Polly po-cket
Trang chủAndroidTin Tức Android

Khi Android bị những viên đạn pháp lý làm tổn thương

Dư luận chưa hết xôn xao về việc Ủy ban thương mại quốc tế – ITC (Mỹ) công bố rằng HTC vi phạm nghiêm trọng 4 bằng sáng chế của Apple, và có nguy cơ sản phẩm của hãng Đài Loan sẽ bị cấm bán ở Mỹ từ tháng 4/2012. Thì mới hôm qua, cũng chính Ủy ban này ra phán quyết cho hay Motorola đã vi phạm một trong số chín cáo buộc của Microsoft về vi phạm bằng sáng chế, mà gã khổng lồ phần mềm đã nộp đơn tố cáo trong trong tháng 8.

Đó là chưa kể tới những quyết định cấm bán máy tính bảng Galaxy Tab ở Úc do đơn kiện của Apple. Quyết định này sớm bị gỡ bỏ, nhưng nó cho thấy Android yếu thế trước các cuộc tấn công pháp lý như thế nào.

Trong năm 2012, Android sẽ tiếp tục lớn mạnh và các nhà sản xuất Android như HTC, Samsung, LG sẽ vẫn là con mồi ngon cho các công ty muốn tấn công HĐH này.

Ở dạng là HĐH mở miễn phí, Google không bị các vụ kiện pháp lý này đe dọa, tuy nhiên đòn tấn công của các đối thủ khiến con cưng Android của hãng trở nên kém sức hấp dẫn hơn.

Microsoft là một công ty tận dụng xu thế này tốt nhất. Hãng tấn công rất mạnh các công ty sử dụng Android, kết quả của các cuộc tấn công pháp lý đó hầu hết là các hãng sản xuất chịu trả chi phí bản quyền cho Microsoft, để tránh phải chịu lệnh cấm bán sản phẩm tại Mỹ hay những phán quyết bắt bồi thường cả trăm triệu USD. Thế nhưng, Microsoft luôn chừa cho các hãng sản xuất một con đường, nếu như các hãng này chịu sản xuất Windows Phone, họ sẽ được “giảm giá”.

Nếu như Microsoft tấn công Android ngoài để kiếm tiền, còn là để ép các hãng sản xuất dùng Windows Phone, thì Apple thường tấn công với ý chí hủy diệt Android. Bằng chứng là cha đẻ iPhone không thỏa hiệp với các hãng Android, các đơn kiện thường yêu cầu các hãng Android cấm bán sản phẩm và bồi thường mà thôi.

Ngoài ra, Android còn là mục tiêu của các hãng khác muốn kiếm tiền trên thân xác HĐH này. Tiêu biểu trong số này là Oracle, công ty có tình hình kinh doanh không khả quan này hiện đang có những đơn kiện đòi bồi thường trị giá hàng tỷ USD nhắm vào Android. Sau khi giá cổ phiếu sụt giảm vào cuối tháng 12 do những kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng được công bố, dự đoán công ty này sẽ tiếp tục dùng cuộc chiến pháp lý chống Android với những động thái mạnh mẽ hơn để tạo thêm nguồn thu.

Tuy bị chống phá như vậy, nhưng các nhà sản xuất Android cũng giành được một vài chiến thắng khá khích lệ. Đầu tiên phải kể đến việc Samsung kháng cáo thành công lệnh cấm bán sản phẩm Galaxy Tab tại Úc vào đầu tháng này, sau vụ kiện dai dẳng với Apple. Gần thời điểm đó, Motorola thắng một vụ kiện từ tháng 4, khiến sản phẩm của Apple gồm iPhone, iPhone 3G, iPhone 3GS, iPhone 4, iPad 3G, và iPad 2 3G không được bán tại toàn châu Âu. Dĩ nhiên Apple vẫn có thời gian kháng án và nếu quyết định cuối cùng vẫn là Apple vi phạm bằng sáng chế của Android, hãng này có thể thỏa thuận để mua lại bản quyền để tiếp tục bán sản phẩm. Nhưng dẫu sao, những chiến thắng đó cũng cổ vũ tinh thần vùng lên của các nhà sản xuất Android.

Không loại trừ khả năng cách địch thủ của Android sẽ kiếm thêm vũ khí để tấn công HĐH này. Trung tâm của sự chú ý đang dồn về Ontario, Canada, nơi nhà sản xuất thiết bị Blackberry là RIM đang gặp sự sụt giảm nghiêm trọng về thị phần. Giờ đây giá trị thị trường của RIM chỉ còn khoảng 7 tỷ USD, một khoản tiền không quá lớn so với các đại gia làng công nghệ như Apple hoặc Microsoft. Nếu quyết định dùng vấn đề bản quyền làm vũ khí các công ty này sẽ mua RIM để tấn công các nhà sản xuất Android.

Android đang ở tâm điểm của các cuộc chiến pháp lý và các nhà sản xuất sẽ phải đứng trước nhiều lựa chọn. Hoặc ký thỏa thuận bản quyền chéo với Microsoft và chấp nhận sản xuất điện thoại Windows Phone 7 để được yên thân, hoặc chống đối đến cùng và hợp tác chặt chẽ trong vấn đề bản quyền với Google – Motorola để giữ sự độc lập trong việc xây dựng điện thoại Android.

Về phía Google, hãng này cần nhanh chóng làm các động thái vận động hành lang để đẩy nhanh quá trình thâu thóm Motorola, sau việc thương vụ này bị Ủy ban châu Âu tạm dừng – do có nghi ngờ về độc quyền.

Sau khi nắm đầy đủ Motorola, Google có thể dùng kho bản quyền khổng lồ của Motorola để kiện ngược lại các công ty khác, tạo ra một chiếc khiên bản quyền để chống đỡ các cuộc tấn công đang ngày càng tăng lên.

Năm 2012 sẽ chứng kiến các vụ kiện pháp lý liên quan tới vấn đề bản quyền gay gắt hơn. Và, cùng với sự phát triển nhanh chóng của Android, hệ điều hành này và các công ty xung quanh nó sẽ phải chống đỡ với nhiều cuộc tấn công hơn để bảo vệ nguồn thu khổng lồ từ HĐH này.

Miên Viên

Theo TTVN

Chia sẻ bài viết ???
Cùng chuyên mục
Bạn đã xem chưa?
Thống kê