Anh chàng Thẩm Tú này không biết kế thừa nghề cha, chỉ biết chơi bời lêu lổng, đặc biệt là thích nuôi chim họa mi. Hàng xóm láng giềng trong xóm ngõ đặt cho hắn cái tên là “Thẩm chim”. Hàng ngày cứ đến canh năm là “Thẩm chim” xách lồng chim vào trong rừng liễu trong thành để huấn luyện cho họa mi. Ngày nào cũng vậy.
Hôm đó, Thẩm Tú đi hơi muộn. Đến nơi thì những kẻ nuôi chim khác đã về hết cả rồi, rừng liễu vắng tanh, trời lại âm u, không thấy một bóng người nào cả. Thẩm Tú chỉ có một mình, bèn treo cái lồng chim lên cây liễu. Một lát sau, hắn chợt thấy đau bụng ghê gớm, rồi ngã gục xuống cạnh cây liễu, bất tỉnh nhân sự.
Đúng lúc đó, có gã thợ đánh đai thùng tên gọi Trương Công gánh đồ hàng đi qua rừng liễu. Gã nhìn thấy Thẩm Tú mặt mày tái ngắt, mê mệt không biết gì, trên cây có con chim họa mi đang hót véo von. Chợt nảy lòng tham, Trương Công nghĩ bụng: “Con chim này ít nhất cũng được hai ba lượng bạc”, bèn xách luôn cái lồng đi.
Không ngờ đúng lúc này, Thẩm Tú tỉnh lại. Mở mắt nhìn thấy Trương Công xách lồng chim của mình, muốn bò dậy mà không nổi, đành chỉ la: “Thằng mất dạy kia, lấy con họa mi của ta làm gì đấy?”
Trương Công sợ hắn dậy được thì mình chết, bèn chẳng lôi thôi gì nữa, cầm ngay con dao quắm chém một nhát vào cổ Thẩm Tú, đứt luôn cái đầu lăn lông lốc.
Trương Công vô cùng kinh hãi, đảo nhìn khắp xung quanh, sợ có người trông thấy. Chợt ngẩng đầu lên, thấy một cây liễu trống hốc ở giữa, vội vàng xách cái đầu ném vào chỗ trống hốc đó, rồi cất dao, quặc lồng chim vào đòn gánh, chuồn thẳng.
Đi được nửa đường, Trương Công gặp ba người lái buôn từ thành Biện Lương đi tới, trong đó có một người tên là Lý Cát thường cũng rất thích nuôi chim. Lý Cát thấy trên gánh của Trương Công có treo con họa mi, hót nghe rất hay, bèn bước tới hỏi mua. Trương Công đang mong thoát vụ này nên chỉ đòi một lượng hai là bán luôn cho Lý Cát.
Về đến nhà Trương Công đóng chặt cửa, kể hết sự tình cho vợ nghe. Mụ Trương nghe nói có được bạc là vui mừng hí hửng.
Lại nói buổi trưa hôm đó, có hai người gánh phân đi qua rừng liễu, nhìn thấy một cái xác chết cụt đầu, bèn lập tức đi báo quan. Chỉ chốc lát, toàn thành đều nhốn nháo cả lên, mọi người tranh nhau đi xem. Thẩm Dục cũng vào rừng liễu, nhìn thấy quần áo mặc trên xác chết đúng là của con trai mình, thế là khóc rống lên. Nghiêm Thị ở nhà nghe tin lập tức ngã lăn ra bất tỉnh.
Nửa tháng trôi qua, vẫn không tìm thấy hung thủ. Thẩm Dục quyết định trước hết phải tìm được cái đầu của con mình đã, rồi sẽ tính sau. Bèn lập tức viết một tờ cáo thị đem dán khắp trong thành, trên viết: “Xin thông cáo các quân tử bốn phương, nếu ai tìm được cái đầu của Thẩm Tú thì xin thưởng một ngàn quan tiền. Ai bắt được hung thủ, xin thưởng hai ngàn quan”.
Sau đó, quan phủ cũng yết tờ cáo thị: “Tìm được đầu Thẩm Tú sẽ được thưởng năm trăm quan. Bắt được hung thủ sẽ được thưởng một ngàn quan”.
Bấy giờ, ở chân ngọn núi lớn phía nam có một ông lão nghèo khổ thường gọi là Hoàng Lão Cẩu. Ông ta khi còn trẻ sống bằng nghề khiêng kiệu. Khi già hai mắt bị mờ, chỉ sống nhờ vào hai người con trai, con lớn là Đại Bảo, con nhỏ là Tiểu Bảo. Ba cha con ăn không đủ no, mặc không kín mình, sống rất cực khổ.
