Chẳng hiểu sao hình bóng Xi Vưu lại hiện ra trước mắt nàng, hắn đã lớn lên giữa một vùng non nước thế này ư? Liệu hắn có biết đánh cá không? Hắn cũng biết hát những khúc sơn ca lanh lảnh mà tình tứ như vậy sao? Hắn đã từng hát cho ai nghe chưa nhỉ…
Suốt đêm A Hành không sao chợp mắt, mãi đến gần sáng mới mệt quá ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy, nàng thấy mặt trời ngả về Tây, A Tệ đã đỗ xuống một sơn cốc tự lúc nào.
Nàng trở mình ngồi dậy, giơ tay chạm vào Xi Vưu bên cạnh, thấy người hắn nóng hầm hập, vết thương đã trở nên nặng thêm.
Nhìn quanh bốn bề đều là núi đồi trùng trùng điệp điệp xanh mướt một màu, A Hành ngỡ ngàng hỏi Liệt Dương đang đậu trên cành: “Xi Vưu có nói với mày là đi đâu không? Hay là mày lạc đường?”
Bị A Hành vặn hỏi, Liệt Dương vô cùng bực bội, bèn giơ một cánh lên hùng hổ ra hiệu với nàng rồi quay ngoắt đi.
A Hành lòng như lửa đốt, nàng không biết y thuật nên nhất định phải tìm một người hiểu y thuật để chẩn trị cho Xi Vưu, đột nhiên nghe loáng thoáng đằng xa có tiếng động, nàng bèn lại đó xem sao.
A Hành đi trước, A Tệ cõng Xi Vưu theo sau, còn Liệt Dương nghênh ngang đậu trên đầu A Tệ.
Vòng qua một khe núi, đột nhiên trước mắt nàng bừng sáng.
Một dòng sông rộng từ sơn cốc uốn mình chảy ra, đôi dải núi xanh bên bờ trải dài bất tận, ráng chiều rơi rớt chênh chếch rọi lại từ sườn núi thấp bên kia, nhuộm đỏ ối ngọn núi đối diện. Gió thổi xào xạc lá cây, cả ngọn núi đều lấp lánh ánh vàng.
Mặt nước mênh mông ngập đầy ráng chiều lấp loáng, mấy người dân chài đang chống thuyền giữa dòng đánh cá, vung mạnh tay tung tấm lưới lấp lánh ánh bạc lên cao, tấm lưới từ từ buông xuống dòng sông, rõ ràng chỉ là tấm lưới gai thông thường, vậy mà lúc này lung linh ánh bạc hòa cùng ráng vàng lấp loáng trên mặt sông, khiến người khác trông vào mà hoa cả mắt, còn đẹp hơn cả tơ Nguyệt Quang mà mẹ nàng dệt nữa.
Đám dân chài hô vang một tiếng, vừa hò dô vừa chung tay kéo lưới lên, cá trong lưới đua nhau búng khỏi mặt nước, quẫy đuôi uốn mình trên không làm nước bắn tung tóe, ráng chiều phản chiếu khiến cả mặt sông lung linh bảy sắc cầu vồng.
Vất vả bận bịu đến thế, mà cũng tràn đầy sức sống, sôi động nhường kia.
A Hành dừng sững lại, ngây người ra nhìn.
Nhìn bầy cá nhảy tanh tách, đám dân chài thảy đều mừng rỡ, một gã thanh niên vừa ra sức kéo lưới vừa cao giọng hát vang, tiếng ca ồm ồm mà phóng khoáng lan đi thật xa trong sơn cốc.
“Ơ… Trời ngả bóng, cá đầy khoang,
Ca vang ướm ý cô nàng xem sao?
Non cao nước đổ rì rào,
Cây cao tán rộng lao xao ong về.
Này cô em hái dâu kia,
Đeo gùi hái khắp bốn bề núi non,
Em yêu ơi có biết không,
Nhớ em ta những héo hon dạ này…”
Gã đánh cá còn chưa dứt lời đã nghe một giọng nữ lanh lảnh từ trên núi đưa sang.
