Hay là con người Mặc Thâm không phải vô tình vô nghĩa? Viên Hòa Đông có những suy nghĩ mâu thuẫn về chuyện xảy ra chiều nay ở phòng tiểu phẫu. Anh không bao giờ đánh giá con người hay sự việc một cách phiến diện, vì phải sớm chịu đựng nỗi đau sinh ly tử biệt với người thân yêu nhất nên anh cho rằng mọi chuyện đều có nguyên do. Tình yêu dĩ nhiên có tính mù quáng của nó. Chẳng lẽ thật sự như lời Hứa Tri Mẫn nói, anh đã hiểu lầm Mặc Thâm?
Mặc Hàm chăm sóc Hứa Tri Mẫn, còn Viên Hòa Đông phải làm nốt công việc dang dở. Anh trở về khu điều trị chỉnh sửa bệnh án của các bệnh nhân nằm viện dài hạn, khi nhìn những tờ bệnh án vừa viết xong chạy liên tục ra khỏi máy in bên cạnh máy tính, nụ cười Hứa Tri Mẫn lại hiện lên trong đầu anh theo từng trang giấy.
Những trận mưa rào mang theo sấm chớp thường bất ngờ đổ xuống thành phố R khiến người ta khó bề phòng bị. Ngoài cửa sổ sấm bỗng giật vang rền, mọi người trong văn phòng đều giật mình. Tiếng sấm làm anh thấy phiền muộn, anh nhớ lần đầu tiên anh chủ động tiếp cận cô cũng vì cô không mang ô. Cô có vài thói quen rất khó thay đổi, chẳng hạn như thường xuyên không mang ô. Chẳng qua là… anh buồn bực xếp lại chồng bệnh án… có Mặc Hàm đi cùng cô sẽ không việc gì đáng ngại.
Hết giờ làm việc, Viên Hòa Đông thu dọn đồ đạc trên bàn, thay ra bộ đồng phục làm việc, cầm theo cây ô ca rô màu xanh. Trước cửa tòa nhà bệnh viện, mưa rào rạt xối xả, gió lạnh xuyên qua màn mưa thổi táp vào da cảm giác lạnh lẽo. Anh rùng mình, bung ô đi vào giữa dòng thác mưa và người.
Mưa càng lúc càng nặng hạt, tầm nhìn mọi người bị che khuất bởi những cánh ô màu sắc rực rỡ. Một chiếc xe tải nhỏ bốn bánh định quẹo sang con hẻm nhỏ nhưng không biết làm sao trước dòng người qua lại liên tục như con thoi. Khó khăn lắm mới đợi được đến khi đám đông thưa bớt, lái xe vừa định chớp thời cơ nhấn chân ga chạy qua khoảng trống vào con hẻm thìkétttt - tiếng thắng chói tai vang lên – cách đầu xe chừng một thước, một cậu bé năm sáu tuổi ngã bệt giữa đường, kinh hoàng òa lên khóc.
Viên Hòa Đông thấy vậy vội vàng chạy chen qua đám đông. Nhưng anh chưa kịp đến bên cạnh cậu bé thì đã có người ôm lấy cậu bé rất nhanh. Hóa ra là cô! Anh cười yếu ớt vỡ lẽ, thấy Hứa Tri Mẫn lấy tay nhẹ nhàng lau nước mắt trên mặt cậu bé rồi dỗ dành: “Khóc nữa thành chú hề bây giờ. Coi kìa, xấu ơi là xấu.”
Lái xe hốt ha hốt hoảng chạy xuống: “Thằng nhỏ không sao chứ? Xe tôi chưa đụng vào nó nha!”
Hứa Tri Mẫn ngoảnh lại lạnh lùng đáp: “Đi mua cây kẹo que, nếu anh không muốn nó bị đưa đi cấp cứu…”
Lái xe gãi gãi đầu, vọt tới tiệm tạp hóa đối diện rồi cầm cây kẹo quay về, xé bỏ giấy gói kẹo, đút vào miệng cậu bé. Cậu bé mút mút kẹo đường, nước mắt lập tức ráo hoảnh.
Hứa Tri Mẫn ngồi xổm xuống sửa lại quần áo cho cậu bé, rồi dúi ô vào lòng bàn tay nhỏ bé của cậu: “Tốt rồi, đi tìm bố mẹ con đi.”
