Lê lớp ba, Ngữ văn bắt đầu có thêm tiết tập làm văn. Làm văn dành cho học sinh tiểu học không yêu cầu cao nhưng với một đám con nít tám, chín tuổi thì cũng chẳng dễ dàng chút nào. Rất nhiều cô cậu học trò không biết viết, vò đầu bứt tai, vắt óc cả buổi vẫn chẳng nghĩ ra câu nào nên hồn, cái khó ló cái khôn, chẳng cần ai dạy cũng biết đi chép văn mẫu.
Tần Chiêu Chiêu ngày đó đã thích đọc truyện tranh thiếu nhi, còn cậy vào việc biết mấy trăm chữ để mượn tiểu thuyết chương hồi của ba ngồi xem như thật, ngồi xem mấy cuốn Tiết Nhân Quý chinh tây, Tiết Đinh San chinh đông tới đoạn thú vị liền cười ha ha một mình. Có điều, cô bé cũng chỉ biết đọc chứ không biết viết, mỗi lần tới giờ tập làm văn là lại đau đầu, thường chỉ biết ngẩn người cắn bút nhìn cuốn vở trắng mở trước mặt. Cho nên cô bé cũng giống bạn bè xung quang, còn nhỏ xíu đã biết coi cọp, chép văn mẫu; mỗi lần phải làm bài tập làm văn là đi tìm những bài gần giống trong sách tập làm văn dành cho học sinh tiểu học rồi chép lại để qua mắt thầy cô.
Nhưng cô nhân vẫn có câu: “Đi đêm lắm có ngày gặp ma.” Lừa thầy gạt cô thành công được vài lần, rốt cuộc cô vé cũng bị lộ. Lần đó có đề văn “Đêm hội”, khi ấy vừa qua Tết Trung Thu, giáo viên yêu cầu học sinh trong lớp viết một bài văn tả dịp này. Tần Chiêu Chiêu về nhà mở văn mẫu, thấy một bài văn tả đêm hội tương tự liền cất bút chép theo: “Đêm rằm tháng Giêng…”
Tần Chiêu Chiêu tội nghiệp, tuổi nhỏ không hiểu rõ những lễ tết tình theo lịch âm rốt cuộc là ngày mấy tháng nào nên sai lộ liễu mà không hề hay biết, cứ như vậy nộp cho cô giáo. Nghĩ cũng biết, cô giáo dạy Ngữ văn đã dùng cả một tiết sửa bài Ngữ văn để nghiêm chỉnh phê bình, giáo huấn cô một trận, khiến cô bé nước mắt ngắn dài.
Không lâu sau, nhà trường tổ chức cho tất cả giáo viên và học sinh đi tham quan triển lãm hoa cúc ở công viên. Cô giáo dạy Ngữ văn yêu cầu học sinh đi tham quan về viết một bài văn tả cây hoa cúc, còn dặn các em mang theo giấy bút cẩn thận ghi chéo lại hình dáng, đặc điểm của cây hoa.
Lần trước Tần Chiêu Chiêu chép văn mẫu bị phát hiện đã thành nhân vật cá biệt, bị thầy cô phê bình nghiêm khắc khiến cô bé cảm thấy rất buồn khổ. Học sinh tiểu học rất để ý cách giáo viên đánh giá về mình, lúc nào cũng mong sẽ được giáo viên yêu quý, hoặc chí ít cũng không bị ghét. Lần trước bị cô giáo phê bình như vậy, cô bé rất sợ từ nay sẽ bị các thầy cô ghét nên quyết tâm lấy công chuộc tội. Vì thế lần này cô bé đặc biệt nghe lời, cô giáo nói gì cô liền ngoan ngoãn làm theo, cố gắng bộc lộ hết ưu điểm trước mặt thầy cô. Hôm đó đi tham quan triển lãm cô nhớ lời cô giáo dặn dò, mang theo bút sách ngồi trong công viên vừa nhìn vừa viết, cố gắng ghi lại thật rõ ràng hình dáng, màu sắc cây hoa cúc mà mình thích nhất. Về nhà, cô sửa sang, sắp xếp lại những ý đã ghi một chút rồi dặn bút viết ra một bài văn dài hai trang giấy.