Hôm đó, Hoàng Lão Cẩu gọi anh em Đại Bảo đến trước mặt, nói rằng: “Cha nghe người ta nói có ông tài chủ nào đó tên là Thẩm Tú bị người ta giết chết, không tìm thấy đầu. Vừa rồi nhà họ xuất tiền thưởng, ai tìm thấy cái đầu sẽ được một ngàn quan. Quan phủ lại thưởng thêm năm trăm quan nữa. Cha nay đã già, có sống thêm cũng chẳng được gì, chi bằng bỏ quách cái mạng của cha đi, để các con được sống sung sướng một chút. Hai con đêm nay hãy cắt đầu của cha đem chôn chỗ cạnh Hồ Tây. Để qua mấy ngày cho biến dạng không còn nhận ra được nữa thì hãy đi báo quan lĩnh thưởng, như thế có thể được một ngàn năm trăm quan, lại chả hơn sống đói khổ như thế này sao? Có điều, không nên chậm trễ, nếu có kẻ khác làm trước mất thì uổng cái mạng của cha”.
Hai thằng con nghe xong bèn lánh ra ngoài cửa bàn bạc. Tiểu Bảo nói: “Cha bày cách này hay quá, đến bậc tướng quân nguyên soái cũng chẳng nghĩ ra. Kế thì hay thật đấy, chỉ khổ là mất cha”. Đại Bảo là đứa vừa ngu ngốc vừa cục cằn, lập tức nói ngay: “Xem chừng trước sau rồi cha cũng chết, chi bằng nhân cơ hội này giết ông đi, rồi đào hố chôn dưới chân núi, mất tăm mất tích, không ai tìm ra được. Còn lương tâm trời đất thì đây là tự ông bảo chúng ta làm chứ chúng ta có ép ông đâu”. Tiểu Bảo nói: “Thôi được, có điều, đợi ông ngủ say đã hãy ra tay”.
Bàn xong, chúng lập tức đi mua chịu hai bình rượu về, ba cha con uống say khướt, đi đứng loạng choạng. Qua đêm, vào lúc canh ba, hai anh em chúng trở dậy, thấy ông già đang còn ngủ li bì, Đại Bảo liền vào bếp lấy ra con dao thái rau, cắt cổ cha, lấy cái đầu, rồi vội vàng lấy quần áo cũ bọc cái thân lại, vác tới chân núi, đào một cái hố sâu chôn xuống. Trời chưa sáng, chúng đã đem cái đầu của cha chôn xuống chỗ nước cạn bên hồ Ngẫu Hoa gần núi Bình Sơn.
Nửa tháng sau, hai tên vào thành xem kỹ tờ cáo thị rồi chạy đến nhà họ Thẩm báo tin: “Hôm qua, hai đứa tôi đi bắt cá, thấy một cái đầu người ở cạnh hồ, chắc là đầu con trai ngài”. Thẩm Dục nói: “Nếu đúng thì ta sẽ thưởng các ngươi một ngàn quan tiền, không thiếu một xu”. Rồi lập tức cùng bọn chúng tới bên hồ Ngẫu Hoa, thấy lờ mờ có một cái đầu người vùi chôn chỗ nước cạn, bèn vớt lên coi thì đã bị ngâm nước trương lên rồi, không nhận được ra ai.
Thẩm Dục nghĩ: “Chắc là đúng rồi. Nếu không sao bỗng dưng lại có cái đầu người ở đây”. Bèn lấy khăn bọc lấy, rồi đưa anh em Đại Bảo đến phủ quan báo cáo: “Đã tìm thấy đầu của Thẩm Tú rồi”.
Quan tri phủ nghe nói bèn thưởng cho Đại Bảo, Tiểu Bảo năm trăm quan tiền. Thẩm Dục cũng về lấy một ngàn quan thưởng thêm. Hai tên nhận tiền về nhà, sung sướng không sao kể xiết.
Qua nửa năm sau, Thẩm Dục có dịp chở vải đoạn đi Đông Kinh. Một hôm, đi chơi qua chỗ nuôi chim của hoàng gia, ông ta nghe thấy tiếng một con chim họa mi hót rất hay. Bước tới gần nhìn thì đúng là con chim mà con trai Thẩm Tú nuôi. Con chim như nhận ra Thẩm Dục là người quen, vừa hót vừa nhảy và quay đầu về phía Thẩm Dục mà gật gật. Thẩm Dục nhớ đến con, bất giác nước mắt như mưa, kêu lạc cả giọng: “Lại có chuyện thế này ư?”
