Toa ngồi chốc lát lại tròng trành lắc lư theo những tiếng sầm sập mỗi khi con tàu lăn bánh qua một mối nối đường ray. Hứa Tri Mẫn ngạc nhiên cảm thán, hóa ra những gì sách giáo khoa nói đều là sự thật. Quả thực, phải tự mình trải nghiệm mới có thể cảm nhận một cách sâu sắc câu châm ngôn ‘Đọc vạn quyển sách không bằng đi nghìn dặm đường’.
Lần đầu tiên cô ngồi xe lửa, lầu đầu tiên rời xa quê nhà lâu dài, trong lòng ngập tràn biết bao điều hiếu kỳ về thế giới rộng lớn ngoài kia. Hai tay chống cằm, khi thì cô nghiêng đầu suy nghĩ, khi thì phấn khích trộm nhìn khắp toa xe. Chuyến tàu mới khởi hành chưa bao lâu, vài hành khách không chịu được sự buồn tẻ bắt đầu sôi nổi thi nhau bày ra đủ thứ ‘Vật báu’. Đó là chai nước ngọt Coca, Sprite to tướng nằm trong túi xách khoe màu sắc xanh xanh đỏ đỏ; là mì ăn liền Khang sư phụ ngâm nước sôi tỏa mùi hương thơm phức; là vốc hạt dưa sáng bóng từ trong cái gói lớn đổ rào xuống chiếc bàn vuông. Bên này, ông chú gắp một đũa mì, húp nước xì sụp; bên kia, nhóm bạn trẻ cắn vỏ hạt dưa, cười giỡn huyên náo; gần đó, cậu bé ba tuổi trắng trẻo mũm mĩm ngồi trên đầu gối mẹ, tay ôm bình nước miệng cắn ống hút, hai mắt tròn xoe như hòn bi đảo qua đảo lại xung quanh.
Giữa lúc Hứa Tri Mẫn đang nhìn cuộc sống muôn màu muôn vẻ đến nhập thần, Lương Tuyết ngồi bên cạnh huých huých cô: “Di động của cậu hiệu Motorola à? Cho tớ xem với.”
Chiếc điện thoại di động Motorola này là do chú hai mua cho cô để tiện liên lạc, hàng lỗi thời nên không đắt, giá chỉ khoảng vài trăm tệ. Cô vốn không muốn nhận vì sợ nợ ân nghĩa. Nhưng người cha thật thà ăn nói vụng về của cô từ chối mãi không được, đành phải nhận thay con gái. Sợ làm hư đồ của người ta, cô đã may một cái túi bằng vải bông rồi cho điện thoại vào đó.
Lương Tuyết nhìn cái túi đựng điện thoại ‘có phong cách riêng’ của cô, cười phá lên: “Trời ơi, Hứa Tri Mẫn, muốn chọc tớ cười chết luôn đấy hả? Di động là để xài, cậu lại bịt nó kín mít thành thế này, với lại thời buổi này chẳng có ai bọc điện thoại bằng túi vải như cậu cả đâu. Vứt mau, vứt mau cho tớ nhờ!”
Hứa Tri Mẫn làm mặt giận, lườm cô bạn: “Cái đồ không biết tốt xấu. Cậu có tin không, cái túi của tớ đây mà đem ra ngoài bán ấy hả, đảm bảo người ta sẽ trả giá từ mấy chục đến trên trăm tệ.”
“Thế cơ á, vậy… tớ chờ đây!” Lương Tuyết lại càng không ngừng cười khúc khích.
Nhưng thật không ngờ, bỗng nhiên có một cô gái ăn mặc thời thượng đi tới, vừa thấy cái túi trong tay Hứa Tri Mẫn, cô nàng liền thốt lên kinh ngạc: “Ôi, cái túi của em trông lạ mắt thế, mua ở đâu đấy?”
Lương Tuyết uống ngụm nước bị mắc nghẹn, phun ra hết sạch.
Hứa Tri Mẫn suýt chút cười lạc cả giọng.
