cười, khẽ nói: “Đại ca giống phụ vương, đều lấy đại cuộc làm trọng.”
Thiếu Hạo định nói gì đó nhưng sau cùng chỉ gượng cười làm thinh.
Tối đến A Hành ngồi ở giường, tấm áo đỏ rực đã gập vuông vắn đặt trên đầu gối. Nàng vừa vuốt ve tấm áo vừa nhớ lại năm xưa trên Thần Nông sơn, Xi Vưu bắt nàng hứa rằng mồng tám tháng Tư hàng năm sẽ gặp nhau dưới cội hoa đào, nàng đã nói với hắn, miễn là năm nào hắn cũng mặc áo nàng may thì nàng sẽ tới gặp. Trong lời nói đã có ý hẹn ước cả đời, Xi Vưu hiểu ý nàng nên mừng rỡ khôn cùng .
Lúc sắp thành hôn với Thiếu Hạo, bên cạnh nàng luôn có thị nữ giám sát, còn chỗ Xi Vưu hắn cũng trùng trùng nguy cơ, bởi thế nàng không dám báo tin cho hắn, lỡ bị phát hiện chẳng những sẽ liên lụy tới mẹ và Tứ ca mà còn có thể đẩy Xi Vưu vào đường cùng nữa.
Có lẽ giờ đây nàng và Thiếu Hạo thành hôn đã lâu, lại thêm tin tức bay về đều khiến Hoàng Đế yên lòng nên ông dần nới lỏng vòng kiềm tỏa, đám thị nữ cũng quen với việc nàng bận bịu chạy đi chạy lại, chẳng còn cảnh giác như xưa.
Sáng mai nàng định tới thôn trại Nhân tộc xem tằm, chắc có thể tìm cơ hội sai A Tệ lén đem áo rời khỏi Cao Tân, đưa đến cho Xi Vưu, trông thấy áo, ắt Xi Vưu sẽ hiểu nàng muốn nói gì. Dù xui xẻo rơi vào tay kẻ xấu đi nữa, chúng cũng chỉ thấy một manh áo mà thôi.
Hai ngày sau, A Hành dâng thư lên Tuấn Đế xin tới miền Bắc cực Cao Tân dạy dân chăn tằm dệt lụa, vì đường sá xa xôi nên không thể ngày đi tối về Ngũ Thần sơn được.
Thời gian này, Tuấn Đế luôn để ý mọi hành vi của Hiên Viên Bạt trong dân gian, đương nhiên cũng nghe thấy hết những lời tán tụng của muôn dân đối với mình, so với một Thiếu Hạo thâm trầm tinh minh, ông còn thích nàng dâu khéo trồng hoa nhổ cỏ, bình phẩm thư họa này hơn, liền vui vẻ chuẩn y ngay.
Đám thị vệ và thị nữ Cao Tân tộc theo Hiên Viên Bạt đi đi lại lại vô số làng mạc, chưa từng có điều gì sơ suất, chỉ thấy vương tử phi hết lòng lo toan cho trăm họ Cao Tân, đương nhiên cũng dần lơi lỏng cảnh giác.
Chập tối, A Hành tạo ra một người gỗ thế vai mình đi ngủ thật sớm. Còn bản thân nàng lại cùng A Tệ lẻn tới Cửu Lê, ngôi làng này rất gần Thần Nông quốc, trăng vừa lên đến ngọn cây, nàng đã tới nơi.
Hoa đào trên sườn núi rực rỡ đua tươi, ánh lửa trong sơn cốc sáng lòa cả mắt. Thanh niên thiếu nữ đều quây quần dưới gốc đào, bên đống lửa, cao giọng hát những khúc tình ca say lòng người.
A Hành đứng dưới cội đào lặng lẽ đợi.
Đợi mãi đến khi trăng tà bóng ngả vẫn chưa thấy Xi Vưu tới.
A Hành ôm lấy A Tệ hỏi nhỏ: “A Tệ, mày đem áo đưa cho hắn rồi chứ?”
“Gừ…” A Tệ gật đầu lia lịa, nhớn nhác ngóng trông.
Thấy vậy A Hành xoa đầu nó an ủi, “Đừng nôn nóng, hắn sẽ tới mà.” Nhưng thực tế lòng nàng còn chênh chao nôn nóng hơn ai hết.