Viên hiệu úy coi nhà nuôi chim thấy thế, sợ có gì liên lụy đến mình, bèn đưa Thẩm Dục tới chỗ viên quan tổng quản. Viên quan này nghe câu chuyện Thẩm Tú nuôi họa mi mà bị giết bèn ngẩn người ra một lúc. Ông ta biết là con chim này do một thương nhân tên gọi Lý Cát biếu, bèn lập tức sai người đi bắt Lý Cát tới tra hỏi.
Lý Cát trả lời rằng con họa mi này mua của một người thợ đóng đai thùng ở Hàng Châu, tuyệt không hề biết chuyện giết người nào cả. Nhưng quan thẩm vấn không tin, khảo đả nhiều lần. Bị đánh đến toạc da nát thịt, Lý Cát chịu không nổi, chỉ đành nhận bừa là mình đã giết Thẩm Tú. Bản án lập tức được tấu lên triều đình, không bao lâu sau, có thánh chỉ xuống, xử Lý Cát tội chết. Con chim họa mi được trả lại cho Thẩm Dục. Qua ít ngày, Lý Cát bị đưa ra pháp trường xử trảm. Sau khi Lý Cát bị xử tội, hai người cùng Lý Cát tới Hàng Châu buôn bán ngay đó, một người họ Hạ, một người họ Chu, biết rằng Lý Cát bị oan vội tới Hàng Châu để tìm người thợ đóng đai thùng đã bán chim, giải oan cho Lý Cát.
Họ đi dò hỏi suốt hai ngày, cuối cùng tìm được nhà Trương Công, nhận ra Trương Công đúng là người thợ đã bán con chim họa mi hôm đó.
Hai người lập tức đến báo quan, kể lại đầu đuôi câu chuyện Lý Cát mua chim họa mi của Trương Công, sau bị chết oan, xin quan Tri phủ xử lại. Quan thấy họ nói năng khẩn thiết bèn phái ngay người đi bắt Trương Công.
Trương Công mới đầu không chịu nhận. Sau thấy nhân chứng rõ ràng, không thể thoát khỏi, bèn phải nhận hết chuyện giết chết Thẩm Tú, cướp chim họa mi như thế nào.
Quan Tri phủ hỏi: “Vậy lúc đó, ngươi để cái đầu ở đâu?” Trương Công nói: “Bấy giờ tiểu nhân hoang mang lo sợ, thấy cạnh đấy có cây liễu trống hốc ở giữa bèn quăng cái đầu vào đó.”
Quan Tri phủ lập tức cho gọi Thẩm Dục tới, cùng đi tới chỗ cây liễu để tìm cái đầu. Đến nơi quả có cây liễu trống hốc ở giữa. Mọi người dùng cưa đốn đổ cây liễu thì một cái đầu người lăn ra. Thẩm Dục bê lên xem, nhận ra đúng là đầu con trai mình, khóc rống lên rồi ngã ngất một lúc lâu mới tỉnh dậy.
Quan Tri phủ phán: “Đã có cái đầu rồi thì vụ án sẽ giải quyết xong”. Rồi lệnh đem Trương Công giam vào nhà lao chờ tử tội.
Quan lại lập tức sai người đi bắt hai anh em Đại Bảo, Tiểu Bảo tới, ra lệnh khảo đả, rồi lại nung bàn sắt để tra. Hai tên chịu không nổi, phải khai hết sự tình, chuyện giết chết cha lấy đầu lĩnh thưởng. Nghe xong, tri phủ nổi giận, sai thủ hạ đánh cho chúng chết đi sống lại. Rồi gông lại, đưa vào nhà giam giành cho tử tù.
Sau đó, Tri phủ tấu trình sự thực vụ án lên triều đình. Thánh chỉ đưa xuống, lệnh rằng: Biếm chức quan xử chết Lý Cát xuống thành thường dân, đày đi Lĩnh Nam. Trương Công tham tiền hại tính mạng người xử tội chết lăng trì, bị chém 240 nhát, phân thây làm 5 đoạn, bêu đầu thị chúng.
Vợ Trương Công nghe tin chồng bị hành hình bèn đi tới pháp trường xem sự thể thế nào. Không ngờ bọn đao phủ cứ theo án xử, cắt chém tơi bời, cảnh tượng thật kinh hãi, Trương Thị kinh hồn táng đởm phải quay về nhà, không may trật chân bổ nhào xuống, ngã trọng thương, động đến ngũ tạng, về đến nhà thì chết.
Thật không ai ngờ, chỉ một con chim họa mi, mà bảy mạng người bị chết thảm.