Cậu bé nói: “Con muốn đến nhà hàng xóm gọi bà nội về nhà ăn cơm.”
Bà nội? Trong đầu bỗng nhiên hiện ra gương mặt từ ái của bà dì, Hứa Tri Mẫn buồn bã nói: “Đừng chạy, đi từ từ thôi, đưa bà về nhà cẩn thận, biết không?”
“Dạ.” Cậu nhóc gật gật đầu rồi cầm ô nhỏ đi.
Hứa Tri Mẫn vừa đứng lên thì chợt nhận ra trên đỉnh đầu có một chiếc ô ca rô màu xanh: “Sư huynh…”
“Bây giờ em không mang theo ô mà cũng không mượn sao?” Viên Hòa Đông cau mày, áo khoác trên người cô ướt hơn phân nửa, nước mưa từ mái tóc cô nhỏ xuống từng giọt.
Hứa Tri Mẫn cúi đầu im lặng. Cô có chiếc ô Mặc Hàm đưa cho mình, nhưng đến cửa bệnh viện lại nhường ô cho một cụ già ốm yếu không có ô thì không thể về nhà.
Viên Hòa Đông biết tâm trạng cô không tốt, anh không trách cứ nhiều thêm mà chỉ nói: “Phòng trọ anh ở ngay trước tòa nhà này, em theo anh lên nhà lau khô tóc rồi thay quần áo trước đã, nếu không sẽ bị cảm lạnh.”
Cô không thể từ chối. Trong những tình huống như thế này, Viên Hòa Đông luôn vô cùng độc đoán. Cô buộc lòng phải theo anh lên lầu. Nhà trọ có hai phòng ngủ một phòng khách, anh ở cùng Quách Diệp Nam. Cuộc sống về đêm của Quách Diệp Nam rất phong phú, chưa đến mười một mười hai giờ chưa về nhà. Buổi tối ngoài trực ban, Viên Hòa Đông chỉ đọc sách. Nơi dễ nhìn thấy nhất trong phòng anh là kệ sách chất đầy các loại sách thuốc. Căn phòng cực kỳ đơn giản, ngoại trừ kệ sách và tủ quần áo, còn có một cái giường, một bên giường kê bàn học và ghế xoay, không hề có đồ vật trang trí nào khác.
Anh cầm tấm khăn lông khô đưa cho cô. Cô ngồi trên ghế xoay cạnh bàn học của anh, cởi áo khoát ướt nhẹp ra rồi đón lấy khăn lau tóc. Anh choàng áo jacket của anh lên vai cô, đến bên giường ngồi xuống, kéo ngăn tủ lấy ra một vật sáng lấp lánh.
Hứa Tri Mẫn nhìn thấy cây kèn harmonica anh cầm trong tay, phút chốc ngẩn người.
“Mới mua chưa đến một tuần, chưa dùng lần nào.” Anh vuốt ngón tay qua lớp vỏ thủy tinh xanh lá mạ của cây kèn, nói.
Cô ngập ngừng: “Nó…”
“Muốn nghe gì?” Nói xong, bắt gặp sự bi thương ẩn chứa trong đáy mắt cô, anh đưa cây kèn lên bên môi. Chỉ chốc lát sau, khúc nhạc Tiễn biệt quen thuộc của cô vang lên chậm chầm như dòng nước chảy: Bên ngoài đình nghỉ chân, ven con đường cổ, cỏ thơm xanh ngát mấy ngày liền, dư âm tiếng gió đêm thổi qua, ánh tà dương ngoài ngọn núi, chân trời, góc biển, bạn tri âm chỉ còn thưa thớt… Bao ký ức trở về theo tiếng nhạc, bà dì nói tạm biệt với cô ở cổng nhà trẻ, cô đứng trước cửa khách sạn vẫy tay chào bà dì, bà dì đau lòng quay đầu nói: “Về đi, mau về đi cháu.”
Nước mắt nóng hổi bất tri bất giác rơi khỏi vành mi… một giọt… hai giọt… rồi ào ạt như suối trào, lớn hơn cả cơn mưa ngoài kia.
