“Cao Tân tộc đã có lịch sử mấy vạn năm, trải qua Bàn Cổ đại đế đến giờ, chuyện tranh đấu trong cung đình tiếp diễn liên miên nên thần khí nghiệm độc bao giờ cũng sẵn, chẳng chất độc nào lọt lưới được. Có lẽ chỉ có Thần Nông Thị nếm mọi loại cây cỏ, lấy thân thử độc mới có cách mà thôi. Bởi vậy ta muốn nhờ nàng phối chế giùm ta một loại thuốc có thể lọt qua mọi thần khí thẩm tra, không cần lấy mạng đối phương, chỉ cần khiến hắn dần dần mệt mỏi ốm yếu, phải nằm liệt giường là được.”
Hiểu ý Thiếu Hạo muốn ép Tuấn Đế thoái vị, A Hành làm thinh không nói.
Thiếu Hạo nói tiếp: “Ngũ Thần quân của phụ vương suốt ngàn năm nhàn hạ quen thân, chỉ còn cái vỏ bề ngoài, kỳ thực bên trong đã mục ruỗng từ lâu, chẳng có gì đáng ngại. Tuy Yến Long nắm hai bộ Thường Hy và Bạch Hổ, nhưng Thanh Long bộ huyết mạch của ta mới là bộ tộc thiện chiến nhất trong bốn bộ, nhờ Nặc Nại giúp sức, Hy Hòa bộ cũng hoàn toàn quy thuận ta rồi. Nếu muốn phát động binh biến không phải là không được, có điều ta chẳng muốn động vũ lực, bởi một khi binh biến xảy ra, đôi bên sẽ phải trở mặt sống mái với nhau cho tới khi một trong hai phe chết sạch mới thôi, như vậy dù ta có chấp nhận, những tướng quân theo ta mưu phản há yên lòng được ư? A Hành, ta không muốn làm hại phụ vương, đây chính là phương pháp vẹn cả đôi đàng đấy!”
Thiếu Hạo khẽ gảy mấy dây đàn, ánh mắt thăm thẳm bi thương: “Hơn hai ngàn năm nay, lúc nào phụ vương cũng nơm nớp đề phòng ta soán vị. Thật ra ta chưa hề nghĩ tới chuyện đó, chỉ một lòng một dạ muốn phò tá phụ vương, muốn làm một đứa con ngoan ngoãn, nào ngờ cuối cùng lại đến ngày này, tất cả trở thành sự thật! Có lẽ các sử quan đời sau sẽ ghi chép rằng ta là kẻ lòng lang dạ sói, nuôi chí làm phản, ủ mưu bao năm mới hành sự. Nếu sau này ta có con trai cũng chẳng biết phải giải thích thế nào với nó, có lẽ nó cũng vĩnh viễn không thể thông cảm cho ta. A Hành, thật lòng ta không muốn đi đến bước này, nhưng ta đã bị ép vào đường cùng rồi! Bọn Yên Long đẩy ta đến Thang cốc rồi vẫn chưa chịu buông tha, mấy năm nay chúng ngày đêm nghĩ cách làm tan rã Thanh Long bộ, nếu ta còn khoanh tay ngồi nhìn, những người một lòng một dạ đi theo ta sẽ bị Yến Long hại chết hết, sau cùng cả ta cũng không tránh khỏi cái chết!”
Dưới sự sắp xếp của Thiếu Hạo, “bệnh tình” của A Hành bắt đầu thuyên giảm, mỗi lần thầy thuốc trong cung tới thăm mạch đều có lời chúc mừng hai người, theo đó, tin Đại vương tử phi đang khá dần lên cũng lan truyền khắp trong ngoài cung.
Tuy Thiếu Hạo thất thế nhưng A Hành vẫn là vương cơ duy nhất của Hiên Viên tộc, từ sau khi nàng khỏe lại, thiếp mời dự đủ các tiệc bắt đầu tới tấp theo nhau bay đến.
