Thời gian vụt trôi, thì ra cô gái áo đỏ đó chính là Mộ Dung An, còn thiếu niên áo đen chắc là Trần vương Tô Hoành thuở thiếu niên. Chăm chú xem cảnh đó, hai mươi tư năm trước Tô Hoành mười sáu tuổi, đúng rồi, lúc đó ông ta vẫn chưa là Trần vương, mà là Trần quốc Hoành công tử.
Nghe nói tự cổ chí kim, phàm những trang giai nhân tuyệt sắc tình trường đều trắc trở, nhưng Mộ Dung An mà sử sách ghi chép cơ hồ không bị vướng vào oan nghiệt đó, trái lại chính những trang nam nhi gặp cô, tình lộ ai ấy đều trở nên truân chuyên, trắc trở.
Trong số đó người nghĩ quẩn nhất phải kể đến tứ công tử Trang Kế của Hạ quốc. Không nhớ rõ bộ dã sử nào ghi chép, nói Trang Kế muốn cưới Mộ Dung An, sự không thành, đành ôm hận mà chết, mẫu thân chàng muốn xin Mộ Dung An một món tóc để táng theo chàng, nhưng vị công tử đã chết vì mình là ai Mộ Dung An cũng không biết.
Sử sách chỉ dừng ở đó, vốn tưởng chỉ là truyền thuyết dân gian không đáng tin, lúc này thông qua Hoa Tư điệu của Quân sư phụ mới thấy hóa ra chuyện có thật.
Ba tháng sau khi Trang Kế công tử qua đời, Mộ Dung An xuất hiện ở lầu xanh lớn nhất Hạo thành, mỗi ngày đều tiếp hai vị khách, khách lên lầu thù tạc họa thơ thưởng nguyệt không cần ngàn kim vạn bạc, nhưng nhất thiết phải kể cho cô nghe một câu chuyện tình. Bởi vong hồn trở lại trần thế đương nhiên không hiểu thế thái nhân luân, điều đó nói lên cái chết của Trang Kế công tử đã làm cô xúc động, ít nhất cũng khiến cô bắt đầu hiểu chữ tình rốt cuộc là gì?
Nhưng tình duyên của Mộ Dung An và Tô Hoành một khi đã bén không gì ngăn được, có ai ngờ, một con người lãnh đạm kiêu ngạo như Tô Hoành lại đến lầu xanh, gọi đích danh Mộ Dung An, mặc dù lầu chủ nói rõ, cô gái này hơi đặc biệt, không bán thân không bán nghệ, cô đến nơi này thuần túy chỉ vì muốn kiểm nghiệm khổ ải của nhân sinh…
Mộ Dung An trí nhớ không tốt. Khi Tô Hoành vén rèm bước vào mặc dù dung quang chẳng khác lần gặp ban đầu, ngoài không cưỡi tuấn mã đen, thậm chí xiêm áo cũng giống hệt đêm đó, nhưng cô ngẩn người không nhận ra chàng, vẫn ung dung co gối ngồi trên ghế quý phi, thần thái khoan thai, không nhìn khách thêm một lần: “Đêm nay chàng đến là để kể chuyện cho ta? Chàng mang đến câu chuyện thế nào?”.
Mắt cô vẫn nhìn đi nơi khác: “Ta biết một chàng công tử yêu một cô gái, mắc bệnh tương tư mà chết, câu chuyện của chàng liệu có ly kỳ như thế?”.
Chàng để cốc trà xuống bàn, “Chuyện đó có gì ly kỳ, chẳng qua là một người yếu đuối, vì không được thỏa mãn tham vọng, chết bất đắc kỳ tử mà thôi”.
Cô ngẩn người, cuối cùng quay lại nhìn chàng: “Vậy chàng đến đây không phải để kể chuyện ư?”.
Chàng nhìn qua cửa sổ, một khuôn mặt nhìn nghiêng vô cùng tuấn tú, thong thả nói: “Nàng nói đúng, ta xưa nay không biết kể chuyện. Chỉ là hai tháng trước ta không cẩn thận xông vào một khu rừng phong, được một cô gái áo đỏ cứu mạng, về sau chúng tôi chia tay, ta không thể nào tìm thấy nàng. Ta đến đây để hỏi có lẽ nàng biết cô gái ta cần tìm ở đâu?”.
