o con cùng học một lớp với Vệ Quốc thì con sẽ là đầu tàu còn nó là đuôi tàu.
Về điểm này cô không có cách nào để thuyết phục mẹ. Thời gian chơi cùng Vệ Quốc cô vẫn chưa đi học, lúc đó cũng không nói đến chuyện thành tích, ai thành tích tốt hay ai là kẻ bạch chuyên[1], cho nên cho dù thành tích của Vệ Quốc không ra gì thì cô cũng không biết rốt cuộc là do anh không học được hay anh không muốn học.
Khi cô đi học thì thành tích của cô rất tốt, đặc biệt là các môn khoa học xã hội, mà đặc biệt hơn là môn viết, có lẽ do được kế thừa gen sáng tác của nhà họ Sầm, ở lớp cô luôn là học sinh giỏi Văn, các bài viết luôn được thầy cô giáo khen ngợi và sử dụng làm bài văn mẫu. Cô từng mấy lần tham gia thi tiểu luận, các cuộc thi lớn nhỏ đều được giải nhất.
Nhưng trong lúc chọn lựa trường trung học chuyên khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội thì bố mẹ cô lại kiên quyết chủ trương cho cô học khoa học tự nhiên, nói khoa học xã hội không chỉ không ra gì mà còn rất nguy hiểm, dễ gây tai họa.
[1] Bạch chuyên là chỉ những người chuyên quan tâm đến nghiên cứu học thuật mà không màng đến chính trị trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Khi đó, những người này thưởng bị phán xét vì hành vi chỉ tập trung vào nghiên cứu mà không quan tâm đến chính trị, bị coi là theo con đường bạch chuyên.
Cô rất không tán thành:
- Giờ là thời đại nào rồi mà bố mẹ còn sợ văn học gây họa?
Mẹ giáo huấn:
- Con tưởng giờ mọi thứ đã trở lại bình thường, thiên hạ thái bình rồi à? Chỉ cần nhìn trường hợp của bố con là biết xã hội ta có cái nhìn như thế nào đối với giới văn nghệ sĩ, từ trước đến giờ luôn bị ép xuống đáy xã hội, trả cho anh lương ít nhất, bị giao những công việc ít có khả năng lập công nhất, nhưng lại đưa ra yêu cầu cao nhất đối với anh, bắt anh phải nêu rõ tư tưởng của mình, yêu cầu anh phải làm tấm gương cho người khác. Nhưng khi xảy ra chuyện không hay thì… Từ thời Tần Thủy Hoàng đã thế, con hiểu không…?
- Học ngành khoa học tự nhiên cũng không phải là trí thức sao?
- Học ngành khoa học tự nhiên cũng là trí thức, nhưng chính phủ nào cũng cần, không có họ thì sao có thể thực hiện được Bốn hiện đại hóa[2]? Nhưng học khoa học xã hội lại khác, con sẽ không thể tạo ra tên lửa, nếu con lại viết mấy thứ ám chỉ chính phủ thì chính phủ sẽ xử con, mà như vậy cũng không ảnh hưởng đến việc vệ tinh bay vào không gian, cũng bớt phiền phức.
Bố nói:
- Sáng tác là con đường chết, viết ra được và viết không ra được đều phải chịu sự cay đắng. Rất nhiều văn nhân cuối cùng đều tự sát mà chết, tại sao? Tài năng cạn kiệt, viết không ra nổi.
Vậy là cô vào lớp khoa học tự nhiên.
Khoa học tự nhiên cô học cũng rất tốt; nhưng luôn thấy không phải là sở trường nhất của mình, cô chỉ có thể vào trường đại học tự nhiên tốt nhất ở tỉnh, mà nghiên cứu sinh thì phải thi vào đại học G mới được coi là mở mày mở mặt.
[2] Tức hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng, hiện đại hóa khoa học kỹ thuật.
Cô chẳng hứng thú gì nhiều đối với chuyên ngành mình học, cô thi nghiên cứu sinh, hoàn toàn là vì buồn chán quá, tốt nghiệp đại học rồi được phân đến dạy học ở một trường đại học, không có bạn trai, cuộc sống chẳng có gì thú vị, vậy là thi nghiên cứu sinh cho vui, cũng để cho mọi người biết không phải là cô không tìm được bạn trai mà do bận học nghiên cứu sinh nên không có thời gian tìm bạn trai. Không chỉ như vậy, lúc đó cô cũng rất tin tưởng vào lời nói của mẹ cô, tưởng học nghiên cứu sinh có thể mở rộng phạm vi tìm đối tượng cho mình.
Cô có thể hiểu mối thù của mẹ cô đối với bác sĩ quan, nhưng cô bình tĩnh hơn mẹ cô rất nhiều, hận ông sĩ quan đó thì có tác dụng gì? Người ở thời đó ai chẳng không bị bưng bít khiến cho điên điên đảo đảo?
Còn chuyện bác sĩ quan xử lí bố cô có phải có xen lẫn chút tình cảm cá nhân hay không thì cô không biết. Cô tin bác sĩ quan vẫn thật sự thích mẹ, nhưng nếu bố cô không có cái thóp đó thì bác sĩ quan cũng sẽ không tự dưng gây chuyện để điều chuyển bố cô về quê. Nếu bố là người thân thích của bác sĩ quan, thì có lẽ bác sĩ quan có thể nhắm mắt cho qua khi tiến hành điều tra, hoặc sẽ không cử người đi điều tra bố.
Lịch sử chính là vô số những sự trùng hợp ngẫu nhiên tạo nên, lịch sử của một cá nhân là như vậy, và lịch sử của một quốc gia cũng như vậy.
Mà lịch sử lại là thứ duy nhất không thể lặp lại, đã xảy ra là xảy ra, có thể tính sổ, có thể thưởng phạt, nhưng không thể bắt đẩu lại từ đầu.
Cô không biết bao nhiêu năm qua mẹ cô không tìm được bác sĩ quan hay là tìm được rồi mà không muốn nói cho cô biết, sợ cô sẽ liên hệ với Vệ Quốc. Nhưng cô biết, nếu tìm thấy Vệ Quốc thì chắc chấn cô sẽ nói cho mẹ biết.