Tựa vào A Tệ, A Hành vừa lẳng lặng nghe đám thanh niên thiếu nữ hát sơn ca, vừa đợi Xi Vưu.
Ngọn lửa dần lụi tắt, khúc ca dần bặt tiếng, chỉ có ngàn cội hoa đào trong sơn cốc vẫn rực rỡ huy hoàng, âm thầm mà nở rộ.
Xi Vưu vẫn không thấy tới.
A Hành ôm lấy A Tệ, lòng đau như xé. Cao Tân cung đình quy củ ngặt nghèo, lần này để tới gặp Xi Vưu, nàng đã phải chuẩn bị từ hơn nửa năm trước, mượn cớ dạy muôn dân trồng dâu nuôi tằm xin Tuấn Đế đồng ý cho nàng xuất cung, rồi lại giữ bổn phận từng ly từng tí nhằm đổi được lòng tin của Tuấn Đế, vất vả cả nửa năm mới đổi được tự do một đêm, vậy mà Xi Vưu lại một lần nữa thất hẹn.
Nàng đã chuẩn bị bao điều để nói với hắn, nỗi bất lực của nàng, cơn giận của nàng, cơn giận vì năm ngoái hắn đã thất hẹn, giận vì hắn không chịu tin nàng, và mà hết thảy dự định ngọt ngào đều uổng phí, bao lời gan ruột chẳng biết thổ lộ cùng ai.
Lại là bi thương, lại là phẫn nộ, nước mắt cứ thế lã chã rơi.
Đột nhiên Liệt Dương hoan hỉ kêu quang quác, A Tệ vừa mừng rối rít vừa nhảy cẫng lên. A Hành ngẩng đầu trông, liền thấy một bóng áo đỏ trong mây đang phấp phới bay đến. Nàng vội nín khóc nhoẻn miệng cười, vừa cuống quýt lau nước mắt vừa sửa lại búi tóc, quần áo, còn thấp thỏm hỏi A Tệ: “Thế này đã được chưa? Có rối không?”
Cánh đại bàng xẹt ngang trời như sao băng rồi đâm bổ xuống, nàng hồi hộp đứng lặng, A Tệ mừng rỡ nhào đến, toan nhảy xổ vào lòng Xi Vưu như mọi bận, đột nhiên nó khựng lại, hoang mang nhìn đại bàng.
Trên lưng đại bàng chẳng có một ai, nó chỉ lượn quanh cội đào một vòng, thả manh áo đỏ ngậm trong miệng xuống rồi đập cánh bay vút đi.
“Hu…u…u…” A Tệ kêu lên ai oán, bối rối vòng đi vòng lại quanh tấm áo.
Mặt A Hành trắng bệch, nàng đã hứa chỉ cần hắn hàng năm đều mặc tấm áo này, nàng sẽ tới gặp hắn, lần này nàng cố ý đưa áo tới nhưng hắn lại sai đại bàng ngậm hồng bào quăng xuống dưới cội hoa đào, tỏ rõ rằng hắn sẽ không bao giờ mặc nữa.
A Hành loạng choạng chạy tới nhặt tấm áo lên, thất thần ôm vào lòng, đờ đẫn.
Cánh đào rơi lả tả như mưa, chẳng mấy chốc, đầu nàng, vai nàng đỏ rực những hoa.
Nghe Liệt Dương kêu lên quang quác, A Hành mới sực tỉnh, nhìn dáng vẻ lo lắng của A Tệ và Liệt Dương, oan giận và bi thương đan xen dâng ngập lòng, nàng liệng phắt tấm áo xuống đất ngươi đã chẳng cần, ta còn cần làm chi!
Nhưng tình cảm đã trao đi nào phải muốn quăng là quăng được, dù giận hắn oán hắn, hắn vẫn mãi ở trong tim nàng.
Ngẩng đầu nhìn tàng cây rợp những hoa, năm năm tháng tháng hoa như cũ, hoa có cười chê người đổi lòng? Nói cái gì hẹn biển thề non, chớp mắt đã tan theo bọt nước.
A Hành phẫn nộ đập một chưởng vào thân cây, lập tức hoa đào trên cành rào rào rụng xuống như mưa, ngón tay nàng vẫn sờ thấy vô số chữ “Xi Vưu” vạch lên thân cây năm ngoái, nếu hắn thấy những chữ này, lẽ nào chẳng hiểu cho lòng nàng, tiếc rằng ngay cả đến đây, hắn cũng không buồn đến nữa.
