g ngọn lửa, liền nhổ một sợi tóc gí vào tia sáng xanh. Sợi tóc vừa chạm phải đã lập tức cháy rụi, không để lại chút dấu vết. Nếu chỉ là ngọn lửa màu xanh thông thường thì không có gì đáng nói, nhưng một ngọn lửa mà lại có thể tỏa ra luồng khí lạnh thì thực tình không thể hiểu nổi.
Tôi quay sang nhìn Lão Ngũ, nghĩ bụng: Ngay từ đầu lão đã biết đó là tia lửa, vậy chắc hẳn lão đã nhận ra cơ chế hoạt động của cỗ máy này rồi.
Lão Ngũ mắt không rời khỏi thanh kim loại, tay vân vê mấy sợi râu dưới cằm rồi nói với chúng tôi:
- Nếu như ta đoán không sai, thì những thanh kim loại này chính là Thệ Diệm Kim, tên một loại vàng chỉ có thể tìm thấy tại dãy núi m Sơn thuộc vùng Tân Cương. Nghe nói, số lượng của loại khoáng vật này rất ít lại nằm ở độ sâu vài trăm mét dưới lòng đất; để luyện được nó người ta phải sử dụng rất nhiều phương pháp phức tạp, nên loại vàng này cảng trở nên hiếm hoi hơn. Nó có một đặc tính cực kì lạ lùng là mỗi khi gặp lửa, dù nhiệt độ của lửa có cao đến đâu chăng nữa thì bản thân nó vẫn luôn tỏa ra luồng khí lạnh.
Nghe thấy vậy, chị Giai Tuệ đưa mắt nhìn ra tứ phía, nghi hoặc nói:
- Lão Ngũ, nếu đúng như lão nói, những thanh kim loại này chính là Thệ Diệm Kim thì vua Nỗ Nhĩ Cáp Xích kiếm đâu ra những thứ kì quái này chứ. Hơn nữa, thời bấy giờ kỹ thuật luyện kim đâu đã phát triển, liệu họ có tự chế tạo ra không, đây quả đúng là một điều bí ẩn.
Lão Ngũ gật đầu tán thành ý kiến của chị, lão nói mọi thứ ở dưới này đều rất kì quái, bởi bọn cẩu Thanh làm cái gì cũng muốn thật hoành tráng. Lão còn cho rằng dưới Cố Cung ở Bắc Kinh nhất định còn cất giấu nhiều bảo vật quý hiếm hớn thế này nhiều, nếu có cơ hội phải đến đó một chuyến để mở mang đầu óc mới được. Chị Giai Tuệ vội lắc đầu phản đối:
- Cố Cung ở Bắc Kinh chắc chắn không được như thế này đâu, bởi vì nơi nhà Thanh phát tích chính là vùng Đông Bắc này, đây mới chính là cội nguồn…
Chưa để chị nói hết câu, tôi đã vội ngắt lời, hỏi Lão Ngũ cỗ máy này ở đây thực ra có dụng ý gì, tại sao cố tình đặt những thanh vàng tỏa ra khí lạnh như thế, phải chăng chúng cũng giống những cột trụ ở giữa Hắc Xà, dùng những luồng khí lạnh để làm đông cứng chúng tôi?
Lão Ngũ lắc đầu, nói:
- Ta nghĩ không phải. Tuy nhiệt độ có hạ xuống nhưng căn hầm này vẫn còn hơi nóng. Khi hai luồng khí đối nghịch gặp nhau, chúng ta cũng đâu có thấy khó chịu lắm.
Lão quay sang nhìn ra bốn phía rồi nói thêm là chính lão cũng chưa hiểu vai trò của cỗ máy này như thế nào, đến nước này chỉ còn cách đến đâu hay đến đó, trước mắt cứ lần theo khoảng giữa những thanh kim loại mà đi về phía trước thôi.
