Gió nổi lên xua tan hết mây mù, dân chúng đôi bờ lại nhìn rõ cảnh tượng trên sông, thấy Thiếu Hạo đã đứng bên Tây Lăng Hành, họ xôn xao mừng rỡ rồi hòa giọng với đội lễ nhạc Cao Tân ca vang khúc rước dâu:
Tổ kia thước ở đã lâu
Chim cưu bay đến tranh nhau ở bừa
Bây giờ nàng lấy con vua
Ngựa xe như nước đi đưa tiễn nàng
Tổ kia thước ở rõ ràng
Chim cưu kéo đến cả đàn ở tranh
Nàng kia cưới đúng giờ lành
Ngựa xe như nước chầu quanh chúc mừng.
Trong tiếng hát rước dâu rộn rã, trước sự mong đợi hân hoan của dân chúng hai bên bờ, Thiếu Hạo và Hiên Viên Bạt nhìn nhau, chẳng hẹn mà cùng đưa tay ra nắm chặt lấy tay người kia.
Tức thời dân chúng đôi bờ đều đồng loạt hoan hô vang trời dậy đất, tiếng reo hò lan đi khắp nơi, chấn động cả mây xanh.
Nghe tiếng reo mừng vẳng lại, Xi Vưu đang ngồi trên lưng đại bàng vận linh lực trị thương lập tức rối loạn khí tức, máu tươi trào lên tận cổ họng nhưng hắn cương cường nghiến răng nuốt xuống.
Thiếu Hạo nhìn tấm áo đỏ rực dưới chân chần chừ chưa dám bước lên, trái lại Hiên Viên Bạt lờ đi như không thấy, dẫm thẳng lên hồng bào, nhờ Huyền điểu dẫn đường, hai người lại đi tiếp.
Từng bước từng bước băng qua cầu Huyền điểu theo đúng lễ nghi, bước lên mảnh đất thuộc Cao Tân quốc.
Hàng ngàn cánh Huyền điểu chao liệng trên không, muôn vàn đóa hoa rợp trời khoe sắc, vô số dân chúng reo hò nhảy múa.
Bây giờ nàng ấy lấy chồng
Ngựa xe như nước tới cùng đón dâu
Bây giờ nàng lấy con vua
Ngựa xe như nước đi đưa tiễn nàng
Nàng kia cưới đúng giờ lành
Ngựa xe như nước chầu quanh chúc mừng.
Men theo con đường rực rỡ sắc hoa, Thiếu Hạo nắm tay Hiên Viên Bạt tới trước cỗ xe ngọc chạm trổ rồng bay phượng múa, Hiên Viên Bạt vén áo bước lên nhưng bất giác vẫn ngoái đầu ngóng sang bờ bên kia, nơi đó là cố quốc nơi nàng sinh ra và lớn lên, có những người thân yêu ruột thịt của nàng.
Như có cảm ứng tâm linh, Xương Ý cũng lập tức giơ tay, vừa chạy dọc bờ sông, vừa vẫy vẫy tay với nàng.
Hiên Viên Bạt mỉm cười, quay mình bước lên xe ngồi cạnh Thiếu Hạo, nhưng đúng lúc xe ngọc bay lên, nàng không khỏi ngoảnh đầu dõi mắt trông về xa tít cuối trời.
Giờ hắn thế nào rồi!?
Cao Tân Thiếu Hạo dùng nghi lễ long trọng nhất cưới Hiên Viên Bạt về làm vợ, Tuấn Đế cũng vô cùng sủng ái nàng dâu vừa vào cửa, ban cho nàng ở Thừa Hoa điện- cung điện lớn thứ hai trong Ngũ Thần sơn[3], các ân điển khác cũng khó mà kể xiết.
