u ưa chuộng nhạc cụ và âm nhạc của người Hồ Tây Vực, thất huyền cầm bị chê bỏ vì “tiếng cổ giờ nhạt nhẽo, chẳng xứng tình người nay”, song Đổng Đình Lan giữa thời Thịnh Đường vẫn được muôn người tán thưởng vì tài đàn cao siêu của mình. Cao Thích từng làm thơ tặng, “Chớ buồn đường trước không tri kỷ, thiên hạ ai người chẳng biết ông0”.
0 Trích trong bài thơ Biệt Đổng Đại 2. Đổng Đại tức Đổng Đình Lan, cầm sư trứ danh thời Đường. Năm Khai nguyên thứ 23 (735), Cao Thích lên Trường An dự thi, hai người làm quen và kết bạn. Hai bài Biệt Đổng Đại làm nhân chứng cuộc trùng phùng ngắn ngủi sau nhiều năm xa cách rồi lại từ biệt mỗi người một nẻo Đông Tây.
Hoàng Tử Hà vội gật đầu đáp lễ.
Chiêu vương Lý Nhuế ngồi bên cười nói, “Tứ ca giờ trọng dụng tiểu hoạn quan này quá nhỉ, hôm nay vừa hối hả đi đâu về đây?”
“Trí nhớ hắn tốt nên ta sai đến nhà họ Vương giảng cho vương phi luật lệ trong phủ.”
“Ồ, hóa ra trừ tài phá án, hắn cũng có khả năng đọc qua là nhớ như Tứ ca sao?” Lý Nhuế lại hỏi.
Lý Thư Bạch chỉ “ừm” một tiếng, rồi không nói thêm gì nữa.
Hoàng Tử Hà thấy nắng chiều đang chênh chếch rọi vào mắt Trần Niệm Nương, khiến bà ta phải cúi mặt xuống, khẽ cau mày, cô bèn bước đến nhẹ nhàng buông tấm rèm trúc trước mặt bà ta.
Lý Nhuế lại cười khen, “Tên tiểu hoạn quan này thực là chu đáo.”
Khúc Châu ngư của Trần Niệm Nương đã đi đến hồi kết, tiếng vàng âm ngọc thánh thót bầu không, khiến người ta quên hết thế tục, chẳng ai đáp lời Lý Nhuế. Chỉ nghe dư âm lãng đãng, êm đềm hòa dịu, bàn tay đặt trên phím đàn dần dần thôi nhấn nhá, khi dứt hẳn Trần Niệm Nương mới đứng dậy hành lễ với mọi người.
Lý Nhuận tán thưởng, “Quả là tuyệt diệu, có thể hình dung ra phong thái của Đổng Đại thuở trước.”
Lý Nhuế cũng khen ngợi, “Tài đàn tuyệt vời, bà có muốn vào giáo phường chăng? Chúng ta có thể giới thiệu cho.”
Trần Niệm Nương thong thả lắc đầu, “Thiếp đã lớn tuổi, đương ở Vân Thiều Uyển Giang Nam làm cầm sư, cuộc sống không phải lo phiền, e rằng không thích ứng được với giáo phường.”
Lý Nhuế lại hỏi, “Vậy lần này bà vào kinh có việc gì?”
Trần Niệm Nương đáp, “Năm xưa thiếp cùng sư tỷ Phùng Ức Nương học nghệ với thầy, tình cảm rất thân thiết. Đôi bên vẫn giúp đỡ nương tựa nhau bao năm nay. Mấy tháng trước Ức Nương đột ngột cáo từ thiếp, nói rằng phải hộ tống con gái người bạn cũ đến Trường An, lâu thì ba bốn tháng, chóng độ một hai tháng sẽ về, song giờ đã hơn năm tháng, chẳng những bặt tin tức, mà hỏi khắp mọi người cũng không biết sư tỷ đến Trường An có chuyện gì hay hộ tống ai, đành một mình lên kinh nghe ngóng, nào ngờ vẫn bóng chim tăm cá, lộ phí trong người lại cạn sạch. May sao gặp được mấy vị sư huynh đệ ngày trước, giới thiệu thiếp đến đây bán nghệ, mới được yết kiến quý nhân.”
