Khi mới bắt đầu đi vào đây, tôi còn cảm thấy rất hào hứng thấy mình giống những chiến sĩ đang đi lại trong chiến hào. Nhưng đi một đoạn dài, tay chân tôi đau nhức vô cùng, toàn thân mỏi nhừ, mệt đến mức chỉ biết thở dốc. May sao không khí trong đường hầm tương đối thoáng đãng nên không hề cảm thấy ngột ngạt, tôi cũng không biết bộ phận thoát khí ở đây được thiết kế như thế nào.
Đường hầm cứ thế thẳng tắp về đằng trước, cũng không đoán được nó dài bao nhiều, Hắc Lão Ngũ sau đó cũng đóng chiếc gương Dạ Minh lại, khiến bốn phía xung quanh tối om như mực. Chúng tôi không ai nói với ai lời nào, chỉ im lặng tiến tới phía trước. Đi được gần hết đoạn đường hầm, tôi mệt đứt hơi, da tay da chân đều bị xây xước, đang định bảo mọi người nghỉ một lúc, thì Hắc Lão Ngũ đang đi phía trước bỗng dừng lại, hoan hỉ quay lại nói với chúng tôi:
- Hai đứa, tới lối dẫn ra ngoài rồi!
Tôi sung sướng phát điên, liền bước nhanh tới phía trước, cảm thấy đầu óc trống rỗng, lập tức đứng thẳng dậy. Sau khi Lão Ngũ mở chiếc gương Dạ Minh ra, tôi thấy mình đang đứng trong một không gian bị bao kín, bốn phía là bốn bức tường được ghép bằng những tảng đá lớn, đối diện với miệng hầm chúng tôi vừa bước ra khỏi là một cánh cửa bằng kim loại rất lớn, bên trên treo một chiếc khóa bằng sắt nặng trịch to chừng hai bàn tay.
Khóa Bá Vương nối sợi tơ tằm bất tử
Đây là loại khóa then mà người Trung Quốc ngày xưa rất hay dùng để khóa cửa nhà, nó xuất hiện từ thời Xuân Thu, gồm thân khóa và thanh then (gần giống khóa hình móng ngựa). Thân khóa thường là hình chữ nhật, thanh then hoặc chốt từ trên xuống hoặc là chốt từ hai bên sang, khi thanh then khớp ren với thân khóa thì coi như chiếc khóa đã bị phong tỏa, nó có kết cấu hơi giống với miệng cống thoát nước nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Chiếc khóa trước mặt tuy khá to nhưng thực ra lại rất đỗi bình thường, nó có thanh then to bằng hai ngón tay, gốm hai đoạn nối với nhau và mỗi đầu chốt vào một đầu chiếc khóa.
Lão Ngũ tiến tới trước, với tay lên chiếc khóa kéo thử rồi mỉm cười khoái chí:
- Mẹ kiếp, tưởng thế nào chứ, hóa ra là loại khóa tầm thường này, để ta giải quyết cho! – Nói rồi lão nheo mắt, quan sát chiếc khóa một hồi lâu, bỗng lão chửi ẩm lên. – Quỷ tha ma bắt, không có mắt khóa. Hay đấy, hay đấy!
Tôi vội vàng chạy tới xem, quả nhiên đúng như lời lão nói, cả thân khóa là một màu đen tuyền, bên trên điểm những vết hoen gỉ, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy mắt khóa đâu, tôi đoán đây có thể lại là một loại khóa biến thể.
Lão Ngũ hơi nản lòng.
- Mẹ kiếp, cứ tưởng là ngon ăn, mất mặt quá. Thôi, mi xử lí nó đi!
Tôi mỉm cười, lấy ra một miếng kim loại, từ từ cạo hết lớp rỉ sét trên bề mặt chiếc khóa. Thân khóa đúc bằng loại sắt tổng hợp, trừ phần bên trên cắm hai đầu thanh then, bốn mặt còn lại của thân khóa mỗi mặt đều gắn hai thanh chốt màu đen rất nhỏ, mài phẳng lì như chìm vào mặt khóa, nhìn trông rất khít. Phía dưới đáy khắc những đường lượn sóng, đó là kết quả từ quá trình đúc ổ khóa tạo nên.
