y với cô ấy, sau đó nói rằng Nhiếp Nhị vẫn còn tơ tưởng tới cô ấy, khuyên Nhạn Lam nên nghĩ đến chi phí phải trả cho mẹ cô đang nằm viện điều dưỡng, chi bằng đi theo Nhiếp Nhị, dù gì lấy ai chẳng thế.
Mọi việc không trôi đi dễ dàng như vậy, qua hai năm, khi tất cả bọn họ ai cũng đã chấp nhận số phận, khi họ chờ đợi mọi thứ thay đổi, thì Nhiếp Nhị đã để lộ âm ưu độc ác mình chuẩn bị từ lâu.
Có bức di thư này, ông chú đã lâu không lộ diện của Nhạn Lam đột nhiên xuất hiện, danh chính ngôn thuận tiếp nhận việc ấy từ tay cô Khương, tức giận đòi nhà Ngụy Hoài Nguyên bồi thường một món tiền, rồi dấm dúi lén lút, chỉ chia một nửa cho mẹ Diêu Nhạn Lam làm chi phí chữa trị và tiền dưỡng lão.
Còn Nhạn Lam, được chôn cạnh mộ của em trai.
Cuối tháng Tám, Khánh Đệ thu dọn hành lý. Lần này, cô khẳng định mình sẽ rất lâu nữa mới quay lại Vấn Sơn. Từng cọng cỏ ngọn cây, làn gió ấm áp, đám mây trôi ở Vấn Sơn, tất cả đều khiến cô thấy chán ghét vô cùng. Khánh Đệ có cảm giác chỉ cần lưu lại thêm dù chỉ một giây thôi, sớm muộn gì cô cũng bị cơn ác mộng này quấn lấy, kéo xuống vũng bùn. Cho dù thế giới ngoài kia cũng đầy rẫy gai góc cạm bẫy, đầy rẫy nguy hiểm, nhưng chỉ cần có làn không khí mới, cô tin mình sẽ có sức mạnh để đối phó, lãng quên chúng.
Thu dọn đồ đạc xong, cô nhét lá thư còn chưa bóc vào trong túi, đột nhiên nghĩ đến hình ảnh Diêu Nhạn Lam dưới ánh đèn ngày hôm ấy, trái tim cô như thắt lại, xót xa.
"Chị." Khánh Đệ đứng dựa lưng vào cửa, rụt rè gọi cô.
Từ khi Ái Đệ không chịu nổi sự cắn rứt của lương tâm, thẳng thắn kể lại cho cô nghe chuyện Diêu Nhạn Lam tới tìm nó vào đúng hôm cô ấy tự sát, quan hệ giữa hai chị em họ căng như dây đàn. Thỉnh thoảng Khánh Đệ vẫn hối hận, nghĩ mình không nên tát em gái, từ nhỏ tới lớn hai chị em cô không ngày nào là không sống trong cái bóng của sự bạo hành, cô không nên dùng phương thức mà cả hai đều ghét để xả giận trong lòng mình. Có lúc cô lại nghĩ nếu hôm ấy cô gặp được Diêu Nhạn Lam, sau khi được cô khuyên giải liệu Nhạn Lam có quyết định kết thúc cuộc đời mình nữa không, thế gian này liệu có tươi sáng hơn không?
Khánh Đệ cầm túi lên, đi đến định đưa tay vuốt tóc em gái, khi vừa đưa tay ra thấy Ái Đệ bất giác co người lại. Cô bối rối lại áy náy mỉm cười nhìn Ái Đệ, nói với em: "Hãy chăm sóc cho mẹ và chính mình, chăm chỉ lo việc ở cửa hàng nhé".
Ái Đệ gật đầu, buồn bã hỏi: "Bao giờ chị lại về? Quốc khánh hay Tết?".
"Xem tình hình thế nào đã."
"Vậy em, khi em đến Nguyên Châu lấy hàng có thể tới tìm chị không?"
Khánh Đệ gật đầu.
Mẹ Khánh Đệ vẫn luôn thấp thỏm lo lắng trước sự khách sáo xa lạ của hai chị em bao ngày nay, nháy mắt với đứa con gái nhỏ, ý bảo cầm lấy túi hành lý cho cô, dặn dò thêm vài câu, rồi tiễn hai chị em xuống dưới.