Nghe Lão Ngũ nói vậy, vốn đang sẵn sốt ruột nên tôi lập tức đưa chân định bước qua khoảng giữa của hai thanh kim loại để tiếp tục tiến lên phía trước. Không ngờ, vừa đặt một chân xuống mặt sàn thì bỗng nhiên những tia lửa từ thanh kim loại lập tức phụt mạnh, đúng lúc tôi đang ở tư thế chân trong chân ngoài giữa hai phiến đá, chưa biết phải tránh sang phía nào tôi đành cứ đứng trơ trơ chấp nhận chờ chết. Tôi căng thẳng tới mức buột mồm văng ra một câu chửi thề.
Bỗng có một lực kéo mạnh tôi về phía sau đúng lúc hai ngọn lửa mang theo luồng khí lạnh buốt phụt tới xém qua chóp mũi tôi rồi chập vào nhau, phát ra tiếng kêu giòn giã. Do lực va khá lớn nên hai thanh kim loại cũng bị rung mạnh, rồi theo đà chúng tiếp tục rung nhẹ khiến những ngọn lửa xanh đua nhau phụt ra những tia lửa nhỏ li ti làm tóc mái của tôi cũng bị cháy sém một góc.
Tôi cuống cuồng đưa tay lên phủi phủi tóc mái để dập lửa, quay ra sau thì thấy Lão Ngũ vừa túm chặt tay lấy lưng áo tôi vừa hằm hằm nhìn tôi đầy trách móc.
Tôi vỗ vỗ tay lên ngực để trấn an tinh thần rồi hổn hển cảm ơn Lão Ngũ đã cứu mạng và hỏi lại đây là cỗ máy gì. Lão Ngũ bực bội trả lời:
- Nhóc con, chỉ được cái lanh chanh. Chưa đợi nói hết câu đã lao lên trước, giờ đứng yên đấy để ta xem xét kĩ lưỡng rồi sẽ nói cho mi biết.
Lão Ngũ nói xong thì thả tôi ra, rồi ngồi xuống nghiêng đầu sang trái, ngoẹo đầu bên phải quan sát thật kỹ hai tia lửa đang chạm vào nhau, sau đó khẽ gật đầu:
- Hay đấy, hay đấy. Hóa ra đây chính là Thiên Cung Cách sát trận.
Nghe thấy cái tên này, tôi lập tức nghĩ tới một bộ phim nước ngoài đã từng xem, nội dung kể về những cỗ máy được thiết lập theo mô hình trận địa. Hồi đó, ông nội bắt tôi phải xem bộ phim này để quan sát và rèn luyện.
Lão Ngũ nói với chúng tôi, Thiên Cung Cách sát trận có nguồn gốc từ một kiểu thế trận biến hình thời cổ đại, chủ yếu dùng để bày binh bố trận hoặc bảo vệ lăng mộ của vua chúa, thế nên nó mới được gọi là Thiên Cung. Đem đặt ở đây thì cũng hơi không cần thiết.
Trong mắt của những người Trung Quốc cổ đại, các hình khối đối xứng tự thân có tính thẩm mĩ cao, đặc biệt là hình tròn, tiếp đó là hình vòng cung, rồi mới đến những hình có góc cạnh như hình vuông, hình chữ nhật. Nhưng theo ghi chép về các cỗ máy bí mật thời cổ xưa, thì loại thế trận hình vòng cung dễ ứng dụng vào thực tiễn hơn loại thế trận hình tròn, vì tính năng kết hợp thuận tiện, dễ dàng. Đặc biệt bên trong nó vẫn có thể bố trí thêm một trận địa khác để tăng khả năng liên kết và chống đỡ.
Lấy căn hầm trước mặt làm ví dụ. Mỗi phiến đá lát được coi là “nhất cung”, vậy bốn phiến đá sẽ tạo thành “tứ cung”, chín phiến đã sẽ là “cửu cung”[1]. Cứ theo quy luật như vậy, có bao nhiêu phiến đá sẽ tạo nên trận địa có bấy nhiêu cung.
