ã sửa sang xong, cô vốn định tìm một nhà trọ nhỏ cạnh bệnh viện nghỉ tạm, nên vội vã từ chối khéo: "Cô, cháu ở đây với cô, nếu buồn ngủ cháu sẽ ra ghế sô pha bên ngoài chợp mắt một lát".
Bà Khương đang định khuyên thêm, nhưng Khương Thượng Nghiêu đã nói: "Nhị Hóa đã đặt cho em một phòng ở khách sạn đối diện bệnh viện này, anh đưa em qua đó".
Không có sự cho phép của anh, Đại Lỗi sao dám tự ý quyết định, như thế cũng hợp lý, đúng với ý cô. Khánh Đệ đáp: "Vâng".
Sắp xếp đồ xong, cô cố ý giữ khoảng cách với anh, khách sáo nói: "Anh cũng về ngủ một giấc đi, mắt đỏ hết cả rồi". Đôi mắt đỏ vằn đó, ánh mắt khó đoán biết đó, vẻ mặt lạnh lùng đó đều khiến trái tim cô không thể bình tĩnh được.
Anh dựa người vào cửa nhìn cô, bao nhiêu lời muốn nói còn đang ngập ngừng nơi cổ họng, dường như khó có thể kìm nén được sự hỗn loạn ấy, bèn hắng giọng, nói: "Có gì gọi điện cho anh".
Sau khi đi ra, Khương Thượng Nghiêu đứng ngoài hành lang, hy vọng cánh cửa kia sẽ lưu luyến mở ra, một giây, hai giây, ba giây... Cuối cùng, cửa thang máy phía cuối hành lang bỗng "Tinh" một tiếng, từ từ mở ra.
Anh do dự, bàn tay giơ cao rồi lại nặng nề buông xuống, buồn bã rời đi.
Ngày hôm sau, bệnh tình của bà có chút tiến triển, không cần dùng máy thở nữa, có thể nghe rõ âm thanh yếu ớt phát ra từ cổ họng: "Khánh Đệ".
Biết bà vốn ưa sạch sẽ và thích dọn dẹp, Khánh Đệ giúp bà rửa mặt chải đầu. Bà hơi nghiêng đầu, nhìn cô qua khóe mắt, cố gắng nở nụ cười với cô. Nước mắt Khánh Đệ bất giác giàn giụa, giọng nói pha lẫn những tiếng sụt sịt: "Cháu rất khỏe, bà yên tâm. Đợi bà khỏe lại, cháu đón bà qua chỗ cháu chơi".
Bà mê man nói được mấy từ "Cháu...", sắc mặt như mong đợi, Khánh Đệ đoán được ý bà, bèn lắc đầu, phớt lờ ánh mắt như đang nhìn xuyên thấu tâm can cô từ phía sau, nói thật: "Cháu còn phải học nữa, không có tâm trạng nghĩ tới chuyện đó, một mình cháu rất thoải mái".
Bà thở phào một hơi, sau đó lại nhìn cô thương xót. Khánh Đệ cố cười: "Cháu thật sự rất tốt mà. Bán quần áo, viết văn, tiền kiếm được đủ nuôi sống mình. Buổi tối đến trường đại học bên cạnh nghe dự thính, thỉnh thoảng còn được xem một hai bộ phim. Bà yên tâm, bà nhé?".
Đợi bà ngủ say, Khánh Đệ gọi điện cho em gái, buổi chiều Ái Đệ cùng mẹ đến bệnh viện thăm bà.
Hai năm không gặp con, mẹ Khánh Đệ đương nhiên khóc lóc sướt mướt, nhìn bà lão nằm trên giường bệnh, mặt mày đau khổ thở dài liên tục, cằn nhằn Khánh Đệ: "Cuộc sống yên ổn thì không sống, đi xa như thế. Thời gian hai năm này, nói không chừng bà đã có phúc được bế chắt rồi, dù sau này nhắm mắt cũng chẳng có gì phải nuối tiếc".
Cũng giống như trước đây mỗi khi đối diện với sự bất lực của mẹ, lần này Khánh Đệ cũng vẫn trầm mặc như thế, chỉ có điều cô im lặng vì quá chua xót.
Ái Đệ liếc nhìn chị gái đang cúi gằm mặt, giọng trách cứ mẹ: "Xem mẹ kìa, những lời đó cứ quanh quẩn nói đi nói lại, mẹ không thấy chán à?".
Khánh Đệ đưa cho em gái số tiền mình mang về, "Cứ cầm lấy trước, sau này có chị sẽ gửi vào tài khoản của em".
Ái Đệ lập tức từ chối: "Chị ở bên ngoài khó khăn vất vả, tiết kiệm được chút tiền có dễ gì đâu?".
