Minh Hà nói: “Sao tiểu thư không làm một bài thơ mắng cho một trận để chàng ta dẹp cái chuyện đó đi?”
Kiều Loan nói: “Tuổi trẻ lòng thực, không nên mắng làm gì, chỉ cần lựa lời khuyên chàng ta là được rồi”. Liền làm ngay bài thơ bát cú, khuyên thư sinh hãy bỏ tà ý đi mà nên dốc lòng học tập thi thư.
Từ đó, hai người cứ kẻ xướng người họa, làm thơ gửi cho nhau liên tục, dần dần thành thân thiết.
Một lần, thơ của thư sinh bị dì Tào biết được. Dì Tào bèn bảo: “Dì biết chàng này là tú tài ở Giang Nam, họ Chu tên Đình Chương, người huyện Ngô Giang phủ Tô Châu. Cha chàng ta làm quan coi việc học ở vùng này, hiện ở gần đây thôi. Dì thấy hai bên cũng xứng với nhau, sao không bảo họ tìm môi nhân đến cầu thân, để thành mối nhân duyên trăm năm chồng vợ, như vậy chẳng hay lắm sao?”
Kiều Loan gật đầu nghe theo. Nàng trang điểm xong, cầm bút viết ngay một bài thơ, ý bảo Đình Chương hãy tìm người làm mối tới cầu hôn.
Đình Chương nhận được bài thơ bèn nằn nì xin người bạn thân của cha mình là Triệu Học Cứu đến Vương phủ làm việc đó.
Vương Thiên Hộ cũng rất ưng tài mạo của chàng họ Chu, song Kiều Loan là con gái yêu, rất tinh thông chữ nghĩa văn thơ, mà mình thì đã già rồi, mọi công việc văn thư đều nhờ cậy vào nó giúp đỡ, không thể thiếu nó được, vì vậy, không muốn gả đi xa. Thế nên ông cứ phân vân mãi, chưa thể bằng lòng được.
Đình Chương biết việc cầu hôn không thành, trong lòng buồn bã, bèn viết thư cho Kiều Loan xin gặp một lần. Kiều Loan hồi thư từ chối, lại kèm theo một bài thơ, hai câu cuối như sau:
Thử sinh đãn tác can huynh muội
Trực đắc lai sinh liễu thốn tâm.
Anhemkếtnghĩakiếpnày Đình Chương đọc xong, bèn nẩy ra một kế. Chàng trở về nói với cha rằng nhà học ở nơi này chật hẹp, lại quá huyên náo, nay nên mượn chỗ vườn sau của nhà họ Vương làm nơi đọc sách. Cha nàng đến nói với Vương Thiên Hộ, ông này thoải mái bằng lòng ngay. Đình Chương lại nói: “Tuy đã được ông Thiên Hộ bằng lòng, song chẳng phải bạn bè thân thuộc gì, cũng khó mà phiền người ta. Con nghĩ ta nên sắm một chút lễ, xin nhận Vương phu nhân làm cô, rồi cô cháu xưng hô với nhau, chẳng cần phải nói cũng hiểu”.
Một hôm Đình Chương ngầm xin gặp tiểu thư ở khuê phòng. Kiều Loan đưa mắt nhìn dì Tào, nói nhỏ: “Bà ấy giữ chìa khóa, chàng hãy tự đi mà lấy!”
Đình Chương biết nàng đã đồng ý. Hôm sau, chàng ta mang tới món quà rất hậu, nhờ Minh Hà đưa biếu dì Tào. Dì Tào hỏi Kiều Loan: “Chu công tử biếu dì quà lớn quá, để làm gì vậy?”
Kiều Loan nói: “Chàng ta trẻ người non dạ, để tránh chuyện thất lễ, nên muốn được dì bao bọc cho đấy mà”.
Dì Tào nói: “Chuyện riêng của hai cô cậu, tôi đều biết hết. Hai người cứ việc qua lại, tôi không nói ra đâu”.
Rồi đưa ngay chìa khóa cho Minh Hà. Kiều Loan mừng quá viết ngay một bài thơ, mời Đình Chương đến tối tới khuê phòng tương ngộ.
Nhận được bài thơ, Đình Chương vô cùng vui sướng. Đến tối, chàng ta hớn hở đi tới khuê phòng. Kiều Loan sai Minh Hà mời dì Tào tới, xin dì làm bà mối, rồi viết bốn tờ hôn ước: một tờ đốt cúng trời đất, quỷ thần để chứng giám, một tờ giao cho dì Tào để làm tin môi giới, còn hai người mỗi người giữ một tờ. Trong hôn ước có nói rõ: nếu nữ phụ nam sẽ bị sấm sét đánh chết, nếu nam phụ nữ sẽ bị tên bắn tan thây.
Từ đó, hai người liên tục qua lại với nhau, tình cảm ngày càng sâu nặng. Thấm thoát đã được hơn nửa năm. Ông Chu mãn nhiệm việc coi nhà học, được thăng làm Lệnh Doãn huyện Nga My tỉnh Tứ Xuyên. Đình Chương lưu luyến với Kiều Loan, không chịu đi cùng. Chàng ta nói rằng phải ở lại học tiếp rồi tiễn cha lên đường. Kiều Loan thấy chàng đa tình như vậy, càng thêm yêu thương.