Lúc vừa lên xe, hai người đã phát hiện hai ghế phía đối diện trống không. Hứa Tri Mẫn và Lương Tuyết đưa mắt nhìn nhau, Lương Tuyết hắng giọng rồi nói rõ ràng và thẳng thắn: “Ban đầu tụi em tưởng chỗ đó không có người ngồi.”
“Ồ.” Cô gái xa lạ có đôi chân mày lá liễu nhỏ mảnh, cặp mắt long lanh xinh xắn, chỉ là gương mặt trang điểm hơi đậm một chút. Cô nàng gật đầu với hai người bọn họ: “Hai chỗ ngồi này của chị và anh trai, sở dĩ các em không thấy anh em chị tới đây là vì bọn chị đã mua vé giường tầng bên toa nằm rồi. Chuyến tàu này sáng sớm mới đến được trạm cuối là thành phố R. Buổi tối cần nghỉ ngơi, nhưng ban ngày bọn chị muốn gặp gỡ người này người kia nói chuyện cho đỡ chán. Bởi vậy ngoài vé nằm, anh em chị mới mua thêm vé ngồi. Chị tên Mạc Như Yến. Còn hai em?”
Nghe cô nàng họ Mạc nói chuyện với luận điệu ‘Tiêu tiền như nước là chuyện đương nhiên’, Hứa Tri Mẫn và Lương Tuyết bỗng chốc mất hết hứng thú bắt chuyện. Để giữ phép lịch sự, Lương Tuyết vẫn thấp giọng giới thiệu: “Em là Lương Tuyết, còn cậu ấy tên là Hứa Tri Mẫn.”
“Hứa Tri Mẫn?” Mạc Như Yến ồ lên thú vị, “Tên rất đặc biệt.”
“Cám ơn.” Hứa Tri Mẫn trả lời đúng mực rồi ngoảnh đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Rời khỏi thị trấn, đoàn tàu chạy băng qua đồng ruộng núi non xanh rì. Khoảnh khắc mùi bùn đất tản mát trong gió thanh tẩy đi những ồn ã trong lòng, quang cảnh trước mắt người lữ khách thành thị lập tức sáng ngời. Cô yêu thích thưởng thức sự an bình của thiên nhiên bằng chính tâm hồn không vướng bận như thế này. Ngặt nỗi, con người sống trong xã hội không phải bao giờ cũng được tự do làm bất cứ việc gì theo ý mình muốn, kể cả khi xã hội đó chỉ là một toa xe lửa nho nhỏ.
Quả nhiên, Mạc Như Yến là người đầu tiên lên tiếng ‘phê bình’ cô: “Chị bảo này Lương Tuyết, bạn của em sao không thích nói chuyện gì hết vậy. Như thế không hay đâu nhé! Chị vừa nhìn đã biết cả hai em đều là sinh viên năm nhất. Môi trường đại học là một xã hội thu nhỏ. Hai em vào đó sẽ thấy, chỉ học giỏi thôi thì không được, còn phải giao lưu tạo dựng mối quan hệ với người khác nữa, ấy mới là điều quan trọng.”
Mạc Như Yến vừa ba hoa khoác lác được một lúc thì đã thu hút được không ít người nghe. Một ông chú hăng hái xen vào nói: “Cháu gái này chắc là sinh viên của đại học danh tiếng đây mà.”
Mạc Như Yến nhã nhặn đáp: “Sinh viên năm ba, đại học thương mại XX.”
Lương Tuyết kín đáo kéo tay Hứa Tri Mẫn: “Tớ muốn đi toilet, cùng đi nhé?”
“Ừm, đi.” Hứa Tri Mẫn cười hiểu ý.
Thế là hai người cùng đi tới khoảng trống ngăn cách giữa hai toa sắt. Nhìn quanh thấy bốn phía không người, Lương Tuyết hét ‘a’ thật lớn, vung hai cú đấm vào không khí: “Trời ạ, Hứa Tri Mẫn, cứ nghĩ tới chuyện cô ta là đàn chị cùng trường với tớ là tớ thấy buồn nôn!”
“Người ta nói tớ chứ đâu có nói cậu, có gì đâu mà cậu phải tức giận.” Hứa Tri Mẫn bình tĩnh đáp.