Nàng rút trâm ngọc, vạch bên cạnh mấy trăm chữ Xi Vưu kia một câu hoi đầy căm giận, “Đã chẳng giữ lời, sao còn hứa hẹn?” Chưa viết hết câu, ngọc trâm đã gãy đôi. A Hành cưỡi lên lưng A Tệ, chẳng nói chẳng rằng, chỉ vỗ vỗ vào người nó, A Tệ hiểu ý nàng, lặng lẽ bay về Cao Tân.
Bấy giờ Xi Vưu đang đứng chơi vơi trên sườn dốc chót vót gần Cửu Lê, tựa hồ chỉ cần một cơn gió là rớt xuống. Hắn không khoác áo ngoài mà chỉ vận áo lót, rõ ràng vừa cởi ra chưa lâu.
Khe núi dưới chân hắn lô chô đá nhọn, um tùm cây cối, lại thêm một dòng suối róc rách men theo sườn núi hai bên, quãng rộng quãng hẹp, nước suối lúc xiết lúc chậm, sau cùng tụ lại thành đầm nước trong leo lẻo. Đang giữa mùa hoa đào nở rộ, đôi bên khe núi đỏ rực những hoa, dưới ánh trăng bát ngát hệt ráng chiều, như gấm lụa, đẹp tựa cõi mơ, gió vừa thổi qua, muôn ngàn cánh hoa đã lả tả đổ xuống sơn cốc, phất phơ như tuyết.
Xi Vưu lặng lẽ ngắm nhìn cảnh tượng dưới chân, hồi lâu chẳng hề động đậy.
Đột nhiên hắn như bừng tỉnh giấc mộng, vội ngoảnh đầu trông về phía Cửu Lê, thảng thốt. Nàng đến rồi ư? Nàng đang đợi hắn ư? Nàng ân ái mặn nồng với Thiếu Hạo như thế, sao còn vất vả giữ lời hẹn hoa đào gì nữa chứ?
Phân vân do dự một hồi, Xi Vưu cao giọng gọi: “Tiêu Dao!”
Đại bàng vừa đỗ xuống hắn đã vội vàng nhảy ngay lên, bay vụt về phía Cửu Lê.
Ánh trăng tịch mịch rọi xuống khe núi rực sắc đào, gió đêm lành lạnh, dưới cội đào nào thấy bóng ai, chỉ còn một manh áo đỏ tươi như máu bị quăng dưới đất, cánh hoa rụng phủ dày, hiển nhiên nằm dưới đất đã lâu, xem ra từ lúc Tiêu Dao quăng xuống cũng chẳng ai động tới.
Xi Vưu nhặt áo lên, ngước nhìn tàng hao cười nhạt, mấy lần nhấc tay định ném đi nhưng lại chẳng đành lòng.
Lát sau hắn ngửa mặt cười dài, nhảy lên lưng đại bàng bỏ đi thẳng.
Tháng Tư năm sau, khi sắc đào nhuộm đỏ khắp núi rừng, A Hành và Thiếu Hạo cùng về Hiên Viên dự hôn lễ của Xương Ý.
Trước khi kết hôn, A Hành hầu như chẳng có cảm giác gì với ba chữ Hiên Viên tộc, nhưng từ sau đám cưới, dù đi tới đâu, mọi người nhìn vào nàng, nhận xét đầu tiên là người của Hiên Viên tộc, vì xuất thân Hiên Viên, có những kẻ thuộc Thần tộc coi thường nàng, cũng có những kẻ Yêu tộc kính trọng nàng, bấy giờ nàng mới thực sự hiểu ra ý nghĩa mà một dòng họ đại diện.
Nàng đã rời nhà rồi lại quay về vô số lần, nhưng trước giờ chưa bao giờ mừng rỡ vì được về nhà thế này.
A Hành vừa vào đến lãnh thổ Hiên Viên, nàng đã tươi cười reo lên: “Về tới nhà rồi!”
Thấy nàng tươi tỉnh, A Tệ và Liệt Dương cũng vui lây, A Tệ vừa bay vừa kêu líu ríu rất êm tai, khiến Huyền điểu tọa kỵ của Thiếu Hạo phải hoan hỷ cất tiếng hót theo.