Lại qua nửa năm nữa, Đình Chương được tin cha ở Tứ Xuyên do không hợp khí hậu nên cáo bệnh về quê, bèn muốn về để thăm cha mẹ. Song chàng ta không nỡ rời xa Kiều Loan nên suốt ngày cứ âu sầu buồn bã, Kiều Loan biết được, bèn khuyên chàng hãy về hầu hạ song thân. Dì Tào cũng khuyên nên về bẩm rõ với cha mẹ để sớm được cưới nàng, toại lòng ước nguyện. Đình Chương chỉ đành thu xếp hành lý, từ biệt rồi lên đường.
Về đến nhà ở Ngô Giang, cha mẹ vô cùng mừng rỡ. Vốn là ông Chu đã chọn cho Đình Chương một đám, đang định đón chàng về làm đám cưới. Mới đầu Đình Chương không bằng lòng, sau nghe nói cô gái đó cực kỳ xinh đẹp, của hồi môn lại nhiều, thế là quên luôn chuyện đính ước với Kiều Loan. Chỉ mấy ngày sau, tân nương được rước về, vợ chồng ân ái như cá với nước, chẳng còn nhớ Kiều Loan là ai nữa.
Lại nói đến Kiều Loan từ sau khi tiễn Đình Chương đi rồi thì ngày ngày mộng hồn vơ vẩn, thân hình tiêu hao. Đợi được đúng một năm, chẳng thấy tin tức gì của Đình Chương, nàng bèn nhờ người công sai thuận đường tới Ngô Giang chuyển hộ một phong thư. Nào ngờ sau đó vẫn biệt vô âm tín.
Thấm thoắt thoi đưa, lại qua đi hai năm. Kiều Loan đoán chàng Chu đã đổi lòng rồi, song còn chưa dám chắc, bèn gọi gia nhân là Tôn Cửu đến, nằn nì nhờ hắn đích thân đến Ngô Giang một chuyến xem thực hư thế nào.
Tôn Cửu ngày đi đêm nghỉ, đến được Ngô Giang. Đình Chương vừa trông thấy Tôn Cửu là đỏ bừng mặt, cầm lấy phong thư bỏ vào tay áo rồi lỉnh vào nhà ngay, một lát sau mới sai thằng nhỏ ra nói: “Tướng công nhà tôi lấy tiểu thư nhà khác đã được hai năm rồi. Còn Nam Dương thì xa quá, không đến nữa đâu. Chiếc khăn lụa và tờ hôn ước này nhờ anh đưa về trả lại cho tiểu thư Kiều Loan để nàng ta thôi đi”.
Tôn Cửu nổi giận, bước ra khỏi cửa rồi lớn tiếng chửi mắng: “Đồ bạc tình như mày thật không bằng loài cầm thú. Mày đã phụ tấm chân tình của tiểu thư Kiều Loan, ông trời sẽ không tha mày đâu!” Chửi rồi khóc òa lên, bỏ đi. Người đi đường đón hỏi vì sao, anh ta nhất nhất kể rõ hết. Từ đó,Chu Đình Chương chẳng còn được coi ra gì ở Ngô Giang nữa.
Tôn Cửu về đến Nam Dương, không nỡ gặp tiểu thư, chỉ vừa khóc vừa kể lại với Minh Hà. Minh Hà không dám giấu diếm, nói lại hết với Kiều Loan, Kiều Loan khóc suốt ba ngày ba đêm, cầm chiếc khăn lụa lên nhìn đi nhìn lại mãi, có ý muốn tự tận, nhưng rồi lại nghĩ: “Kiều Loan là ái nữ nhà danh gia, đẹp đẽ tài năng, nếu cứ lặng lẽ mà chết đi thì chẳng có lợi cho thằng cha bạc tình đó sao?”. Bèn làm 32 bải thơ tuyệt mệnh và một bài “Trường hận ca” gộp với cả các bài xướng họa trước đây đem gửi tất cả cho quan huyện Ngô Giang.
Rồi đêm ấy, nàng tắm gội, thay áo, đóng chặt cửa phòng lại, tự treo mình chết, năm đó tuổi vừa hai mươi mốt.
Lại nói quan huyện Ngô Giang tiếp được các bài thơ và tờ hôn ước của Kiều Loan, đọc đi đọc lại, thấy thương tiếc tài năng và rất giận kẻ bạc tình Chu Đình Chương. Ngày hôm sau, quan bèn cho bắt hắn tới, dùng nghiêm hình trách phạt. Ít lâu sau, lại được biết Kiều Loan đã tự tận, bèn cho giải hắn từ nhà giam lên công đường mà mắng rằng: “Ngươi cợt đùa con gái nhà quan, đó là một tội; ngươi bỏ vợ này lấy vợ khác, đó là hai tội; ngươi làm khổ khiến người phải chết, đó là ba tội. Trong hôn ước có nói: nếu người nam phụ người nữ, sẽ bị tên bắn tan thây. Nay ta sẽ không dùng tên bắn ngươi, mà dùng gậy đánh chết ngươi, để răn dạy cho những kẻ phụ người trong thiên hạ”.
Thế là một trận gậy đánh tơi bời, chỉ trong chốc lát ChuĐình Chương hóa thành đống thịt nát. Người trong thành ai cũng hả lòng.
Ông Chu được tin đó, khí uất lên mà chết. Người vợ của Chu Đình Chương về sau đi lấy người khác.