Giống như Aaron và Ngải Mễ, lớn lên trong xó xỉnh của thành phố, ngôi chùa tồi tàn, sân khấu không rực rỡ, cũng vẫn trình diễn câu chuyện đẹp.
Hoặc là những thanh niên khác, lớn lên ở trung tâm thành phố, trong những tòa nhà cao tầng. Giữa cảnh tượng rực rỡ huy hoàng, có thể vẫn trình diễn một vở kịch tồi.
Hoặc có những người khác, lớn lên trong núi thẳm, bên vùng sông nước, bên cạnh những bụi lau sậy.
Cho dù họ ở đâu, bê tông cốt thép, đình đài lầu các, hoặc là ao chuôm đồng ruộng, chỗ nào cũng có thể in dấu chân xốc nổi và cuồng nhiệt của chúng.
Tư Nhiên và chị gái cậu Lệ Lệ cũng đang ở trong độ tuổi trăng rằm. Gorki nói, tuổi thơ khổ nạn là nguồn tài sản tốt nhất của cuộc đời, chỉ có điều khi ông nói câu này, tuổi thơ của ông đã trôi qua. Chính vì thế Tư Nhiên hồi đó, trong lúc đối mặt với nguồn tài sản khổng lồ này, trong lòng không tỏ ra cảm kích.
Nhà của cậu nằm ở trong làng, thuộc dạng lập dị. Vì ba cậu đã từ bỏ ruộng đồng, về thành phố lập nghiệp. Từ nhỏ Tư Nhiên không gần gũi nhiều với ba, trong chuyện này, cậu lại đứng về phía ba. Cậu muốn được nhìn thấy ba vai đeo ba lô, đi trên con đường đồi núi rất dài. Mỗi lần cậu nhìn thấy chiếc bóng cao to đó nhỏ dần, trong lòng tràn ngập bao cảm xúc. Đương nhiên là ba cậu không biết, cậu đã trèo lên ngọn núi cao nhất trong làng, nhìn ba bước về phía chân trời. Tư Nhiên thường xuyên mơ mộng sẽ đến một ngày, cậu trở thành một điểm nhỏ, bước đi bên cạnh điểm nhỏ có phần cao lớn của ba, hai người đi ra khỏi núi, cùng làm quái vật trong mắt bà con xóm làng.
Nhưng ba cậu lại bị xe công nông chở về, thành phố là một cái lò ma quái, một số người đi vào, áo gấm vinh hoa trở về làng, một số người đi vào lại lá rụng về cội.
Xác được chở về làng, nói cũng lạ, Tư Nhiên nhìn thấy ba lặng lẽ nằm trên tấm gỗ, trước đó mọi ấn tượng của cậu về sự cao to, lực lưỡng của ông đều không còn nữa, chỉ thấy ba giống như một chiếc lá đáng thương, bị gió cuốn lên không trung, sau đó lại rơi xuống. Chị và mẹ cậu đứng bên cạnh khóc, còn cậu thì không rơi giọt nước mắt nào, cậu buồn, nhưng ngoài nỗi đau mất cha, trong lòng cậu còn có một nỗi buồn khác. Hồi đó cậu không biết nỗi buồn này là gì, cậu chỉ cảm thấy, ba nằm trên mảnh gỗ, chị và mẹ gào khóc, còn bà con làng xóm với nét mặt chai sạn đứng bên cạnh vừa nhìn cảnh ồn ào vừa cắn hạt dưa, những hình ảnh này, đều rất mỏng, mỏng như chỉ xuất hiện trên màn hình ti vi mới đúng, nhưng trên thực tế, tất cả những điều này, đều diễn ra ở ngay bên cạnh.
Cậu vẫn mang máng nghe thấy có một số giọng nói: “Sau này họ biết làm thế nào?”
“Tội nghiệp quá”.
“Từ nay hai chị em phải dựa vào nhau mà sống”.
