mắt đen láy lóng lánh ánh cười, chân bước tới, từng bước thu hẹp khoảng cách với chàng, hơi kiễng chân, môi cơ hồ dán vào tai chàng: “Hôm nay, ta thua rồi”.
Chàng mãi không có phản ứng, còn cô đã thản nhiên lùi ra, giơ tay che ánh nắng ngước nhìn trời, nói như than: “Chưa ăn gì đã giao chiến, bụng hơi đói”.
Nói xong nhặt thanh kiếm lên. Nhưng vừa quay người chưa kịp bước đã bị người phía sau nắm lấy tay. Tôi bật ra hơi thở nãy giờ vẫn vít trong cổ họng từ lúc họ bắt đầu giao thủ, xem ra qua một lúc lâu như thế Tô Hoành cuối cùng mới hiểu ý câu nói vừa rồi của cô. Cô quay người tươi cười nhìn chàng: “Ôi, chàng làm đau ta rồi”. Nhưng chàng vẫn không buông tay, tay kia giơ lên thận trọng vuốt ve con bướm đỏ xinh xắn trên trán cô như vuốt ve một thánh vật, đầu hơi cúi, đôi môi nhạt màu áp lên cánh bướm.
Cô khẽ cười một tiếng: “Gan của chàng chỉ có vậy thôi?”. Không đợi chàng phản ứng, cô đã kiễng chân ôm cổ chàng, môi ép vào môi chàng. Sau phút sững sờ, chàng quàng tay ôm cô, ép vào thân cây tùng phía sau lưng, mặt vẫn ngơ ngẩn, đôi mắt thâm trầm như nước dịu dàng nhìn cô: “Nàng cũng thích ta, đúng không?”.
Lại một năm mùa xuân hoa nở, mùa hạ lá xanh, từ khi Tô Hoành lên núi bái sư, rừng cây trên núi đã hai lần thay lá, tình cảm nảy sinh giữa sư phụ và đệ tử nhìn từ góc độ lễ giáo là trái nhân luân, đạo đức xã hội khó dung.
Nhưng đây là thế giới của Mộ Dung An, cách biệt nhân thế, tuyệt đối không có ai chỉ trích họ, người duy nhất cảm thấy không thỏa chỉ có Quân sư phụ, nhưng Quân sư phụ lúc này quả thực không có quyền phát ngôn.
Thời gian hơn một năm hai người sớm tối bên nhau, giống như hầu hết những đôi vợ chồng bình thường trên đời, đêm trừ tịch năm đó, Mộ Dung An treo trên cửa bức hoành phi bốn chữ “nhất thế trường an”(6).
Nhất thế trường an, đơn đơn giản giản bốn chữ, một dấu hiệu tốt lành, nhưng sự đời đâu đơn giản như vậy, Tô Hoành là công tử Trần quốc. Không biết ai đó nói, tòa lâu đài xây thì lâu như vậy, trải qua bao nỗ lực như vậy, phá hủy nó lại chỉ cần thời gian một cái chớp mắt, câu nói quả chí lý.
Mùa xuân năm Trần Văn hầu thứ hai mươi ba, Trần quốc công tử Tô Hoành tổ chức đại hôn lễ, cưới Mộ Chỉ, trưởng nữ của Mộ Hành tướng quân làm vợ, Mộ Dung An rời khu rừng lá đỏ đi đâu không ai biết.
Sự việc thực ra rất đơn giản, chẳng qua Văn hầu vương dồn ép, giữa vương vị và Mộ Dung An, Tô Hoành chỉ có thể chọn một, cuối cùng Tô Hoành lựa chọn vương vị.
Tháng chín, Trần hầu vương báo với thiên tử lập công tử Diễn (Tô Hoành) làm thế tử, gia phong Mộ Chỉ làm thế tử phi. Một đêm, Quân sư phụ ôm một đứa trẻ vừa đầy tháng xuất hiện ở thư phòng của Tô Hoành, nói là Mộ Dung An đã chết, để lại cốt nhục này, mong chàng nghĩ đến tình sư đệ năm xưa, đối xử tốt với đứa bé.