Học sinh lớp ba mới tập làm văn có thể viết được một trang giấy đã là dài, lần này Tần Chiêu Chiêu viết những hai trang, chỉ riêng dung lượng này đã đủ khiến cô giáo kinh ngạc một phen. Cẩn thận đọc lại sẽ thấy đây đúng là bài tập cô bé tự viết, tả lại chính xác hình dáng, màu sắc của cây cúc đẹp nhất trong công viên hôm ấy, chừng này là đủ xác định bài văn này không phải đi chép văn mẫu.
Bài văn ngày đó như thế nào tới giờ Tần Chiêu Chiêu cũng chẳng nhớ rõ. Chỉ nhớ hôn ấy lên lớp, cô giáo vô cùng vui vẻ, dùng cả tiết chữa bài tập làm văn để tuyên dương cô. Với cô bé, vậy cũng như ngã ở đâu đứng lên từ chính nơi đó, trong lòng vô cùng đắc ý, ngực rướn lên thật cao, gương mặt bé nhỏ sáng bừng.
Ngày Quốc tế thiếu nhi năm ấy, Tần Chiêu Chiêu học lớp bốn, Phòng Giáo dục thành phố muốn tổ chức một buổi hội diễn văn nghệ của học sinh tiểu học. Trường dành cho con em nhân viên trong khu Trường Cơ cũng tham gia một tiết mục tốp ca, Tần Chiêu Chiêu vinh dự được chọn vào nhóm đi dự thi. Cô bé cực kỳ vui vẻ, trước kia, ngày Quốc thế thiếu nhi chỉ được biểu diễn trên bãi tập nhỏ xíu của trường, con lần này là được đứng trên sân khấu ở hội trường thành phố hẳn hoi.
Nhà trường đặc biệt coi trọng lần biểu diễn này nên quyết định sẽ thống nhất trang phục cho các học sinh tham gia tốp ca. Trước kia, mỗi khi nhà trường tổ chức hoạt động gì đều thống nhất học sinh mặc quần áo cùng màu; nam sinh mặc sơ mi trắng quần xanh, nữ sinh là sơ mi trắng kèm váy đỏ, những ai không có quần áo đúng màu phải đi mượn. Nhưng quần áo đi mượn nên kiểu dáng lộ cộ không giống nhau, màu sắc cũng đậm nhạt khác biệt, do đó không thể hoàn toàn đồng nhất được. Vì thế, lần này nhà trường quyết định thu của mỗi học sinh hai mươi đồng để may đồng phục sơ mi trắng cùng váy và quần yếm xanh. Còn giày, tất cả thống nhất cũng đi giày màu đen.
Nhà trường đề ra yêu cầu về trang phục, bọn trẻ nghe rồi về nhà máy móc truyền đạt lại cho phụ huynh. Ngày ấy, hai mươi đồng là số tiền không hề nhỏ, một công nhân làm việc ở Trường Cơ lương tháng chỉ chừng một trăm đồng. Ba Tần Chiêu Chiêu vừa nghe con gái nói xong liền nhíu mày. “Quần áo đắt quá! Còn bắt phải may giày da đen nữa, thế này vừa quần áo, vừa giày cũng bốn chục đồng rồi. Ba không mua đâu, con đừng đi nữa!”
Tần Chiêu Chiêu nghe vậy thì òa khóc, nước mắt lã chã. “Không chịu đâu, con muốn đi, con muốn đi mà.”
Cái thuở nhỏ dại bốc đồng ấy, câu cửa miệng của Tần Chiêu Chiêu chính là: “Không chịu đâu, con muốn, con muốn cơ”, đã vậy lần nào cũng khóc váng lên nghe rất khí thế.
Tần ba gay gắt. “Khóc cái gì mà khóc? Ông nội còn đang nằm viện kia kìa, đâu dư tiền mua quần áo, giày dép cho con tung tẩy biểu diễn chứ!”