Cậu biết có rất nhiều đôi mắt đang nhìn chăm chú vào mình, lúc này đây cậu là diễn viên, nhất cử nhất động của cậu đều sẽ trở thành món ăn chủ đạo tốt nhất trên bàn ăn của bà con xóm làng tối hôm nay ngoài món thịt kho tàu. Mất người thân, mọi người đều đã quen với cảnh khóc lóc kêu la, trạng thái đặt mình ra ngoài sự việc như thế này của Tư Nhiên là lần đầu tiên họ nhìn thấy. Làm khán giả nhiều năm, ánh mắt đều rất độc địa, họ biết kịch tính nằm ở đâu, họ biết cái đáng xem nằm ở đâu. Họ đang chờ đợi màn kịch của Tư Nhiên.
Tư Nhiên nhớ đến lần cuối cùng được gặp ba, ông về nhà ăn tết, sau đó lại trở về thành phố, Tư Nhiên đi tìm ông để nói chuyện, “Ba ạ, con…”
Cậu mới nói được một nửa, đã giật mình vì cơn thịnh nộ bất thình lình của ông, “Nói bao nhiêu lần rồi, gọi là thầy chứ! Mày học người thành phố làm gì!”
Tư Nhiên không nói gì. Ba bước đến túm cổ áo cậu, xô cậu ngã xuống trước chiếc gương mà mẹ cậu đã dùng từ lâu, “Mày nhìn đi, nhìn đi”. Tư Nhiên nhìn mình trong gương, không thấy có gì bất thường. Ba nói: “Mày ngồi yên đừng nhúc nhích”. Rồi ông vội vã ra cửa, một lát sau lại quay về, tay bưng một cốc bùn, vẫn còn đang nhỏ nước, xem ra vừa múc từ ruộng lên, ánh mắt Tư Nhiên chạm vào ánh mắt ba, đột nhiên cậu có phần hiểu ra vấn đề, từ xưa đến nay ý của ba luôn đơn giản dễ hiểu, làm sao cậu không hiểu cơ chứ, cậu nhìn khuôn mặt đen bóng của ba, trên đó đầy những nếp nhăn, đang tiến gần về phía cậu.
Ba trát bùn vàng lên mặt cậu, không còn mang theo vẻ phẫn nộ nữa, mà dịu dàng như búi tóc cho cô gái mà mình yêu thương, ông nói, “Con trai, mày là con trai của gia đình nông dân, mày là người sinh ra ở nông thôn, da mày mềm mại trắng trẻo như thế để làm gì? Mày là đàn ông, mày thử vào làng nhìn xem, mày còn trắng hơn cả con gái, tao thấy mất mặt quá!”
Tư Nhiên rất bình tĩnh, cậu chỉ vuốt mặt một cái, để bùn không chảy vào miệng mình khi nói,
“Thầy, thầy ơi, con muốn về thành phố”.
“Về thành phố? Về thành phố làm gì?”
“Về thành phố để đi hát”.
“Cái gì?”
“Trong thành có một cuộc thi hát, con muốn tham gia”.
Ba không nói gì nữa, ông bước ra ngoài, múc một xô nước dưới giếng lên, rửa sạch tay, lau tay vào gấu áo, “Trời đẹp đấy, mau mang hạt giống ra phơi đi”.
Tư Nhiên cũng đi ra theo, bùn trên mặt cậu chảy xuống, rơi từng giọt xuống đất, nét mặt cậu trốn đằng sau lớp bùn, cậu chỉ nói: “Thầy ạ, con muốn về thành phố hát”. Ba lại bước vào nhà lấy bao ra, ông chuẩn bị về thành phố rồi, Tư Nhiên bước đến theo, bùn nhỏ từng giọt xuống đất, tạo thành một đường cong nghiêng ngả, bên trong có lẽ có cả nước mắt của cậu, lúc này đây có thể được giấu đi rất kỹ.
Ba đi qua sân, trước khi ra khỏi cổng nhà, mới quay đầu lại, nói với cậu: “Có tin là tao sẽ đánh gãy chân mày hay không?”
