a nàng rang cơm cho mình ăn, trong lòng vô cùng cảm động, cái xẻng xào trong tay nàng sinh động hơn hẳn, sao nàng làm được như thế?
Thanh Thu vừa đi vừa chau mày ngửi mùi thức ăn trên người mình, dường như mùi dầu mỡ quá nặng. Buổi chiều khi ra phố mua đồ, nàng nhất định phải nhớ mua ít vải thô về may quần áo dùng khi vào bếp.
Ba hôm sau, cửa hàng đậu phụ thứ hai của trấn Vân Thủy chính thức khai trương, chủ cửa hàng là một quả phụ từ nơi khác đến, sự kiện này cũng không phải chuyện quá ầm ĩ ở đây. Mấy ngày đầu mới khai trương, phường đậu phụ lúc nào cũng nườm nượp người qua lại, các bà các cô đều tới xem, mua miếng đậu phụ về nhà làm cơm. Ai cũng khen bà chủ Thu chỉn chu, làm ăn buôn bán cũng mát tay, khách mua đậu phụ còn được tặng đậu tương, cả tào phớ, sáng sớm mà được ăn bát tào phớ mát lạnh, thật dễ chịu vô cùng.
Gà gáy ba tiếng, Thanh Thu choàng tỉnh, nàng vén rèm nhìn ra ngoài, trời vừa hửng sáng, nàng cũng chưa vội dậy mà ôm chăn ngồi trên giường rất lâu. Bản thân muốn ngủ thêm cũng không được, nàng lại mơ quay về phủ thế tử, đi hết chỗ này tới chỗ khác, từng cảnh tượng hiện ra trong đầu nàng y như thật, nhưng nàng chẳng gặp bất kỳ ai.
Trong một tháng nay, Thanh Thu đã mơ giấc mộng này mấy lần rồi, thời gian đầu nàng còn vỗ mặt tự mắng mình, đòi đi bằng được, giờ lại như thể không sống thiếu hắn vậy, thế này chẳng phải rất thấp hèn hay sao? Mấy hôm sau nàng không còn gặp giấc mơ này nữa lại có chút nhớ nhung. Đêm yên tĩnh lại bỗng nhớ nhung, nhớ nhung tới không sao chịu được. Có lẽ chỉ ở trong mơ, nàng mới có thể có được chút an ủi.
Tới khi tiếng Thụy Lân quét dọn vang lên, nàng mới từ từ ngồi dậy, vươn vai một cái rồi mặc quần áo vào, vấn tóc, trang điểm nhẹ nhàng mở cửa bước ra. Ánh mắt trời rực rỡ khiến nàng chói mắt, Thanh Thu nheo mắt đi lại trong viện mấy vòng mới tỉnh ngủ hẳn.
Thụy Lân rất tận tụy với công việc, quay sang chào nàng: “Chào bà chủ Thu”.
Mỗi lần nhìn bộ dạng nửa người lớn nửa trẻ con của cậu ra nàng lại muốn cười, nhưng nghĩ tới việc phải mở cửa bán hàng nàng lại cười không nổi: “Xay xong đậu hôm nay chưa?”.
“Rồi ạ.”
Bán đậu phụ thật sự chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, đậu phụ chính là đậu phụ, xào xào nấu nấu cũng chỉ là một món ăn, người ta không thể ngày nào cũng ăn đậu. Cửa hàng này của Thanh Thu trừ buổi sáng một chút ra, về cơ bản cả ngày rất vắng khách, thì ra bán đậu phụ kiếm miếng cơm cũng không dễ dàng gì.
Nàng ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Sau này đừng làm nhiều như thế nữa, giờ người ta mua ít, hằng ngày còn thừa nhiều như vậy, ngày nào chúng ta cũng ăn đậu phụ mà còn không ăn hết.”
“Vâng.”
Thanh Thu không chịu được cảnh nhàn rỗi, cả ngày nàng đều nghĩ cách chế biến các món ăn với hương vị khác nhau từ đậu phụ, chỉ lợi cho cả nhà Tiểu Tứ ca. Thanh Thu cảm tạ ơn cứu mạng của hai phu thê nhà họ, mỗi lần làm được món nào mới, nàng đều mang qua cho họ nếm thử.
