Nga cười nói với mọi người bằng đôi mắt rất bình tĩnh. Nhất nhìn Nga, đôi tay anh run run khi đối diện với chị trong bộ dạng này, với thái độ này, anh không biết phải làm gì nữa, chỉ không ngừng nhìn, không ngừng lưu giữ hình ảnh khác lạ của Nga lại. Đối diện với thái độ của Nhất, Nga không cười nữa, cô im lặng.
Không gian bị phá vỡ bởi cô người mẫu, cô ta chồm lấy vai Nhất, hối thúc anh vào chụp. Nhất dường như không còn hiểu mình, cậu đẩy mạnh ra khiến cô ta ngã, buổi chụp hình kết thúc ở đấy.Nhất nằm dài trên ghế, anh nhắm mắt cố hiện lại khuôn mặt Nga, có gì vừa thân thuộc nhưng lại quá xa lạ, anh đã nghĩ sẽ ôm chầm lấy chị và rồi không làm được. Hình ảnh Nga sánh vai cùng một người đàn ông khác, đàng hoàng, đỉnh đạt, anh nhìn hai người mà không có phản ứng nào vì anh biết nếu anh lao vào đấm thằng khốn đó như một đứa trẻ lưu manh thì anh sẽ mất chị mãi mãi. Nhưng giờ anh lại hối hận, cảm giác uất ức co bóp ngực anh khiến hơi thở cũng trở nên khó khăn.
Tiếng gõ cửa, Nhất hờn dỗi như đứa trẻ quay mặt đi, chờ đợi, tiếng gõ cũng ngừng lại.
Nhất vội đứng dậy chạy ra.
Nga định đi nhưng vòng tay của cô đã bị giữ chặt.
Nga ngồi trên ghế cô nhìn tấm lưng rộng của Nhất, anh đưa cô ly nước.
Ly nước vơi nửa, Nga đã đi, Nhất ngồi đấy bất chợt đứng dậy, anh lục tung căn phòng, gương mặt đỏ hồng, khóe mắt nhăn lại. Gói thuốc lá nằm gần thùng rác, anh bóp chặt, tay run run cố lấy được điếu thuốc ra khỏi hộp, anh lao bổ vào bếp, bếp ga bật lên thật to. Khói thuốc theo mùi khét của tóc cháy bay ra ngoài khung cửa, biến mất, chỉ còn Nhất ngồi bệt tại đó, tim anh đau như nát.
Tôi chẳng biết gì về chị, duy có những câu chuyện chị kể về cô em gái xinh đẹp, đáng thương, người thân duy nhất bên cạnh chị. Cô gái tội nghiệp ấy đem trọn trái tim cho một thằng khốn, để giúp hắn vui vẻ rồi nhận lấy ở hắn sự lạnh nhạt. Chị kể chị đã đau đớn đến thế nào khi chứng kiến nó tự hành hạ bản thân trong trại cai nghiện, đôi mắt ngây thơ của nó trở nên âm u, mam dại. Tôi đã chăm chú lắng nghe đôi môi chị nói, thích thú với những tâm sự của chị mà chẳng nhận ra tôi chính là thằng khốn trong câu chuyện chị kể.
Chị đóng vai nữ thần báo thù lạnh lùng, tàn nhẫn, rót cho tôi ly rượu ngọt chẳng chút cảnh báo chất độc nghiến ngấu trái tim tôi. Chị nói đó là sự trừng phạt mà tôi phải nhận lấy bằng đôi mắt bình thản, tôi nhìn chị bước đi, mang theo cả con tim tôi.
Chị xin thôi việc và rời khỏi tòa soạn, biến mất như cơn gió, không tung tích, không dấu vết, một lần nữa tôi mất chị.
————————–
Nhất nằm liệt trong nhà hai ngày. Lúc tỉnh lại thì thấy đang chuyền nước trong bệnh viện.
Mẹ anh ngồi bên cạnh nhìn anh, khi thấy anh tỉnh lại bà định đứng dậy đi.
_Mẹ! Đừng đi.
Nhất òa khóc như một đứa con nít.
Tôi dọn về nhà mẹ và không đi đâu khỏi đó. Tôi luôn ngủ, cảm giác thèm ngủ không ngừng lại chỉ đến lúc mẹ tôi về, tôi xuống và cùng bà ăn cơm. Bà vẫn lạnh lùng, kiệm lời nhưng như thế không có nghĩa là bà không thích tôi. Tôi nghĩ thế khi vòng tay bà choàng qua vai tôi, ghì chặt để tôi thả sức khóc.