[1] Cửu cung ở đây có hình dạng khá giống Cửu cung Hà đồ, nhưng tính chất không hoàn toàn giống nhau.
Tiếp đó, hai cung tạo thành một cách, cứ theo đó mà tính thì cho dù dưới này có bao nhiêu phiến đá lát chăng nữa cũng chỉ cần sắp xếp chúng theo đúng trình tự dọc ngang, hoặc theo hình bình hành thì đều tạo thành Thiên Cung Cách sát trận.
Giảng giải đến đây, Lão Ngũ giậm mạnh chân xuống sàn:
- Nơi chúng ta đang đứng là một cung, lấy đây là điểm trung tâm rồi hướng ra bốn phía xung quanh, cứ hai phiến đá là một cách. Những cung, cách này từ trên xuống dưới, từ trái qua phải đều ăn khớp với nhau, thật không biết trận địa ở căn hầm này được ghép bởi bao nhiêu cung, cách đây.
Lão Ngũ còn say sưa nói đông nói tây một hồi lâu, nhưng tôi không tài nào hiểu được. Vốn là một đứa trẻ lười học, nên với những lời giải thích kiểu lôgic toàn học thế này, tôi thực sự không thể tiêu hóa nổi. Những phiến đá trước mặt đang không ngừng nhảy múa trước mắt khiến đầu óc tôi quay cuồng, mụ mị. Dù sao thì những lời của Lão Ngũ cũng khẳng định một điều: Thiên Cung Cách sát trận là một trận địa vô cùng phức tạp và khó lường.
Chị Giai Tuệ chăm chú nghe Lão Ngũ giảng giải nên hiển nhiên là đã hiểu ra vấn đề, chị giải thích thêm cho tôi:
- Đây là tổ hợp những ô vuông được bố trí và sắp xếp có chủ ý, bản chất của nó là áp dụng những công thức toán học lũy thừa và nghịch đảo. Hiện giờ ta không rõ số phiến đá trên mặt sàn là bao nhiêu, như thế đồng nghĩa với việc trình tự sắp xếp của các cung, cách cũng là vô số.
Lão Ngũ gật đầu tán thành:
- Mấy cái trình tự dọc ngang gì đó thì ta không hiểu lắm, nhưng dù sao trận địa này cũng vô cùng nguy hiểm.
Tôi sốt ruột tới mức không thể không lên tiếng hỏi lại:
- Nhìn mấy thứ này cháu cứ thấy u u mê mê kiểu gì ấy, thế nhưng chắc chắn chúng phải mang một ẩn ý gì đó, đúng không ạ? Chẳng lẽ chúng lại điều khiển các thanh kim loại này kẹp chết chúng ta?
Lão Ngũ mỉm cười không trả lời mà chỉ thò tay vào ngực áo lấy ra viên Phi Hoàng thạch, khiến chúng tôi chăm chú dõi mắt nhìn theo.
Lão lia viên Phi Hoàng thạch sang phiến đá bên phải rồi để nó rơi tự do xuống nền. Thanh kim loại kẹp giữa hai phiến đá lập tức chuyển động. Thế nhưng một điều rất lạ là hai tia lửa không xuất hiện như trước, mà một thanh kim loại bỗng dưng lắc mạnh rồi va vào thanh còn lại, sau đó chúng quay trở lại vị trí ban đầu. Sự việc xảy ra nhanh đến mức tia lửa trên thanh kim loại tạo thành một vệt xanh lè bay vụt qua.
Nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, tôi và chị Giai Tuệ đều hết sức ngỡ ngàng, đặc biệt là tôi – người khá rành về nguyên lí chế tạo khóa và những thiết bị tương tự. Hành động của Lão Ngũ khiến tôi nhận ra kết cấu của cỗ máy phía dưới mặt sàn đá kia rất đỗi phức tạp, nó là sự kết hợp của rất nhiều cơ chế hoạt động khác nhau nên hình thức tấn công phòng thủ mới biến hóa như vậy.