[3] Ngũ Thần sơn: ở Quy khư, nơi ngàn vạn dòng nước cùng đổ về có năm ngọn núi, vì là nơi ở của thần tiên nên được tôn xưng là Ngũ Thần sơn. Theo Sơn Hải kinh ghi chép về nơi ở của Thần hệ Tuấn Đế, Viên Kha tiên sinh cho rằng dòng dõi Tuấn Đế cai quản cả Ngũ Thần sơn. Theo sách Liệt Tử, phần Thang Vấn chép: “Đi về phía Đông Bột Hải chẳng biết bao nhiêu dặm có cùng biển lớn, sâu thẳm không đáy, tên gọi Quy khư. Nơi đó có năm ngọn núi, tên gọi lần lượt là Đại Dư, Vân Kiều, Phương Hồ, Tiệm Châu, Bồng Lai, chu vi toàn bộ ba vạn dặm, cao tới chín ngàn dặm.”
Cả Cao Tân đều chúc phúc cho Đại vương tử, nhưng Thừa Hoa điện nơi ở của vương tử phi lại tĩnh lặng như tờ. Các cung nhân vốn hầu hạ ở đó chưa biết tính tình vị chủ nhân mới ra sao nên luôn dè dặt cẩn thận, chẳng dám nhiều lời, còn đám thị nữ tới đây cùng Hiên Viên Bạt lại do Hoàng Đế đích thân tuyển chọn, ai nấy đều là kẻ thận trọng kín tiếng, không tùy tiện nói năng, bởi vậy toàn cung điện mênh mông nhường ấy, người hầu kẻ hạ hàng đàn nhưng ai ai cũng đi nhẹ nói khẽ như hồn ma bóng quỷ, chẳng gây ra tiếng động nào.
A Hành lặng lẽ ngồi trong phòng thẫn thờ như tượng, cảnh tượng lúc ban ngày cứ trở đi trở lại trong đầu, lúc đó nàng chỉ lo cho an nguy của Xi Vưu, sợ Thiếu Hạo sẽ nổi giận hạ sát thủ nên phải tức tốc đuổi hắn đi, vậy mà giờ đây, hình ảnh Xi Vưu bi phẫn cởi áo ném trả rồi quày quả bỏ đi lại hiện ra rành rành trước mắt nàng.
Liệt Dương đột ngột bay vào cửa sổ, đập phá một trận trong phòng, hất đồ đạc, đánh vỡ cả dạ minh châu khiến căn phòng tối om, đám thị nữ phải vừa nhớn nhác xua chim vừa cuống quýt thu dọn mọi thứ. A Tệ lẳng lặng lẻn đến bên A Hành, dúi cho nàng manh hồng bào đã vấy bẩn kia.
Lúc đám thị nữ đem dạ minh châu tới thắp sáng lại căn phòng vẫn thấy A Hành ngồi ngay ngắn ở đó. Sợ động chạm đến Đại vương tử phi, họ chẳng dám mắng chửi Liệt Dương, luôn miệng nhận tội về mình. Liệt Dương đậu trên ngọn cây thấy vậy đắc ý cười sằng sặc đến rung cả người.
Đã qua canh một, Bán Hạ, thị nữ được gả theo nàng tới đây bước vào khẽ thưa: “Xin vương tử phi đi nghỉ trước đi, xem tình hình chắc đêm nay điện hạ không tới đâu.”
“Cứ đợi đi.”
Hiên Viên Bạt tin chắc đêm nay Thiếu Hạo sẽ tới, bởi nàng biết nhất cử nhất động ở đây sẽ được trình báo ngay tới Tuấn Đế, hơn nữa y cũng biết Hoàng Đế nắm rõ y có đối tốt với vương cơ của Hiên Viên hay không. Y nhất định không thể khiến Hoàng Đế hiểu lầm mình được.
Đến canh hai, bên ngoài mới nghe tiếng lao xao: “Điện hạ tới, điện hạ tới rồi.”
Vừa nghe nói đã thấy Thiếu Hạo loạng choạng bước vào, người nồng nặc mùi rượu nhưng vẫn khá tỉnh táo, dưới sự chỉ dẫn của hỷ bà, y gắng gượng cạn ba chung rượu hợp hoan cùng A Hành.
Đám thị nữ cởi áo ngoài cho Thiếu Hạo rồi lục tục lui ra.
Thiếu Hạo chếnh choáng hành lễ với A Hành: “Trên tiệc có nhiều huynh đệ chúc rượu quá, ta khó khăn lắm mới thoát được, để nàng phải đợi lâu rồi.”