"Bảo em cầm thì cứ cầm đi. Chị có phải vì em đâu, vì mẹ chúng ta." Khánh Đệ không tiện phân trần, liền nhét tiền vào túi Ái Đệ, thở dài: "Sớm mua nhà rồi đón mẹ ra ngoài ở nhé".
Hai năm nay, Ái Đệ chẳng có dấu hiệu mang thai gì, nhà chồng ba thế hệ sống chung, quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chị chồng em dâu khó có thể tốt đẹp được, cãi vã liên miên. Mặc dù trong điện thoại, Ái Đệ chẳng kể chi tiết, nhưng người con gái từng một thời nhan sắc rực rỡ giờ đã chất chứa ưu phiền, bộ dạng cố làm ra vẻ hạnh phúc trước mặt, khiến người làm chị như cô không khỏi xót xa.
"Năm nào cũng muốn mua nhà, năm nào giá nhà cũng tăng." Ái Đệ cười khổ, "Chị thì sao? Phải giữ lại một ít mà nộp học phí chứ?".
"Cũng chẳng biết có thi đỗ không, còn phải nửa năm nữa, thi đỗ, chị cũng có cách khác."
Tiễn em gái và mẹ xuống lầu, vừa lúc gặp mẹ Khương Thượng Nghiêu. Từng là hai bà thông gia, giờ mặt đối mặt, cả hai đều không giấu nổi vẻ gượng gạo, cùng thở dài.
Quay lại phòng bệnh, bà Khương ngập ngừng hỏi: "Bà thông gia... Mẹ cháu sao không ngồi thêm chút nữa?".
"Mẹ cháu vội về nhà nấu cơm, việc làm ăn của Tiểu Ái cũng không thể bỏ đó quá lâu." Khánh Đệ giải thích, "À phải rồi, cô ơi, anh Khương nói công ty có chút việc, tối mới đến".
"Ngày nào cũng không ở nhà, ở nhà thì trốn trong phòng một mình." Bà Khương đưa cho Khánh Đệ quả quýt đã bóc vỏ, buồn rầu nói: "Cũng tại cô, mỗi lần tức lên lại chẳng thể khống chế được, đánh rất đau".
Khánh Đệ im lặng không nói gì, chỉ chăm chú bóc sơ bên ngoài quả quýt. Bà Khương thầm than trong lòng, con bé này có lẽ thật sự không định quay về rồi. Chẳng nói chẳng rằng, rất giống với tính khí bướng bỉnh của bà, hoàn toàn không cho bản thân một con đường lui. Phụ nữ bướng bỉnh cũng đồng nghĩa với việc phải chịu tội, nghĩ đến cảnh cô trốn tới một nơi xa xôi, lòng thương xót: "Khánh Đệ, hai năm nay có ổn không?".
"Ổn ạ." Khánh Đệ nhìn người phụ nữ trước mặt cười, "Thời gian đầu cháu còn chưa quen, cũng may có bạn học giúp đỡ. Sau đó, bạn cháu ra ngoài thuê nhà ở với bạn trai, cháu cũng chuyển ra. Giờ đang ở gần Học viện Điện ảnh, quen rất nhiều bạn, chuẩn bị thi nghiên cứu sinh ạ".
Những ngày tháng sống trong căn hộ dưới tầng hầm gần Học viện Điện ảnh là thời kỳ đen tối nhất với cô, nhưng cũng từ đó, trái tim khô héo vì yêu, trái tim bị tàn phá nặng nề của cô đã từ từ hồi sinh.
Các căn nhà trọ xung quanh đa phần là nữ sinh chuẩn bị thi đại học. Trên hành lang thường xuyên bắt gặp những thân hình mảnh dẻ đang tập ép chân, đi ra đi vào đều đụng phải những bộ mặt trẻ trung tự tin, tiếng cười tiếng nói vang lên không ngớt. Bầu không khí luôn luôn tràn ngập mùi hương của son phấn. Cô đã học theo các bạn cùng phòng cách đánh phấn trang điểm, cách trà trộn vào lớp để xem phim.
Trốn trong góc khuất của phòng chiếu phim trong Học viện Điện ảnh, đợi ánh sáng từ từ trải các mảnh đời khác nhau lên màn bạc, lần đầu tiên cô đã tập trung toàn bộ sự chú ý và hòa mình vào những buồn vui hợp tan trong đó. Sau này, cô dần dần khống chế tâm trạng để không bị cuốn theo những cảm xúc ấy, mà quan sát và cảm nhận sự hỗn độn của tính cách mỗi nhân vật trong từng câu chuyện, sự nặng nề của cuộc sống, sự cảnh tỉnh của tinh thần.
Mỗi một phút giây trải nghiệm, cô đều cảm thấy đau đớn.Nhưng, khi nỗi đau ấy qua đi, cô lại được đích thân chứng kiến quá trình lành lại của tâm hồn.