“Chàng là cây lớn đỉnh non,
Em dây mây vấn vít sườn núi xanh,
Chàng cao em thấp vẫn tình,
Níu chân quấn quýt quanh mình chàng ơi,
Chừng nào chàng mệt rã rời,
Thời em đây mới buông lơi cho chàng…”
Núi rừng cách trở nên không trông thấy cô gái đâu cả, nhưng tình cảm nồng nàn như lửa mà cô giấu trong giọng hát đã lan theo tiếng ca trên núi đưa xuống, làm rạo rực cả mặt sông.
Đám dân chài cười rộ lên, gã trai vừa cất tiếng đắc ý khoái trá ra mặt.
“Chàng cao em thấp vẫn tình, níu chân quấn quýt quanh mình chàng ơi, chừng nào chàng mệt rã rời, thời em đây mới buông lơi cho chàng…” A Hành nghĩ một lát mới hiểu ra ẩn ý trong lời ca, liền đỏ mặt tía tai vì ngượng, đây là lần đầu tiên nàng thấy người ta ngang nhiên bày tỏ chuyện nam nữ thế này.
Thấy dân tình nguyên sơ thuần phác lại nhiệt tình thẳng thắn như vậy, nàng đã lờ mờ đoán ra mình đang ở đâu. Nghe đồn có một dải man hoang không theo giáo hóa, người trên đại hoang vẫn gọi là Cửu Lê, núi non ở đó rất cao, sông nước rất đẹp, thanh niên nơi đó đều cường tráng như non cao, thiếu nữ lại mỹ lệ như nước mát.
A Hành quay sang dặn A Tệ mấy câu để nó cõng Xi Vưu lánh đi, còn nàng men theo con đường mòn lên núi trong tiếng ca lảnh lót.
Trên sườn núi lúp xúp những nếp nhà sàn, lưng tựa vào núi, mặt quay ra sông, tầng trệt để lùa gia súc vào trú mưa tránh gió, còn tầng hai làm chỗ ở, có cả sân thượng nhô ra để trồng hoa cỏ hay phơi lưới. Bây giờ đang là lúc mọi người về nhà sau một ngày làm việc, khói bếp bắt đầu lững lờ bốc lên trên những nếp nhà.
Thấy A Hành ăn vận khác hẳn mọi người, ông lão dắt trâu nheo mắt cười quan sát nàng, chú nhỏ lấy rau lợn cũng cười hì hì liếc trộm nàng.
Ông lão râu bạc vai vác cuốc, tay dắt trâu còn cười cười hỏi nàng: “Cô nương là người nơi khác đến phải không?”
A Hành cũng gật đầu cười hỏi: “Nơi đây là Cửu Lê ư?”
Ông lão cười ha hả, “Đây là nơi ông bà tổ tiên ta đã sống hết đời này sang đời khác, bản này tên gọi Đứa Ngõa, có điều nghe nói người ngoài gọi chung cả trăm ngọn núi ở đây là Cửu Di hay Cửu Lê gì đó, cô nương tới đây là để…”
“Cháu nghe nói trong vùng rừng núi Cửu Lê có rất nhiều loại thảo dược nên tới đây tìm hái vài thứ đấy thôi.” Vùng man hoang này rất hiếm dấu chân người lai vãng, A Hành không muốn gây chú ý, đành giả làm người hái thuốc, thân phận tốt nhất dành cho những kẻ lãng du đây đó.
Ông lão nhiệt tình nói, “Cô nương chưa tìm được chỗ nghỉ ư? Con trai cùng cháu nội lão vào núi đi săn rồi, trong nhà có phòng trống, nếu cần cô cứ ghé nhà lão nghỉ chân.”
A Hành cười đáp lễ: “Tốt quá rồi, cảm ơn… cụ ạ.”
Ông lão nào hay A Hành đã sống mấy trăm năm, nghe nàng lễ phép xưng hô liền tươi cười lộ vẻ hài lòng, dắt nàng về nhà.