Người ta thường nói, trước cửa nhà quả phụ nhiều thị phi, Thanh Thu tự nhận mình là quả phụ nhằm muốn thuận tiện khi làm ăn, nhưng không ngờ cũng không ít phiền phức. Nàng là người từ nơi khác đến, sau khi ở lại trấn này, đầu tiên mọi người chỉ quan sát, sau lại cảm thấy nữ tử này diện mạo cũng không tệ lại tốt tính, hoàn toàn có thể đón nhận nàng. Thậm chí còn coi nàng như người bản địa, nữ nhân mà, đương nhiên phải được gả về đây mới thật sự được coi là người ở đây.
Thường xuyên có bà mối tới tiểu viện, khen ngợi nhà trai lên tận trời, Thanh Thu chỉ yên lặng lắng nghe, thỉnh thoảng lại rót thêm trà cho đối phương, cuối cùng nàng mới nói, vì phu quân đã mất của mình, kiếp này không muốn tái giá nữa. Nhiều hơn nữa thì giữ người ta ở lại dùng cơm, tặng mấy miếng đậu phụ, nàng có đủ bản lĩnh để bịt miệng những bà mai lắm lời ấy. Dần dần những cuộc viếng thăm mai mối lại trở thành tới nhà nàng xin ăn, không còn nhắc gì đến việc làm mai cho nàng nữa.
Quả phụ tái giá thì cũng chỉ lấy được những nam tử mất vợ, trấn Vân Thủy nhỏ xíu như thế lấy đâu ra mà lắm người mất vợ được, nên người có thể phù hợp với Thanh Thu không nhiều. Thật sự không nhiều, tính đi tính lại cũng chỉ một bàn tay, trong đó có nhà họ Hồng cách phường đậu phụ của Thanh Thu ba hộ.
Hồng Bắc Hiền của nhà họ Hồng là người có học, mọi người trong tiểu trấn tôn trọng gọi là Hồng tiên sinh. Nhà họ Hồng cũng có gia sản, y học vài năm thì lên kinh thi nhưng không đỗ, bèn quay về tiểu trấn sống cạnh các con và bà vợ già. Mấy năm trước, vợ y đã mất, tới giờ vẫn chưa lấy ai, từ sau khi Thanh Thu đến đây, mở một phường đậu phụ cách nhà của y không xa. Với dung mạo của Thanh Thu, Hồng Bắc Hiền mới bắt đầu có ý định tái giá, mời bà mối đến mấy lần nhưng đều không có kết quả.
Y nghĩ mãi mà không hiểu, Hồng gia là nhà có danh tiếng ở tiểu trấn, nhà cao cửa rộng nhìn rõ ràng khác biệt hẳn với các nhà xung quanh. Mặc dù là ở tiểu trấn, nhưng điều kiện còn tốt hơn những nhà bình thường ở thành Vân Châu. Trong nhà lại có người hầu, nàng gã về nhà này sẽ làm phu nhân, từ sau khi có ý định tái giá, những người muốn được gả vào Hồng gia cũng không ít.
Cho tới tận tháng Ba sắc xuân cũng đã nhạt, Thanh Thu vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm, nàng không rảnh rỗi để nghĩ tới việc xuất giá, chỉ trông coi gian hàng này nàng đã thỏa mãn lắm rồi. Hơn nữa Hồng Bắc Hiền kia đúng là một con mọt sách chính cống, đột nhiên gặp nhau ngoài phố, Thanh Thu thì chẳng thấy thế nào, còn y lại lúng túng lùi lại mấy bước khiến nàng vô cùng bối rối. Thỉnh thoảng ban ngày hoặc buổi tối y chơi đàn, khúc nhạc mà Hồng Bắc Hiền chơi chỉ có một ý, đó là trong lòng đang nhớ nhung một nữ tử, cầu không được nên trăn trở.
