n trúc quan trọng nhất của Cố Cung. Do điện làm hoàn toàn bằng gỗ, người xưa không sử dụng đinh để ghép các khuôn gỗ lại với nhau mà tất cả đều dùng bằng mộng gỗ, vậy nên khi trùng tu cần phải dùng những chuyên gia hết sức khéo léo và tỉ mỉ, mà nhất định phải là những thợ thực sự có tay nghề mới có thể làm được. Cho nên từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập đến nay, Cố Cung mới chỉ được tu sửa một lần. Tính từ lần tu sửa đó đến nay cũng đã hơn chục năm, qua thời gian, mưa nắng đã làm cho điện bị hư hại nhiều.
Qua nghiên cứu, Viện bảo tàng Cố Cung đã tuyển được một đội ngũ những người thợ mộc thực sự xuất sắc đến từ khắp cả nước, dưới sự làm việc nghiêm túc của họ, một phần của Cố Cung đã được tu sửa.
Sau khi hoàn thiện phần kết cấu bên ngoài, người ta mới tiến hành tu sửa đến phần bên trong. Bao gồm cả lớp sàn gỗ phía dưới ngai vàng, đó là một khu vực hình vuông được ghép từ tám miếng gỗ bách có hơn hai trăm năm tuổi. Phần chính giữa để lại một khoảng trống, khảm thay vào đó là một chiếc bục màu vàng, ngai vàng của hoàng đế được đặt ở phía trên chiếc bục này. Tám miếng gỗ bách đều có độ dài một mét rưỡi, dày nửa mét, sau khi được ghép lại với nhau phải dùng loại sơn thượng hạng màu vàng sơn kỹ lên bề mặt. Trên mỗi miếng gỗ đều được khắc một con rồng đang uốn lượn rất tinh tế, đầu rồng được khắc nổi so với bề mặt gỗ, từ bốn phương tám hướng chầu về phía ngai vàng. Hoàng thượng ngồi trên ngai vàng, mặt hướng về phía Nam, lưng dựa vào hướng Bắc, với dụng ý bao quát cả thiên hạ, đúng theo câu “Bát long củng vệ, Chân long trị thiên”.
Trong quá trình trùng tu, một chuyên gia sau khi nghiên cứu đã nói rằng, chiếc bục bằng gỗ bách này khi bước lên có phần hơi bị lún xuống, có thể là do phần gỗ bên trong đã bị mục, giờ nên tách chúng ra để xử lí phần bị mục rồi ghép lại như cũ. Dựa vào những hình ảnh được ghi chép lại trong văn tự, những thợ mộc đã tách từng mảnh gỗ bách ra, cho đến mảnh gỗ cuối cùng là chiếc bệ màu vàng kim ở chính giữa. Do cũng đã quá lâu, nên cả những khe xung quanh đều bị bụi phủ đầy, vì vậy mọi người quyết định gỡ cả chiếc bệ ra để tiện lau chùi. Nhưng không ai ngờ được, sau khi dỡ được chiếc bệ đó ra, bên dưới bệ để lộ ra một bề mặt được đúc bằng kim loại, trông nó không hề ăn nhập với kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ của ngai vàng.
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là, trên bề mặt kim loại còn khắc một đôi rồng đang quấn quýt vờn nhau, kỹ thuật điêu khắc tinh xảo đã khiến chúng trở nên vô cùng sống động và có hồn lạ thường. Mỗi con rồng đều nhô đầu lên khỏi bề mặt chừng vài phân, đối mặt với nhau, miệng rồng há rộng để lộ những chiếc răng nanh hung dữ, ở chính giữa hai đầu rồng là một viên ngọc trân châu rất lớn màu xanh biếc. Quan sát tổng thể, thì đây chính là bức tranh Lưỡng long tranh ngọc vô cùng sinh động.
Những chuyên gia trùng tu Cố Cung chứng kiến cảnh tượng đó đều thấy rất kì lạ, họ không ngờ dưới ngai vàng lại cất giữ một bảo bối như vậy, nên lập tức cho mời những chuyên gia khảo cổ học đến để nghiên cứu.
Các chuyên gia khảo cổ sau khi nghiên cứu đã kết luận, tấm khắc đôi rồng vờn ngọc trân châu này có ít nhất hai trăm năm lịch sử, được đúc bằng thép không gỉ, kỹ thuật đúc hết sức tinh xảo, cho thấy sự phát triển vượt bậc trong nghề đúc thời bấy giờ, nó có ý nghĩa nghiên cứu vượt thời gian.
Điều thực sự khiến cho họ sửng sốt là khi tiến hành nghiên cứu sâu hơn, họ mới phát hiện ra, có một khoảng trống rất rộng bên dưới tấm kim loại đó, diện tích thực của nó không thể đo được. Các chuyên gia nhận định, đây có thể là một phòng chứa kho báu bí mật và tấm kim loại đúc đôi rồng vờn ngọc trân châu này chính là một trong những cánh cửa thông xuống dưới, nên cử người xuống đó khai quật và nghiên cứu.
