Vì Anh, Sắp Đi Ngủ Rồi Mà Em Còn Phải Ăn Tận Hai Que Kem Đấy
Tuy anh trai lớn hơn tôi năm tuổi, nhưng vì tôi đi học sớm, thế nên anh chỉ hơn tôi bốn lớp. Tôi lên lớp 8, anh học lớp 12.
Ý kiến của người lớn chia làm hai phe. Chú và thím hy vọng anh có thể thi vào ngành tài chính của một trường đại học trọng điểm, tương lai kế thừa sự nghiệp của chú, nếu có thể phát triển hơn nữa thì càng tốt.
Ông ngoại lại không tán thành để anh làm doanh nhân. Ông muốn anh vào trường quân đội. Tuy không thể hy sinh xương máu cho đất nước, thế nhưng cũng có thể đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.
Chú đương nhiên không dám phản đối ra mặt, nhưng lúc về nhà lại nói, “Không có những doanh nhân ngày ngày cống hiến nhiệt huyết trên bàn rượu như chúng ta, đất nước sẽ không phát triển tốt như thế đâu, thế mà bố lại không nghĩ ra.”
Thím xì một tiếng, “Lúc đó thì vâng dạ hết lời, giờ còn không biết xấu hổ mà dương dương tự đắc, có giỏi thì đứng trước mặt bố em mà nói đi.”
Chú chỉ cười, lại chuyển sang nói với tôi: “Vậy việc kinh doanh của chú về sau phải giao lại cho Viên Viên rồi, đến lúc đó anh cháu làm quan chức, cháu làm doanh nhân, hai đứa kết hợp với nhau, vùng vẫy khắp bốn phương, nhỉ?”
Tôi lè lưỡi: “Cháu ngốc thế này, chú đừng hy vọng gì ở cháu. Toán cấp Hai giờ đã làm cháu đau đầu không chịu nổi rồi.”
Chú không đồng tình: “Sợ gì chứ, chú của cháu đây suýt nữa còn chẳng tốt nghiệp nổi cấp Ba mà vẫn làm sổ sách tính tiền tốt đấy thôi. Người học giỏi nhất lớp chú giờ làm gì? Làm thầy giáo dạy toán đó.”
“Lương Kiến Huy, anh đừng có dạy hư trẻ nhỏ nữa đi. Viên Viên đừng nghe lời chú cháu, vẫn phải cố gắng học hành đấy.”
Tôi cười không nói. Anh trai không tham gia vào cuộc nói chuyện của chúng tôi, đi thẳng lên tầng. Anh đối với chú luôn bình thường như vậy, cũng chưa bao giờ gọi chú là bố, nhưng xem ra vẫn kính trọng chú.
Tôi không rõ kỳ vọng của chú đối với tôi là thật hay giả, dù sao tôi cũng tự biết thân mình, tôi chỉ muốn sau này có một công việc ổn định, có thể tự lập, sống đơn giản thôi, còn nghiệp lớn cứ giao cho đồng chí Lưu Thành Hề là được rồi.
Tuy rằng ý kiến của người lớn không giống nhau, nhưng việc trước mắt vẫn là phải học hành cho tốt. Thím tôi trước nay chưa từng gò bó anh, giờ lại lập ra quy củ, muốn anh năm cuối này phải thay đổi. Tuy không hạn chế tự do của anh, nhưng mỗi ngày phải về nhà trước chín giờ tối. Thành tích nhất định không được để thím phải phiền lòng, thím cũng không muốn nghe thầy cô phản ánh rằng anh không làm bài tập, đi học và đi thi đều ngủ nữa. Nếu không, sẽ cắt tiền tiêu của anh ấy, còn tịch thu luôn cả tài khoản riêng.