“Đây là Mễ Đóa, cháu gái lão, năm nay mới mười mấy tuổi thôi, không biết hai người ai nhiều tuổi hơn ai?” Ông lão ngồi xổm bên bếp lửa, vừa đun nước vừa cười cười quan sát nàng cùng Mễ Đóa.
A Hành vội đáp: “Cháu lớn hơn, cháu lớn hơn.”
Mễ Đóa đã nấu cơm xong lại thấy có khách đến nhà, liền vội vã đi ra ngoài, chỉ lát sau đã xách một chú cá tươi rói trở về.
A Hành cười cười, lựa lời hỏi thăm ông lão: “Chẳng hay ai quản lý việc trong cả bản? Có ai biết chữa bệnh không cụ?”
“Các bản đều chọn ra trưởng bản, muốn chữa bệnh thì đi cầu Vu sư, cả trăm sơn bản chúng ta ở đây mà các người gọi là Cửu Lê đó, đều mời Vu sư đến xem bệnh, thường thường muốn biết khi nào nên gieo hạt, lúc nào nên đi săn, chừng nào phải tế trời, trưởng bản đều đi hỏi Vu sư.”
“Thế ai chữa bệnh mát tay nhất?”
“Dĩ nhiên là Vu vương tinh thông bách nghệ chứ còn ai.” Ông lão vừa nói vừa đặt tay lên ngực, cúi đầu thật thấp, vô cùng cung kính và thành khẩn.
“Cháu muốn gặp Vu vương có được không?”
Nghe nàng hỏi, ông lão lộ vẻ áy náy: “E rằng không được đâu, nhưng lão có thể đi hỏi giùm cô.”
“Cụ biết Vu vương ở đâu ư?”
“Thường ngày Vu vương sống ở một bản khác, gọi là bản Xi Vưu, trong bản Xi Vưu có Tế Thiên đài, Vu vương phải bảo vệ thánh địa của chúng ta.”
“Bản Xi Vưu ư?”
Ông lão bật cười, vẻ mặt đầy kiêu hãnh: “Xi Vưu là đại anh hùng của tộc ta, nghe nói mấy trăm năm trước ngài đã cứu tất cả người trong tộc, thế nên bản vốn mang tên khác đã đổi thành bản Xi Vưu để tưởng niệm ngài.”
A Hành lại hỏi tiếp: “Bản Xi Vưu ở đâu thế ạ?”
Nghe nàng hỏi, ông lão liền cầm que cời lò vừa vẽ lên mặt đất vừa miêu tả bản Xi Vưu nằm trên ngọn núi nào.
A Hành nghe xong bèn tươi cười đứng dậy từ biệt ông lão.
Như đoán được ý định của nàng, ông lão bèn khuyên giải: “Lão nói cô nghe, bản Xi Vưu ở xa lắm, phải băng qua mấy ngọn núi nữa kia, cô cứ ăn uống rồi ngủ một giấc, sáng mai chúng ta dậy sớm chuẩn bị lương khô, lão sẽ dẫn cô đi.”
Mễ Đóa đứng ở cửa bếp vừa chùi tay vào áo vừa nhìn A Hành, có thể thấp thoáng thấy đồ ăn thịnh soạn bày đầy trong bếp, đối với một gia đình miền núi, thế này đã là dốc cả nhà cả cửa ra thết đãi rồi.
A Hành vội phân trần: “Thật không dám giấu, cháu có việc gấp phải đi một lát, mọi người cứ ăn trước đi, để phần cơm cho cháu là được, tối nay nhất định cháu sẽ về ăn cơm Mễ Đóa muội muội làm.”
Ông lão cười nói: “Vậy được, lão sẽ hâm mấy vò Ca tửu[1] đợi cô về.”
[1] Người Miêu tôn tộc Cửu Di của Xi Vưu là tổ tiên. Mỗi năm vào tháng Bảy Âm lịch, các phụ nữ trong bản người Miêu đều hái bảy loại thảo dược mà tổ tiên truyền lại đem ủ trong những chiếc cối giã gạo đặc biệt cho lên men, đến khoảng mùng chín tháng Chín lại dùng nếp trắng và nếp đen cất thành rượu, tiếng Miêu gọi là Ca tửu.