Khánh Đệ đứng dưới tầng quay lại nhìn về phía ban công nhà mình, nghĩ đến việc cuối cùng cũng có thể rời khỏi cái nơi mà cô luôn mong muốn chạy trốn này, nghĩ đến việc cô vẫn còn có thể tiếp tục đi học đi làm, cô vẫn còn một quãng đường rất dài trước mắt nữa phải đi, con đường phía trước chưa chắc đã bằng phẳng, nhưng ít ra vẫn sẽ có ánh mặt trời xuyên qua sương mù chiếu tới, đột nhiên cô cảm thấy vô cùng vui sướng nhưng cũng rất đỗi buồn bã.
Đến ga tàu, trên bảng điện tử lớn ở sân ga không ngừng lưu chuyển thông tin về giờ tàu chạy và ga đến, Khánh Đệ vừa ngẩng đẩu lên, hai chữ Dã Nam thật nhức nhối đập vào mắt cô. Liệu ở đằng sau bức tường cao và dày kia, anh có biết tất cả những chuyện này không? Anh sẽ đau đớn tới mức nào? Đời người nghiệt ngã, ngoài việc thẫn thờ chờ đợi ra, bạn còn có thể làm cách nào để chống lại sự sắp xếp của số mệnh nữa?
"Chị, phải vào ga rồi."
Con tàu xinh xịch, xinh xịch rời khỏi ga chạy về hướng Nguyên Châu, sau khi sắp xếp xong hành lý, Khách Đệ đứng ở chỗ nối giữa hai toa tàu, phóng tầm mắt nhìn Vấn Sơn đang lùi dần lại phía sau. Rất lâu sau đó, cô móc trong túi áo ra lá thư đã bị cô gấp nhăn nhúm, cẩn thận xé phong bì.
Khánh Đệ:
Chào em!
Hãy tha thứ cho chị đã làm phiền em hết lần này tới lần khác, nhưng từ lần đầu tiên gặp nhau trong trường cho tới khi thân thiết, chị đã vô thức coi em là người tri kỷ trong cuộc đời, thậm chí còn ngưỡng mộ em như một thần tượng. Sự tỉnh táo của em, sự khoan dung của em, sự bình thản của em, là sức mạnh mà chị không bao giờ có được khi chị suy sụp, gục gã.
Chị thường nghĩ, một người, phải cần có bao nhiêu can đảm mới có thể chống lại được sự nghiệt ngã của số phận? Phải cần tỉnh tảo thế nào mới có thể nắm bắt được một tia hy vọng nơi tâm hồn hoang dã? Còn phải thông minh tài giỏi tới đâu để tránh được cạm bẫy giăng đầy, bình an đi tới bến bờ chị muốn?
Số phận chẳng qua là một con phù du (1), mà chị, chỉ là một thứ sống ký sinh trên người nó...
Khánh Đệ từ từ trượt người theo thành tàu ngồi xuống, tay run run nắm chặt lá thư, khóc không thành tiếng.
Số phận chẳng qua chỉ là một con phù du mà thôi.
(1) Phù du: Một họ côn trùng, ấu trùng sổng trong nước một năm đến sáu năm, thành trùng có hai cánh, thường bay trên mặt nước, chỉ sống được từ mấy giờ đến một tuần lễ.
Phòng giam số mười hai khu số ba của trại giam Dã Gia Sơn, mười hai chiếc giường khung chia làm hai dãy kê sát hai bên tường.
Giường của Khương Thượng Nghiêu là tầng một của chiếc giường đầu tiên nằm phía bên trái, một vị trí vô cùng đẹp. Còn lý do vì sao anh lại được chuyển tới chỗ nằm này, đương nhiên bởi không tránh khỏi liên quan tới vụ án mạng xảy ra ở trại tạm giam. Trên thực tế, từ sau lần đó cho tới khi lên núi, đã không còn ai dám thử vuốt râu hổ nữa. Cho dù là cán bộ quản giáo cũng cư xử với anh khách khí mấy phần. Khương Thượng Nghiêu không phải người không biết điều, người khác kiêng dè với thế lực đứng sau anh, nhưng sự tình thế nào anh là người rõ hơn ai hết, vì vậy bình thường anh vẫn tuân theo mọi quy tắc trong trại giam, nên rất được lòng các cán bộ quản giáo. Trong mắt những phạm nhân khác, thái độ hòa nhã của Thượng Nghiêu càng khiến anh thêm thần bí, nên cư xử với anh hết sức cung kính. Dù đã giải thích mấy lần, cuối cùng cũng đành cười mặc kệ họ ngộ nhận.
Trải qua hơn một năm cải tạo lao động, da anh đã dần trở nên thô ráp, những đường nét nơi khuôn cằm cũng góc cạnh hơn. Đôi lúc soi gương cạo râu, anh sẽ đứng quan sát khuôn mặt xa lạ trong gương một lúc thật lâu, sau đó mỉm cười chế giễu. Cơ thể mảnh khảnh gầy yếu trước kia giờ đã cường tráng hơn nhiều, nằm thẳng trên giường rộng chín mươi centimets, gần như chiếm gần hết diện tích giường.
