nhìn tôi, giọng cũng lạnh đến phát run: “Làm thế nào thoát ra được?”.
Tôi nghĩ có lẽ chàng kéo tay tôi đúng lúc viên giao châu đã khởi động, nếu không, sao chàng có thể theo vào, thầm mắng Quân Vỹ vô dụng, cúi đầu nói khẽ: “Khi Công Nghi Huân tỉnh mới thoát ra được”.
Chàng giơ tay ôm trán, “Em đúng là. Không để người ta được yên chút nào”.
Tôi thầm liếc chàng, cảm thấy hình như chàng cũng không giận lắm, lập tức tấn công: “Để người ta được yên không phải là chuyện tốt”.
Chàng không dao dộng: “Lý lẽ vớ vẩn gì thế?”.
Tôi nản lòng: “Chẳng có lý lẽ vớ vẩn nào cả, thân mẫu em luôn để cho người ta được yên, cho nên cha em mới lấy nhiều mỹ nữ như vậy”. Lại bổ sung thêm: “Đằng nào em cũng là người hay sinh sự, hay là sau này chàng cũng lấy thật nhiều mỹ nữ, ngày ngày em cằn nhằn bên chàng, khiến đầu chàng nảy đom đóm”.
Chàng bật cười: “Em định cằn nhằn tôi thế nào?”.
Tôi cân nhắc một lát, buồn bã quay đầu đi: “Nếu có ngày đó, em sẽ bỏ chàng mà đi”.
Chàng cau mày, “Ai cho em nói thế?”. Tôi nheo mắt nhìn chàng, xoa mũi nói: “Chẳng ai hết, nhưng hôm nay chàng cảm thấy em hay sinh sự, nhất định chàng bắt đầu ghét em rồi”.
Nói xong lại quay đi, chàng để cán quạt dưới cằm tôi từ từ nâng lên, giống như những công tử nhà giầu phóng đãng đùa giỡn con gái nhà lành, còn làm bộ hứng thú nhìn tôi một lượt từ đầu xuống chân.
Lát sau, chàng thong thả buông quạt lắc đầu: “Lại giở trò trẻ con gì đây, môi mím thành sợi chỉ rồi, tôi ghét em bao giờ?”.
Tôi lẩm bẩm: “Vậy chàng nói đi, chàng rất bằng lòng để em chạy ra ngoài làm việc này”. Không đợi chàng trả lời, lại bổ sung “Nếu không nói tức là ghét em”.
Chàng nhìn tôi không nói, lát sau mới thong thả phán: “Em rất biết cách đối phó với tôi. Nhưng chỉ lần này thôi, lần sau không được thế”.
Tôi cúi nhìn mũi giày: “Chàng vẫn chưa nói, có phải chàng giận rồi không?”.
Chàng làm bộ lạnh nhạt: “Em nói xem?”.
Tôi sịt mũi, giơ tay định lau nước mắt, tay vừa giơ đã bị chàng nắm lấy: “Thôi, tôi không giận”.
Tôi liếc trộm chàng, thấy ánh mắt chàng di chuyển đến lại vội cúi đầu: “Vậy… vậy chàng gọi em là ‘bảo bối’ nghe nào”.
Vừa nói xong cằm lại bị nâng lên, lần này không dùng cán quạt, mắt chàng như cười: “Em định trêu chọc tôi phải không?”.
“… Bị chàng lật tẩy rồi”.
Mải phân trần với Mộ Ngôn không dám phân tâm quan sát cảnh trước mắt, khi định thần theo dõi ký ức của Công Nghi Huân thì phát hiện đã đến đoạn nửa năm sau lễ cưới của Công Nghi Phỉ và Công Nghi San. Lần trước mới đến cảnh hôn lễ của hai người.
Mộ Ngôn nhìn vẻ bần thần tiếc rẻ của tôi, đứng bên giải thích: “Cũng không có chuyện gì lớn, chỉ là sau khi nạp thiếp Công Nghi Phỉ chuyển ra khỏi phòng tân hôn, từ đó hai người không gặp lại. Còn nữa, Công Nghi San sinh con trai”.
Tôi nghĩ có lẽ chàng không biết chuyện, chần chừ một lát, kể cho chàng nghe nhân duyên của Công Nghi Phỉ và Khanh Tửu Tửu. Một câu chuyện ly kỳ như vậy, chàng lại không ngạc nhiên chút nào: “Họ là ruột thịt, có thể kịp thời nhận ra như thế cũng tốt”.
