Ở ngoài cửa thành phía đông huyện Vô Tích phủ Thường Châu vùng Giang Nam có nhà họ Lữ được ba anh em trai, anh cả tên là Lữ Ngọc, anh hai tên là Lữ Bảo, còn em út tên là Lữ Trân. Lữ Ngọc lấy vợ họ Vương, Lữ Bảo lấy vợ họ Dương, cả hai người đều rất xinh đẹp. Lữ Trân thì còn nhỏ chưa làm bạn với ai.
Vương Thị sinh được một con trai tên là Hỷ Nhi, mới được sáu tuổi, một hôm đi chơi với bọn trẻ con rồi không về nhà. Hai vợ chồng Lữ Ngọc vô cùng lo lắng, đi tìm kiếm mấy ngày vẫn không thấy.
Lữ Ngọc trong dạ buồn phiền, mới đến nhà giàu kia vay một ít tiền làm vốn để ra ngoài buôn bán, định nhân tiện thăm dò tin tức con trai. Một hôm, anh ta gặp một người buôn vải rủ cùng đến Sơn Tây bán hàng. Chẳng ngờ sau khi đến Sơn Tây, gặp nạn mất mùa liên tiếp, tiền bán hàng không thu nổi, không sao trở về được. Ít lâu sau, Lữ Ngọc lại bị bệnh nặng, phải uống thuốc chữa trị suốt ba năm trời mới khỏi. Thế rồi, mãi mới đòi được tiền bèn lên đường về quê.
Một buổi tối, đi tới nơi gọi là Trần Lưu, Lữ Ngọc nhặt được ở nhà vệ sinh một cái túi vải đen. Mở ra thấy toàn là bạc trắng, ước độ hai trăm lượng. Anh ta đứng ở chỗ nhà vệ sinh đợi suốt một ngày, không thấy ai đến tìm của mất, hôm sau đành phải lên đường đi tiếp.
Đi được khoảng hơn năm trăm dặm thì đến Túc Châu, Lữ Ngọc vào nghỉ ở một nhà trọ. Cùng phòng có một người khách nữa. Hai người trò chuyện với nhau, chợt ông khách kể là năm ngày trước ở Lưu Châu, ông đi nhà vệ sinh làm mất một cái túi vải trong đựng hai trăm lượng bạc. Lữ Ngọc bèn hỏi tên họ và nơi ở của ông khách, ông ta nói mình họ Trần, có mở một cửa hàng bán lương thực ở Dương Châu.
Lữ Ngọc nói: “Tôi họ Lữ, người ở Vô Tích, đi Dương Châu cũng thuận đường, tôi có thể đi cùng bác rồi đến thăm nhà luôn”.
Ông khách kia chẳng nói gì, cũng bằng lòng ngay. Hai người cùng đi với nhau, chưa tới một ngày đã tới Dương Châu. Lữ Ngọc bước vào cửa hàng nhà họ Trần, lại hỏi chuyện ông Trần đánh mất bạc ở Trần Lưu. Anh hỏi cái túi đó làm sao, ông Trần nói nó màu đen, trên có thêu chữ “Trần” bằng chỉ trắng.
Lữ Ngọc nói: “Tôi nhặt được ở Trần Lưu một cái túi vải giống như bác nói, bác thử xem có đúng cái bác mất không?” Ông Trần cầm lấy xem nói ngay: “Đúng rồi”, lại nhìn trong túi thấy số bạc vẫn còn nguyên vẹn. Cảm động quá, muốn chia đôi số bạc tặng Lữ Ngọc một nữa. Lữ Ngọc nhất định không nhận, ông Trần chỉ đành bày tiệc khoản đãi.
Trong lúc ăn, ông Trần hỏi Lữ Ngọc con bao nhiêu tuổi. Lữ Ngọc rơi nước mắt nói: “Tôi chỉ có một đứa con trai, mấy năm trước bị lạc mất rồi, bây giờ vẫn chưa được tin tức gì, lần này về nhà định nuôi một đứa để nó giúp đỡ, chỉ có là khó mà gặp được”.
