- Vĩnh Dạ! – Vương phi giận dỗi, mi mắt chớp chớp, mấy giọt nước đã lăn ra. – Ta khó khăn lắm mới chờ được ngày này!
Vĩnh Dạ thở dài, đi tới trước mặt một thị nữ, dùng hai ngón tay móc một chiếc áo mỏng tang lên ngắm.
- Ngươi là ai? Sao lại đứng ở cổng thành? – Binh sĩ gác cổng thấy Vĩnh Dạ ngơ ngác đứng nhìn cổng thành mỉm cười thì vội vàng vây lại.
Tâm trạng nàng đang rất tốt, tuơi cười nói:
- Ta là người của Đoan Vương phủ.
Y phục rách rưới, tóc tai rối bù vẫn không thể che khuất được khí chất của nàng. Các binh sĩ không dám hỗn hào, nghe nói nàng là người của Đoan Vương phủ thì giật mình, vội sai người đi bẩm báo.
Chưa đầy nửa canh giờ sau, trong thành đã vang lên tiếng vó ngựa. Một đội binh sĩ hộ tống một chiếc xe tám ngựa kéo lao về phía cổng thành.
Vĩnh Dạ lặng lẽ đứng ở cổng thành, xe còn chưa dừng lại, gương mặt xinh đẹp giàn giụa nước mắt của Đoan Vương phi đã xuất hiện trước mắt nàng. Nàng thầm mắng một tiếng lão hồ ly xảo trá, sợ nàng tìm ông tính sổ nên đưa mẫu thân nàng ra trước, nàng vừa thấy ánh mắt mong ngóng của Vương phi, trái tim đã mềm lại.
- Vĩnh Dạ! – Vương phi gần như nhảy xuống khỏi xe ngựa, chỉ mấy bước chân đã chạy tới ôm Vĩnh Dạ vào lòng, khóc đến ngất đi.
Bấy giờ các binh sĩ mới biết thiếu niên trước mặt đây chính là Vĩnh An Hầu mất tích nhiều tháng nay. Tất cả đồng lọat quỳ xuống, hô vang chúc mừng.
Các thị tùng đi theo Vương phi đều vội vàng thưởng tiền cho mọi người, trong và ngoài thành đều vô cùng hoan hỉ.
Vĩnh Dạ nửa bế nửa ôm Vương phi lên xe ngựa. Lúc này mới cảm thán, trên đời này, thứ khó đối phó nhất chính là nước mắt của nữ nhân, nhất là nữ nhân mà mình quan tâm.
Truớc khi xe ngựa chạy, nàng gọi thị vệ tới thì thầm dặn dò vài câu, rồi mới hài lòng rúc vào lòng Vương phi.
Dụ Gia Đế băng hà, Tân Hoàng đế đăng cơ mới được sáu, bảy ngày. Theo tập tục của An quốc, Quốc hiếu được cử hành bảy bảy bốn chín ngày, cả nước từ trên xuống dưới cấm ca vũ, uống rượu.
Kinh Đô thành vô cùng yên ắng.
Bên ngoài Long Tường Điện dựng một Bách quan hiếu bằng[1] rất dài. Trương Thừa tướng nay đã lớn tuổi, tình cảm với Tiên hoàng rất sâu đậm, nghe bài điếu mà khóc thương, đến nỗi mới được hai ngày đã phải xin nghỉ ở nhà dưỡng bệnh.
Lý Thiên Hựu đăng cơ, sửa niên hiệu thành Hựu Khánh. Bình thường ôn hòa ẩn nhẫn, nay lập tức thể hiện, ỷ tuổi trẻ tinh lực dồi dào, đích thân nhận sự vụ của bách quan, dưới sự giúp đỡ của lục bộ, bận rộn ngày đêm không nghỉ, nhưng việc nào cũng đâu vào đấy. Thêm vào đó là di chỉ của Tiên hoàng và uy vọng của Đoan Vương với Trương Thừa tướng, các nội thị trong cung và Đông cung đều thừa nhận Thái tử phản nghịch, các đại thần và ngôn quan đều thể hiện sự kính trọng, chấp nhận sự thay đổi Hoàng quyền này.