Nghĩ tới việc “Hiên Viên Bạt” trước đây đã nằm liệt giường hai trăm năm, A Hành cũng không dám ra vẻ khỏe như vâm ngay, hầu hết tiệc tùng nàng đều lấy cớ thân thể còn yếu để từ chối, nhưng có những buổi tiệc không thể không đi, bởi nàng nhất định phải chứng minh mình là Hiên Viên Bạt thật sự.
Cao Tân nằm về phía Đông Nam, khí hậu ôn hòa, mùa đông ấm áp chẳng kém tiết xuân ở những nước phương Bắc, còn mùa hạ lại nóng nực oi nồng. Tuy nhiên Ngũ Thần sơn nằm giữa biển, gió biển thổi vào xua tan phần nào cái nóng nên không tới nỗi nóng nực lắm, thêm vào đó, cung điện ở đây cũng được thiết kế theo phong cách kiến trúc Cao Tân để tránh nóng.
Phỏng theo lối thiết kế đó, khắp nơi trong vườn Y Thanh đều xum xuê cây cối, nhan nhản ao hồ, hoặc thác nước, hoặc khe suối, quanh co uốn lượn, lăn tăn dập dềnh, nhỏ thì không tới một thước, lớn thì đủ để chèo thuyền.
A Hành đợi đến phát chán, trong thấy trong vườn không có ai, bèn men theo dòng suối lững thững đi vào.
Càng đi sâu vào trong, phong cảnh càng thêm đẹp, hai bên là suối chảy róc rách, thế núi uốn lượn, trúc xanh tùng biếc, cây cối um tùm, dăm ba cánh hạc tiên lội dưới suối kiếm ăn, dáng dấp tiêu sái, nhìn thấy A Hành cũng chẳng hề hoảng hốt.
Sâu trong bờ nước là một rừng trúc xanh biêng biếc, trùng trùng điệp điệp, thấp thoáng bóng nam tử bạch y nửa nằm nửa ngồi tựa lưng vào tảng đá say sưa ngủ, cuốn sách lụa phủ trên mặt. Dưới con suối cách đó không xa, hai cặp uyên ương đang bơi qua bơi lại giỡn nước, quấn quýt sánh đôi, nhởn nhơ thoải mái.
A Hành toan trở gót quay lui nhưng chẳng kịp, nam tử kia đã tỉnh giấc nhỏm người dậy, cuốn sách trên mặt rơi xuống để lộ dung mạo thanh nhã, khí độ xuất trần, dưới bóng trúc mờ mờ, quang âm dào dạt, chẳng khác nào ẩn giả trong núi.
Nhận ra Thiếu Hạo, A Hành tươi cười tiến lại.
Nam tử kia lơ mơ hé mắt nhìn, vẻ mặt bực bội ra mặt vì mất giấc mộng đẹp. Nhìn nghiêng người này giống Thiếu Hạo như đúc, nhưng A Hành lập tức nhận ra ông ta không phải Thiếu Hạo! Thiếu Hạo chưa bao giờ giận ra mặt, nhất định cũng chẳng bao giờ bực bội vì những chuyện nhỏ thế này.
Nghe tiếng bước chân, nam tử kia liền quay lại, tuy dung mạo người đó rất giống Thiếu Hạo nhưng khí chất đôi bên khác hẳn nhau, nam tử này chỉ có vẻ dịu dàng tình tứ như nước, thiếu nét cứng rắn trầm ổn tựa như núi của Thiếu Hạo.
A Hành cười đáp: “Tâu phụ vương, vườn này tên Y Thanh, chỉ riêng cái tên đã lột tả hết vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây rồi. Quả là ‘gió nhẹ mưa phùn nào rát mặt, ấm mềm vạt áo lúc oi nồng.’”
Tuấn Đế điềm đạm nói: “Tên vườn này do ta đặt, con đã thích nơi này, ta sẽ dẫn con đi dạo một vòng. Bốn chữ ‘gió nhẹ mưa phùn’ thoạt nghe rất đơn giản nhưng người thật sư