Thiếu Hạo rớt lại sau mấy trượng, âm thầm nhìn theo A Hành đang hào hứng hoa chân múa tay. Từ ngày gả tới Cao Tân, nàng luôn dè dặt thận trọng, từng cử chỉ hành vi lời ăn tiếng nói đều nhất nhất tuân theo nghi lễ Cao Tân, chưa từng được thoải mái tự do như hiện giờ.
A Tệ càng bay càng nhanh, thẳng một mạch đến Hiên Viên sơn, còn sớm hơn bọn họ dự tính nửa ngày.
A Hành định cho cả nhà một bất ngờ, ai dè Thanh Dương tựa hồ cảm giác thấy bọn họ về đến, đã đứng trước điện chờ sẵn. Trái lại, đám cung nữa quét tước trước điện kinh ngạc khôn xiết, vội chạy như bay vào trong bẩm báo: “Vương cơ về rồi! Vương cơ về rồi!”
Thiếu Hạo vừa bước xuống tọa kỵ, đã lên tiếng ghẹo Thanh Dương: “Mấy chục năm không gặp, nom tiểu đệ Thanh Dương vẫn như xưa.”
Thanh Dương thản nhiên cười: “Ở đây là Hiên Viên sơn, ngươi lại là con rể đến chơi, phải đổi cách xưng hô, gọi ta là Đại ca.”
Thiếu Hạo liếc A Hành cười nói: “Đợi chừng nào ngươi thắng được ta rồi tính!”
Thanh Dương đáp ngay: “Chọn ngày chẳng bằng gặp ngày!” Nói rồi chỉ vào rừng dâu, làm động tác mời.
“Được!” Thiếu Hạo thẳng thắn nhận lời, theo Thanh Dương về rừng dâu.
Chu Du hấp tấp đuổi theo, càu nhàu, “Hai vị công tử đã đánh suốt ngàn năm nay rồi, cứ gì mỗi lần gặp lại lôi nhau ra phân thắng bại chứ!”
Thiếu Hạo ngoảnh lại nhìn Chu Du, “Ngươi cứ chê khúc gỗ này ngu ngốc, nhưng ta thấy khá đấy chứ.”
Thanh Dương thoáng nét cười, “Ngốc lắm, rèn giũa mấy trăm năm vẫn ngốc đến kinh ngạc.”
Chu Du tức điên mà không dám lên tiếng, đành siết chặt tay lầm bầm: “Nô tì nghe thấy đấy, nô tỳ nghe thấy đấy…”
Thanh Dương và Thiếu Hạo vừa cười nói vừa giăng cấm chế. Bàn tay Thanh Dương trắng xóa những tuyết, từng đóa băng mẫu đơn ngưng kết quanh mình, cả rừng dâu bỗng trở nên lạnh buốt. Thiếu Hạo cười cười đứng đó, vạt áo không gió mà bay, nước từ dưới đất phụt lên quanh người, từng đóa hoa nước bắn tung như những bông lan nở rộ.
Chu Du can ngăn không nổi đành quay sang cầu viện A Hành, “Vương cơ nói giùm một câu đi.”
Trông thấy mẹ và Tứ ca, A Hành lè lưỡi với Chu Du tỏ vẻ lực bất tòng tâm rồi chạy vụt về phía Luy Tổ, nhào vào lòng bà, “Mẹ!”
Luy Tổ tươi cười ôm lấy nàng, A Hành tựa vào lòng mẹ, soi Xương Ý từ trên xuống dưới, “Trông Tứ ca ra dáng chú rể ghê, chúc mừng huynh!”
Nhìn Xương Ý đỏ mặt tía tai, A Hành phá lên cười khanh khách, đang định ghẹo thêm thì Luy Tổ đã vỗ vỗ lưng nàng, “Hôm nay là ngày lành của Tứ ca con, đừng bắt nạt nó nữa.”
A Hành nũng nịu, “Mẹ thiên vị quá, Tứ ca đã có Tứ tẩu chiều chuộng rồi mà mẹ vẫn thiên vị huynh ấy!”
Xương ý lườm nàng, “Lẽ nào Thiếu Hạo không chiều muội? Mọi người nghe được bao nhiêu chuyện về hai người r