Tôi suy nghĩ một chút rồi nhìn lại hai thanh then, bề mặt và chỗ nối của chúng là những đướng xoắn ốc, đếm đi đếm lại chỉ vẻn vẹn có mười đường.
Đến đây, tôi đã hiểu ra vấn đề, quay đầu sang nói với Lão Ngũ.
- Thảo nào không có mắt khóa. Lão Ngũ xem đi, đây chính là khóa Bá Vương, hay còn gọi là khóa Thập diện mai phục.
Lão Ngũ xoắn xoắn mấy sợi râu trong tay rồi nói:
- Nghe cái tên đã đủ thấy cổ quái rồi, nhanh chóng bắt tay vào mở thôi.
Chị Giai Tuệ nói thêm:
- Vừa là Bá Vương, vừa là Thập diện mai phục, xem ra nó nhất định liên quan tới Hạng Vũ[1] rồi.
[1] Hạng Vũ là một chính trị gia và là nhà quân sự kiệt xuất của nước Sở ( một nước nhỏ của Trung Hoa cổ đại). Với tài năng và sự dũng mãnh của mình, ông được coi là vị tướng xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Quốc, từ Bá Vương cũng là danh xưng dùng để gọi ông.
Tôi gật đầu, tán thành:
- Chị Giai Tuệ, chị đoán đúng rồi đấy, câu thành ngữ “Thiết tướng quân giữ cửa” mà ngày nay mọi người hay dùng cũng bắt nguồn từ khóa Bá Vương này mà ra đấy.
Trước đây tôi đã từng nghe ông nội kể rằng, khóa Bá Vương ra đời từ những năm đầu tiên thời Đông Hán, nghe nói nó được một vị tướng quân dưới quyền của Sở Bá Vương Hạng Vũ chế tạo ra. Vị tướng quân này vốn là một cao nhân chế tạo khóa, sau đó chiêu binh đi theo Hạng Vũ. Sau khi Hạng Vũ bị đáng bại ở Ô Giang, ông ta đã quyết định về ở ẩn, tách mình với thế giới bên ngoài và quay về với nghề chế tạo khóa. Để tưởng nhớ vị tiên chủ, ông đã dựa vào loại khóa then truyền thống để chế tạo ra loại khóa Bá Vương, được lưu truyền qua hàng nghìn năm.
Loại khóa Bá Vương này gồm có mười thanh then vừa sáng vừa tối, ngụ ý chỉ trận Thập diện mai phục do Hàn Tín bày binh bố trận. Trong đó, mặt dưới khóa không có rãnh cũng không thiết kế then cài, mà chỉ có những đường lượn sóng, để ngầm ví lần thua trận của Hạng Vũ ở Ô Giang, thà tự vẫn còn hơn phải lui về Giang Đông. Do Hạng Vũ là đại tướng quân, nên loại khóa then này còn được gọi là Thiết tướng quân, có thể lấy câu “Một người giữ cửa, vạn người khóa vào”[2] của Lý Bạch để so về mức độ vô cùng khó mở của loại khóa này.
[2] Trích trong bài Thực đạo nan của Lý Bạch.
Nghe tôi giải thích xong, Lão Ngũ gật đầu vẻ rất thán phục.
- Hạng Vũ quả đúng là anh hùng, thà chết vinh còn hơn sống nhục. Vậy mi thấy thế nào, chiếc khóa này có dễ nhằn không?