Thế nhưng, khi đoàn khảo cổ tới, họ không thể nào mở được tấm kim loại đó lên dù đã thử rất nhiều cách khác nhau. Sau đó, họ mới phát hiện ra rằng, thì ra cả lớp sàn bên dưới của điện Sùng Chính đều được đúc từ khối kim loại trên, và cũng có thể là chạy khắp cả Cố Cung. Tấm kim loại khắc đôi rồng vờn ngọc trân châu này thực ra chỉ là một góc rất nhỏ được hiển lộ.
Đoàn khảo cổ đã mất rất nhiều thời gian để mở tấm kim loại được coi là cánh cửa dẫn xuống phía dưới nhưng tất cả đều vô ích, nó vẫn nằm im lìm không hề xê dịch.
Mọi người đều tỏ ra rất hào hứng, cảm thấy lần trùng tu này nhất định sẽ thu được nhiều kết quả. Thế nhưng, một điều hết sức kì quái đã xảy ra, những chuyên gia khảo cổ tham gia vào việc khai quật đều lần lượt gặp tai nạn và tử vong một cách bí ẩn.
Trường hợp đầu tiên xảy ra khi việc khai quật được tiến hành đến ngày thứ năm. Vào buổi tối hôm đó, một chuyên gia đang lái xe về nhà thì gặp tai nạn, xe bị nạn là chiếc xe bốn chỗ Elantra của Hyundai, bị một chiếc xe tải chạy ẩu tông vào từ phía sau, văng lên vỉa hè. Chiếc xe hầu như không bị hư hỏng nhiều, nhưng người lái thì chết ngay tại chỗ, còn kẻ gây tai nạn đã bỏ trốn.
Qua điều tra của cảnh sát giao thông, trên mặt đường không hề có dấu vết phanh xe, điều này có thể cho thấy chiếc xe tải đã cố ý đâm thẳng vào xe đằng trước. Dựa vào manh mối là biển số chiếc xe tải để lại hiện trường, điều tra ra đó là chiếc xe của mỏ than đã bị ăn cắp đêm hôm trước, cơ quan công an cũng đã lập hồ sơ vụ án để điều tra.
Hồ sơ vụ án được chuyển từ bên cảnh sát giao thông sang cơ quan công an điều tra, thế nhưng vẫn chưa tìm ra manh mối nào. Cho đến nay, những nhà khảo cổ tham gia vào quá trình khai quật đã chết gần hết, người bị trúng độc, người bị mất tích, người thì bị bắn, họ đều chết bất thường và có một điểm chung là không tìm thấy hung thủ.
Sự việc này xảy ra khiến cho Cục Công an tỉnh Liêu Ninh và ban quản lí viện bảo tàng hết sức quan tâm và lo lắng, thông qua tin tức điều tra của bên công an, các vụ án chỉ có một điểm chung duy nhất là nạn nhân đều là những người tham gia vào công việc tu sửa Cố Cung, đặc biệt là quá trình khai quật nghiên cứu tấm sàn kim loại có khắc đôi rồng vờn ngọc trân châu. Dường như có một thế lực vô hình nào đó đang cố ngăn cản công việc khai quật.
Do đây là một việc hệ trọng, có liên quan trực tiếp đến bảo vật mà cả quốc gia giữ gìn, nên cả văn phòng an ninh quốc gia cũng tiến hành điều tra.
Là một cán bộ thuộc phòng cảnh sát hình sự, Tôn Ngọc Dương dĩ nhiên cũng tham gia điều tra. Sau khi nghiên cứu kĩ về tấm kim loại khắc đôi rồng, bản thân là một người kế thừa Nam phái Võ giải nên anh ta cũng rất muốn thử sức mình. Thế nhưng loay hoay với rất nhiều phương pháp khác nhau, Tôn Ngọc Dương vẫn không làm nhúc nhích nó. Trong lúc mọi việc đang đi vào ngõ cụt, anh ta đã nghĩ đến ông nội tôi, bèn báo cáo cấp trên xin đến tìm ông nhờ ra tay giúp đỡ.
Phòng cảnh sát hình sự lẫn ban quản lí viện bảo tàng sau khi nghe báo cáo đều cho rằng, những người mở khóa nổi danh trong thiên hạ rất có thể sẽ mở được những chiếc khóa cổ quái này thì vô cùng hào hứng. Vì vậy, Tôn Ngọc Dương đã được cử đến Trường Xuân thuyết phục ông nội chịu xuất đầu lộ diện. Đẻ tránh việc những thông tin mật này sẽ bị lộ ra ngoài, nên chỉ có những vị lãnh đạo cấp cao mới được biết.