Lễ bộ Thượng thư Trần Tử Kính là người trung hậu, tâm tư cẩn mật, bình thường ngoài việc tiếp đón sứ thần các nước thì sự vụ ở bộ Lễ cũng khá nhàn hạ. Lễ tang của Tiên đế khiến bộ Lễ nhất thời trở thành nơi bận rộn nhất.
Mới sắp xếp thỏa đáng lễ tang của Tiên đế xong bèn vội vàng chuẩn bị cho đại điển đăng cơ của Tân hoàng bốn muơi chín ngày sau. Mấy ngày đầu bận rộn đã qua thì nhận được trình báo của sứ thần các nước sẽ tới Kinh Đô chúc mừng đại lễ đăng cơ của Tân hoàng. Trần Tử Kính tính toán ngày giờ sứ thần các nước tới được Kinh Đô cũng phải khoảng một tháng sau, người tới chúc mừng không ít, nhưng vẫn có thể hoãn lại được. Ai ngờ vừa mới thở phào, Đoan Vương và Khâm Thiên Giám Lý đại nhân đã bước vào lều của bộ Lễ.
Trần Thượng thư toát mồ hôi hột, nghe Đoan Vương nói xong mới rụt rè thưa:
- Hôn sự của Tam điện hạ, hạ quan cũng biết, bộ Lễ cũng đã sớm chuẩn bị, trong vòng trăm ngày đón Tam hoàng phi tới không phải là không được. Chỉ có điều trong vòng trăm ngày muốn Hoàng thượng cũng… Lễ bộ chúng tôi thực sự là không làm nổi, Vương gia! – Ông đưa tay lên lau mồ hôi.
Ai mà làm nổi? Đoan Vương bực bội ngồi xuống. Lễ tang Tiên đế, lập Tân hoàng, Kinh Đô phòng vệ, điều tra dư đảng của Thái tử, tróc nã dư nghiệt của Du Li Cốc, truy bắt Lý Ngôn Niên…Tim ông đau nhói, suốt bảy ngày qua ông không dám nghĩ tới Vĩnh Dạ. Ông chỉ nhận định được một điều, Lý Ngôn Niên sẽ không dễ dàng giết nàng, sẽ dùng Vĩnh Dạ để đổi lấy lợi ích lớn nhất. Bản thân mình bận tới mức Vương phủ cũng không về, tìm không được Lý Ngôn Niên, ông chỉ đành chờ ông ta tìm đến. Nhớ lại di nguyện của Tiên đế, Đoan Vương lại không kìm được nỗi nhớ Vĩnh Dạ, điềm nhiên cười:
- Nước không có Hoàng hậu thì không yên bình. Chẳng lẽ bắt Tân đế ba năm sau mới được lập hậu?
Khâm Thiên Giám Lý đại nhân thở dài:
- Hôm qua Trương Thừa tướng và Tam hoàng tử cũng có ý này. Nước không có Hoàng hậu không yên bình, trong vòng trăm ngày Hoàng thuợng buộc phải lập hậu. Hạ quan tính đại lễ Tân hoàng đăng cơ bốn chín ngày sau đồng thời lập hậu là tốt nhất.
- Vương gia và Lý đại nhân nói chí phải! Có điều… - Trần Thượng thư xòe ngón tay tính ngày, mặt đỏ bừng. –Hoàng thượng còn chưa định cưới tiểu thư nhà nào mà! Hoàng thượng lập hậu sáu lễ không thể bỏ qua, nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp chính là bốn lễ chưa thành, trong vòng trăm ngày… Vương gia, ngài khiến hạ quan khó xử vô cùng.
Lý đại nhân ngẩn người, nhìn Đoan Vương.
Đoan Vương cười khổ, cho dù là Tiên đế hay Hựu Khánh Đế mới đăng cơ đều rất thận trọng với Tân hậu tương lai. Nhớ lại câu Tiên đế nói vào đêm người qua đời, Đoan Vương chỉ hận không thể lập tức giúp Lý Thiên Hựu tiến hành hôn lễ. Ông nhấp một ngụm trà, cau mày:
- Thái phi và Thái hoàng Thái hậu hình như cũng coi trọng ý của Hoàng thượng, để bổn vương đi hỏi xem sao. Trần đại nhân, chỗ ông cứ chuẩn bị trước đi. Hôm nay có lẽ Tam điện hạ sẽ về tới Kinh Đô, sau khi người tới linh cữu khóc cha thì bàn chuyện của Tam hoàng phi. Lấy đại cục làm trọng.