Ông Trần nói: “Mấy năm trước, nhà tôi có bỏ ra ba lượng bạc mua được một thằng nhỏ rất xinh xắn, lại rất ngoan. Nếu anh ưng thì tôi xin tặng anh để tỏ chút lòng cảm tạ”.
Rồi ông cho gọi Hỷ Nhi tới. Lữ Ngọc nghe tên gọi giống như tên con trai mình, thấy hơi lạ. Đến lúc Hỷ Nhi bước tới trước mặt, Lữ Ngọc hỏi: “Cháu vốn là người ở đâu ai đem bán cháu tới đây?”
Thằng nhỏ nói: “Cháu chỉ nhớ cha cháu là Cả Lữ, còn hai người chú nữa, mẹ cháu họ Vương, nhà ở phía ngoài huyện Vô Tích, lúc nhỏ bị người ta lừa đem bán tới đây”.
Lữ Ngọc nghe xong ôm chầm lấy Hỷ Nhi òa khóc: “Con ơi, ta chính là Cả Lữ ở Vô Tích đây, là cha ruột của con đây. Lạc mất con suốt bảy năm trời, ngày nay lại được gặp”. Ông Trần đứng bên cũng mừng rỡ. Đêm đó hai cha con nằm cùng giường trò chuyện suốt đến sáng.
Sáng sớm ngày hôm sau, Lữ Ngọc chào từ biệt để ra về, ông Trần giữ lại một ngày, bày tiệc khoản đãi, lại lấy 20 lạng bạc ra tặng. Lữ Ngọc chối mãi không được, đành phải nhận, trong bụng nghĩ thầm: “Cha con mình được gặp nhau thế này là do mình làm điều thiện nên Trời thưởng cho. Hai chục lượng bạc này cũng không phải là tiền của mình, ta nên cúng vào chùa để tích ít công đức”.
Hai cha con từ biệt nhà họ Trần rồi thuê một chiếc thuyền nhỏ, từ biệt Dương Châu. Thuyền đi được mấy dặm, bỗng nghe bên sông có tiếng huyên náo. Thì ra có một chiếc thuyền bị đắm, người rơi xuống nước ra sức kêu cứu. Người trên bờ kêu chiếc thuyền nhỏ cạnh đấy vớt giúp, nhưng người trên thuyền nhỏ không chịu vì không có tiền thưởng. Mọi người đang la lối tranh cãi nhau.
Lữ Ngọc nghĩ bụng: “Cứu một mạng người bằng xây bảy cấp phù đồ, sao mình lại không dùng hai chục lượng bạc này làm tiền thưởng để họ tìm vớt, làm vậy cũng là việc thiện mà!”.
Thế là anh ta la lớn: “Tôi sẽ xuất tiền thưởng! Nếu cứu được mạng mọi người, tôi sẽ biếu tất cả 20 lượng bạc cho các người!”
Bọn người trên thuyền kia nghe nói có hai chục lượng bạc tiền thưởng bèn tranh nhau tới cứu. Một lúc sau, cứu được tất cả. Lữ Ngọc đem số bạc phân chia. Những người được cứu sống đều đến tạ ơn, trong số đó có một người thấy Lữ Ngọc bèn gọi: “Anh ơi, anh từ đâu tới thế?”
Lữ Ngọc quay nhìn thấy đó là Lữ Trân, em trai út của mình, Lữ Ngọc bảo Hỷ Nhi chào chú, rồi đem chuyện trả lại bạc cho người và gặp được con trai kể lại, Lữ Trân kinh ngạc mãi không thôi.
Lữ Ngọc mới hỏi em: “Làm sao chú lại đến đây?” Lữ Trân nói: “Chuyện dài lắm, kể không hết ngay được. Từ khi anh đi, thấm thoát đã ba năm, có người bảo anh bị bệnh ở Sơn Tây đã qua đời rồi. Anh hai tin là như vậy, chị dâu cũng để tang. Mấy ngày trước, anh hai lại ép chị dâu đi bước nữa, chị dâu không chịu, bảo em phải đích thân đến Sơn Tây dò la tin tức của anh xem thế nào, không ngờ lại được gặp nhau ở đây. Thôi anh đừng nấn ná nữa hãy mau về nhà cho chị dâu yên tâm. Nếu chậm e sẽ sinh chuyện”.