Ông nội ở quê bị bệnh mấy ngày nay, người già bị bệnh tật theo bên mình, lần trước các chú các bác đưa ông vào thành phố khám bệnh vì điều kiện thăm khám, điều trị ở thành phố tốt hơn hẳn ở quê. Ba cô là người duy nhất trong cả họ sống ở thành phố, đưa ông nội lên thành phố rồi, đương nhiên mọi chuyện ở đây ba cô phải lo hết. Ông nội nằm viện nửa tháng, chi phí điều trị đều do ba cô chi trả. Bình thường cha già sống ở quê, ông không có cơ hội tận hiếu phụng dưỡng, tất cả đều dồn lên vai các anh em. Tới giờ cha già lên thành phố chữa bệnh, phí điều trị đương nhiên ông không thể thoái thác.
Viện phí không hề rẻ, riêng chuyện này đã khiến ba mẹ Tần Chiêu Chiêu xanh xám mặt mày. Kiếm tiền không dễ, tiêu pha cũng không dám hoang phí. Lương tháng của hai vợ chồng gộp vào chỉ khoảng hai trăm đồng, tạm đủ qua ngày chứ không dư dả gì. Dẫu vậy, đối với họ hàng nghèo khó ở quê mà nói, họ là người thành phố, ăn lương nhà nước, là lạc đà gầy còn hơn ngựa béo, méo mó còn hơn không, vì thế có khó có khổ cũng không cách nào than thở. Hai người chỉ còn cách cẩn thận chi tiêu, bớt được đồng nào thì bớt, tuyệt không hoang phí một xu.
Tự nhiên bỏ ra hơn bốn chục đồng sắm quần áo, giày dép đắt tiền cho con gái lên hội trường thành phố đứng vài phút hát một bài, Tần ba cảm thấy thật hào nhoáng, hời hợt, ông không hề muốn bỏ ra một số tiền ớn như vậy. Tần mẹ ngồi bên muốn nói gì lại thôi, rốt cuộc cũng không thốt một lời nào.
Thấy cơ hội được biểu diễn giữa hội trường thành phố sắp trôi qua kẽ tay, Tần Chiêu Chiêu đau lòng, một mình ngồi khóc, bỏ cả cơm chiều. Một cô bé con không thể thỏa được nguyện ước nho nhỏ trong lòng, ngoài việc khóc còn có thể làm được gì nữa đây? Nước mắt ứa ra mang theo bao nhiêu uất ức, tủi thân của cô bé, nước mắt cũng là vũ khí khiến cha mẹ mềm lòng. Rốt cuộc Tần mẹ cũng bị nước mắt của cô lung lạc, hôm sau đưa cho cô bé hai mươi đồng đi nộp tiền quần áo. Có điều, giày da thì không đủ tiền mua nên bà sẽ nghĩ cách mượn cho cô bé một đôi.
Buổi biểu diễn hôm ấy, Tần Chiêu Chiêu vinh dự được lĩnh xướng, cô bé mặc sơ mi trắng cùng váy yếm xanh lam đứng giữa sân khấu, hai má điểm hai mảng son hồng phớt, càng nhìn càng thấy going mặt búp bê mịn màng. Một chùm đèn sáng rọi lên cô bé, tất cả người dưới sân khấu đều chăm chú nhìn lên cô. Tần Chiêu Chiêu có chút căng thẳng, cất tiếng hát:
“Hãy để chúng em khua động mái chèo, con thuyền nhỏ lăn tăn sóng gợn. Mặt biển bao la in bóng tòa tháp trắng, bốn bề cây xanh tường đỏ. Bóng thuyền nhỏ dập dềnh giữa sóng mênh mông, ngẩng cao đầu đón ngọn gió mát lành…”
Ban đầu có chút hồi hộp nên tiếng hát còng phô, nhưng càng hát càng nhẹ nhàng, tiếng hát trẻ thơ trong trẻo, rõ ràng mang theo biết bao thuần khiết, ngây thơ vang vọng khắp hội trường, tiếng vỗ tay rào rào vang dội bốn bề.
ấy là ngày vinh diệu nhất trong những năm tháng học tiểu học của Tần Chiêu Chiêu.