Tài khoản riêng của anh chắc chắn có rất nhiều tiền. Tôi mới đến nhà chú hai năm, đã có được không ít tiền mừng tuổi. Số tiền này, trước kia tôi chưa từng dám nghĩ tới. Cứ đến Tết, ông bà ngoại và bạn làm ăn của chú lại cho. Tôi chủ động đưa hết cho thím, thím lại không lấy, chỉ bảo tôi hãy giữ lại. Tiền mừng tuổi mỗi năm của anh còn hơn tôi nhiều, huống hồ ở nhà ông ngoại, tôi cũng không chỉ một lần thấy ông bà đưa một cục tiền lớn cho anh. Ngày ngày anh có thể ở bên ngoài chơi đến quên cả trời đất, tất cả đều dựa vào chỗ tiền riêng đó.
Thế nhưng thím làm việc ở bộ công thương, mỗi ngày đều bận rối tinh lên, còn phải đi ra ngoài xã giao cùng chú, làm sao có thời gian giám sát anh. Dì giúp việc trong nhà làm cơm tối xong sẽ đi. Người còn lại duy nhất chính là tôi.
Thế nên tôi nghiễm nhiên trở thành tai mắt của thím. Thật là khóc không ra nước mắt mà. Anh ơi, anh làm gì phải nhìn em buốt giá như thế?
Hôm đó, tôi bị anh gọi vào phòng, đưa cho hai quyển sách và hai quyển vở bài tập, trên mặt là vẻ hòa hoãn hiếm thấy.
Tôi không dám nhận, trừng mắt nhìn, cảm thấy miệng khô khốc, “Anh, đây là...”
“Cho em thì em cầm đi. Đây là bài tập anh giao thêm cho em.”
Tôi nhìn bìa cuốn sách dành cho học sinh lớp 12, mặt đau khổ: “Nhưng đây là bài tập của lớp 12 mà, em không làm được.”
Anh nhíu mày: “Không làm được thì em không học hả? Cho em sách để làm gì? Hai môn đơn giản như Ngữ văn và Tiếng Anh chỉ cần đọc sách là hiểu rồi. Đầu em ngốc thế, không dạy trước cho em thì sau này làm sao em theo kịp được?”
“Nhưng... Nhưng chữ của chúng ta không giống nhau.”
“Trước giờ anh chưa từng viết vào hai quyển bài tập này, thầy làm sao mà biết được chữ anh chứ. Sau này mỗi ngày anh sẽ giao bài tập cho em, làm xong thì đưa cho anh”.
“Anh...” Tôi định đem vẻ mặt cún con hay thể hiện trước mặt bà ngoại ra, cuối cùng bị anh uy hiếp trừng cho một cái.
“Còn nữa, từ sau mẹ về nhà trước chín giờ, em phải gọi điện cho anh biết. Nếu mẹ về sau chín giờ mà anh chưa về, em phải bao che cho anh, sau đó cấp báo cho anh.”
“Làm sao mà cấp báo...”
“Dốt thế, tự nghĩ cách đi! Mau về làm bài tập, sáng mai đưa cho anh!” Anh không để tôi viện cớ, đẩy tôi ra khỏi phòng.
Ông trời ơi, ông có mắt không? Anh lên lớp 12, người bận nhất lại là tôi...
Cuối cùng, mỗi ngày tôi mất một tiếng làm xong bài tập của mình, phải đau đớn mà từ bỏ bộ phim truyền hình yêu thích, tốn thêm ba tiếng làm bài tập cho anh. Phải bao che cho anh trước mặt thím, lại phải báo tin cho anh. Tôi chính là kẻ tôi tớ hai mặt trong truyền thuyết đây mà.
Người anh trai khó chịu của tôi quả nhiên là to gan. Thím vừa đặt ra quy định ngày hôm trước, hôm sau anh đã vi phạm luôn rồi.
Tôi ngồi ở bàn ngoài phòng khách, vừa mở TV, vừa lén lút mở phần đáp án phía sau quyển bài tập tiếng Anh chép vào.
Lượng bài tập của khối 12 nhiều đến mức biến thái, còn xé hết cả đáp án phía sau quyển bài tập. Tôi tin chắc những bạn học chăm chỉ của anh nhất định đều âm thầm mà cố gắng vất vả. Nhưng người học lớp 12 cũng không phải tôi, thế nên đương nhiên tôi đã ra hiệu sách mua hai quyển bài tập giống y đúc, tiện cho việc chép lại đáp án cuối sách.