Tôi không tán thành: “Cũng chưa hẳn đúng là ruột thịt, em lại thấy chuyện này có uẩn khúc”. Ngừng một lát lại tiếp: “Chàng đã được nhìn thấy con bọ ngựa tết bằng cỏ lau, con chim yến cắt bằng giấy bóng vàng chưa?”. Tôi giơ tay phác ra kích cỡ hai món đồ chơi: “Chính là ngày trước Công Nghi Phỉ tự tay làm cho Khanh Tửu Tửu”.
Mắt chàng nhìn phía trước: “Có phải những thứ kia không?”.
Thuận theo ánh mắt chàng nhìn ra, trước mắt là cảnh trăng nước khói phủ, tất cả như ẩn sau màn sương lạnh, những ký ức được phong ấn đang hiện ra cảnh Công Nghi Huân đến thăm Công Nghi San vừa ở cữ, còn con bọ ngựa và con chim yến mà tôi vừa nhắc với Mộ Ngôn đang để trên chiếc bàn nhỏ cạnh đầu giường Công Nghi San.
Công Nghi Phỉ đang ngồi một bên, thong thả mở nắp cốc trà. Hầu nữ Họa Vị tay bưng chiếc hộp đựng một chiếc khoá ngọc chế tác tinh xảo, Khanh Tửu Tửu nghiêng người nhìn đứa trẻ ngủ say, đón chiếc khóa ngọc từ tay Họa Vị để bên cạnh đứa trẻ: “Không có quà gì, đánh một chiếc khóa ngọc bình an tặng tiểu công tử, cốt nhục của Công Nghi gia nhất định phải được chăm sóc thật tốt”. Mắt liếc những món đồ chơi trên bàn, giọng nhẹ nhàng, “Mấy hôm trước Họa Vị thu dọn phòng tìm thấy những đồ chơi này, nó rất đẹp nên mang đến cho tiểu công tử chơi”.
Ánh mắt Công Nghi San thoáng hốt hoảng, cũng phải thôi, ẩn ý những câu nói vừa rồi của Khanh Tửu Tửu dường như rất rõ, vừa như biết hết mọi chuyện vừa như không, Công Nghi San không lo sao được.
Bàn tay Công Nghi Phỉ đang nâng cốc trà dừng lại rất lâu, trong phòng yên tĩnh khác thường, chàng khẽ cười hướng về mấy hầu nữ: “Đại phu nhân đã nói thế, các người còn đứng ngây ra đấy, mau thay nhị phu nhân mang đồ cất đi”.
Tam thê tứ thiếp thường là thế, thiếp bao giờ cũng được sủng ái, Công Nghi San về làm thiếp, vốn không có tư cách gọi là phu nhân, nhưng lúc này Công Nghi Phỉ lại gọi cô là nhị phu nhân, phòng càng yên tĩnh, chỉ có kẻ gây sự vẫn bình thản uống trà, sắc mặt Khanh Tửu Tửu trắng như tuyết, nhưng cũng có thể tôi nhìn nhầm, cô vốn đã trắng, hơn nữa ở khoảng cách hơi xa.
Thời gian nửa năm tiếp theo, cảnh trong ký ức lướt qua rất nhanh. Nhưng con đường sụp đổ của Công Nghi gia từng bước cơ hồ nằm trong tính toán của Khanh Tửu Tửu, con người ta chúng quy cần lựa chọn. Tôi đã đánh giá thấp cô, chưa bao giờ cô quên mình phải làm gì.
Tháng chín mùa thu mát mẻ, Khanh Tửu Tửu được gả vào Công Nghi gia một năm có lẻ, chưa có chuyện gì xảy ra, còn Công Nghi San hưởng phúc nhờ con, sống ở cư gia tộc trưởng như cá gặp nước, mặc dù những người trong cuộc đều biết lai lịch đứa trẻ đó.
Dần dần lan ra tin đồn, nói rằng phụ thân Công Nghi San ngầm liên thủ với các vị trưởng lão trong họ tộc khuyên Công Nghi Phỉ bỏ vợ, với lý do một nửa quyền thế của gia tộc rơi vào tay người đàn bà không thể sinh con nối dõi. Một thời gian, mọi người trong nhà đều nhìn Khanh Tửu Tửu với con mắt thương cảm, nhưng không ai biết chính cô tung ra tin đồn đó.
Mặc dù xem ra nhị thúc của Công Nghi Phỉ luôn nhòm ngó ngôi cao, cũng đích thực muốn đuổi Khanh Tửu Tửu ra khỏi Công Nghi gia, để con gái trở thành chính thê, nhưng trong chuyện này quả thực ông ta bị oan.
Lời đồn quả có sức mạnh ghê gớm, nhị thúc vốn không có động tĩnh gì bức bối bởi lời đồn mới tương kế tựu kế đi trước một bước, ngồi chờ tai họa giáng xuống chi bằng ra tay trước. Trong một đêm mưa to gió lớn cuối tháng chín, Khanh Tửu Tửu khoác áo choàng trắng bước vào cổng lớn cư gia tam thúc lúc này vẫn còn đang để tang con gái.