Tiếng kèn im bặt, anh vươn một tay nhẹ nhàng kéo cô vào lòng mình. Cô sụt sịt mũi, lấy mu bàn bay lau nước mắt, tiếp theo đó lại khóc tủi thân nức nở. Anh không nói chuyện, chỉ lặng yên nhìn cô khóc và lau nước mắt. Cảm giác này anh đã từng trải qua, chỉ khi ngập ngụa trong nước mắt đau thương con người mới có thể một lần nữa giành lại được sự mạnh mẽ cho sinh mệnh. Qua rất lâu sau, cô lau khô nước mắt, kiên định rời khỏi lòng anh: “Cám ơn anh, sư huynh. Em đã biết mình nên làm gì.”
Anh thở dài một hơi nói: “Nếu muốn nghe anh thổi kèn harmonica, bất cứ lúc nào cũng hoan nghênh, bởi vì cây kèn này là em gợi ý anh mua.”
Cô nở nụ cười mang theo nước mắt: “Không thành vấn đề ạ, em nhất định sẽ là fan hâm mộ số một của sư huynh.”
“Ừ.” Anh ra sức gật đầu.
“Sư huynh, em phải đi rồi, em phải đến nhà anh họ em gấp.”
“Bên ngoài đang mưa…”
“Không sao.” Cô đứng dậy chìa tay ra, “Sư huynh, em lại mượn ô của sư huynh rồi.”
Thế là anh đã đặt ô vào tay cô. Đứng bên cửa sổ nhìn cô che chiếc ô ca rô màu xanh của anh ra khỏi cửa chống trộm dưới lầu, đi thẳng đến trạm xe buýt, anh lắc đầu cười nhẹ. Anh mong cô được hạnh phúc, mong tất cả những ai bên cạnh anh đều được hạnh phúc. Mưa vô tình, nhưng lòng người có tình.
Trải qua hai giờ ngồi xe tròng trành lắc lư, Hứa Tri Mẫn cuối cùng cũng bơ phờ mệt mỏi đứng trước cửa nhà anh Kỷ Nguyên Hiên. Lần này ghé nhà cô không gọi điện báo trước với anh họ, chị dâu, chỉ là… đến đột ngột thế này có thành công dã tràng không? Cô hít sâu một hơi, đưa ngón tay bấm chuông cửa.
Tiếng chuông vui tươi vang lên, người ra mở cửa là con gái của anh họ. Kỷ Thu Nhi vừa thấy cô là phấn khích quay vào nhà gọi lớn: “Mẹ ơi, cô đến.”
“Chị dâu, anh họ có nhà không ạ?”
Vu Thanh Hoàn đẩy đẩy gọng kính, phát hiện hai mắt Hứa Tri Mẫn sưng đỏ, chị hoảng hốt hỏi: “Gặp chuyện không vui trong công việc sao em? Em ngồi xuống đã, Thu Nhi, con rót cho cô ly nước đi.”
“Không có việc gì cả chị ạ.” Hứa Tri Mẫn kéo Vu Thanh Hoàn lại, “Em chỉ muốn nói với anh họ một câu thôi, rốt cuộc anh có nhà không chị?”
Vu Thanh Hoàn nhìn ống tay áo bị cô níu chặt nói: “Anh ấy vừa đi công tác về, đang ngủ trong phòng. Em chờ chút, chị đi gọi anh ấy.”
Hứa Tri Mẫn ngồi xuống ghế sofa trong phòng khách. Một lát sau, Kỷ Nguyên Hiên đi ra từ phòng ngủ với vẻ mặt mệt mỏi.
“Chuyện gì vậy?” Kỷ Nguyên Hiên uống ngụm nước, hỏi.
Hứa Tri Mẫn nghe ra sự mỏi mệt trong giọng nói anh họ, nhưng chuyện này phải hỏi rõ ràng mới không phụ lòng bà cụ quá cố. Cô đứng thẳng lưng, nói: “Anh, anh định giấu em chuyện bà dì đến khi nào?”
Bàn tay cầm cốc nước của Kỷ Nguyên Hiên run lên, con bé đã biết! Anh ngước mắt lên, bộ dạng tra khảo hỏi cung của em gái, không khỏi hơi tức giận: “Sao, em nghe hai anh em Mặc gia nói à?”
“Anh, vấn đề không phải là em nghe ai nói.” Giọng Hứa Tri Mẫn chợt lớn hơn.