Đứa bé được bọc trong tã khóc oe oe không ngớt, Tô Hoành ôm nó ngồi trong thư phòng thức trắng đêm, khi rời khu rừng lá đỏ chàng không biết Mộ Dung An đã có thai.
Nhưng tôi luôn cảm thấy Mộ Dung An chưa chết. Mặc dù ma đích thực không thể mang thai sinh con, nếu có cũng dễ bị chết trong quá trình mang thai và sinh nở, nhưng Mộ Dung An mạnh mẽ như vậy, nếu một hồn ma mạnh mẽ như vậy cuối cùng vẫn không thoát khỏi kiếp nạn khó sinh mà chết, quả khiến người ta thất vọng. Tuy nhiên căn cứ quan trọng nhất vẫn là theo dã sử lưu truyền, Mộ Dung An chết ở chiến trường Lịch Khâu trong cuộc chiến giữa hai nước Trần, Khương…
Quân sư phụ nói Tô Hoành là hung mệnh của Mộ Dung An, đến giờ tôi mới tin. Tính cách Mộ Dung An như vậy có lẽ không dễ yêu, một khi đã yêu là yêu suốt đời suốt kiếp, còn Tô Hoành, con người này rất bí hiểm, khó dò.
Tình cảm của chàng ta đối với Mộ Dung An không có vẻ giả dối, nhưng cũng có thể sẵn lòng từ bỏ.
Tôi nghĩ người chàng ta yêu nhất trước sau chỉ có Mộ Dung An, nhưng bất luận thế nào cô cũng không thể địch nổi giang sơn xã tắc, không địch nổi vương vị dưới một người trên vạn người. Nhưng dùng giang sơn vạn dặm vô cương đổi lấy cuộc sống vạn dặm cô đơn có phải là điều chàng muốn?
Nghĩ lại, cảm thấy mình thật ấu trĩ, có giang sơn vạn dặm nghĩa là có mọi mỹ nhân trong thiên hạ, tuy có lẽ không được thứ mình muốn có nhất, nhưng lại có số lượng bù lại, làm gì còn cô đơn.
Tôi chờ đợi Mộ Dung An xuất hiện lần nữa, những sự việc xảy ra sau đó chỉ là chuyện vụn vặt không đáng nói, hai sự việc tương đối lớn đó là, năm đầu tiên sau khi Trần vương băng hà, Tô Hoành kế vị, năm sau hai nước Trần – Khương do tranh chấp biên giới nổ ra cuộc chiến tranh lớn.
Trong cuộc chiến Khương – Trần, Trần vương Tô Hoành đích thân xuất chinh. Tôi đã đọc cố sự đó trong sách sử, trong đó nói, Trần quốc thượng võ, các đời Trần vương đều trưởng thành trên lưng ngựa, Tô Hoành cũng thế, từ nhỏ theo cha chinh chiến biên cương trận mạc, tác chiến vô cùng mau lẹ cơ mưu, thường đích thân đi tiên phong, dẫn một đội khinh kỵ tinh nhuệ thâm nhập vào quân doanh đối phương thăm dò tình hình, hoặc đánh chọc sườn, giúp quân chủ lực có cách tác chiến thích hợp.
Vốn nghĩ có lẽ khi thân đã ở ngôi cao chàng sẽ không mạo hiểm tính mạng như vậy, nhưng qua trận Lịch Khâu, có thể thấy con người này cho dù đã trở thành quốc vương cũng không thay đổi phong cách tác chiến. Đêm trước khi xảy ra đại chiến, Tô Hoành vẫn mang hai mươi khinh kỵ lẻn vào trận địa Khương quân, vung kiếm đánh thẳng vào trận địa đối phương, sau đó lại vừa đánh vừa quay ra, đích thân cảm nhận thực lực địch quân.
Phương thức thăm dò địch tình này đối với chàng không là gì, thời thiếu niên thường làm như thế, nghe nói mấy lần lọt vào hiểm cảnh đều dựa vào sự bình tĩnh mưu trí mà an toàn thoát hiểm, thực là một kỳ tài.