Lý Nhuận cười, “Ta hiểu ý bà, bà hy vọng chúng ta giúp một tay tìm ra tung tích sư tỷ phải không?”
“Đúng thế, nếu biết được tung tích sư tỷ, thiếp sẽ vô cùng cảm kích.”
Lý Nhuận lại nói, “Trường An bảo nhỏ thì không nhỏ, bảo lớn thì không lớn, thế này đi, ta viết cho bà một phong thư, bà có thể đem đến nha môn bộ Hộ, nhờ họ họa giùm một bức hình rồi tìm.”
Trần Niệm Nương mừng rỡ vái y một vái thật dài, đoạn thưa, “Không cần phiền họ vẽ hình, thiếp đây có một bức tranh họa cùng sư tỷ mấy năm trước, vẫn luôn đem bên người, người trong tranh giống hệt người thật, để thiếp đem tới cho họ xem là được.”
“Vậy càng tốt, mau đưa cho chúng ta, để ta viết thư trước.”
Lý Thư Bạch đưa mắt ra hiệu, Hoàng Tử Hà liền ngoan ngoãn ra cửa, hỏi mượn bút mực của chủ quán. Lý Nhuận ngồi một bên viết thư, Trần Niệm Nương ngồi trước cây đàn, so lại dây. Hoàng Tử Hà ngồi đối diện, giúp bà ta mở hộp phấn hương thông ra, tỉ mỉ bôi lên dây đàn.
Thấy ban nãy cô tỏ ra chu đáo, Trần Niệm Nương rất ưa thích, nhìn xuống tay cô hỏi, “Tiểu công công cũng biết chơi đàn ư?”
“Trước đây tôi từng học tỳ bà và không hầu, song thiếu kiên nhẫn nên chỉ biết sơ sơ thôi, giờ cũng bỏ bê cả rồi.”
“Thực đáng tiếc, bàn tay công công rất hợp học đàn.”
Hoàng Tử Hà ngạc nhiên nói, “Chưa ai khen tay tôi đẹp cả.”
“Không phải đẹp, là thanh thoát mạnh mẽ, gảy cổ cầm hoặc tỳ bà thì bàn tay rộng thế này là hợp, lúc nhấn phím mới bao quát được.”
Hoàng Tử Hà cười đáp, “Chắc tại hồi xưa tôi thích đá mã cầu nên mới thành ra thế.”
Nghe đến mã cầu, Lý Nhuế liền chen ngang, “Ô, tên tiểu hoạn quan nhà ngươi cũng thích đá mã cầu ư? Hôm nào đá chúng ta sẽ gọi ngươi nhé.”
Hoàng Tử Hà vội chống chế, “Nô tài chỉ mới tham gia mấy trận mà thôi.”
“Đúng là không nhìn ra được, ngươi mảnh khảnh thế này mà dám chơi mã cầu, môn đó không cẩn thận là gãy chân què tay như chơi.” Lý Nhuế nói, đoạn vươn tay bóp bóp vai cô, Hoàng Tử Hà hơi co người lại, đưa mắt nhìn Lý Thư Bạch. Y phớt lờ, chỉ khẽ đằng hắng một tiếng.
Lý Nhuế cười mỉa, quay người lại ngồi xuống bên cạnh Lý Thư Bạch. Hoàng Tử Hà tiếp tục cặm cụi thoa phấn hương thông lên dây đàn, ngẫu nhiên ngẩng lên, trông thấy gương mặt cúi thấp của Trần Niệm Nương với sống mũi cao cùng chiếc cằm nhỏ, không khỏi nhủ thầm, nét mặt bà ta có vài phần nhang nhác mẹ mình.
Bất giác cô thấy thân thiết với Trần Niệm Nương hơn, bèn gợi chuyện hỏi han, “Niệm Nương, nếu tôi muốn học đàn thì phải học từ khúc nào?”
“Mới học thì Thanh ức, Thường tư, Đông ly cúc đều là những bài vỡ lòng hay, được người đương thời ưa thích, giai điệu đơn giản, kỹ thuật dễ dàng.”