Lữ Ngọc nghe xong vội vã bảo chở thuyền về nhà ngay. Lại nói Vương Thị sau khi nghe được tin dữ của chồng, mới đầu không tin, song Lữ Bảo nói chắc như đinh đóng cột, chị ta đành phải tin và đổi mặc đồ tang.
Lữ Bảo lòng dạ quỷ quái, ngầm có chủ ý, hắn khuyên chị dâu cải giá cốt để có được ít sính lễ. Hắn bảo vợ là Dương Thị khuyên nhủ chị dâu nhưng Vương Thị kiên quyết không nghe. Vương Thị nghĩ thầm: “Trăm nghe không bằng một thấy, bảo rằng chồng ta đã chết, song tận ngoài ngàn dặm, biết thật hay giả”. Chị ta nằn nì với chú em út Lữ Trân, rằng hãy đích thân đi Tây Sơn hỏi cho kỹ. Nếu quả thực anh chú đã chết rồi thì mang về một khúc xương cũng được.
Lữ Trân đi rồi, Lữ Bảo càng sống bừa bãi, ngày nào cũng đánh bạc, thua hết tiền, chẳng còn nơi nào mà moi tiền được nữa. Bổng ngẫu nhiên gặp một người Giang Tây đang muốn tìm vợ, Lữ Bảo bèn hứa gả chị dâu cho ông ta. Nghe nói vợ Cả Lữ rất đẹp, ông ta bèn vui vẻ xuất ra 30 lượng bạc.
Được bạc rồi, Lữ Bảo nói với ông ta rằng: “Chị dâu tôi cả thẹn, nếu cứ tự nhiên nói về với ông thì nhất định chị ấy chẳng chịu đâu. Vậy nên đêm nay, ông cho mấy người đem kiệu đến, lặng lẽ vào nhà tôi, nếu gặp người chít khăn tang thì đúng là chị ấy, cứ lẳng lặng đừng nói gì, kéo ngay lên kiệu đưa xuống thuyền chở đi là xong”.
Ông kia nghe xong lập tức đi chuẩn bị. Lữ Bảo về nhà, nói riêng cho vợ là Dương Thị biết. Dương Thị và Vương Thị xưa nay rất thân với nhau, thấy chồng mình làm việc tệ hại như vậy, trong lòng rất áy náy, song chẳng có cách nào ngăn cản chỉ đành báo trước cho Vương Thị biết. Vương Thị nghe nói vậy thì khóc òa lên. Dương Thị khuyên giải một lúc chị mới nín khóc nói rằng: “Đã bắt tôi lấy người ta thì sao lại bắt chít khăn tang mà đi? Phiền thím hãy kiếm cho tôi cái khăn đen vậy!”. Dương Thị thầm thấy ngượng, bèn vội vã đi tìm, nhưng lúc này thì tìm đâu ra. Vương Thị nói: “Thím thì dù sao cũng không đi đâu, hãy đổi tạm cho tôi cái khăn đen của thím, được không?”.
Dương Thị bèn cởi khăn đen ra đổi lấy khăn tang chít lên đầu mình.
Đến tối, người Giang Tây cùng một tốp người mang theo đèn đuốc và khiêng một chiếc kiệu thẳng đến nhà họ Lữ. Họ đẩy cửa vào, nhìn thấy một người chít khăn tang bèn bắt luôn mang đi. Dương Thị la lớn: “Không phải đâu!” Song bọn này chẳng kể gì cả cứ ấn chị ta vào kiệu rồi khiêng chạy như bay.
Vương Thị thầm tạ trời tạ đất rồi đóng cửa lại. Sáng hôm sau, Lữ Bảo vui vẻ về nhà, thấy người mở cửa là chị dâu thì giật nảy người. Vào trong không thấy vợ mình đâu, lại thấy trên đầu chị dâu chít khăn đen, lại càng nghi hoặc. Hắn bèn hỏi: “Chị dâu, vợ tôi đâu rồi?”
Vương Thị cười thầm, trả lời: “Tối qua bọn người Giang Tây cướp đi rồi!”
Lữ Bảo nói: “Sao lại thế được? Chị dâu, sao chị lại không chít khăn tang?”