A Hành gật đầu tỏ ý cảm tạ.
Vừa ra khỏi nhà ông lão, nàng đã thấy Liệt Dương bay vù đến như chớp, luôn miệng kêu quang quác. A Hành cả kinh, nếu không có chuyện gì, Liệt Dương ắt chẳng thể cuống cuồng như thế, nghĩ vậy, nàng vội theo Liệt Dương bay đi.
Thoạt trông thấy nàng, A Tệ cũng cuống quýt chạy lại. A Hành đỡ Xi Vưu dậy, thấy mặt hắn tím tái, cả người lạnh ngắt, trong không khí thoang thoảng mùi hương kỳ dị. Nàng bèn vạch áo hắn ra, thấy vết thương đã đen bầm lại, mùi hương càng nồng nặc hơn.
Dẫu mù mờ về y thuật thế nào, A Hành cũng biết vết thương không thể bám đen, càng không thể tỏa hương nức mũi như vậy. Triệu chứng này chỉ có thể là trúng độc.
Vận linh lực thăm dò mạch tượng của Xi Vưu, A Hành lại phát hiện linh thể của hắn cũng đã bị ảnh hưởng, nàng hốt hoảng đến nỗi ngã sụp xuống đất.
Không thể là Đại ca hạ độc, tuy Đại ca tàn nhẫn nhưng tính rất kiêu ngạo, không đời nào thèm dùng tới cách này. Kẻ có thể hạ độc Xi Vưu chỉ có thể là người bên cạnh hắn. Nghe Vân Tang nói mấy chục năm nay, Viêm Đế rất coi trọng Xi Vưu, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng cho hắn tham dự, lần này lên Ngọc sơn cũng vậy, rõ ràng Vân Tang ở đó nhưng lại để Xi Vưu xử lý chính sự, đương nhiên hắn sẽ bị rơi vào thế một vai gánh lấy sơn hà. Tuy A Hành tâm tính đơn thuần nhưng từ nhỏ lớn lên trong vương tộc, nàng thừa hiểu nếu cứ tiếp diễn như vậy, tính tình quật cường của Xi Vưu nhất định sẽ đe dọa tới quyền thế lợi ích của kẻ khác, vì xung đột quyền lợi dẫn tới hãm hại ám sát là chuyện thường.
Kẻ nào muốn diệt trừ Xi Vưu nhỉ? Là Chúc Dung ư? Hay Du Võng? Cộng Công… Hay tất cả bọn họ đều góp phần?
A Hành chẳng dám nghĩ tiếp nữa, lời cảnh cáo của Đại ca vẫn còn văng vẳng bên tai, phụ vương luôn muốn xưng bá Trung nguyên, nàng tuyệt đối không thể bị cuốn vào cuộc đấu tranh nội bộ của Thần Nông tộc.
Nghĩ vậy, nàng đành ôm lấy Xi Vưu ngồi lên lưng A Tệ, “Chúng ta đi thôi.”
Nhá nhem tối, nàng tới bản Xi Vưu.
Vừa bước vào bản, nàng đã hiểu tại sao nơi đây được chọn để đặt Tế Thiên đài, nếu coi hơn trăm ngọn núi của tộc Cửu Lê như những đốt sống của một con rồng thì chỗ này chính là đầu rồng, nơi hội tụ linh khí.
Chẳng cần phí công hỏi thăm chỗ ở của Vu vương, A Hành đã thấy một căn nhà xây toàn bằng đá trắng nổi bật giữa tất cả nhà sàn bằng tre nứa trong bản, hệt như một thành trì trấn giữ đỉnh núi dồi dào linh khí bậc nhất này.
Nàng bèn đi thẳng tới trước cửa căn nhà bằng đá trắng.
Mấy thiếu niên đang tíu tít trong sân đều để trần cánh tay, bên dưới mặc quần ống rộng, đi chân đất. Trông thấy A Hành, họ tò mò dán mắt vào nàng, chẳng hề e ngại bản thân ăn mặc lôi thôi.