Trong trấn Vân Thủy vài người có thể nghe ra tâm tư ấy, lâu dần đến những người không liên quan khi tới mua đậu phụ cũng nói hộ Hồng Bắc Hiền mấy câu. Họ vô cùng ca tụng hành động nho nhã ôm mộng trong lòng của y. Mỗi lần đến tiết mục này, Thanh Thu đều ở lì trong nhà không ra ngoài, lấy cỏ trêu con lừa khiến nó cũng sốt ruột, không ngừng kêu lên, tiếng trước dài hơn tiếng sau, át cả tiếng đàn vọng tới từ phía tây truyền tới.
“Dì Thu, đừng trêu nó nữa, nhìn nó đáng thương quá.” Người nói là Thụy Phương, em gái của Thụy Lân, cô bé mới đến phường đậu phụ, thường thắc mắc tại sao bà chủ Thu lại giày vò con lừa chăm chỉ như thế.
Thanh Thu cười xoa đầu Thụy Phương, để mặc cô bé rút cỏ cho lừa ăn, lòng thầm nghĩ nếu không làm như vậy thì sao chịu đựng nổi, thể nào cũng lao sang nhà họ Hồng kia đập vỡ cây đàn để không phải nghe âm thanh mà nó phát ra nữa. Hồng Bắc Hiền này nhất định là biết nàng, biết đây là cách tốt nhất để giày vò nàng, còn đau khổ hơn cả việc lừa không ăn được cỏ, nàng thà nghe tiếng lừa kêu còn hơn.
Người cha nghiện cờ bạc của Thụy Lân là Thụy Liêm sau khi khiến vợ tức chết đã hối hận, quyết tâm bỏ cờ bạc. Ông ta đưa con gái tới tìm con trai để chịu tội, diễn vở kịch cha con trùng phùng nước mắt nước mũi ròng ròng ngay trong tiểu viện của Thanh Thu, khiến Thanh Thu cũng rơi không ít nước mắt.
Thụy Phương mới chín tuổi nhưng cũng nhanh nhẹn và hiểu chuyện giống hệt anh trai, làm cho Thanh Thu mềm lòng liền giữ cô bé ở lại phường đậu phụ. Chỉ có điều Thụy Liêm thì không thể ở lại, đành một mình tìm đường tới thành Vân Châu, thứ nhất giữ ông ta lại không tiện, thứ hai phường đậu phụ bé tí thế kia không đủ sức nuôi nhiều người.
Hai anh em Thụy Lân, Thụy Phương một người chăm chỉ, một người đáng yêu, cuộc sống của Thanh Thu vì vậy không quá cô đơn, Thụy Phương còn nhỏ chẳng cao hơn cái bếp lò là bao, nhưng rất hào hứng với việc nấu ăn. Một hôm nàng hỏi nguyên nhân, mới biết có lần ca ca mang về cho cô bé một ít cơm rang. Nó cảm thấy rất ngon nên mới có sở thích ấy, sau này muốn học nấu ăn. Rồi khi biết món cơm rang đó do Thanh Thu làm, cô bé càng hào hứng, lẽo đẽo theo nàng mọi lúc mọi nơi, cuối cùng cũng có ngày làm được món cơm rang có mùi vị tương tự.
Thanh Thu cười xong lại thấy buồn, cô bé khi ấy nhất định là đang rất đói. Ai cũng bảo ăn khổ sống khổ, sau này sẽ thành người tài, nhưng… khi con người ta phải chịu khổ, chẳng ai còn nghĩ gì đến việc làm người tài giỏi nữa, cả đời chỉ cần không khổ không đau không oán là đủ rồi.
Đợi mãi tiếng đàn mới dứt, xem ra hôm nay Hồng Bắc Hiền quyết định chỉ giày vò nàng thế này thôi. Thanh Thu đang định làm vài món ngon để an ủi bản thân mình, thì cô con gái thứ hai nhà họ Lưu bán hoa quả trong tiểu trấn ào tới như cơn gió gọi nàng: “Bà chủ Thu, mẹ của muội nói tối nay mời tỷ qua nhà một lát”.
