ghi Phỉ đối diện nãy giờ im lặng, lắc chén rượu trong tay: “Vừa rồi tại hạ đã trả đến ba ngàn lẻ năm đồng vàng, xem ra ý huynh đài là muốn…”. Nói đến đó mỉm cười ngừng lại, nhìn đăm đăm Khanh Tửu Tửu ngồi cạnh rèm châu: “… muốn tác thành cho tại hạ chăng?”.
Chàng thiếu niên cúi đầu không dám nói, Khanh Tửu Tửu ngước mắt, lơ đãng nhìn vị khách, ánh mắt lại hướng vào chiếc bục cao bên dưới, ngón tay hơi ngừng trên mặt bàn gỗ đàn: “Hai vạn đồng vàng, tôi mua cả ba cô”.
Khách trên lầu dưới lầu đều trố mắt, tôi cũng trố mắt. Nhìn xung quanh chỉ thấy Công Nghi Phỉ một mình ung dung tự rót rượu uống, khóe mắt cười cười. Chưa bao giờ thấy một cô gái mua gái lầu xanh ngang nhiên, hào phóng, bức ép đến thế. Khiến người ta không thể không thán phục.
Chủ lầu há mồm không nói được gì, không biết là kinh ngạc hay là vui mừng, hai vạn đồng vàng gọi ba cô, ngay những gã công tử phá gia nhất Cửu Châu này cũng không dám vung tay như vậy.
Chàng thiếu niên tên A Ninh mặt hết trắng lại đỏ, bối rối: “Chẳng, chẳng phải tỷ đến bắt đệ về nhà sao, sao lại…”.
Khanh Tửu Tửu nhìn cậu ta từ đầu xuống chân, nhấc chén trà đang tỏa khói trên bàn lên: “Đã đến tranh giành mỹ nhân với người ta thì phải thắng, mọi ngày…”. Ánh mắt từ sau làn khói mông lung liếc qua, “… ta dạy đệ thế nào?”.
Chàng thiếu niên ngây người, cúi đầu rất thấp, cô uống hai ngụm trà rồi đứng dậy đi ra, khi rèm buông xuống, mắt liếc xuống lầu dưới một cái, “Ba cô đó nhan sắc cũng được, chọn một cô vừa ý nhất, đêm nay không cần về nhà”.
Không có ai nhìn thấy tôi, có nghĩa là từ khi Khanh Tửu Tửu xuất hiện, tôi có thể điều chỉnh góc độ, quan sát mỗi biểu hiện của cô. Đây quả là một đại mỹ nhân, nhưng lạnh như băng tạc, không thấy nụ cười, dù chỉ là cười khẩy, dường như không hứng thú với bất cứ thứ gì trên đời.
Nhưng trong ký ức này, tiểu đệ của cô lại là một thiếu niên có tên là Khanh Ninh kia. Mà lần thứ hai cô gặp Công Nghi Phỉ lại là lúc chàng ta tranh giành hoa khôi lầu xanh với tiểu đệ của cô. Ảo chi đồng chỉ có thể nhìn thấy ký ức, nhưng không thể hiểu được tâm tư của chủ nhân, cho nên tôi cũng không hiểu.
Đi theo Khanh Tửu Tửu ra khỏi lầu xanh mới phát hiện lầu này bên một chiếc hồ, ven bờ liễu rủ như rèm buông. Trên hồ bóng trăng nhàn nhạt. Tùy tùng áo đen lẫn vào đêm tối, bị cô lưu lại tại chỗ, tay xách chiếc đèn nhỏ, một mình cô đi dạo quanh hồ.
Tôi đi theo sát, gần như đi một vòng quanh hồ. Đến một chỗ có bậc đá xuống hồ thì nhìn thấy một chiếc thuyền mộc neo sát mép nước, người đứng ở mui thuyền lại là Công Nghi Phỉ vừa rồi còn uống rượu ở lầu xanh.
Công Nghi Phỉ vẻ đào hoa phóng túng, tay cầm một chung rượu bằng gốm xanh, đang cúi đầu rót rượu xuống hồ, nghe thấy tiếng động hơi ngẩng đầu, nhìn thấy người đến là Khanh Tửu Tửu, mỉm cười ra ý ngạc nhiên: “Khanh tiểu thư”.