“Gì cơ? Tớ nói này Hứa Tri Mẫn, cậu biết rõ là người ta nói bậy bạ mà chẳng nói lại câu nào, cứ mặc cho người ta khi dễ mình!”
“Tớ có nói để mặc cô ta gièm pha tớ sao?”
Lương Tuyết nháy mắt mấy cái, yên lặng nhìn cô bạn thân: “Cậu có cách gì rồi à?”
“Kề tai lại gần đây.” Hứa Tri Mẫn ngoắc ngoắc ngón tay với vẻ ‘xấu xa’.
Sau một hồi thì thầm, Lương Tuyết bịt lỗ tai kinh ngạc nhìn bạn thân: “Chiêu này của cậu độc thật!”
“Không phải. Đây gọi là biết sai thì sửa.” Hứa Tri Mẫn cười nhạt. Chẳng phải cô nàng kia phê bình cô không thích nói chuyện hay sao? Cô là học sinh giỏi, hiểu thế nào là ‘biết sai thì sửa’, được thôi, cô sẽ ‘nói’ cho Mạc Như Yến nghe để cô nàng được toại nguyện.
Hai người trở lại chỗ ngồi.
Sau cả tiếng đồng hồ bô lô ba la, Mạc Như Yến thấy khô miệng khát nước, bèn mở túi da mang theo bên người lấy ra một chai nước khoáng C’estbon. Mới vừa mở nắp và đưa chai nước lên miệng, cô nàng đột nhiên phát hiện hai người đối diện nhìn chằm chặp vào ống tay áo bên trái mình bằng ánh mắt rất kì quặc. Mạc Như Yến buông chai nước, kiểm tra cẩn thận, thấy ống tay áo vẫn sạch trơn, nhưng nhìn bên kia thì thấy Hứa Tri Mẫn và Lương Tuyết chụm đầu vào nhau rồi cứ sau vài giây lại quay qua liếc liếc ống tay áo mình. Không nghe được hai cô nàng kia xì xào chuyện gì, Mạc Như Yến càng nóng ruột hơn nữa. Vốn là người chú trọng chuyện ăn mặc chưng diện, cô nàng lật đật xách túi da đi ra toilet. Qua một hồi xem đi xem lại mấy lần, Mạc Như Yến thấy ống tay áo chẳng có gì bất thường, quần áo từ trên xuống dưới vẫn chỉnh tề. Song khi cô nàng quay về toa xe, hai người kia vẫn đang cười ngặt nghẽo.
Hứa Tri Mẫn đảo mắt qua ống tay áo bên trái đã được cô nàng xắn lên, rồi cười nhìn Lương Tuyết.
Mạc Như Yến quả quyết hai con bé sinh viên năm nhất không biết phải trái này đã lén lút nói xấu mình. Đè nén lửa giận trong lòng, cô nàng cố nặn ra một nụ cười: “Hai đứa em nói chuyện gì mà vui vậy? Nói chị nghe đi.”
Lương Tuyết lắc đầu: “Chú này kể cho tụi em nghe một câu chuyện cười đó mà. Chị hỏi chú đi.”
Ông chú giũ giũ tờ báo trong tay, ngẩng đầu tỏ vẻ không hiểu: “Cháu nói chuyện cười hả? Trong báo có này, cháu muốn xem không?”
Hơi thở Mạc Như Yến nghẹn ứ trong lồng ngực, mặt cô nàng đỏ bừng. Mắt thấy hai con bé sinh viên năm nhất vẫn còn tiếp tục thì thầm, cô nàng quăng mạnh túi da lên bàn một cái rầm. Tiếng động làm kinh động đến tất cả mọi người ngồi chung quanh. Và chỉ trong chớp mắt, hình tượng sinh viên đại học danh tiếng tao nhã thanh lịch của cô nàng mất sạch không còn chút dấu vết.