Trong mấy tháng ấy, lần đầu tiên Khánh Đệ ý thức được rằng cuộc sống hơn hai mươi năm qua của mình thật nhạt nhòa và cằn cỗi, đồng thời cũng đột nhiên nhận ra, cô đang đứng rất gần giấc mơ của mình.
"Vậy... không định quay về nữa phải không?" Khương Phượng Anh cũng đã có tuổi rồi, bà dần dần cảm thấy chẳng còn mặn mà với nhân thế nữa, bao nhiêu người xuất hiện, rồi bao nhiêu người ra đi, không nằm ngoài kết cục phân ly. Nhưng nhớ những ngày xưa, Khương Phượng Anh vẫn không tránh khỏi buồn bã: "Bọn trẻ các con, từng đứa, từng đứa bỏ đi... Khánh Đệ, xin con hãy nghĩ lại, bản tính của Nghiêu Nghiêu không xấu, từ nhỏ nó đã là đứa hiểu chuyện, chỉ nhất thời mê muội mà thôi".
Tay bà Khương khẽ run rẩy, ánh mắt thể hiện rõ sự cầu khẩn, Khánh Đệ chỉ biết nắm lấy tay bà, cắn chặt môi, nhưng cuối cùng vẫn kiên quyết nói: "Cô, cháu xin lỗi".
Nhớ lần trước khi hai người gặp nhau ở bến xe đối diện với trại giam Dã Gia Sơn, Khánh Đệ đã nói với bà Khương rằng "Cô, cháu xin lỗi, cháu không thể hứa với cô". Cô kiên quyết không từ bỏ.
Lần này cũng vẫn câu nói ấy, Khánh Đệ kiên quyết không quay đầu.
Một thứ tình cảm bị thời gian chia cắt ở hai bờ con nước, cô hôm nay và cô của ngày xưa đứng hai bên bờ nhìn nhau, không phải không buồn đau.
Khánh Đệ đi dạo quanh Vấn Sơn. Cảnh vật ở thành phố nhỏ này vẫn thế, có điều trên đường xuất hiện nhiều loại xe của thương hiệu nổi tiếng hơn. Cô bỗng nhận ra mình đang bước về hướng khu tập thể đường sắt, bất giác dừng chân lại. Là cảm giác xa cách mà gia đình cậu Khương Thượng Nghiêu vừa rồi mang đến khiến cô nảy sinh ý định đi về nơi mình đã từng rất thân thuộc ấy, hay do cảm giác nuối tiếc vẫn chưa thể buông tay?
Nhìn khắp nơi xung quanh, Khánh Đệ đang đứng trước Cung Văn hóa Đường sắt. Vẫn vắng vẻ như chín năm về trước, khi ấy, cũng chính nơi này, bốn người bọn họ đã đứng đợi cô từ từ xuất hiện trong bóng tối. Hai người họ tay đan chặt vào nhau, tình cảm ngọt ngào như chẳng quan tâm tới ánh mắt của người khác, hình ảnh đó đã từng giày vò trái tim hèn nhát tự ti của cô không biết bao nhiêu lần, cho tới tận khi cô và anh có được cái ôm hôn đầu tiên ở thôn Nam, ánh bình minh chiếu sáng trái tim người con gái đang yêu, lúc ấy sự ảm đạm trong tình cảm của cô mới dần được dỡ bỏ.
Tất cả đều đã qua rồi.
Khánh Đệ lặng lẽ cúi đầu quay lại, bất chợt nghe thấy tiếng ai đó gọi: "Nhạn Lam". Cô cứ nghĩ mình đang hoang tưởng, nhưng khi tiếng gọi gấp gáp thứ hai vang lên, cô kinh ngạc quay đầu.
Cung Văn hóa Đường sắt vào khoảng bảy, tám giờ tối, những đám đông loanh quanh trước rạp chiếu phim, một người phụ nữ trung niên vừa cất tiếng gọi "Nhạn Lam" vừa đuổi theo, rồi vội vã kéo áo cô gái phía trước lại.
Bóng dáng quen thuộc khiến Khánh Đệ dừng bước, ngay sau đó cô cũng chạy đuổi theo.
Cô gái bị túm áo kia tóc buộc cao, mặt đỏ bừng cố giằng ra khỏi người đang túm chặt áo mình. Người phụ nữ trung niên cố gắng níu chặt, cầu khẩn: "Nhạn Lam, về nhà với mẹ đi. Mẹ làm nhiều món lắm. Con xem". Một tay lần tìm trong túi áo, nhưng chẳng có gì: "Con xem, con xem, rất nhiều tiền, đều dành mua đồ ngon cho con và Trình Trình đấy".
Tim Khánh Đệ đập thình thịch, chạy lên mấy bước, chỉ nghe thấy cô gái ấy khẽ tiếng giải thích: "Bác nhận nhầm người". Hai người đi cùng cô gái cũng nói: "Bác gái này, đầu óc bác có vấn đề à, giữ bừa người trên phố thế".