Sau lưng có tiếng mở cửa, tôi liền vểnh tai nghe ngóng. Nghe thấy tiếng chú thím nói chuyện, tôi lập tức nhét sách bài tập vào ngăn bên của cặp sách, thay bằng bàn tập Toán của mình. Nhìn lên đồng hồ, vừa mới chín rưỡi.
Mặt chú hơi đỏ, rõ ràng là đã uống rượu. Tôi liền đứng dậy đi pha trà. Thím nhìn xung quanh, hỏi:
“Viên Viên, anh cháu đã về chưa?”
Trong lòng tôi rất hốt hoảng, nhanh chóng suy nghĩ một chút, cuối cùng trả lời: “Anh vừa mới ra ngoài, bảo là đi mua chút đồ gì đó ạ.”
“Mua chút đồ, hay là lại đi chơi?”
Tôi bẩm sinh nhát gan, vừa nói dối mặt đã đỏ như quan công. Tôi cúi đầu không dám nhìn thím, vội chạy lên tầng, nhấc điện thoại trong phòng gọi cho anh. Thời đó điện thoại di động vẫn là thứ hiếm, nhưng anh đã mua được một cái.
Điện thoại kết nối được, đầu kia nghe rất ồn ào. Tôi không dám nói lớn, sợ chú thím nghe được, lại sợ họ nghe qua điện thoại ở dưới nhà, bèn nói nhỏ lại:
“Anh mau về đi. Em nói anh ra ngoài mua chút đồ.”
Bên kia không trả lời, cúp máy luôn.
Tôi không rõ anh có nghe thấy không, nhưng thím lại gọi tôi xuống ăn hoa quả. Tôi thưa một tiếng, chỉ đành thấp thỏm đi xuống, trong lòng vô cùng hối hận. Lỡ bị phát hiện, vậy hình ảnh cháu gái ngoan của tôi trong mắt chú thím sẽ sụp đổ mất.
Tôi giả bộ bình tĩnh, cầm quả táo chậm rãi ăn, ánh mắt lướt qua đồng hồ, nói chuyện với chú lại nhấp nhổm không yên.
Đúng lúc tôi không thể kiên nhẫn được nữa, chuẩn bị khai báo thành thật thì tiếng mở cửa động trời vang lên. Tôi lập tức đứng phắt dậy.
Anh thay dép đi vào. Thật kỳ diệu, trong tay anh thực sự cầm một túi đồ. Không đợi thím hỏi, anh đã giơ cái túi lên, “Vừa nãy Viên Viên nói muốn ăn kem, con mới ra ngoài mua cho em ấy. Này, cho em.” Anh nói mà vẻ mặt cực kỳ bình tĩnh.
Tôi chầm chậm đi qua nhận lấy túi kem, lòng bàn tay đầy mồ hôi. Anh liếc tôi một cái, nhỏ giọng nói, “Vô dụng”.
Ừ đấy, tôi vô dụng. Đứa em gái vô dụng này đã bao che cho anh, đến giờ đi ngủ rồi còn phải giả bộ vui vẻ mà ăn tận hai que kem đấy.
Thím rất hài lòng về việc kiểm tra đột xuất. Tôi nghĩ, cho dù thím có nghi ngờ, cũng sẽ không nghĩ đứa cháu luôn thành thật nghe lời như tôi sẽ giúp anh lừa thím. Điều này làm tôi hơi áy náy, âm thầm hạ quyết tâm, lần sau sẽ không bao giờ vì bao che cho anh mà nói dối nữa.
Thật may, anh đã bắt đầu có nề nếp hơn một chút. Trừ tối thứ Bảy, còn lại đều cố gắng trở về trước giờ quy định, có khi còn ăn cơm chiều. Đôi lúc thím về sớm, tôi sẽ về phòng gọi điện cho anh, thường thì anh sẽ về rất nhanh. Thế nhưng dù anh về cũng chỉ về phòng mình, không biết làm gì ở trong đó. Tôi vẫn phải làm bài tập của anh.