Vương Thị bèn kể lại chuyện đổi khăn. Lữ Bảo đấm ngực dậm chân mãi không thôi, vốn là định tâm bán chị dâu, nào ngờ lại là bán chính vợ mình. Bây giờ người ta đã chở thuyền đi rồi, mà ba chục lượng bạc thì chỉ canh bạc đêm qua đã thua mất quá nửa. Có muốn cưới một con vợ khác cũng khó lòng. Rồi hắn nghĩ cách: chẳng gì cả, lại tìm một lão khách nữa đem bán chị dâu đi, thế là chẳng còn lo tiền lấy vợ khác nữa.
Hắn vừa định ra ngoài thì thấy có bốn, năm người tiến vào, nhìn kỹ thì ra là anh cả Lữ Ngọc và em út Lữ Trân cùng với thằng cháu Hỷ Nhi với hai người phu vác hành lý hàng họ.
Lữ Bảo tự thấy chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa, bèn chuồn ra cửa sau, đi biến mất.
Vương Thị đón chồng vào nhà, lại thấy con trai trở về đã lớn, lòng vui khôn xiết. Lữ Ngọc mới đem đầu đuôi câu chuyện từ lúc ra khỏi nhà ra sao kể hết một lượt. Vương Thị cũng kể chuyện người Giang Tây cướp Dương Thị đi, Lữ Bảo trốn theo cửa sau cho chồng nghe.
Lữ Ngọc nói: “Nếu như tôi tham hai trăm lượng bạc đó thì làm sao có chuyện cha con gặp lại nhau? Nếu như tôi tiếc hai chục lượng bạc không cứu những người chìm thuyền thì làm sao có chuyện anh em mình gặp nhau? Nếu như anh em không gặp nhau thì sao biết được tình hình ở nhà? Có thể thấy rằng hôm nay vợ chồng gặp lại, cả nhà cốt nhục đoàn viên, đó là do trời định cả. Còn như thằng em tệ bạc bán chị dâu kia cũng là thân làm thân chịu, hoàng thiên báo ứng đó thôi, thật chẳng có sai tí nào!”
Từ đó Lữ Ngọc càng một lòng hành thiện, gia cảnh ngày càng tốt đẹp.
Vì người yêu quên mạng sống (Tam ngôn)
Thời Nam Tống, ở phủ Lâm An có một nhà kia họ Lạc tên Mỹ Thiện. Ông Lạc này có người con trai tên gọi Lạc Hòa, mặt mũi thanh tú, người lanh lợi khôn ngoan. Lúc còn nhỏ, Lạc Hòa được gửi nuôi ở nhà ông cậu trong thành phố là An Tam Lão, nhân tiện sang học ở lớp học tư bên cạnh, tức là nhà họ Hỷ.
Nhà họ Hỷ có một cô con gái tên gọi Thuận Nương, nhỏ hơn Lạc Hòa một tuổi. Hai đứa trẻ cùng học với nhau, mọi người trong lớp học này thường nói đùa rằng: “Hai đứa mày tên ghép lại sẽ thành ‘Hỉ lạc hòa thuận’, thật là trời đặt sẵn một đôi”.
Hai đứa nhỏ cũng đã hơi hiểu biết, nghe nói vậy cũng thấy vui thầm trong bụng và ngầm tính chuyện phu thê. Khi Lạc Hòa được 12 tuổi, cha mẹ đón về nhà, Thuận Nương thì cứ phải ở chốn thâm khuê làm công việc nữ công. Thế là hai trẻ không được gặp nhau nữa.
Ba năm sau, vào lúc gần tiết thanh minh, ông cậu An Tam Lão cho cháu đi thăm phần mộ, nhân tiện đi chơi Tây Hồ. Hai cậu cháu xuống một chiếc thuyền, vừa ngồi yên chỗ thì thấy một đám phụ nữ bước lên. Nhìn kỹ, thì ra là hai mẹ con nhà họ Hỷ ở cạnh nhà cậu, cùng đi với một a hoàn, một bà vú.
An Tam Lão vội bước tới chào hỏi, lại gọi cháu lại để gặp. Lúc này Thuận Nương đã 14 tuổi, trông rất xinh đẹp. Lạc Hòa và Thuận Nương đã