Con gái lớn nhà họ Lưu ngày mai sẽ xuất giá, nghe nói gả cho con trai quản gia của một hộ thương gia ở thành Vân Châu. Nói là quản gia nhưng chủ nhân thường xuyên không ở Vân Châu, nghe nói ở kinh thành, nên việc làm ăn ở Vân Châu đều do quản gia phụ trách, nhà họ Lưu vẫn luôn cho rằng mình đã tìm được một chỗ tốt để gả con nên rất đắc ý.
Ngày mai bên nhà trai sẽ từ Vân Châu đến đón dâu, hôm nay nhà Tiểu Xảo mời người tới sắp xếp phòng, nhưng giờ Thanh Thu với thân phận là quả phụ, giúp gì được? Nàng có phần do dự: “Nhị Xảo, việc này… chuyện xếp phòng nào đến lượt người có thân phận như ta làm, mẹ của muội hồ đồ rồi ư?”.
Nhị Xảo che miệng cười đáp: “Mẹ muội già thì già chứ chưa hồ đồ, chính là muốn bà chủ Thanh Thu dạy tỷ tỷ của muội nấu món canh Ngọc Dung. Mẹ nói ngày mai tỷ tỷ xuất giá, ba ngày sau phải nấu cho nhà chồng để làm tròn bổn phận con dâu, nhất định phải có vài món tủ mới được. Còn nghe nói lão phu nhân nhà đó không thích canh ngọt, nghĩ đi nghĩ lại, thấy món canh Ngọc Dung của Thu chưởng quỹ vẫn thích hợp nhất”.
“Canh Ngọc Dung?” Thanh Thu cười khổ, có hôm nàng dùng đậu phụ non nấu một bát canh, hôm ấy có bà cụ đến nếm khen ngon, hỏi tên món ăn là gì, nàng nói đại một cái tên, không ngờ bà cụ lại nhớ thế.
“Thu chưởng quỹ, tay nghề của tỷ ở trấn Vân Thủy này ai chẳng biết, nhà muội không cần tỷ phải chân truyền[1], chỉ cần bảo qua loa là được.”
[1] Truyền lại học thuật hoặc kỹ năng tinh túy của một người hay một phái nào đó.
Nhị[2] Xảo tính tình thoải mái, trẻ con người lớn trong trấn đều quý cô bé. Thanh Thu mỉm cười, cô bé và tỷ tỷ Nhị[3] Xảo của mình tính cách không giống nhau. Tỷ tỷ Nhị Xảo rất biết giữ thân phận, cảm thấy được gả vào nhà chồng ở Vân Châu quả thật không dễ, cho nên việc gì cũng hết sức thận trọng. Nàng ấy ghi nhớ mọi sở thích của kẻ trên người dưới trong nhà chồng, thận trọng thế này xuất giá còn thú vị gì nữa?
[2] Nhị này là chỉ thứ tự, nhất nhị.
[3] Còn nhị này có nghĩa là nhụy, nhị hoa.
Nhưng đấy là tân nương, sợ gả vào nhà người ta rồi, không được người ta yêu thương cũng là chuyện hết sức bình thường. Chỉ một món canh đậu phụ mà thôi, đối với Thanh Thu đấy là chuyện nhỏ, nhưng đối với Nhị Xảo thì lại là chuyện lớn, cũng phải, nàng nên đi một chuyến xem sao.
Nhà Nhị Xảo ở phía đông của trấn Vân Thủy, ngày mai có hỷ sự, nên trong nhà người ra người vào tấp nập. Thanh Thu nhìn thấy mà vô cùng ngưỡng mộ, cả đời này nàng đừng mong lấy ai nữa, với thân phận quả phụ, còn sống rất nhàn tản ở trấn Vân Thủy, gặp ai họ cũng chào một câu “Bà chủ Thu”, nàng chỉ còn biết an ủi bản thân thế là mãn nguyện rồi.
Thanh Thu coi đây là chuyện đáng vui, còn Nhị Xảo kia lại quá căng thẳng, nàng ấy không nhớ được các bước, xem ra càng để ý lại c