Tôi than thở với Gia Hinh, cô ấy cũng bất lực, chỉ biết an ủi tôi: “Cậu phải thấy may mới đúng, anh ấy còn không bắt cậu làm giúp bài tập toán hoặc bài tập vật lý.”
Tôi nghĩ thấy cũng đúng, thế mà cô ấy lại bồi thêm một câu, “Bởi vì cậu chỉ có thể lao động chân tay, chứ không thể làm việc cần dùng trí óc được.”
Tôi nổi cáu, cô ấy vội chạy biến đi, tôi không đuổi kịp. Tiếc là chúng tôi không học cùng lớp, tôi cũng không có gan lao vào lớp người ta lôi cô ấy ra, chỉ có thể dậm chân mấy cái, rồi quay về lớp của mình.
-
Theo lý mà nói, tôi hẳn phải giống những thanh thiếu niên không ngại khó học hành, hăng hái tiến về phía trước. Lâm vào đường cùng cũng không mất chí khí, tuy ăn nhờ ở đậu cũng sẽ không chịu thua kém, ngày đêm chong đèn đọc sách, cuối cùng thành danh, khiến người ta phải nhìn mình với con mắt khác. Nhưng đầu óc tôi khá bình thường, chí khí cũng không thể tầm thường hơn, điển hình của loại người không có chí tiến thủ. Tôi chỉ muốn vâng lời chú thím, sống đơn giản, dù ở nhờ cũng không thấy mất mặt, chỉ muốn tự bảo vệ bản thân để không bị người khác bỏ rơi nữa.
Đây chính là lý do mặc dù cùng học ở trường trọng điểm, nhưng tôi lại học khác lớp với Gia Hinh. Bởi vì lớp của tôi, thực sự có hơn nửa số bạn học là vào được đây nhờ tiền.
Vậy mà bọn họ không kiêng kỵ gì, cũng chẳng bao giờ che giấu mình nhờ tiền để vào đây học. Tôi từng nghe có người nói, bố mẹ cậu ấy cho cậu ấy vào học trường này, là vì không muốn bị xem thường khi nói chuyện với người khác. Dù sao thì tốt nghiệp trung học xong, cậu ấy sẽ đi du học. Dát một lớp vàng lên người như vậy rồi sẽ trở về kế thừa sản nghiệp. Đôi khi tôi nghĩ, vậy chẳng phải là lừa mình dối người hay sao? Dát một lớp vàng lên bên ngoài thì thực sự sẽ trở thành báu vật?
Tuy nhiên, tôi thích bầu không khí thoải mái của lớp. Hết giờ học, kể cả những bạn tự mình thi đỗ vào trường này cũng sẽ vui vẻ xem các bạn khác bày trò vui; đôi lúc có người nói đùa, mọi người sẽ cùng cười vang. Không giống các lớp khác, hết tiết rồi vẫn có không khí căng thẳng. Gia Hinh thỉnh thoảng ra ngoài nói chuyện với tôi, đều sẽ bị giáo viên chủ nhiệm lớp họ trừng mắt nhìn.
Các lớp khác vừa hâm mộ lại vừa khinh thường lớp chúng tôi, còn lớp chúng tôi vừa ngưỡng mộ lại vừa thương xót cho bọn họ. Thực ra chẳng có ai giỏi giang hơn người, chỉ là mọi người có xuất phát điểm không giống nhau, cái đích theo đuổi cũng sẽ khác nhau.
Tôi đương nhiên không tham gia vào nhóm thích ăn chơi của lớp hay những cuộc tán gẫu ồn ào. Phần lớn thời gian, tôi chỉ yên lặng ngồi một chỗ nhìn họ mà cười. Tôi cảm thấy mình và bọn họ không có cùng xuất phát điểm. Người ta có tiền thật, tôi là giả giàu sang. Tự biết thân phận vẫn tốt hơn.