Cậu đành phải im lặng, nhìn ba bước đi.
Sau đó ba cậu đã mất, phần quà cuối cùng ông để lại cho cậu, là khuôn mặt đắp bùn đó.
Cậu cảm thấy cổ họng mình khẽ động đậy, có một cái gì đó đang nhúc nhích, có một cái gì đó không kìm chế được, có một cái gì đó muốn bật ra.
Và cậu đã hát trong hoàn cảnh này, giọng cậu cất lên rất cao, vang lên trong đám tang gần như là nực cười này. Cậu cảm thấy mình là người hiểu ba, cuối cùng cậu đã về thành phố, sau khi trải qua rất nhiều chuyện cậu mới phát hiện ra rằng, ba cũng hiểu mình. Vẫn là câu nói đó, vì hiểu nên mới đau buồn, cũng là vì hiểu, nên mới tàn nhẫn.
Hát xong, cậu để mặc cho bà con xóm làng trợn tròn mắt.
Cậu đi lên núi, chị gái Lệ Lệ đi theo sau, cậu hát bài Hiểu người, cô đã từng nghe bài hát này, cô cũng hiểu đây là bài hát tặng cho cha, cô cảm thấy mình rất hiểu em trai, cậu bé này, thực sự rất lạ lẫm, hoặc giả nói, trên người cậu có một vùng cấm địa mà cô chưa bao giờ đặt chân tới.
“Chị”. Cuối cùng vẫn bị Tư Nhiên phát hiện ra.
Và thế là Lệ Lệ liền đi tới.
“Chị, vừa nãy em hát có hay không?”
Mấy ngày qua họ đã quá bận rộn rồi, không có thời gian dừng lại để nói chuyện, Lệ Lệ tưởng rằng lúc này đây, Tư Nhiên sẽ khóc một trận trước mặt cô, nói mình nhớ thầy biết bao. Không ngờ mở miệng ra lại hỏi như vậy, Lệ Lệ chỉ có thể gật đầu, cậu hát, cô bao giờ cũng là một thính giả trung thành.
“Chị, sau này bọn mình sẽ làm thế nào?”
Sau này? Nói thật, Lệ Lệ vẫn chưa nghĩ xa xôi như vậy, điều mà cô quan tâm, làm đám tang của ba. Cô chỉ có thể trả lời em trai mình rằng, nghe theo lời mẹ thôi.
Lúc này đây Tư Nhiên đã ngồi lên trên một tảng đá, gió thổi nhè nhẹ, hương thơm của hoa ngào ngạt, nhưng giữa cảnh đẹp, tâm trạng vẫn rất chán chường, cậu nhìn thành phố ở phương xa, một màu xám trắng khiến người ta phải rung động. Cậu chưa bao giờ giấu niềm mơ ước đó trong mắt.
Chị gái cũng ngồi bên cạnh cậu, cô vẫn đoán ra được suy nghĩ này của Tư Nhiên, “em à, có lẽ thành phố lớn không hay không đẹp như tưởng tượng đâu, em nhìn thầy đấy, nếu như cứ ở nhà thì đâu có xảy ra chuyện như vậy”.
“Thế tại sao thầy lại về thành phố?”
“Không phải là vì em đó sao, thầy luôn mong cho em được vào đại học”.
“Cho em vào đại học?” Tư Nhiên hừ một tiếng qua mũi, “chị không biết, có một hôm, thầy đã nói với em rất nghiêm túc, bảo em phải nhớ mình là một người nông dân”.
“Có lẽ là em đã hiểu lầm thầy, chị nghĩ ý thầy là muốn bắt em phải nhớ xuất thân nông dân của mình. Thực sự thầy rất lạ, thầy không muốn nhìn thấy em trắng trẻo thư sinh”.
“Điều này em biết, nói nhìn em giống con gái quá. Em là con của thầy, em như thế nào, thầy còn trách em!”