A Hành khẽ nói: “Có gì đâu chàng.” Đoạn nàng leo lên giường nhắm mắt nằm in trước. Chỉ lát sau, Thiếu Hạo cũng nằm xuống bên nàng, trong phòng lập tức tối om.
A Hành cứng người lại, nín thở khép chặt vạt áo, tim đập thình thịch như muốn vọt ra ngoài, nhưng Thiếu Hạo vừa đặt mình xuống đã thiếp đi, nàng đợi hồi lâu chẳng thấy y có động tĩnh gì bèn lấy ngón tay khẽ khều khều, chắc chắn y đã ngủ mê mệt mới dám thở phào nhẹ nhõm.
A Hành trở mình quay lưng về phía Thiếu Hạo, lòng ngổn ngang trăm mối, tránh được đêm nay, còn sau này thì sao?
Sáng tinh mơ, nàng chợt nghe Thiếu Hạo khe khẽ gọi: “A Hành, hôm nay chúng ta phải dậy sớm tới bái kiến phụ vương và mẫu hậu theo quy củ.”
A Hành giật nảy mình, ngồi phắt dậy, trông thấy Thiếu Hạo đã y phục chỉnh tề ngồi cạnh đợi nàng tỉnh giấc.
Thấy A Hành đỏ bừng mặt ngượng ngùng, Thiếu Hạo bèn tiện tay cầm một cuốn sách lên vờ chăm chú lật xem. Mấy thị nữ bưng hộp nữ trang vừa lén liếc hai người vừa cười trộm, trong mắt người ngoài, cả hai vẫn là một đôi vợ chồng mới cưới ân ái mặn nồng.
A Hành được các thị nữ hầu hạ trang điểm lộng lẫy rồi cùng Thiếu Hạo tới khấu đầu thỉnh an Tuấn Đế cùng Tuấn Hậu.
Hôm qua là quốc lễ, cả cung điện đông nghịt bề tôi nên A Hành không sao nhìn rõ mặt Tuấn Đế, mãi tới khi thi hành gia lễ hôm nay, nàng mới được tận mắt trông thấy ông, cũng hiểu ra tại sao Vương Mẫu lại khen Tuấn Đế nho nhã phong lưu.
Tuy Tam Đế được xếp ngang hàng với nhau nhưng trên đại hoang chẳng mấy thần tiên may mắn được gặp cả ba vị đế vương, bởi thế A Hành không khỏi thầm so sánh ba người.
Viêm Đế chẳng hề để tâm tới bề ngoài của mình, lúc A Hành gặp Viêm Đế, Viêm Đế đang vận áo ngắn quần thô, chân đi giày cỏ, bàn chân lấm đầy bùn đất hệt như một ông lão gầy gò tiều tụy, mặt đầy nếp nhăn, nếu không biết thân phận của ông, nhất định không thể tin ông già đó lại là Viêm Đế Thần Nông thị được cả thiên hạ quy thuận.
Hoàng Đế cũng chẳng chú trọng dung mạo, chỉ quan tâm tới tôn nghiêm uy thế của bậc đế vương, Theo Hoàng Đế, diện mạo không nên quá già nua, nhìn rất suy nhược, cũng không nên quá trẻ trung, nhìn thiếu chững chạc, thế nên bao giờ trông Hoàng Đế cũng chỉ ngoại tứ tuần, nhất cử nhất động đều trầm tĩnh oai nghiêm khiến người khác phải kính phục, rất phù hợp với hình ảnh Hoàng Đế Hiên Viên thị uy chấn thiên hạ trong tưởng tượng của mọi người.
Khác với hai người kia, Tuấn Đế lại vô cùng chăm chút diện mạo của mình, gương mặt vẫn giữ nguyên nét trẻ trung tuổi hai mươi, cũng chẳng khoác vương bào, chỉ mặc một bộ y phục bình thường, nhìn giản dị nhưng thực chất lại được dệt từ tơ Ngọc tằm quý hiếm. Nét mặt Tuấn Đế giống Thiếu Hạo tới bảy tám phần, có điều Thiếu Hạo gom đủ vẻ hào hùng của núi lẫn tình tứ của sông, còn Tuấn Đế chỉ có nước mà thiếu non, cặp mắt dịu dàng đa tình, toàn thân toát lên khí chất của người đọc sách, thoạt nhìn giống hệt một vị công tử ngao du giữa hồng trần.