Ngày hôm đó, Tôn Ngọc Dương mặc thường phục, lái xe biển dân sự, từ Thẩm Dương đến Trường Xuân tìm ông nội. Sau khi nghe Tôn Ngọc Dương nói rõ đầu đuôi, ông tôi đã nghĩ ngợi rất lâu mới nhớ ra đã có lần được nghe một vị tiền bối nhắc đến chiếc khóa này. Đây là một dạng khóa tường, được chế tạo từ thời Nam Tống, do kết cấu vô cùng phức tạp và khó mở nên hay được dùng để cất giữ báu vật. Thông thường nó được thiết kế ở trên tường, nhưng cũng có thể đặt ở dưới mặt đất. Ông nội thực ra cũng mới chỉ được nghe tên chứ chưa thực sự được nhìn thấy. Thế nhưng Cố Cung được xây từ thời Hậu Kim, vậy thì người Mãn làm thế nào mà tìm được người chế tạo ra chiếc khóa cổ này để đặt tại điện Sùng Chính? Thế nhưng chắc chắn một điều, vật được cất giữ bên dưới chắc chắn là thứ không hề tầm thường.
Ông nội khi nghe Tôn Ngọc Dương mời đến Cố Cung giúp mở khóa đã từ chối bởi vì cho rằng bản thân đã sống ẩn quá lâu rồi, nên giờ không còn muốn dính dáng đến giới giang hồ, đặc biệt là những việc liên quan đến bí mật quốc gia. Thêm nữa, những người tham gia khảo cổ đều có chung một kết cục là những cái chết bất thường, điều đó có nghĩa là đang có một thế lực nào đó vô cùng đáng sợ đứng đằng sau, mà ông còn muốn hưởng tuổi già thêm vài năm nữa.
Tôn Ngọc Dương lúc đó cũng đã nghĩ, nếu như có thể nhờ ông nội giải quyết được những sự vụ mờ ám trong thời gian này, bản thân anh ta cũng coi như lập công, tương lai sẽ rộng mở hơn. Cho nên, anh ta đã quyết định dùng đến miếng ngọc tỳ hưu để ông nội chịu giúp, thế nhưng, bản thân lại là trưởng môn của Nam phái, làm như vậy có phải sẽ bị coi thường không? May mắn thay, lúc đó lại có tôi xuất hiện, nên anh ta đã gián tiếp qua tôi tặng vật tín của trưởng môn Nam phái cho ông nội, hi vọng sẽ khiến ông nội động lòng mà ra tay lần này.
Tâm nguyện hợp nhất Nam phái và Bắc phái của ông nội vậy là được toại nguyện, cho nên ông nội đã đồng ý với Tôn Ngọc Dương. Nhưng ông cũng ý thức được mối nguy hiểm thực sự trong chuyến đi Thẩm Dương lần này, thậm chí là có thể bỏ mạng, cho nên ông mới truyền lại ngôi vị trưởng môn cho tôi trước khi đi, coi như ngôi trưởng môn không bị thất vị dưới quyền ông.
Nghe chú Tư Mã Cương nói đến đây, tôi cảm thấy mất mát đau thương vô hạn. Nhớ lại cảnh ông nội chào tôi lúc trước khi lên xe vào buổi sáng hôm ấy, đó chính là lúc ông phải thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời, ông đã ngoái lại ngắm nhìn tôi rất lâu với tình thương yêu vô bờ bến.
Quay lại buổi trưa hôm đó, sau khi đến văn phòng Cục Công an tỉnh Liêu Ninh, ông nội tôi đã được Trưởng phòng Tư, Viện trưởng La và Trần Đường tiếp đón trọng thể. Sau khi báo cáo lại sự việc hết sức kỳ quặc trong thời gian qua, bàn xong một số công việc khác, họ thực lòng mong muốn ông nội có thể mở được chiếc khóa đôi rồng vờn ngọc trân châu kia.
Trưởng phòng Tư còn nói:
- Việc này cho dù có thành công hay không, chúng tôi đều đền đáp xứng đáng. Nghe Tôn Ngọc Dương nói, Sở thúc còn có một cô cháu gái cũng tài năng không kém nên chúng tôi sẽ thu xếp để cháu được tuyển thẳng vào công tác tại phòng cảnh sát.
Ông nội đã nghĩ tới tương lai của tôi nên mới đồng ý, ông còn vui vẻ nói thêm:
- Lan Lan mà làm cảnh sát là có thể rũ bỏ cái tiếng dân ăn trộm, như vậy gia đình tôi thật có phúc, được tổ tiên phù hộ độ trì.
Sáng ngày hôm sau, ông nội đã đi cùng họ đến điện Sùng Chính, sau khi nhìn thấy chiếc bục khóa đôi rồng vờn ngọc trân châu, ông nội đã đi quanh nó nhiều vòng, nhìn thật kỹ, quỳ xuống bên cạnh và chăm chú quan sát. Sau cùng mới quyết định bắt tay vào mở thử, thế nhưng những kĩ thuật của Kiện môn không thể để người ngoài nhìn thấy vì vậy ông có yêu cầu không cho bất cứ ai đi vào trong điện. Không những thế ông còn yêu cầu chuẩn bị thêm những vật dụng như cồn, bông, gạc, băng vải. Mọi người đều rất tò mò về những thứ ông nội yêu cầu, nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ.