quậy nữa.” Giọng điệu Trần Minh đầy vẻ ung dung chờ xem kịch vui.
Nghề nghiệp không phân địa vị cao thấp, nghề nào cũng có người tài giỏi. Ngay từ bé Hứa Tri Mẫn vẫn luôn nghĩ, dì lao công quét đường mỗi sáng tinh sương là người đáng yêu nhất.
Đương nhiên, trên đời ai cũng ước mong được đứng ở địa vị cao – Hứa Tri Mẫn đã lý giải như vậy về thái độ kiêu kỳ của Diệp Văn.
Bạn cùng phòng có mặt đông đủ hai ngày sau đó. Phòng ký túc xá đáng lẽ có tám người thì nay chỉ còn bảy người, Diệp Văn chuyển sang khoa bác sĩ lâm sàng.
Sáu người bạn cùng phòng của cô, mỗi người một nét riêng. Trần Minh thanh tú thích ăn cay, nói chuyện nhanh như súng liên thanh; Vương Nhã Lệ là người thành phố R, điều kiện gia đình sung túc, thích chụp ảnh và viết văn, cao 1m65 nặng cả trăm kí lô, cả ngày kêu gào ‘Muốn giảm béo’. Ngoài ra còn có hai người tính tình trầm lặng, thích ngủ và nghe nhạc. Hai người bạn cuối cùng là những người thu hút sự chú ý của Hứa Tri Mẫn nhất – một người tên là Lâm Ngọc Cầm, ngoại hình bình thường nhưng nụ cười rất ngọt, giọng nói lại càng ngọt hơn, tưởng chừng như thấm vào tim gan; người kia là Phương Tú Mai, dáng vóc cao gầy, rất mê thể dục thể thao.
Không sai. Hứa Tri Mẫn cảm thấy Phương Tú Mai giống Lương Tuyết ở mọi phương diện, con người cô bạn ấy rất ngay thẳng cương trực. Điểm khác biệt duy nhất giữa cô ấy và Lương Tuyết là, cô ấy lâu lâu lại bâng quơ bộc lộ sự tự ti: “Hâm mộ làn da các cậu quá đi, trắng trẽo nõn nà, ai như tớ, đen như cột nhà cháy ấy. Còn tên tớ nữa, khó nghe muốn chết luôn, Tú Mai, Tú Mai, nghe như quả mơ* ấy.”
0 Nguyên văn là ‘mai hoa’ (梅花) có nghĩa là hoa mai/quả mơ.
Cả phòng đều không nhịn được cười vì cô bạn tếu táo này. Kể từ đó, biệt danh ‘Quả mơ’ của cô nàng nhanh chóng lan xa.
Con gái thường hay thích kết bạn theo đôi. Hứa Tri Mẫn chọn cô bạn Phương Tú Mai, nhưng Lâm Ngọc Cầm cũng chọn Phương Tú Mai như cô. Cô chưa kịp mở lời với Phương Tú Mai, cô nàng đã bị Lâm Ngọc Cầm lôi tuột đi.
Cả phòng ký túc xá có bảy người, nếu hai người thành một nhóm thì dĩ nhiên sẽ có một người lẻ loi. Hai nhóm tiếp theo là Trần Minh – Vương Nhã Lệ và hai cô bạn hợp tính kia, rốt cuộc người đơn độc chính là Hứa Tri Mẫn.
Ngay từ đầu, Hứa Tri Mẫn cũng không đặt nặng vấn đề này, cô chỉ muốn sống hòa thuận với các bạn cùng phòng. Tại buổi họp lớp đầu tiên để bầu ra tổ trưởng phòng ký túc xá, cả sáu người im lặng thật lâu không nói câu nào, Hứa Tri Mẫn nghĩ: Có lẽ làm tổ trưởng là chuyện phiền phức. Thế là xuất phát từ thiện ý, cô đã chủ động đảm nhận nhiệm vụ tổ trưởng phòng 314.
Sau khi họp phòng, cả tập thể thống nhất mỗi người thay phiên nhau trực vệ sinh hàng ngày. Hai người trực thứ sáu và chủ nhật nhận nhiệm vụ lau nhà. Phương Tú Mai thứ sáu, Hứa Tri Mẫn chủ nhật. Kế đến là phân công người đi mua đồ dùng cho phòng, người đại diện phòng đi nhận đồ, riêng người thay mặt phòng 314 tiếp chuyện với ban quản lý khi có việc cần thì mọi người đều đồng thanh, cười nói: Tổ trưởng Hứa Tri Mẫn của chúng ta.
Giữa lúc cười vui cùng bạn bè, dù trong lòng Hứa Tri Mẫn vẫn mơ hồ phát hiện có chút gì đó không thích hợp nhưng cũng không đủ cơ sở để kết luận người ta cố ý nhằm vào nhược điểm của mình. Chính vì niềm tin ‘Ở cùng một chỗ cần phải chung sống hòa bình’, cô đã bỏ qua việc tìm hiểu cho ra lẽ.
Huống hồ cô còn phải hoàn thành một mục tiêu quan trọng hơn, đó là tranh thủ giành được học bổng cả năm học để chi trả học phí và sinh hoạt phí. Học bổng của đại học M rất hấp dẫn, đặc biệt là học bổng loại A.
Ngoài nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tổ trưởng phòng ký túc xá, thời gian còn lại Hứa Tri Mẫn dành hết tâm trí cho bài vở. Kỳ nghỉ đông cô chỉ về thăm nhà đến vừa hết Tết rồi lại hối hả trở về trường ôn bài. Những khi anh họ và chị dâu rủ đi thăm thú vui chơi, cô đều chân thành và khéo léo từ chối với lý do “học bài quan trọng hơn”.
Trong khi Kỷ Nguyên Hiên càng ngày càng hài lòng với biểu hiện của em gái, Vu Thanh Hoàn lại thở dài: Cô thà rằng nhìn thấy một Hứa Tri Mẫn sống hoạt bát còn hơn, bởi vì đại học không phải trung học.
Thực tế chứng minh, Vu Thanh Hoàn đã lo lắng đúng. Năm đầu tiên, Hứa Tri Mẫn đạt hạng nhất lớp với tổng điểm các môn học vượt hơn người đứng thứ nhì đến trên sáu mươi điểm, một thành tích làm ngỡ ngàng toàn thể giảng viên và sinh viên trong khoa. Thành tích vẻ vang là vậy, nhưng sang năm thứ hai, lúc bình bầu sinh viên được nhận học bổng, cô chỉ được lãnh học bổng loại C.
Học bổng loại C chỉ bằng một phần ba học bổng loại A, danh tiếng khác nhau một trời một vực. Hứa Tri Mẫn cảm giác như mình bị sấm sét nện xuống đầu, cô chua chát nhắm mắt lại: Nghĩ mãi vẫn không thể hiểu nổi, thành tích cao hơn người ta nhiều như vậy, nhưng tại sao lại là loại C mà không phải loại A.
Cô đờ đẫn đi vào toilet, vừa đóng cửa lại, chợt nghe bên ngoài có người quay về phòng.
Trần Minh tiếc nuối nói: “Tội nghiệp Hứa Tri Mẫn thật, thành tích tốt vậy mà chỉ được học bổng loại C.”
“Hứ.” Vương Nhã Lệ cười nhạo, “Tại cậu ta cả thôi.”
“Nhã Lệ, cậu biết học bổng xét như thế nào hay sao? Tớ thấy ban cán sự và thầy chủ nhiệm vì chuyện này mà tất bật cả tuần lễ.”
“Khai giảng vừa xong, tớ lập tức nhờ người chạy khắp nơi hỏi vụ học bổng này. Cậu phải biết rằng, văn bản của trường chỉ cung cấp cho chúng ta phương thức đại khái thôi, mà cách tính điểm của từng khoa thì mỗi năm một thay đổi. Theo tớ hiểu thì năm nay khoa chúng ta làm như vầy: 60% là điểm chuyên ngành, 20% là điểm hoạt bát, 20% còn lại là điểm đạo đức. Điểm chuyên ngành là điểm chết, cậu thi được bao nhiêu thì là bấy nhiêu. Điểm hoạt bát được đánh giá dựa trên cách giao tiếp của cậu trong trường, cán bộ lớp đều được cộng thêm điểm. Điểm đạo đức ấy hả, nói trắng ra là, xem xem cậu có quan hệ với thầy cô và bạn học hay không rồi chấm theo cảm nhận chủ quan.”
“Thảo nào điểm chuyên ngành của cậu chỉ xếp hạng mười hai trong lớp, mà học bổng thì lại loại C giống Hứa Tri Mẫn.” Trần Minh cười cười, nhỏ tiếng hỏi, “Nói mau, điểm đạo đức thì tụi mình chấm cho nhau, thang điểm tuyệt đối là mười, thế cậu cho Hứa Tri Mẫn bao nhiêu điểm?”
Tiếng cười Vương Nhã Lệ the thé: “Tớ biết, thế nào cậu ta cũng chắc mẩm là đã giúp đỡ mọi người trong phòng thì nghiễm nhiên tất cả sẽ cho cậu ta tám đến chín điểm. Cậu ta hồn nhiên quá rồi. Ai lại chấm kiểu ấy chứ. Tớ mà có du di cho Phương Tú Mai thì cao lắm cũng chỉ năm điểm. Giỏi thể dục có gì hay ho đâu, ở đây là trường y, không phải trường thể dục. Cho nên, dựa trên nguyên tắc công bằng chính trực, tớ cho cậu ta và Phương Tú Mai ba điểm hết.”
“Ba điểm á?! Cậu cũng ác quá đấy.”
“Tớ làm theo lương tâm thôi. Thử hỏi tụi nó đã làm được gì cho bạn bè? Đứa thì đá banh, đứa thì làm mọt sách. Cái ngữ ấy ra đời sớm muộn gì cũng bị đào thải.”
“Đừng nói người ta như vậy chứ. Tớ thấy hai cậu ấy rất tốt mà. Cậu nhớ lần trước phòng bên cạnh có người bị bệnh không? Hai cậu ấy thấy bên đó thiếu người nên đã chủ động giúp nấu cơm còn gì.”
“Bởi vậy tớ mới nói tụi nó ngu. Cái đứa bị bệnh cả phòng kế bên đều ghét, bên đó định mượn chuyện này đuổi cổ nhỏ ấy ra khỏi phòng, cậu ta và Phương Tú Mai làm thế chỉ cản trở người ta chứ giúp quái gì mà giúp.”
Qua hồi lâu sau, Trần Minh vẫn không lên tiếng.
Rốt cuộc Vương Nhã Lệ nói: “Trần Minh, nếu chỉ một mình tớ cho ba điểm thì cũng không thể làm tổng điểm của Hứa Tri Mẫn thấp đến mức như thế được.”
“Tớ hiểu. Cán bộ lớp đề phòng cậu ấy, thầy chủ nhiệm thì lại thất vọng về cậu ấy.”
“Đúng thế. Hôm đến ghi danh, biết ở cùng ký túc xá với Hứa Tri Mẫn, tớ giật cả mình. Bởi vì trước đó tớ nghe nói, lớp chúng ta có một sinh viên có điểm trúng tuyển cao hơn cả bốn mươi sinh viên tài năng bên khoa bác sĩ lâm sàng, nhưng lại tình nguyện nộp đơn vào khoa y tá, tên là Hứa Tri Mẫn. Tớ cứ tưởng cậu ta sẽ ganh đua với cán bộ lớp, hay ít nhất cũng tranh được chiếc ghế đại biểu trong hội sinh viên của trường cho khoa chúng ta. Ai ngờ cậu ta an phận làm tổ trưởng phòng ký túc xá những một năm. Thầy cô đã kỳ vọng ở cậu ta biết bao nhiêu, tất cả là tại cậu ta tự đánh mất cơ hội thôi.”
Sau đó là tiếng Trần Minh liên tục than vắn thở dài.
Hứa Tri Mẫn tựa lưng vào bức tường trắng, mở mắt thật to nhìn trần nhà. Nước mắt, cuối cùng vẫn chẳng thể chảy xuôi.