Khanh Tửu Tửu khoan thai bước đến trước thuyền, dừng lại ngước nhìn chàng: “Trăng thanh nước biếc, Công Nghi công tử đồng ẩm với hồ, thật phong nhã”.
Chàng thu lại chiếc chung, mắt tươi cười, giọng xem chừng đầy tủi thân: “Mấy giai nhân vừa ý lại bị tiểu thư cướp mất, không người đối ẩm họa vần, đành một mình tìm chút thú vui”. Dừng lại thở dài, “… Không may chèo thuyền không thạo, mới nghĩ ra hối lộ thần hồ hai chung rượu nhạt, mong thần hồ không gây khó dễ”.
Ánh mắt nhìn Khanh Tửu Tửu, chàng hơi ngẩng đầu chìa tay cho cô, “Có điều, lần này tương ngộ cùng tiểu thư, xem ra ông trời đã đoái thương, không biết có thể cho Phỉ một vinh hạnh, mời tiểu thư cùng du thuyền thưởng ngoạn cảnh hồ”.
Giọng nói có vẻ tội nghiệp, nét mặt lại hân hoan khích lệ, tôi thầm nghĩ diễn như thế quá xoàng, không bẩm sinh như Mộ Ngôn, với tính cách của Khanh Tửu Tửu có họa là uống nhầm thuốc mới nhận lời.
Nhưng không biết Khanh Tửu Tửu nghĩ thế nào.
Gió lay cành liễu, Khanh Tửu Tửu giơ bàn tay trắng ngà, cổ tay đeo chiếc vòng ngọc màu đen túm ống tay áo Công Nghi Phỉ, nghiêng người lấy đà nhảy lên thuyền.
Chiếc thuyến gỗ chòng chành, hai người đứng rất gần nhau, cô đưa chiếc đèn trong tay cho chàng,“Công Nghi công tử chèo thuyền nhất định phải cẩn trọng”.
Tôi nhân cơ hội cũng lên thuyền, đứng một góc, đương nhiên tôi không có trọng lượng, không ảnh hưởng gì tới cái gọi là trọng tải.
Mắt Công Nghi Phỉ lóe sáng, nhưng chỉ thoáng qua, khi thuyền đã chèo ra xa bờ mới khẽ cười: “Tiểu thư lên thuyền thế này thật khiến Phỉ kinh ngạc, lẽ nào không sợ Phỉ có dụng tâm, mạo phạm tiểu thư?”.
Trên chiếc bàn trà nhỏ trong thuyền có hai chiếc gối thủy tinh lóng lánh, Khanh Tửu Tửu đưa mắt ngắm nghía, chậm rãi nói: “Vậy còn để xem Công Nghi công tử có đánh bại được Tửu Tửu không đã”.
Chiếc thuyền chầm chậm dừng lại giữa hồ, Công Nghi Phỉ tay ôm đầu, giả bộ phiền não, “Biết thế này, tại hạ đã không hối lộ thần hồ hai chung rượu, để ông ta nổi sóng lật ngã cả hai ta có phải tốt không”.
Cô chống tay vào má, mắt nhìn mặt chàng: “Thế nào?”.
Chàng rời chỗ đến ngồi đối diện cô, chỉ cách chiếc bàn trà nhỏ, tay cầm chung rượu đã rót: “Tiểu thư có thật lòng muốn biết?”.
Hình như cô suy nghĩ thật, ngẩng nhìn chàng, hỏi lại: “Thế nào?”.
Ánh mắt chàng từ chung rượu gốm màu xanh di chuyển đến mặt cô, không cười nữa, trầm tĩnh nhìn cô: “Tiểu thư thân thủ cao cường, thầm nghĩ lúc này chỉ có như vậy mới có thể đến gần tiểu thư. Tâm nguyện của Phỉ rất bé nhỏ, sau khi chia tay ở núi Cô Trúc, bấy lâu chỉ mong có dịp đến gần tiểu thư một chút”.
Sự thổ lộ đường đột mà khéo léo, quá một chút là giống đùa cợt, bớt một chút là đối phương không hiểu mình nói gì, tôi thầm tán thưởng, Công Nghi Phỉ đúng là thiên tài về khoản này.