Nhưng đêm đó, chàng mang hai mươi khinh kỵ luồn sâu vào quân doanh địch, lúc quay ra bất ngờ vấp phải mấy ngàn phục binh của đối phương mai phục trên đường. Khi thâm nhập vào quân doanh địch, đội khinh kỵ mang theo đã bị hao tổn, hơn nữa chiến mã cũng bị trúng tên, nếu không tìm ra diệu kế, rất khó hy vọng phá vây.
Sử sách không thấy ghi chép những tình huống hiểm nguy trước có phục binh, sau có truy binh chàng từng gặp khi còn là thế tử.
Trong rừng núi tối tăm, vòng vây mỗi lúc càng hẹp dần, đuốc đột nhiên sáng trưng, trống trận vang lừng, trống trận vốn là để cổ vũ sĩ khí, nhưng trong tình huống này lại có phần nực cười.
Trên sườn núi, ngồi trên lưng chiến mã đỏ au, mũi phun hơi phì phì, thống lĩnh tướng quân Khương quốc đắc ý cười ha hả: “Không ngờ Trần vương nức tiếng mưu dũng hôm nay lại bỏ mạng ở đây, xem ra cái gọi là mưu dũng cũng chỉ đến thế, là mưu dũng của kẻ phàm phu mà thôi, các huynh đệ, các huynh đệ thấy có phải không?”.
Lời vừa dứt, thủ cấp đã rơi bịch xuống đất lăn lông lốc. Một thanh kiếm dính máu cắm phập trên vách núi gần đó, thủ cấp đẫm máu của Khương tướng quân lăn mấy vòng, nụ cười đắc ý vẫn còn cứng đờ trên mặt.
Một tình cảnh thật khó tưởng tượng, tôi nhìn mà đau thay cho ông ta, bất giác giơ tay sờ vào cổ mình, may cái đầu vẫn yên vị trên cổ.
Nhưng nhát kiếm chém phăng thủ cấp Khương tướng đó không phải là của Tô Hoành hay thuộc hạ của Tô Hoành, trường kiếm của họ vẫn nắm trong tay, tôi tròn mắt quan sát cảnh tượng trong Hoa Tư mộng trước mắt, muốn tìm ra manh mối, đồng thời trong đầu cũng lóe lên ý nghĩ, liệu có phải một binh sĩ nào đó của phía Khương quân do ngưỡng mộ tài năng Tô Hoành mà ra tay cứu giúp. Cũng không biết tại sao chợt nghĩ đến Mộ Dung An.
Khi cái tên đó lóe lên trong đầu như một tia chớp, trên không trung bỗng vang lên tiếng lục lạc tinh tang. Tôi nhìn thấy đôi mắt mở to của Tô Hoành, vừa rồi bị Khương tướng làm nhục như vậy vẫn không nổi sóng giờ đột nhiên thất sắc, nhìn thẳng về phía phát ra tiếng lục lạc, bàn tay cứng đờ nắm dây cương.
Đối phương dường như cuối cùng đã hiểu ra chuyện gì, phó tướng trên lưng ngựa thét lên hạ lệnh khép vòng vây xông tới. Đúng lúc binh sĩ lăm lăm trường mâu trong tay dồn lên, trong ánh đuốc nhựa thông sáng rực, những đàn bướm đỏ không biết từ đâu vèo vèo bay ra
Chính thời khắc đó, rừng cây cổ thụ chọc trời bừng bừng sinh khí xung quanh đột nhiên lá cành bắt đầu héo rũ, chớp mắt đã biến thành cảnh rừng chết xác xơ, gió lớn bật đất mà lên, ánh lửa đuốc sáng rực nửa ngọn núi chớp mắt tắt ngấm, gió như trường đao cắt vụn màn đêm, trên bầu trời tĩnh lặng lại hiện ra một vầng trăng tròn.
Đàn bướm đỏ bay liệng trên không, toàn thân phát hồng quang rực rỡ, còn tiếng lục lạc cũng rõ dần, trong sắc đêm cuối cùng lộ ra bóng hoa phục màu đỏ của cô gái, mái tóc như dòng thác thả xuống tận gót chân, con bướm trên trán giương cánh như muốn bay, dáng mỹ miều băng lạnh, khóe miệng liên tục nhếch lên vẫn không thành nụ cười.