Lão Ngũ còn nói với chúng tôi, Thiên Cung Cách sát trận thường đặt trong lăng mộ thế nên thông thường cấu tạo của nó là những bức tường đá và sàn kim loại. Bốn mặt cung đều là lối ra, nhưng bắt buộc phải tìm cho đúng; sang tới cung tiếp theo, lại phải chọn lối khác. Trong đó, tường đá và mặt sàn kim loại chính là điểm mấu chốt của cả cỗ máy và chúng liên quan mật thiết với nhau. Chỉ cần chọn sai một bước, thì không những không thoát ra được mà thậm chí còn bị cỗ máy tấn công, tới lúc đó tính mạng sẽ vô cùng mong manh.
Trận địa Thiên Cung Cách sát trận trước mắt chúng tôi lại thuộc hàng vi diệu nhất, cả bốn phía đều không có tường chắn mà chỉ có những thanh Thệ Diệm Kim phủ lửa xanh. Mặc dù nó trong suốt, nhưng như thế càng khó để thoát ra do ngọn lửa phản chiếu làm suy giảm khả năng quan sát, thậm chí còn rất dễ bị chệch hướng. Chỉ cần chọn sai thì cỗ máy sẽ điều khiển những thanh kim loại di chuyển loạn xạ tạo nên một trận địa rối ren. Đến lúc đó, thật không thể tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra.
Nói đến đây, những nếp nhăn trên khuôn mặt Lão Ngũ xô đẩy vào nhau khiến gương mặt lão trở nên nhăn nhúm, khó coi. Lão hằn học nói:
- Có nghe câu thành ngữ Cách sát bất luận (giết không cần luận tội) bao giờ chưa? Cách sát… ha ha… chính là từ trận địa này mà ra đấy. Xem ra ba cái mạng còm của chúng ta đã đến lúc bị cách sát rồi.
Nghe thấy vậy, đầu óc tôi trở nên trống rỗng, chẳng lẽ chúng tôi lại cam tâm chết ở đây thật sao. Đây cũng là lần đầu tiên Lão Ngũ gặp phải tình huống này nên giờ lão cũng chẳng khác gì hai chị em tôi, đến đâu hay đến đó. Chúng tôi quan sát xung quanh một hồi lâu rồi quyết định tiếp tục dấn thân, không thể để mọi việc chấm dứt như thế này được.
Do đã thám thính trước nên Lão Ngũ cho rằng bước sang phía tay trái sẽ an toàn hơn. Lão dùng viên Phi Hoàng thạch thử lại một lượt nữa, quả nhiên hai thanh kim loại không va vào nhau, đến lúc đó chúng tôi mới cẩn trọng bước qua.
- Phiến thứ ba nhất định phải tiến vào từ phía sau, phiến thứ tư thì tiếp tục bước thẳng tới…
Qua sự chỉ dẫn của Lão Ngũ, chúng tôi cẩn thận bám sát theo sau, lúc bước thẳng lúc lùi ra sau, lúc thì sang trái lúc thì sang phải, cứ như vậy cuối cùng chúng tôi cũng đã tới được phiến đá thứ hai mươi mốt mà không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên do lúc tiến lúc lùi nên tính về khoảng cách thực thì chúng tôi mới chỉ tới được phiến đá thứ tám. Mỗi phiến đá có chiều dài một mét, vậy nghĩa là chùng tôi mới đi được có tám mét. Thế nhưng để đi được tám mét ngắn ngủi này, chúng tôi đã phải mất gần hai mươi phút đồng hồ. Lão Ngũ đăm chiêu vuốt râu và nói:
- Không được, không được rồi, cứ như thế này mãi thì cũng không được, có đến tận đầu kia thì cũng không thể tìm được lối ra.