Theo tưởng tượng của tôi Khanh Tửu Tửu sắc mặt lúc nào cũng không biểu cảm có lẽ sẽ giả bộ không nghe thấy, vậy là Công Nghi Phỉ đã thổ lộ uổng công.
Nhưng cũng may, chuyện trái với quy luật tiểu thuyết tình cảm đó không xảy ra.
Khanh Tửu Tửu nãy giờ chống má, bàn tay nghịch chiếc gối thủy tinh thoáng dừng, từ từ ngồi thẳng người, ánh mắt hơi ngạc nhiên, trầm tĩnh nhìn Công Nghi Phỉ, phía xa vẳng đến tiếng tiêu đồng, cô cầm cái gối nghiêng người nhích lại gần chàng, hai người gần nhau trong hơi thở, tư thế rất âu yếm nhưng giọng cô lạnh băng: “Chàng muốn cứu tôi một phen? Có phải chàng thực lòng muốn thế?”. Đôi mắt trong như nước mùa thu của chàng xao động.
Cô xích lại gần hơn, môi cơ hồ chạm vào tai chàng: “Nếu tôi nhảy xuống, chàng có cứu thật không?”. Cô hơi nghiêng đầu, né ra một chút, giọng rất thanh rất nhạt, không nhận ra cảm xúc: “Tôi không biết bơi, chàng không cứu, tôi sẽ chết”.
Một món tóc xõa trên trán cô, Công Nghi Phỉ nắm lấy, chàng cúi đầu, nhìn không rõ biểu cảm, giọng ôn tồn: “Lời nói ra như giễu cợt Phỉ mỗ, tiểu thư cảm thấy tâm ý của Phỉ… quá nực cười? Hay là cảm thấy Phỉ không biết tự lượng sức…”.
Lời chưa dứt, món tóc tuột khỏi tay chàng, “ùm” một tiếng, nước như hoa bắn lên mạn thuyền, qua làn nước hoa vọt lên, thấy bóng trắng như đóa hoa sen đã chìm xuống hồ. Lại “ùm” một tiếng, nước trào lên, Công Nghi Phỉ đã ôm Khanh Tửu Tửu đang ho sặc sụa vì sặc nước lên thuyền, y phục hai người ướt sũng, mặt Công Nghi Phỉ tái nhợt: “Tiểu thư…”.
Khanh Tửu Tửu đang vuốt ngực, giơ tay nắm vạt áo Công Nghi Phỉ, trong đôi mắt lạnh có bóng trăng: “Tôi chưa bao giờ đùa ai”. Lại ho một tiếng, “Chàng cũng đừng đùa tôi”. Mặt áp lại gần chàng, hơi thở cách trong gang tấc, “Đã vậy, mười ngày sau đến Khanh gia cầu hôn tôi”.
Câu nói bất ngờ đáng kinh ngạc, nhưng dưới ánh trăng Khanh Tửu Tửu người ướt sũng nhìn chàng đăm đăm: “Chàng có bằng lòng?”.
Ánh mắt trong veo của chàng xao động, không trả lời ngay. Cô lạnh mặt đẩy chàng ra, giọng lạnh thấu tận xương: “Không bằng lòng ư? Những lời nhớ nhung chàng nói vừa rồi quả nhiên là dối trá. Nhưng Vĩnh An Khanh Tửu Tửu không phải là người chàng muốn giễu là giễu, Công Nghi công tử”.
Vẻ sửng sốt của chàng cuối cùng trở lại bình thường, mặt hồ xanh sẫm dưới trăng, nụ cười dâng đầy trong mắt: “Sao có thể? Mười ngày sau, ta đến cưới nàng”.
Chàng nắm tay cô, miệng hơi nhếch, “Ta chưa thích một ai, nhưng Tửu Tửu, ta vừa nhìn thấy nàng đã cảm thấy nàng phải là của ta”.
Cô ngoảnh đầu, nhìn chiếc đảo nhỏ không xa trên mặt hồ, “Chàng nhìn thấy các cô gái thanh lâu, cũng cảm thấy họ phải là của chàng à?”.