Hoàng Tử Hà sực nhớ tới một chuyện, liền hỏi, “Nếu nhập môn từ Lưu thủy thì sao?”
“Tiểu công công nói đùa, muốn đàn hay được Lưu thủy rất khó, ngay sư phụ ta năm xưa gảy Lưu thủy cũng thường than rằng chưa đạt được đỉnh cao, đàn không ra được chỗ tinh diệu.”
“Vậy có khúc đàn nhập môn nào mở đầu bằng chữ \'lưu\' chăng?”
Trần Niệm Nương nghĩ ngợi chốc lát rồi đáp, “Ta ở Giang Nam bấy lâu, dạy qua không ít nhạc khúc, song không nhớ có khúc nào bắt đầu bằng chữ ‘lưu’ cả.”
“Đồng âm cận âm cũng được, ví như liễu, lục gì đó?”
“Có một khúc Lục yêu, nhưng dài lắm. Về ‘liễu’ thì có một khúc Chiết liễu, cũng đơn giản dễ học.”
Hoàng Tử Hà lắc đầu, “Không phải Chiết liễu, bắt đầu bằng ‘lưu’ kia.”
Trần Niệm Nương ngẫm nghĩ, chợt “ồ” lên một tiếng, “Quả là còn một khúc, đơn giản dễ học, có điều khúc này triền miên êm ái, chỉ thịnh hành ở Dương Châu, rất nhiều cô nương như các cô ở Vân Thiều Uyển lúc mới học đàn từng học, ta cũng có thể dạy. Khúc ấy tên gọi Liễu miên. Nhưng công công là người trong kinh, sống tại vương phủ cao quý, ắt hẳn không biết.”
Nghĩ đến Vương Nhược e lệ ngại ngùng. Hoàng Tử Hà cũng hơi ngượng nghịu, “Vậy hẳn là không phải.”
“Tôi cũng nghĩ vậy, loại nhạc này rất khó được tấu tại nơi phong nhã cao sang.”
Trong lúc hai người trò chuyện, Lý Nhuận đã viết xong bức thư, đóng cả triện ngay ngắn. Hoàng Tử Hà rất thông thạo Trường An, liền theo Trần Niệm Nương đi lấy bức tranh bà ta và Phùng Ức Nương để Trần Niệm Nương yên lòng giao việc này lại cho mình, đoạn tiện tay mở bức tranh ra xem.
Trong bức họa là hai người phụ nữ, một ngồi một đứng. Người ngồi là Trần Niệm Nương, quả nhiên họa rất giống, mày mắt sinh động có thần. Người kia đứng dựa vào Trần Niệm Nương, miệng tủm tỉm, mày mắt cong cong, đã ngoài bốn mươi mà vẫn toát lên phong vận quyến rũ khôn tả.
Hoàng Tử Hà chăm chú nhìn người trong hình, “Đây là Phùng Ức Nương ư?”
“Đúng thế, sư tỷ ta rất đẹp.”
“Theo tôi thấy thì xuân lan thu cúc, mỗi người một vẻ.” Hoàng Tử Hà thong dong nói.
“Phong vận tư thái của sư tỷ mới là tuyệt mỹ, tranh vẽ không thể hiện hết được đâu, khi nào công công gặp sẽ biết ngay.” Trần Niệm Nương cười.
Đúng vậy, phải chính mắt trông thấy mới cảm nhận được dáng vẻ mê hồn ấy. Hoàng Tử Hà thầm nhủ, bà làm sao biết được, mấy ngày trước tôi vừa gặp bà ta ở ngay ngoại ô thành Trường An, bà ta ngồi cùng xe với Vương Nhược, vương phi tương lai của Quỳ vương, còn mời tôi lên đi cùng nữa.
Vương tiểu thư đi cùng một cầm sư ở Vân Thiều Uyển Dương Châu, còn luôn miệng nhận bà ta là người nhà – xem ra những chuyện lạ lùng quanh Vương Nhược không hề ít.
Cứ vậy mà suy thì con gái người bạn cũ của bà ta hẳn là Vương Nhược? Một thiên kim xuất thân vọng tộc họ Vương ở Lang Gia như Vương Nhược, sao cha mẹ lại quen biết Phùng Ức Nương, thậm chí còn giao cả con gái mình cho bà ta đưa tới Trường An trước?