Trần đại nhân nghe vậy khựng lại, thấy Đoan Vương đã gầy rộc đi, thực sự không muốn kêu ca, than vãn nữa, bèn vái sâu một cái, tiễn Đoan Vương ra về.
Vừa mới ra khỏi lều của bộ Lễ, Đoan Vương phi đã phái người gửi tin tới, nói Vĩnh Dạ đã bình an về nhà. Đoan Vương vừa kinh ngạc vừa vui mừng, mừng vì Vĩnh Dạ bình an, kinh ngạc vì không biết Lý Ngôn Niên đã đi đâu.
Thấy gương mặt ông mưa nắng thất thường, các thị vệ vội vàng nói:
- Ở sơn cốc chỉ bắt được Lãm Thúy, Hoàng thượng đã hạ lệnh giam vào đại lao.
Hoàng đế tân nhiệm nắm bắt được động tĩnh ngoài cung nhanh thế sao? Thiên Hựu quả nhiên là một nhân tài. Đoan Vương mỉm cười, nghĩ ngợi rồi dặn ba trăm thân vệ của Vương phủ canh giữ Vương phủ cẩn thận, đồng thời gửi tin tới Vương đại nhân, tân nhiệm phủ doãn Kinh Đô, ra lệnh giới nghiêm toàn thành, tăng cường việc bắt giữ Lý Ngôn Niên.
Xong xuôi, ông nhìn Ngự thư phòng cách đó không xa thở dài. Ngay cả Thái phi và Thái hoàng Thái hậu đều không biết Tân hậu nên lập ai, nhưng lại hai miệng một lời nói rằng nghe theo ý của Hoàng thượng, xem ra trước khi qua đời, Tiên đế đã có dặn dò.
Bốn triều đồng tộc đồng tông không cấm thông hôn, nhưng ông không muốn Vĩnh Dạ làm Hoàng hậu. Chẳng ai hiểu rõ thân phận và trải nghiệm của con gái hơn ông.
Lớn lên ở Du Li Cốc, công phu tuyệt đỉnh, lại còn là… khiến Kinh Đô nghe mà thất sắc. Ông lắc đầu, Du Li Cốc ngay tại bước ngoặt quan trọng nhất, đã rút toàn bộ căn cứ ngoài sáng lẫn trong tối ở Kinh Đô, gần như không ảnh hưởng tới việc thay đổi Hoàng vị. Một con cá lớn rõ ràng đã bơi vào lưới, vậy mà khi thu lưới lại để nó bơi đi mất.
Mẫu Đơn Viện ở Kinh Đô bị niêm phong, tranh của Lý Ngôn Niên, Hồi Môn, Mặc Ngọc đã bị dán khắp nơi trong An quốc, treo thưởng rất lớn. Xem ra Du Li Cốc đã không còn chỗ đứng ở Kinh Đô, trong lòng Đoan Vương hiểu rõ, điều này cũng chưa thể chạm vào gốc rễ của Du Li Cốc.
Theo báo cáo của thám tử ở Trần quốc và Tề quốc, Mẫu Đơn Viện ở Trần đô Trạch Nhã và Tề quốc Thánh Kinh trong một đêm đã vườn không nhà trống. Sau trận chiến này, ngay cả hang ổ của Du Li Cốc ở đâu cũng không biết. Cốc chủ Du Li Cốc thần bí và các thích khách trong cốc cứ hệt như giọt nước tan vào biển, biến mất hoàn toàn.
Đoan Vương không thể không khâm phục người chủ sự của Du Li Cốc. Bọn họ càn quấy ngang dọc suốt mấy chục năm, ngang nhiên mở Mẫu Đơn Viện thu tiền nhận nhiệm vụ, nay đã nhạy cảm phát hiện ra Đế Vương các nước không chấp nhận sự tồn tại của nó, quyết đoán chuyển sáng thành tối, bảo toàn lực lượng trong khả năng lớn nhất.