Mắt cô lộ vẻ mơ màng, chăm chú nhìn chàng một lát, nhếch môi cười: “Là chàng sao?”.
Chàng không nói.
Cô hơi nghiêng đầu, như hồ nghi, tôi không nhận ra động tác của cô, khi định thần đã thấy cô chân trần đứng trước mặt chàng, giống như lần đầu họ gặp nhau, cô cúi xuống nhìn chàng, trước khi mở miệng còn giả bộ suy nghĩ nghiêm túc: “Chàng tìm ta… chàng tìm ta… là muốn gì?”.
Chàng bình tĩnh ngẩng đầu: “Nàng nói xem?”.
Nhìn cô hình như băn khoăn thật, chàng chậm rãi nói: “Một người đàn ông trăm phương ngàn kế tìm một cô gái, ngoài muốn có được cô ấy, còn có thể vì cái gì?”.
Cô như giật mình: “Có được cô ấy? Chàng định làm gì để có được cô ấy?”.
Nụ cười tinh nghịch dâng lên trong mắt chàng: “Cho nên ta đến thỉnh giáo nàng, phải làm thế nào để có được cô ấy”.
Cô quả thật sững ra một lát, lát sau, cuối cùng hiểu ra chàng định nói gì, nụ cười hiện dần trong mắt: “Thật thú vị!”.
Dưới ánh đèn, con bướm đỏ trên trán lạnh lẽo yêu mị, ánh mắt cô dừng lại trên bàn tay thanh tú của chàng: “Nếu chàng đánh bại cô ấy, đương nhiên sẽ có được cô ấy. Ngoài ra không còn cách nào khác”.
Tôi thầm nghĩ, thôi rồi, lại một cuộc đấu võ kén chồng. Nhưng cái gọi là đấu võ chẳng qua cũng chỉ là chinh phục và bị chinh phục. Thực ra, tại sao nhất thiết phải lấy người chinh phục mình, lấy người mình chinh phục cũng tốt chứ sao, như vậy nếu xảy ra bạo lực gia đình mình cũng không đến nỗi rơi vào thế hạ phong.
Nhưng rõ ràng Mộ Dung An không nghĩ thế, có lẽ chỉ là một cách thoái thác, cô vốn không muốn lấy ai, chắc chắn những lời từ chối đó chính là nguyên nhân mấy người đàn ông không thể có được như cô, như Trang Kế công tử, bởi không ai có thể thắng cô.
Đêm hôm đó Tô Hoành không nói gì ra về, cũng không rút kiếm thử với cô vài chiêu. Nhìn bóng chàng rời đi, Mộ Dung An thản nhiên giơ tay vuốt trán, môi lạnh lùng cười khẩy một tiếng, có lẽ cô cho rằng Trần quốc Hoành công tử thực ra cũng chỉ thế mà thôi.
Mộ Dung An là người thế nào, cả đông lục không ai tường tận, trước đây tôi chỉ biết qua những truyền thuyết thiên hạ truyền tụng về cô, các đạo sĩ cho rằng may mà cô quá siêu phàm khó bắt chước, nếu không đã có vô khối thiếu nữ sùng bái cô mà đi lệch đường.
Bây giờ nhìn thấy việc làm của cô, cảm thấy mối lo của các đạo sĩ là thừa.
Quân sư phụ nói gặp Tô Hoành là hung mệnh của Mộ Dung An nhưng xem đến đây cảm thấy tất cả đều trái ngược.
Mộ Dung An thần thái ung dung, người đắm đuối mê muội lại là Tô Hoành. Thì ra vốn tưởng hai người sẽ âm thầm nảy sinh tình cảm do tình sư phụ, đệ tử sớm tối bên nhau, bây giờ xem ra giả thiết đó đã bị lung lay.