Tôi không ngờ Tô Hoành lại bất chấp nguy hiểm thúc ngựa qua, trong tình huống hiểm nghèo đó, chỉ cần động đậy là trở thành mục tiêu cho trận mưa tên của đối phương. Tôi biết chàng chỉ muốn phóng đến bắt cô, chàng tưởng cô đã chết, nhưng cô lại xuất hiện trước mặt chàng.
Chàng cơ hồ đã trấn tĩnh trở lại, ánh mắt dán chặt không rời khỏi cô, trận mưa tên bay vào chàng, chàng cũng chỉ bình tĩnh khua kiếm đỡ. Cô cúi xuống mắt lạnh lùng nhìn chàng, hai ống tay áo vừa phất, có tiếng “phù” trong gió, vạn vật xung quanh đột nhiên dừng lại như bị đóng băng, im phăng phắc, bao gồm cả vòng vây của binh sĩ Khương quốc vừa rồi còn nhốn nháo, bao gồm cả mũi tên bay đến, bao gồm cả Tô Hoành và con ngựa tung vó phi tới, thậm chí bao gồm cả những ngọn đuốc bốc khói.
Tiếng lục lạc khẽ vang, cô đứng trên đầu ngựa nghểnh cao của chàng, cúi đầu nhìn ánh mắt đen cầu khẩn của chàng, khẽ cười một tiếng: “Cuối cùng chàng vẫn yêu ta, ta không thua ai, chỉ thua vương vị của chàng”. Giọng thanh lạnh vang trong không gian tĩnh mịch như ném viên sỏi xuống mặt hồ, sóng loang ra mấy vòng rồi tiêu tan.
Tiếng lục lạc dưới chân lại tinh tang tinh tang, cô đã đạp gió tung người lên không, liếc nhìn trận địa bất động dưới chân, chầm chậm giơ bàn tay phải. Gió thổi tung mái tóc đen của cô, năm ngón tay mảnh dẻ kết thành hình nửa đóa hoa sen.
Một giọt máu từ tâm sen nhỏ xuống, đàn bướm đỏ bay liệng trong màn đêm đột nhiên hóa thành những mũi kim dài sáng chói. Hoàn toàn không nhìn rõ những mũi kim đó bay thế nào, chỉ cảm thấy trên bầu trời đêm đột nhiên bùng phát một đám khói cực lớn, trong ánh sáng màu đỏ, binh sĩ Khương quốc đang đứng như trời trồng chớp mắt biến thành những bộ xương trắng chồng chất.
Từ đống xương trắng nảy ra vô vàn ấu bướm đỏ. Sực nhớ tới những ghi chép trong sách sử, tôi sững sờ mãi mới hiểu ra, Mộ Dung An đã dùng bí thuật cổ trên quy mô lớn – ly hồn thuật.
Bí thuật hoa mỹ và tàn khốc trong truyền thuyết đó khi thực thi phong ấn cả không gian và thời gian của một khu vực, bướm đỏ ký sinh trong bí thuật hóa thành kim trâm hút máu thịt người sống, những cánh bướm kia đã nhuốm máu đỏ, càng nhiều bướm đỏ bay ra, xương trắng càng chồng chất.
Nhìn cảnh đó tôi thầm nghĩ Mộ Dung An khi sinh con đã hao tổn bao nhiêu tinh lực, lại thực thi ly hồn thuật trên trận địa lớn như vậy, làm sao trụ nổi?
Sự thực cho thấy lo lắng của tôi có lý.
Vầng trăng tròn dần dần hiện ra màu đỏ quái dị, gió thổi phồng ống tay áo, Mộ Dung An nhắm hai mắt, máu từ miệng không ngừng trào ra, giữa vầng trán hơi nhăn, con bướm đỏ yêu dị đó đột nhiên vẫy cánh bay mất, miệng cô thổ ra một ngụm máu tươi, không gian phong ấn đột nhiên mở ra, thân người loang má