“Thôi, đừng nói nữa, cho dù thế nào thì thầy cũng đã đi xa rồi”.
Hôm đưa tang, có mấy người từ thành phố đến, chiếc xe hơi màu đen của họ đỗ ở đầu làng, hỏi đám trẻ đang chơi bi ở đầu làng nhà Tư Nhiên ở đâu. Cuối cùng một đám trẻ dẫn dường đi trước, rất nhiều bà con xóm làng theo sau, đám đông rầm rộ tiến về phía nhà Tư Nhiên.
Mẹ Lệ Lệ ra cửa đón, nụ cười của bà cũng đội tang trắng, chỉ biết nói: “Chào anh, chào anh”.
Người đàn ông mặc comle cũng cảm thấy lạ, ông ta đến để tạ lỗi, đã chuẩn bị trước tinh thần sẽ bị người phụ nữ mất chồng túm tóc mình, chuẩn bị trước tinh thần đàn ông trong làng nhìn mình với ánh mắt như muốn ăn sống nuốt tươi, hiện giờ lại như lãnh đạo đi thị sát, thật khiến người ta giở khóc giở cười. Ông ta lấy từ trong cặp ra một cái phong bì, đưa cho người phụ nữ luống cuống vì sợ hãi này, lúc đến thực ra ông ta đã chuẩn bị hai cái phong bì, nhưng bây giờ xem ra dùng một cái là đủ rồi. Lúc đầu ông ta còn mang theo rất nhiều lời thanh minh, hiện giờ xem ra cũng không cần thiết phải dùng đến nữa.
Trưởng thôn vội vã tìm đến, mời họ thuốc lá, người đó khua tay, “không hút thuốc, không hút thuốc”. Trưởng thôn quay đầu lại nói với mẹ Lệ Lệ: “cô đừng ngẩn người ở đó nữa, đi rót nước đi”. Người đó cũng ngăn lại, “không cần không cần, chúng tôi đến là để mang tiền bồi thường đến, cái này, chị ký đi, khoản tiền này là của chị”.
Trưởng thôn nhìn thấy mẹ Lệ Lệ đang cầm một chiếc phong bì lớn trên tay, “Ờ, thế đã ký chưa?”
“Không phải vừa định ký đó sao”.
“Ờ!” Trưởng thôn đã hiểu ra vấn đề, vội vỗ vào đầu mình, “tại tôi, tại tôi, các anh có cần lên ủy ban thôn để ký không?”
Cuối cùng người đàn ông đã mỉm cười, “Không cần không cần, ở đây là được rồi”.
Lúc này mẹ Lệ Lệ mới xen vào một câu: “Tôi không biết chữ”.
“Tên cũng không biết viết hay sao?” Giọng rõ ràng tỏ ý khinh miệt.
Lúc này đây đám trẻ con đứng xung quanh đều cười ồ lên, bà con làng xóm dù là biết chữ hay không biết chữ cũng đều hứ lên một tiếng, mẹ Lệ Lệ luống cuống đỏ bừng mặt. Trưởng thôn vội vàng đứng ra xoa dịu, “Cái này, điểm chỉ cũng được nhỉ”.
“Được, được”.
Tư Nhiên cũng đứng trong đám khán giả chứng kiến sự ồn ào, cậu nhìn thấy chị đứng sau lưng mẹ, đang nhìn về phía mình, ánh mắt hai người chạm vào nhau, tự nhiên lại thấy ngượng ngùng, vội nhìn ra chỗ khác.
Tối hôm đó, mẹ và chị cùng đến thăm Tư Nhiên. Mẹ đặt chiếc phong bì đó lên bàn học của cậu, “ngày mai con và chị lên thị trấn gửi tiền đi”.
Tư Nhiên không nói gì, mẹ lại nói tiếp: “Số tiền này, nếu như con đỗ đại học thì để cho con học đại học, nếu như không đỗ thì để dành cho chị con cưới chồng”.
“U, nếu con thi đỗ đại học thì chị không lấy chồng ư?”