Một khi Vĩnh Dạ vào cung được lập thành Hoàng hậu, Du Li Cốc sẽ nhân cơ hội đó nhảy ra uy hiếp. Không đồng ý, họ sẽ công khai quá khứ của Vĩnh Dạ, văn võ bá quan có thể không quan tâm thân phận của nàng, nhưng các ngôn quan sẽ nắm lấy cơ hội này để kháng nghị tới cùng. Về lý về pháp, Vĩnh Dạ đều không thể đứng vững, ông và Hựu Khánh Đế cũng không thể bảo vệ được nàng.
Vĩnh Dạ có thể dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch, cho dù là giả chết. Nhưng Đoan Vương không muốn nhìn thấy Vĩnh Dạ từ đó phải mai danh ẩn tính. Nữ nhân từng gả cho Hoàng đế, cho dù nàng lưu lạc chân trời góc bể thì cũng không thể gả cho ai khác. Thay đổi thân phận rồi lại vào cung, chẳng lẽ bắt nàng phải làm phi để nhìn sắc mặt của Tân hậu? Đoan Vương đã nghĩ tới những điều này từ lâu, lúc lâm chung, Dụ Gia Đế đã cố xin cho Lý Thiên Hựu một cơ hội, nhưng ông kiên quyết không chịu.
Bản lĩnh Hựu Khánh Đế mới đăng cơ thể hiện nằm ngoài dự đoán của ông. Tân hoàng thích Vĩnh Dạ, ông đã nhận ra từ lâu, Đoan Vương thấy hơi bất an. Nghĩ tới đạo Thánh chỉ mình đã xin cho Vĩnh Dạ, ông an tâm hơn một chút.
Trong lúc suy nghĩ, ông đã đi tới bên ngoài Ngự thư phòng, nội thị gác cửa vội vàng chạy vào trong bẩm báo.
Đoan Vương chỉnh lại y bào, mặt nở nụ cười, vén áo bước vào:
- Thần tham kiến Hoàng thượng.
Chưa đợi ông quỳ xuống hành lễ, Thiên Hựu đã đỡ ông dậy, cười nói:
- Hoàng thúc đứng lên đi. Mang ghế!
Đoan Vương đa tạ, ngồi lên ghế, lên tiếng nói:
- Tam điện hạ có lẽ hôm nay sẽ về tới Kinh Đô, trước khi rời kinh vẫn chưa xây phủ riêng, nay ở trong cung hay là ở phủ đệ bên ngoài? Ngoài cung cũng đã chuẩn bị chỗ ở cho Tam điện hạ.
Lý Thiên Hựu cười nói:
- Đương nhiên là vẫn ở trong cung rồi. Tam đệ nhiều năm ở ngoài, Trương Thái phi nhất định rất nhớ nó. Cứ ở nơi trước kia nó ở, trẫm đã dặn dò nội thị quét dọn hầu hạ rồi.
- Thế thì tốt quá. Còn một chuyện nữa, trước khi băng hà Tiên đế có dặn, hôn sự của Tam điện hạ và An gia tứ tiểu thư phải tiến hành ngay trong vòng trăm ngày sau khi người qua đời, nếu không lại phải chờ ba năm, chuyện này Trương Thái phi cũng biết. – Nụ cười của Đoan Vương rất vừa phải. m thầm quan sát Thiên Hựu, lòng thầm tính toán nên nói chuyện lập hậu như thế nào.
Bộ long bào màu vàng khiến gương mặt thanh tú của Thiên Hựu càng thêm phần uy nghiêm, thắt lưng vẫn buộc một dải băng tang màu trắng. Đoan Vương bỗng dưng cảm thấy Thiên Hựu thật sự rất giống Tiên đế, đều có gương mặt tưởng chừng ôn hòa nhưng tâm tư thâm trầm. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, chàng đã hoàn toàn thích nghi và toát lên khí độ mà một vị đế vương cần phải có, từng cử chỉ, hành động không còn là của một nguời cháu luôn cung kính với ông ngày trước nữa rồi.