Mặc dù tôi không hề quay đầu nhìn lại chiếc khóa nhưng trước đây – khi dạy tôi mở khóa, ông nội đã cho tôi thực hành rất nhiều với loại khóa then này, do đó tôi nắm khá vững loại khóa này. Với khả năng hiện tại, tôi nghĩ nó cũng không khó vượt qua lắm. Tôi liền lôi ra một sợi dây da lừa cực mảnh, nhờ Lão Ngũ và chị Giai Tuệ mỗi người cầm một đầu rồi ra sức kéo sang hai bên, lấy miếng kim loại vừa dùng cào mạnh lên sợi dây, phát ra tiếng ken két rất ghê tai. Tôi cứ cào như thế khoảng hơn một trăm lần, sợi dây bắt đầu nóng ran trong tay, tôi gập hai đầu sợi dây lại, cuộn tròn quanh thanh then có rãnh hình xoắn ốc, rồi dùng sợi kim móc, từ từ nhét hai đầu sợi dây kia vào trong thân khóa, lợi dụng sức nóng của sợi dây để ép chặt sợi dây vào đường xoắn ốc. Vẫn làm theo cách như thế, tôi dùng bốn sợi dây da lừa khác ép chặt các đường xoắn ốc trên tám thanh then còn lại. Sau đó buộc năm sợi dây da lừa thành một, cuốn chặt quanh thân khóa.
Sau khi mọi khâu đã chuẩn bị xong, tôi ngồi xuống mặt sàn, dùng đầu kim cào thật nhanh lên đường rãnh nhỏ tại điểm nối giữa hai thanh then màu đen trên thân khóa với hi vọng lực tác động và sức nóng sẽ khiến sợi dây da lừa nới lỏng các đường xoắn ốc, làm thanh then bật tung ra. Sau khi tám thanh then tối bị bật ra, hai thanh then sáng còn lại sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thế nhưng cho dù tôi ngồi cào cho tới khi hai chân mỏi nhừ, các ngón tay đau nhức, thì sợi dây da lừa cũng không hề nhúc nhích, tôi đã thử thay đổi mọi hướng nhưng đường xoắn ốc vẫn không hề lỏng ra.
Sự việc khiến tôi càng thêm rối trí, mồ hôi túa ra như tắm, đương lấy tay quệt mồ hôi, bất chợt tôi nghĩ ra, một kế sách, liền vội vàng một tay đưa ổ khóa sát lên tai lắng nghe, một tay tiếp tục cào mạnh lên nó.
Trong lúc khóa phát ra một thứ âm thanh rất lạ, lục bục như tiếng nước chảy. Tôi lập tức đoán ra, trong lõi khóa chứa đầy thủy ngân, những thanh then có đường xoắn ốc chạy thẳng vào trong, nhưng do bên trong rất trơn, nên sợi dây da lừa cũng không thể vặn được chúng.
Tôi ngán ngẩm thở dài, xem ra chiếc khóa này cũng giống chiếc khóa Uyên Ương bọc tâm giao ức, đều được đúc bằng hai loại kim loại khác nhau. Có điều bên trong loại khóa Bá Vương này lại chứa thủy ngân, với khả năng trước đây của tôi thì khóc có thể mở nổi.
Nghe thấy tôi nói bên trong là thủy ngân, Lão Ngũ giật bắn mình, giơ tay kéo tôi ra, vội vàng nói:
- Thủy ngân độc hại lắm, tránh ra không lại bị trúng độc bây giờ.
Chị Giai Tuệ cũng lao tới kéo mạnh tôi ra khỏi ổ khóa, dặn đi dặn lại dung dịch thủy ngân rất dễ bốc hơi trong nhiệt độ thường, nếu hít phải sẽ rất độc cho cơ thể.
Tôi lắc đầu, nói:
- Không sao, thân khóa được bịt rất kỹ, ở tất cả miệng khe hở đều được bịt kín bằng thạch cao để tránh rò thủy ngân ra ngoài.
Nói đến đây, tôi chợt thấy do dự, nhưng trong đầu lập tức nảy ra phương pháo mở chiếc khóa. Vì chiếc khóa này có vỏ đúc bằng sắt, bên trong bịt bằng thạch cao, lõi trong cùng mới là thủy ngân, rõ ràng cấu tạo của chiếc khóa áp dụng nguyên lý Ngũ hành tương sinh. Sắt và thủy ngân đều là kim loại, nhưng đồng thời thủy ngân cũng có dạng lỏng như nước, thạch cao là khoáng sản nên có thể xem là một dạng đất, hàm ẩn quan hệ tương sinh trong ngũ hành là “thổ sinh kim, kim sinh thủy”. Nếu như tôi dùng thuyết tương khắc không chừng lại có thể mở được chúng.