Lúc A Hành bước vào, Tuấn Đế đang ngồi đọc sách, vừa xem vừa gật đầu vẻ hài lòng, ngón trỏ còn vô thức vẽ trong không trung như phác lại những điều ghi trong sách. Thấy thị nữ định thông báo, Thiếu Hạo vội ra dấu ngăn lại rồi lặng lẽ đứng đợi cùng A Hành.
Nhìn Tuấn Đế, A Hành không khỏi nhớ tới Xương Ý, Tứ ca của nàng cũng ham mê sách vở y như vậy, so ra y còn thích ca phú thư họa hơn công văn tấu sở nhiều. Nàng bỗng nảy dạ tò mò, liền lén liếc trộm xem Tuấn Đế đang đọc sách gì, vừa trông thấy, nàng đã phải mím môi nén cười.
Tuấn Đế ngước mắt lên, bắt gặp A Hành đang mím môi nín cười, bèn gập sách lại hỏi: “Con cười gì thế?”
Thiếu Hạo thấy vậy giật thót mình, còn Tuấn Hậu chỉ nửa cười nửa không, ngồi yên quan sát.
A Hành vội quỳ xuống tâu: “Quyển sách phụ vương xem là do một người bạn con viết ra, thấy phụ vương thích thú như vậy, con chợt cao hứng thay cho y nên không khỏi thất lễ.”
Tuấn Đế mừng rỡ hỏi: “Con quen người viết ra những bài ca phú này thật ư? Ta từng phái người đi dò hỏi về y nhưng chẳng thu được tin tức gì cả.”
A Hành thưa: “Người nhà y không thích y chú tâm vào việc đó nên y chỉ dám lén lút viết chơi vậy thôi, có điều y chẳng chịu nổi tịch mịch, lại hận rằng khó tìm được tri âm, bèn ngấm ngầm lưu truyền những sách vở đó ra ngoài. Giờ đây có được người tri âm thưởng thức là y mãn nguyện lắm rồi, chẳng cần người ta biết tới thành danh làm gì.”
Tuấn Đế gật đầu vẻ vô cùng thấu hiểu, cũng không gạn hỏi thêm nữa, “Đọc những gì y viết, có thể hiểu được y chẳng màng áo vàng đại ngọc trước cung điện mà chỉ khát cầu một vành trăng trong giữa bóng tùng, thôi, con đứng lên đi.”
Bây giờ A Hành mới chính thức hành lễ với Tuấn Đế và Tuấn Hậu.
Tuấn Hậu lại ban thưởng cho nàng vô số vật phẩm, người hầu đứng bên cao giọng xướng tên các món quà cáp. Xưa nay Hiên Viên vương thất sống rất giản dị nên A Hành từ nhỏ đã chẳng để tâm tới mấy thứ ngọc ngà châu báu đó, càng không biết thật giả tốt xấu ra sao, nhưng nhìn thái độ đám thị nữ xung quanh, nàng cũng hiểu được mình được sủng hạnh vô vàn. Có điều vị Tuấn Hậu này xuất thân từ Thường Hy bộ trong Cao Tân tứ bộ, cũng là mẹ đẻ của Nhị vương tử Yến Long, từ khi gả cho Tuấn Đế đã sinh liền sáu con trai. Em gái Tuấn Hậu cũng nhập cung cùng lúc với chị, đứng đầu tất cả phi tần, sinh được bốn con trai, ba con gái, ba con gái đều gả cho Bạch Hổ bộ, nên Bạch Hổ bộ luôn kề vai sát cánh với bọn Yến Long và Trung Dung. Trong triều, thế lực của hai chị em Thường Hy thị vô cùng hùng mạnh, bởi vậy Tuấn Hậu càng tươi cười hóa nhã, A Hành lại càng không dám lơ là cảnh giác.
Cao Tân là Thần tộc từ thời thượng cổ, lễ giáo rất nghiêm, A Hành ra mắt toàn bộ vương hậu, vương phi, vương tử, vương tử phi, vương cơ xong, lại nhất nhất đem chuyện