Nửa năm sau Tô Hoành trở thành đệ tử của Mộ Dung An. Một ân nhân của Mộ Dung An đưa Tô Hoành đến rừng lá đỏ Phương Sơn bái sư, nói rõ muốn học kiếm thuật của Mộ Dung An.
Tôi không biết chuyện này rốt cuộc là do Tô Hoành cố ý bày ra hay là duyên phận. Quân sư phụ lại không nói, nhưng lần thứ ba gặp lại, nhìn thấy Tô Hoành xuất hiện trong rừng lá đỏ, Mộ Dung An rõ ràng sững người, lát sau mỉm cười, “Lại là ngươi”.
Cô vốn là một hồn ma sinh ra từ sát khí ngưng tụ trên chiến trường cổ, bao nhiêu năm nhân sự như phù vân lướt qua trước mắt, rất ít người khiến cô nhớ được, nhưng cô lại nhớ được Tô Hoành, không chỉ nhớ chàng, xem ra còn nhớ những lời chàng nói đêm đó.
Dưới vầng trăng tròn, Mộ Dung An vẫn tư thái ung dung đứng dưới một cây phong khô héo, hứng thú nhìn đệ tử mới nhập môn trước mặt: “Mặc dù có câu băng vốn từ nước mà thành nhưng lạnh hơn nước, xanh vốn từ lam nhưng đậm hơn lam, đệ tử không nghĩ chỉ cần bái ta làm sư là sẽ có ngày thắng được ta đấy chứ?”.
Thiếu niên áo chùng đen đi lướt qua cô, đến chỗ sâu trong rừng phong, bóng đổ dài dưới trăng, giọng nói thanh lạnh tản trong gió: “Sư phụ nghĩ nhiều rồi”. Kính cẩn tới mức có vẻ như trước nay chàng ta chỉ coi cô là sư phụ, con người ngang nhiên hỏi cô làm thế nào để có được cô nửa năm trước cơ hồ chưa từng tồn tại.
Trên Phương Sơn, sau khu rừng lá đỏ kỳ dị đó có một thiên động, có sơn thủy bốn mùa xanh tươi, có cổ thụ um tùm râm mát, một ngôi lầu trúc thấp thoáng dưới bóng cây, chính là biệt cư của Mộ Dung An.
Từ khi bái sư, Tô Hoành cư xử đất đúng đạo, ngôn hành nghiêm cẩn, đối với Mộ Dung An rất mực lễ độ, ngoài ăn ngủ, hầu như chỉ chuyên tâm luyện kiếm pháp, như một đồ đệ tôn sư trọng đạo, say mê kiếm thuật, tư chất thông minh lại chuyên cần nỗ lực.
Tôi nghi ngờ có lúc Mộ Dung An như đang thăm dò Tô Hoành, có lẽ cô không biết thiếu niên đó nghĩ gì, hoặc là thái độ một người tại sao trước sau lại khác xa như vậy. Trước đây tôi có nghe Quân Vỹ kể một câu chuyện, cũng là sư phụ và đệ tử, kể rằng một buổi tối, đệ tử luyện kiếm trở về nhìn thấy sư phụ nằm ngủ dưới bóng cây, đệ tử không thể kìm lòng đã mạo phạm sư phụ, sau đó bắt đầu một mối tình nồng nàn dai dẳng.
Nhưng rõ ràng Tô Hoành kìm chế hơn nhiều so với đệ tử đó, có một thời gian Mộ Dung An ngày nào cũng ngủ trưa ở trong khu rừng chàng luyện kiếm, còn đặc biệt cho đặt một chiếc giường mây ở chỗ chàng thường ngồi nghỉ khi luyện tập mỏi mệt, chàng lại bỏ đi chỗ khác như một người có giáo dưỡng, không hề có biểu hiện bất kính nào đối với sư phụ.
Nhưng càng như thế Mộ Dung An dường như càng hiếu kỳ. Lúc đầu khi Tô Hoành mới bái sư cô chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện, đa phần là lúc Tô Hoành gặp khó khăn, thong thả đưa vài câu chỉ giáo đại loại “Muốn chiêu thức nhanh hơn mắt của mình, thì không nên nhìn bằng mắt”. Những câu người bình thường nghe không hiểu hoặc nghe rồi cũng không biết nên làm theo thế nào.