Nghe tôi nói cần dùng đến lửa, chị Giai Tuệ lập tức rút ra một chiếc bật lửa vỏ kim loại màu trắng sáng, trên mặt trước chiếc bật lửa có khắc vài chữ tiếng Anh, khi đó tôi không hiểu nó nghĩa là gì, nhưng sau này mới biết đó là tên nhẫn hiệu bật lửa Zippo. Tôi bật thử vài cái, khi cảm thấy ngọn lửa đã vừa tầm, tôi mới nhờ chị hơ đều lên thân khóa, đúng theo thuyết “hỏa sinh kim”.
Sau đó, tôi lấy trong bọc ra một chiếc kim vót bằng gỗ anh đào. Nó là một loại gỗ rất chắc được lấy từ Nhật Bản, đuôi kim nhô ra một đầu tròn, rất giống chiếc trâm cài đầu của phụ nữ ngày xưa, nghe nói loại kim này bắt đầu được phái Kiện môn sử dụng từ cuối nhà Đường, thời bấy giờ nó được Dương Quý Phi sử dụng làm trâm cài tóc, nên người xưa còn gọi nó là trâm Quý Phi. Tôi dùng nó để gắp thạch cao ra, cũng vừa ứng với thuyết “mộc sinh thổ”.
Tiếp theo là thuyết “thổ sinh thủy”. Quanh chúng tôi đâu đâu cũng chỉ là đá, tìm đâu ra đất bây giờ? Lão Ngũ và chị Giai Tuệ cũng nhìn tới ngó lui từng ngóc ngách hi vọng tìm ra chút đất, nhưng kết quả đến một nhúm cũng không có. Mặc dù hành cung được xây dựng từ rất lâu rồi, thế nhưng bề mặt vẫn láng sạch tinh tươm, thậm chí đến một hạt sạn cũng không có thì lấy đâu ra đất?
Chúng tôi đang suy nghĩ tìm cách giải quyết thì Lão Ngũ bỗng vỗ đánh đét, nụ cười đầy vẻ tinh quái, lão nói:
- Không phải là không có đất, nhưng sẽ hơi bẩn một chút đấy. – Nói rồi lão thò tay vào trong áo, giơ nách gãi gãi vài cái rồi xòe bàn tay ra, trong kẽ tay bám đầy những cục ghét đen sì.
Tôi nhăn mặt, mím chặt môi, không dám chạm vào chúng, vừa nhão vừa nhơn nhớt lại còn bốc mùi thum thủm, chỉ muốn phát mửa.
Lão Ngũ vẫn đứng bên cạnh nói thêm vài câu vẻ rất khoái chí:
- Đây là vảy rồng của Lão Ngũ đấy, bình thường muốn lấy cũng không cho đâu.
Tôi lè lưỡi, phục sát đất lão, không biết lão nghĩ gì mà gọi đấy là “vảy rồng”.
Quan sát thấy đầu ổ khóa đã bị hơ nóng đỏ lên, tôi mới vê “vảy rồng” thành từng cục nhỏ, lần lượt nhét vào những khe hở nơi tám thanh then nối với thân khóa, rồi dùng đầu trâm Quý Phi cào nhẹ lên đó. Kim loại gặp lửa sẽ dãn nở ra, khiến các đường khe cũng nhờ thế mà to hơn, nên việc nhét “vảy rổng” của Lão Ngũ vào cũng dễ dàng hơn.
Tôi thay một chiếc kim loại khác cào lên thân khóa, cảm giác như dung dịch thủy ngân khi gặp “vảy rồng” đã dừng chuyển động. Trong lòng tôi mừng thầm, lập tức tăng lực tác động lên cây kim cào mạnh thân khóa, thúc cho sợi dây da lừa từ từ cuộn vào đường xoắn ố