Lương Tuyết hả hê huýt sáo trong lòng. Hứa Tri Mẫn chau mày: Cô nàng này huênh hoang khoe mình đã lăn lộn trong xã hội nhiều năm, nhưng ngay cả quy tắc cơ bản nhất cũng không biết. Con người, nếu khi ngồi xuống đã dám nói thẳng trước mặt người khác, thì khi đứng lên sẽ không sợ người ta nói xấu sau lưng mình. Cô và Lương Tuyết từ đầu chí cuối không hề nói xấu Mạc Như Yến nửa câu, có chăng chỉ là dàn dựng chút tình huống khiến cô nàng hiểu lầm mà thôi. Chỉ cần là người đã thật sự trải qua thử thách trong cuộc sống, thì tuyệt sẽ không tức giận vì chút chuyện vặt vãnh như vậy. Qua việc này có thể thấy, Mạc Như Yến không hề chín chắn như lời cô nàng nói.
Mạc Như Yến xấu hổ kéo mở túi da, cầm điện thoại nói: “Quách Diệp Nam, anh ngủ gì mà ngủ như heo chết thế. Em sắp chết rồi đây này, anh có biết hay không?!” Nói xong, cô nàng gục xuống bàn, hai tay che kín cả khuôn mặt.
Cả toa xe phút chốc rơi vào im lặng. Ai nấy đều có chung thắc mắc: Quách Diệp Nam là gì của Mạc Như Yến? Nếu là anh trai cùng đi xe lửa với cô nàng, vậy tại sao họ của hai người lại khác nhau? Anh em bà con xa chăng?
Không ai tìm ra đáp án. Mà bất luận Quách Diệp Nam là nhân vật nào, những ai hiểu chuyện sẽ không tọc mạch đến việc riêng của người khác. Mọi người quay đầu lại, ai làm chuyện nấy.
Lương Tuyết và Hứa Tri Mẫn tự nhận mình không làm tổn thương tới ai. Một trò chơi thôi mà, ai bảo Mạc Như Yến không cam lòng chịu thua, làm ầm lên làm chi. Rõ buồn cười. Nghĩ vậy, hai cô gái liền cùng nhau cầm lên quyển ‘Độc giả’, im lặng giở xem.
Gần một giờ đồng hồ sau, anh chàng Quách Diệp Nam mà mọi người trông đợi cuối cùng cũng rề rà đi tới toa xe. Đó là một chàng trai trẻ đeo mắt kính gọng bạc, mái tóc rối bù và hơi dài giống kiểu tóc của nam diễn viên chính trong bộ phim ‘Bản tình ca mùa đông.’ Anh chàng mặc áo sơ mi sọc đen, nửa bên cổ áo bẻ lên, một tay đút túi quần, một tay gãi đầu – hoàn toàn là bộ dạng vừa tỉnh ngủ.
“Làm sao đấy?” Anh vỗ vỗ vai Mạc Như Yến.
Mạc Như Yến bật người dậy, giữ chặt tay anh: “Anh.”
Anh tránh khỏi bàn tay nắm chặt cứng của Mạc Như Yến, đẩy đẩy mắt kính, đánh giá cô nàng: “Anh thấy em khỏe mạnh lắm mà, đâu có giống sắp chết.”
“Anh!”
“Đừng có gọi anh, anh nói cả rồi, nếu em sắp chết, anh cũng sẽ không làm CPR* cho em đâu.”
0 CPR (Thủ thuật hồi sinh tim – phổi) được thực hiện bằng cách liên tục ấn mạnh và nhanh ngay giữa ngực bệnh nhân.
“Anh muốn làm bác sĩ mà nói năng thế á? Coi chừng em mách dì đấy!”
Anh chàng cười phớt tỉnh: “Bác sĩ có bản lĩnh thì sẽ không đợi bệnh nhân sắp chết tới nơi mới làm CPR. Biết cái gì gọi là ‘phòng ngừa tai nạn có thể xảy ra’ không?”
Mạc Như Yến xua xua tay: “Thôi đi, biết nói không lại anh rồi. Mau xem giúp em đi, tay em có sao không?”
Anh nhấc tay Mạc Như Yến lên nhìn trái nhìn phải rồi nói: “Không có gì hết.”
Mạc Như Yến níu cổ áo anh, kéo đầu anh xuống rồi ghé vào lỗ tai anh nói nhỏ vài câu.
Nghe cô nàng kể khổ xong, Quách Diệp Nam ngoáy ngoáy lỗ tai, rồi thình lình quay đầu nhìn hai ngư