Nhất sống như đứa trẻ trong căn nhà, mẹ anh vẫn vắng mặt, mọi chuyện quay lại như ngày anh chưa từng biết đến cái gọi là tình cảm mãnh liệt từng có.
Anh cố để nó theo thời gian nhạt nhòa bớt nhưng hằng đêm anh thức trắng, không tài nào nhắm mắt được. Nhất cố không nghĩ về Nga nhưng để lèo lái suy nghĩ theo hướng khác cũng làm đầu óc anh trở nên mệt mỏi. Anh trở nên gầy gò đến thảm hại. Cho dù thế niềm đam mê chụp ảnh may mắn vẫn không chết, hay nói đúng chính nó là chút sức sống tồn tại trong đôi mắt anh lúc này. Ngày chủ nhật đẹp trời, Nhất kéo tấm màn màu ủ dột sang một bên, thứ ánh sáng nhân tạo trong phòng ngay lập tức như tan biến khi mặt trời lùa vào, vàng rực và ấm áp. Ánh sáng ấy là nụ cười hiếm hoi Nhất từng thấy ở Nga khi có lần anh vô tình đọc một bản thảo kịch bản mà chị để quên trên bàn, anh thích thú nhưng có đôi chỗ cảm thấy thật kỳ cục nên anh góp ý và Nga đăm chiêu, giật lấy cuốn kịch bản từ tay Nhất, nhốt mình trong phòng suốt cả ngày hôm đó. Đến khi Nhất chán nản và định bỏ về thì chị ra khỏi phòng, ôm chầm lấy anh, cười rạng rỡ, kéo anh đi ăn. Nga luôn cười nhưng Nhất biết đó là những nụ cười không thật, là thói quen xấu mà Nga không thể bỏ, chỉ vài lần, rất ít, anh thấy thứ ánh sáng ấy và vì nó anh có thể bỏ qua tất cả.
Nhất bước chân ra đường, anh lái chiếc xe vòng vòng dọc con đường bằng lăng, con đường buồn, đôi mắt anh buồn, chẳng còn đôi trai gái choàng vai bá cổ, chẳng còn giọng hát trong veo ngẫu hứng cất lên. Gần đến giờ triển lãm cuộc thi nhiếp ảnh nhưng con đường bằng lăng lại rẽ hai, Nhất dừng xe đứng lại.
Bao nhiêu tuyệt vọng, bao nhiêu đau đớn như vậy chẳng lẽ còn chưa đủ sức chôn vùi hy vọng về thứ tình cảm mơ hồ đó hay sao? Tôi tự hỏi khi nhìn con đường rẽ hai. Nếu không chạy dọc theo con đường bằng lăng, thì sẽ đến cuộc triển lãm đúng giờ, những đứa bạn lâu không gặp sẽ ôm chầm lấy tôi mừng rỡ, họ sẽ kéo tôi vào niềm đam mê chung, tôi sẽ thấy tim mình đập rộn lại, sẽ lại cười và sẽ quên những gì cần quên. Như thế mà chiếc xe lại cứ lao vào con đường màu tím nhuốm buồn này, mọi kỷ niệm, vị của nụ hôn dồn dập trỗi lại, lồng ngực co thắt, khó thở. Cố nhấn ga thật nhanh để thoát khỏi đây nhưng bỗng nhiên trên khung cửa sổ quen thuộc, chậu xương rồng ngày trước mua tặng chị nở bông hoa nhỏ màu vàng, lẻ loi nhưng vui vẻ, tôi dừng xe lại. Chân chạy thật nhanh lên cầu thang, dừng lại trước căn phòng trước đây Nga từng ở, một phút ngừng lại để thôi thở hồng hộc, để lấy bình tĩnh, tôi gõ cửa thật chậm.
Một giọng nói quen thuộc hỏi nhưng tôi còn đang sững sờ nên chẳng thốt gì nên lời và đến khi cánh cửa mở ra, Nga ngỡ ngàng nhìn tôi. Như thể thời gian ngừng lại hay chẳng còn ý nghĩa gì, tôi nhìn chị thật say đắm, đến không lí trí. Chị vẫn chưa hết ngạc nhiên, đôi tay run lên và ánh mắt mấp máy như xua đi những giọt nước.
Lúc này nên làm gì nhỉ? Ôm chầm lấy chị thật chặt, hôn nhẹ vào môi chị và không buông ra hay chỉ nhìn thế này cho đến khi chị thành thật với lòng mình mà tiến lại gần tôi, tựa vào người tôi mà nói “Tôi cũng nhớ cậu lắm.” Sau này có dịp tôi nhất định sẽ kể với các bạn.