Chàng bật cười: “Họ không phải là của ta, nàng thấy đấy, nàng thích ta cũng không tranh với nàng”.
Cô ngoảnh lại, vẻ trầm tư, lát sau lấy ra chiếc vòng ngọc đen trên cổ tay: “Đến ngày hẹn cha muốn thiếp ca vũ kén chồng. Chàng hãy đến xem thiếp múa, phổ một khúc hay hơn trình cho cha, như vậy chàng sẽ lấy được thiếp. Cha thiếp từng ca ngợi văn tài của chàng, đáng tiếc lần này kén chồng không phải là vịnh thơ gieo vần, về nhạc lý được cha khen hay, thiên hạ hiện chỉ có Trần thế tử Tô Dự”.
Chàng tươi cười nắm tay cô: “Ý nàng là muốn ta nhờ biểu đệ giúp?”. Lại giả bộ thở dài, “Ta bình sinh không thích đi với hắn, vạn nhất lúc đó nàng lại thích hắn, cha nàng thích hắn, thì biết làm sao? Ta không muốn động thủ với hắn”.
Cô để chiếc vòng vào tay chàng: “Hãy nhớ chàng đã nói gì, chàng nói thiếp là của chàng, vậy hãy giành thiếp về cho mình, đừng làm thiếp thất vọng”.
Gió thổi qua, con thuyền nhỏ đung đưa, chàng ôm cô: “Lúc nhảy múa nên mặc nhiều xiêm áo, dừng để kẻ khác được hời”. Hai tay cô buông thõng từ từ giơ lên, ôm lấy tấm lưng thanh tú của chàng, chàng cơ hồ cứng người, ôm cô chặt hơn. Cằm cô tì vào bờ vai ướt của chàng, mắt mở to, nhìn lên vầng trăng xa xăm trên trời.
Đây là một đôi uyên ương quan hệ phát triển nhanh chóng nhất sau lần gặp đầu tiên mà tôi từng thấy, không hiểu tiếng sét ái tình là thế nào, làm sao biết người mình cần là người này chứ không phải người kia, không phải một người khác, lời hứa lúc này về sau quên hết? Tôi có ý nghĩ như vậy, chủ yếu là nhớ tới người vợ chính thức của Công Nghi Phỉ tám năm sau chính là Công Nghi San, con gái của nhị thúc chàng. Đã biết kết cục như vậy, cuộc cầu thân này sao có thể thuận buồm xuôi gió?
Nhưng bất luận thế nào, mười ngày cũng trôi qua rất nhanh.
Sáng sớm hôm đó, xung quanh chiếc đài cao tế thần của Khanh gia ở Vĩnh An tụ tập rất đông công tử các bậc thế gia trong thiên hạ, Khanh Tửu Tửu toàn thân áo trắng giản dị, mặt dửng dưng đứng trên đài cao trước một đỉnh hương lớn bốc khói.
Những chàng công tử bên dưới tế đàn có người đến đây vì tài sản của Khanh gia, có người vì nhan sắc của cô, duy nhất một người đến vì cô. Nhưng khi cô tìm thấy chàng trong đám đông lại không tỏ vẻ vui mừng, trái lại tay chống vào trán, đôi môi đỏ chỉ khẽ mấp máy, mệt mỏi nhắm mắt như bị kiệt sức. Nhạc sư bên cạnh bắt đầu tấu nhạc. Tôi nghe rất rõ, cô nói: “Vẫn đến sao?”.
Đồng thời tôi sực nhớ đến một tin đồn từ mấy năm trước, rằng họ Khanh ở Trần quốc có một thiên kim có tài ca vũ nức tiếng thiên hạ, thầm nghĩ chắc là Khanh Tửu Tửu này. Chỉ là về sau không nghe thấy tin tức gì về tài ca vũ của cô, cho nên thiên hạ không bị chấn động hơn nữa, nhưng ca khúc phối với điệu múa của cô gọi là “Thanh hoa huyền tưởng” một thời rất nổi tiếng, ngay đến một vùng hẻo lánh như núi Quân Vu thỉnh thoảng cũng nghe thấy người ta ngân nga vài câu, có thể thấy nó vô cùng thịnh hành.