Tiết mục văn nghệ của trường con em nhân viên Trường Cơ được giải nhì toàn đoàn. Giải nhất thuộc về màn múa tập thể của trường tiểu học thực nghiệm, giải nhất cá nhân thuộc về tiết mục độc tấu organ của một học sinh của trường tiểu học thực nghiệm – không ai khác chính là Kiều Mục. Tiếng đàn vừa vang lên như nước chảy mây trôi, thánh thót sinh động, mười ngón tay lướt trên bàn phím đen trắng như bươm bướm múa lượn khiến cả hội trường vỗ tay như sấm.
Giải thưởng được trao ngay sau đó, các “nghệ sĩ nhí” lần lượt được mời lên sân khấu nhận giải. Tần Chiêu Chiêu thay mặt tốp ca Trường Cơ lên nhận một bằng khen và một xấp sổ bìa da mềm mại, trên bìa còn in nổi một dòng chữ “Phần thưởng”, sổ này chia cho các thành viên đội hợp xướng mỗi người được một cuốn. Giải nhất tập thể mỗi người được một cuốn sổ tay bìa da cứng, giải nhất cá nhân ngoài một cuốn sổ tay bìa da cứng còn kèm theo một cây bút máy rất đẹp.
Các “nghệ sĩ nhí” nhận phần thưởng xong liền xếp thành một hàng, chuẩn bị chụp chung ảnh lưu niệm. Kiều Mục cũng cầm giấy khen cũng phần thưởng đứng cạnh Tần Chiêu Chiêu. Tần Chiêu Chiêu rất thích mấy món phần thưởng của Kiều Mục, ánh mắt ngưỡng mộ liên tục hướng về phía cậu. Liếc nhìn bằng khen trên tay Kiều Mục, cô bé chợt phát hiện mình chưa từng gặp chữ “Mục” trong tên của Kiều Mục, trước kia cô bé cứ nghĩ tên cậu là “Mộc” cơ (1).
(1). Chữ “mục” trong tên Kiều Mục mang nghĩa là “kính cẩn, cung kính”, có âm đọc giống với chữ “mộc” tức là “gỗ”. Tần Chiêu Chiêu chưa từng nhìn thấy mặt chữ, chỉ nghe âm đọc nên đơn thuần suy diễn nhầm.
Khi Tần Chiêu Chiêu vào lớp năm, bất kể nam sinh hay nữ sinh cơ hồ đều mê mẩn một bộ phim oạt hình – Thánh đấu sĩ Saint Seiya.
Tần Chiêu Chiêu cũng không ngoại lệ, cứ chiều tối là cô bé lại canh chừng để xem Saint Seiya trên truyền hình. Đúng sau giờ tối ti vi sẽ phát một tập phim, gói gọn trong mười lăm phút. Phim thường kết thúc đúng vào lúc gay cấn khiến người ta vô cùng háo hức. Hôm sau tới trường đám con trai sẽ tụ tập với nhau, bắt chước Pegasus Seiya chòm Thiên Mã, Dragon Shiryu chòm Thiên Long… Còn các cô bé sẽ chụm đầu lại, ríu rít bàn tán xem giữa Athena và Hilda ai xinh đẹp hơn, hay mình thích ai nhất trong mười hai Thánh đấu sĩ mang áo giáp vàng.
Trong Saint Seiya, mười hai vị Thánh đấu sĩ giáp vàng chỉ là các nhân vật phụ mà thôi. Trước khi chiếu phần có mười hai vị Thánh đấu sĩ mang áo giáp vàng, đám trẻ con vẫn vô cùng say mê, hào hứng với năm nhân vật chính Pegasus Seiya chòm Thiên Mã, Cygnus Hyoga chòm Thiên Nga, Dragon Shiryu chòm Thiên Long, Andromeda Shun chòm Tiên Nữ, Phoenix Ikki chòm Phượng Hoàng. Nhưng mười hai Thánh đấu sĩ giáp vàng vừa xuất hiện thì không biết bao nhiêu khan giả đổi dạ thay lòng, nhất là các cô bé. Thật ra đây cũng chẳng phải chuyện gì kỳ lạ, Thánh đấu sĩ giáp vàng quả