Kỷ Nguyên Hiên đặt mạnh ly nước xuống bàn: “Sao không nói thẳng là bọn chúng xúi giục em đến đây đi!”
Hứa Tri Mẫn sửng sốt, không thể tin người anh họ luôn thấu tình đạt lý của mình lại đột ngột trở nên ngang ngược như vậy. Cô trân trân nhìn Kỷ Nguyên Hiên đập cửa đi vào phòng ngủ. Vu Thanh Hoàn nghe tiếng động, vội vàng chạy ra phòng khách an ủi cô: “Tri Mẫn này, đừng giận anh em.”
“Nhưng mà, chị dâu…”
“Em đừng nóng vội, nghe chị nói đã. Chuyện này không phải lỗi của anh họ em, đương nhiên giấu em là không đúng, nhưng nói chung cũng vì bất đắc dĩ thôi.”
¤¤¤
Câu chuyện qua lời kể sau đó của Vu Thanh Hoàn đã giúp Hứa Tri Mẫn hiểu rõ đầu đuôi chân tướng sự việc. Trước đó, Mặc Hàm nói rằng Mặc gia lo lắng không biết liệu Kỷ gia có ngược đãi bà cụ đang đau ốm làm bệnh tình bà chuyển biến xấu không? Thật ra không phải vậy. Bà cụ về quê nhà, làm sao hai cô con gái có thể không hiếu thuận? Nhất là Kỷ Sở Lệ, vì trước đây làm một số việc có lỗi với mẹ nên càng đối xử với mẹ tốt hơn. Nhưng bà cụ…
Chuyện bắt đầu từ bữa tiệc gia đình dịp Trung Thu. Đó là ngày đoàn viên hiếm hoi của cả nhà họ Kỷ từ trên xuống dưới. Nhưng trên bàn tiệc vốn hòa thuận vui vẻ, bà cụ lại cứ hay nói ra chữ Mặc, không phải Mặc Chấn mà là hai cậu con trai của Mặc Chấn. Bà cụ nào tự nhiên cố tình, chỉ vì bao nhiêu năm nay đã trở thành thói quen, huống hồ người già cả dễ quên, không lưu ý là lỡ miệng. Người nói vô tâm nhưng người nghe hữu ý. Thành kiến của người nhà họ Kỷ với người nhà họ Mặc không chỉ một hai ngày. Kỷ Sở Lệ lại càng không quên được việc Mặc gia cho bà ta tiền làm bà ta nổi lòng tham, phạm phải sai lầm. Suy cho cùng, không thể oán mẹ, không thể oán chính mình, chỉ có thể oán… Mặc gia – loại thương nhân vì lợi ích riêng, đã dùng tiền dụ dỗ gia đình bà ta đưa mẹ đi làm vú nuôi cho con cái Mặc gia khiến Kỷ gia và bà cụ chia cách ngót hơn bốn mươi năm.
Kỷ Sở Lệ không nhịn được quăng đũa: “Mẹ, mẹ không nói tới hai thằng ấy không được à? Mẹ về nhà họ Kỷ rồi, ở đây không phải nhà họ Mặc!”
Môi bà cụ run cầm cập.
Kỷ Sở Yến – em gái Kỷ Sở Lệ – bực tức mấy năm nay, chủ yếu là vì: Toàn bộ số tiền Mặc gia đưa đều rơi vào túi bà chị ham giành giật, huống chi năm ấy mẹ cắt sữa nuôi bà ta để đi nuôi đứa con nhà họ Mặc. Người bị đối đãi không công bằng không phải là chị ta, mà đứa em gái này đây. Sẵn dịp, Kỷ Sở Yến nói toạc ra uất ức trong lòng.
Kỷ Sở Lệ nghe em gái tố khổ, lửa giận càng bùng lên ngùn ngụt, nói vậy chẳng khác nào chỉ trích người làm chị là bà ta? Ngay lập tức, hai chị em cãi nhau tay đôi trên bàn cơm, không thể dàn xếp, ai hòa giải cũng không được.
Thấy bữa tiệc Trung Thu sắp thành bữa cơm tan đàn xẻ nghé, bà cụ rớt nước mắt nói: “Hai đứa đừng cãi nữa