Cô nghĩ ngợi rồi quyết định chưa nói với Trần Niệm Nương vội, dù sao người giống nhau trên đời cũng rất nhiều, chi bằng cứ vờ không biết, có lẽ bên bộ Hộ sẽ có tư liệu ghi chép về Phùng Ức Nương, để tra xem người nhà họ Vương viết gì về thân phận của bà ta.
Nghĩ vậy, cô cuộn bức tranh lại, bình thản cáo từ Trần Niệm Nương, lên xe.
Đương lúc cô bước lên xe, Trần Niệm Nương như sực nhớ ra chuyện gì đó, vội chỉ bức tranh trong ngực áo cô nói, “Ta vừa nhớ ra, giữa hai chân mày sư tỷ, hơi lệch về bên trái, có một nốt ruồi đen, ai trông thấy cũng sẽ chú ý.”
Hoàng Tử Hà gắng lục lại đặc điểm người phụ nữ ngồi trong xe Vương Nhược hôm ấy, song chỉ nhớ bà ta để tóc mái trước trán, vừa khéo che mất phần giữa hai chân mày.
Cô liền gật đầu ghi nhớ. Xe ngựa lăn bánh, hướng về phía bộ Hộ.
Tam tỉnh lục bộ bản triều đều nằm trong hoàng thành. Hoàng Tử Hà vào theo cửa An Thượng, đi thẳng đến bộ Hộ. Viên tri sự họ Hồ đang có mặt ở đó rất nhiệt tình, niềm nở giúp cô tra cứu một lượt các hồ sơ về những phụ nữ vào kinh trong mấy tháng nay, cuối cùng kẻ thì chênh lệch tuổi tác, kẻ lại không giống hình dáng, chẳng có ai tên Phùng Ức Nương cả.
Sau khi cảm tạ Hồ tri sự, cô đương quay người định đi thì lại sực nhớ ra gì đó, bèn ngại ngùng lại gần Hồ tri sự khẽ trình bày, “Hồ đại nhân, tôi có một yêu cầu hơi quá đáng, nhờ ông giúp một chút, chẳng rõ có được hay không…”
Giờ đây trên triều, uy thế của Quỳ vương ngày càng hiển hách, Hồ tri sự đương nhiên không dám thất lễ với người của y, vội chắp tay nói, “Tiểu công công có gì xin cứ căn dặn.”
“Là thế này, vương gia nhà chúng tôi đã đưa sính lễ sang nhà họ Vương rồi, chỉ ít hôm nữa sẽ thành thân. Mấy ngày trước tôi cũng chạy đi chạy lại nhà họ Vương, tiếc rằng trí nhớ quá tệ, những người hầu hạ vương phi tuy đều đã báo danh với tôi, song tôi chẳng nhớ được ai cả… Nghe nói bọn họ đều theo vương phi tương lai nhà chúng tôi vào kinh, chẳng biết đại nhân có thể giúp tôi chút việc, cho tôi xem danh sách bọn họ chăng?”
“Chuyện nhỏ.” Hồ tri sự lập tức quay lại rút ra một cuốn từ tập hồ sơ tháng trước, “Ta còn nhớ rõ, ngày 26 tháng trước có một người họ Vương mời ta đến đăng ký hộ tịch, là cô nương chi thứ tư gia tộc ở Lang Gia… Phải rồi, chính là đây, tổng cộng bốn người.”
Hoàng Tử Hà vội châu đầu ngó vào trang đó, chỉ thấy trên có ghi: Vương Nhược, con gái chi thứ tư nhà họ Vương Lang Gia vào kinh, gia nhân gồm a hoàn Nhàn Vân, Nhiễm Vân, đều mười lăm tuổi, gia đinh Lỗ Dực, ba mươi lăm tuổi.
Bản triều quản lý hộ tịch rất nghiêm, nhất là kinh thành nằm dưới chân thiên tử, những người từ nơi khác đến dẫu chỉ tạm trú, cũng phải vào bộ Hộ báo cáo.