Về sau lại hầu như ngày nào cũng tập với Tô Hoành, chỉ dẫn kiếm pháp cẩn thận hơn trước nhiều, thỉnh thoảng hứng lên lại cầm kiếm thử vài chiêu với chàng, nhưng cũng chỉ dừng ở mức hướng dẫn đồ đệ vận dụng kiếm pháp tốt hơn mà thôi, còn đọ sức chính thức chưa bao giờ xảy ra.
Nhưng ngày hôm đó cơ hồ hơi khác thường.
Đó là ngày đại tuyết tháng mười một, tuyết phủ ngập núi, khu rừng luyện kiếm tuyết chồng chất, lạnh đến nỗi hơi thở ra lập tức đóng băng, cây tùng lá kim bị tuyết đóng thành cột băng, khắp rừng toàn những cột băng lạnh nhấp nhô trong tuyết.
Mặt trời trên đầu chỉ là quầng trắng lờ mờ, hắt ra tia lạnh, kiếm trong tay hai người vun vút loang loáng, hoàn toàn không có điểm dừng như mọi khi, đòn ra tay, đòn đánh trả đều quyết liệt. Kiếm pháp giống hệt nhau, khinh thủ trọng công, không có chiêu thức nào khác, một đòn ra chỉ là xem ai nhanh hơn ai, lá kim trên cây rơi xuống ào ào như nước, họ đã hoàn tất ba lần đánh giáp lá cà.
Trong rừng chỉ thấy tiếng tuyết rơi và tiếng kiếm va vào nhau chan chát trong tuyết lạnh cô đơn, phảng phất màu thiền.
Sau một ánh kiếm lóe lên, cột băng bên cạnh Mộ Dung An đổ rầm, người cô hơi lùi lại né sang phải một cách bản năng, chỉ trong tích tắc, thân hình áo đen của Tô Hoành đã như một con rồng đen vút qua, không nhìn rõ chàng ra chiêu thế nào, trường kiếm trong tay cô đã bị chàng đánh bật, trước khi rời khỏi tay cô đã kịp vạch trên người chàng một vệt máu dài với những hạt máu li ti, đầu kiếm dính máu, từ trên không cắm phập xuống tuyết, để lại một vệt đỏ trên tuyết trắng chỗ lưỡi kiếm cắm vào, còn kiếm của chàng bình ổn ép vào cổ cô.
Lại một cột băng nữa bị phạt đổ, vụn tuyết bắn lên, hai người thở gấp, lưỡi kiếm của chàng vẫn không thu lại, mắt đăm đăm nhìn cô: “Còn nhớ lúc đó đã nói gì không, sư phụ”.
Cô giơ tay đẩy lưỡi kiếm trên cổ ra, nghiêng đầu: “Ta đã băn khoăn, thấy chàng say mê kiếm thuật như vậy, ta đã tưởng những lời chàng nói ở thanh lâu mấy tháng trước là ta nhớ nhầm”.
Chàng thu kiếm vào bao, máu vẫn chảy nhưng chàng không bận tâm: “Nếu không dùng bí thuật ly hồn, chỉ đơn thuần dùng kiếm thuật, hôm nay nàng đã không thể thắng ta, nếu nàng sử dụng ly hồn thuật đối với ta, cả đời này ta cũng không thể thắng nàng, tình cảm của ta chưa bao giờ thay đổi, tất cả chỉ phụ thuộc vào nàng”.
Chàng từng bước tới gần cô, tuyết lạo xạo dưới chân, nhưng không át nổi tiếng chàng: “Nàng muốn dùng ly hồn thuật đối với ta sao?”.
Cô không trả lời, lại gật đầu tán đồng nửa câu trước của chàng: “Chàng nói đúng, nếu có ngày kiếm vẫn còn mà ta lại thua, đó là bởi vì ta muốn thua”.