"Khương Thượng Nghiêu, chưa ngủ à?" Lăng Vạn Cường nằm giường trên hỏi.
Anh gối đầu lên một cánh tay, mắt khép hờ đáp lại một tiếng. Lăng Vạn Cường thấy anh có vẻ không muốn nói chuyện, lật người, không dám hỏi thêm gì nữa.
Khương Thượng Nghiêu mở mắt ra, nhìn chằm chằm về phía trước một lúc lâu, rồi lần tay xuống dưới gối lấy ra một lá thư.
Dưới ánh sáng của chiếc bật lửa, anh cẩn thận đọc kỹ lại một lượt, mặc dù mỗi chữ trong lá thư này anh nhớ rất rõ, nhưng khi đọc thầm lại một lần nữa, vẫn không ngăn được sự bi thương đang cuồn cuộn trào dâng trong tim và khao khát mong muốn nhanh chóng được biết chân tướng sự việc.
Người viết lá thư này cho anh ra sức bắt chước nét chữ tròn tròn rất trẻ con của Nhạn Lam, nhưng trong những nét phẩy, nét mác (2) vẫn vô tình để lộ ra nét bút sắc nhọn của mình.
(2) Nét phẩy, nét mác: Các nét viết của chữ Hán.
Lá thư này không phải do Nhạn Lam viết, nhưng người viết nó lại dùng giọng điệu thường thấy của Nhạn Lam.
Nhạn Lam gọi anh là "Anh", sau đó giải thích lý do tại sao lâu như vậy không gửi thư tới, kể với anh chuyện học lại vất vả như thế nào, sự mệt mỏi khi chăm sóc mẹ ra sao, cả sự hoang mang của việc lần đầu tiên phải đến sống ở một nơi xa lạ khi thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Nguyên Châu, còn cả áp lực khi phải căn đo thời gian để đi tìm việc làm thêm khắp nơi. Sau đó, Nhạn Lam nói, cô ấy rất nhớ anh.
Đọc lần đầu tiên, anh gần như đã tin đó là thật.
Nhưng từ hơn một năm trước khi bị chuyển đến Dã Gia Sơn, anh đã âm thầm nghi ngờ. Sự lo lắng cố gắng giấu dưới vẻ bề ngoài thoải mái của mẹ, sự biệt vô âm tín của Nhạn Lam khiến anh âm thầm dự đoán, chắc chắn đã có điều gì đó xảy ra rồi. Nhưng giờ anh bị giam trong này, ngăn cách hàng ngàn hàng vạn dặm với thế giới tự do bên ngoài, chỉ còn cách để mặc cho nỗi đau đớn khó hiểu giày vò tâm can không ngừng nghỉ.
Hơn một tháng sau, khi Khương Thượng Nghiêu nhận được lá thư thứ hai, khuôn mặt anh thoáng hiện sự phẫn nộ vì bị lừa dối, anh nhét đại lá thư xuống dưới gối. Đến cuối năm, thư vẫn được gửi tới liên tiếp, đối phương như đã tích lũy rất nhiều điều muốn nói, việc này khiến Khương Thượng Nghiêu thấy lúng túng.
Trước Tết Nguyên Đán, anh lấy xấp thư dưới gối ra, được một tập khá dày. Anh tìm lá thư được gửi tới gần đây nhất, bóc ra đọc, quả nhiên đúng như dự đoán, đối phương đã dùng kiểu nói chuyện mà Nhạn Lam thường viết, lấy cớ kỳ nghỉ đông phải đi làm thêm, ấp a ấp úng giải thích không thể đến thăm anh vào dịp Tết.
Lý do này rất khớp với những lời giải thích của mẹ anh, anh thậm chí còn nghi ngờ hai người bọn họ trước khi hành động đã có sự bàn bạc, không, là ngấm ngầm thông đồng, hoặc những lá thư này do chính tay mẹ anh tạo ra cũng nên. Khương Thượng Nghiêu bất giác phì cười vì suy nghĩ đó của mình, chưa cười xong khóe miệng đã nhếch lên cay đắng. Ra sức che giấu như thế, là vì cái gì thì không cần nói cũng rõ. Anh úp mặt vào lòng bàn tay, gần như tự ngược đãi bản thân để bắt mình phải cảm nhận trái tim đang co thắt đau đớn, nhưng hai mắt lại khô khốc, không nhỏ ra được giọt lệ nào.