Âm mưu cơ mật này được thực thi rất nhanh.
Những việc cô muốn làm, việc cô đã làm cuối cùng tôi đã hiểu, mặc dù trước đây cũng dự đoán nhưng lúc này mới tin, quả nhiên cô đến báo thù Công Nghi gia. Từ lợi dụng cái chết của Công Nghi Hàm, khiến hai vị thúc thúc huyết hải thâm thù, đến cưỡng ép buộc Công Nghi Phỉ nạp Công Nghi San làm thiếp, từng bước dẫn tới cục diện hôm nay, tất cả đều được tính toán tỉ mỉ đâu vào đấy.
Người ngoài chỉ biết Khanh Tửu Tửu không sinh được con, còn Công Nghi San được Công Nghi Phỉ sủng ái, rốt cuộc thật giả thế nào không ai biết, họ chỉ cảm thấy người kế vị trưởng tộc sẽ là con trai của Công Nghi San.
Hai vị thúc thúc ngấm ngầm tranh giành đã lâu, nhưng cũng không có xung đột lớn, bởi họ vẫn nhớ câu chuyện ngụ ngôn “cò vạc tương tranh, ngư ông đắc lợi”, dưới sự sắp xếp cơ mật của Khanh Tửu Tửu, Công Nghi gia rõ ràng hình thành hai phe đối lập, hai vị ngư ông đều bị kéo xuống nước. Một người bị cò cướp đi, người kia đến tìm vạc làm hậu thuẫn cho mình.
Tam thúc đồng ý giúp Khanh Tửu Tửu, ở đời, trong thế tương tranh, kẻ này thịnh ắt kẻ kia suy, nhị thúc đắc thế, tam thúc đương nhiên thất thế, huống hồ hai bên còn có mối thâm thù là cái chết của Công Nghi Hàm.
Nhưng tôi nghĩ họ đã bị Khanh Tửu Tửu lợi dụng, họ cho rằng loại bỏ đối phương là mình sẽ đứng đầu, hơn nữa thời cơ cuối cùng đã đến, nhưng lại quên mất đạo lý bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ đi ngay sau, họ không biết có một người đứng ngoài mong đợi họ huynh đệ tương tàn, lại không ai quy định một người đã là ngư ông thì không thể làm chim sẻ.
Hai phe đã tranh giành đến lúc này, nếu tôi là Khanh Tửu Tửu, ôm mối hận như vậy đến nơi này, mục đích chỉ là tiêu diệt Công Nghi gia, sực nhớ tới trận đại hỏa hoạn của Công Nghi gia bảy năm trước, bỗng giật mình, có lẽ cuối cùng cô đã hoán gọi được hộ thần Thiên Hà đó…
Người bỗng cứng đờ, Mộ Ngôn ngồi bên nắm chặt tay tôi, khẽ nói: “Chuyện đã xảy ra, còn lo làm gì cho mệt”.
Tôi dựa vào chàng: “Công Nghi Phỉ nhất định đã tiên liệu được cô ta muốn hủy gia tộc của chàng ta, tại sao không ngăn cản?”.
Chàng cười nói mập mờ: “Có lẽ cái cũ không hủy, cái mới khó nảy sinh”.
Lá trên cây rụng dần, trời chuyển sang đông. Thời gian thấm thoát trôi đi, chớp mắt đã đến ngày mồng bốn tháng chạp, ngày tế tổ của Công Nghi gia, cũng là ngày khởi sự của Khanh Tửu Tửu.
Đêm mồng ba, canh khuya trăng lạnh, Công Nghi Phỉ sau khi nạp thiếp chưa từng quay lại tiểu viện của chính thê giờ lại rẽ hoa, giẫm ánh trăng bước vào viện môn quạnh quẽ. Gió lạnh thổi bật cánh cửa chính đường, trùng trùng rèm sa phấp phới, thấp thoáng nhìn thấy một mỹ nhân ngồi trước đài trang sau những bức rèm, giống như chìm trong màn sương mỏng, toát ra hàn khí yêu dị. Còn bóng hoa in lên cửa sổ trông giống những chữ tròn khéo léo cắt ra từ câu đối.
Gió cuốn cao bức rèm, lộ ra Khanh Tửu Tửu toàn thân xiêm áo đỏ thẫm, cặp mày dài thanh mảnh tựa nét vẽ trên băng, môi hồng, giữa trán điểm một đóa tử kim hoa đỏ chói, ngay đêm tân hôn cũng không thấy cô trang điểm lộng lẫy như vậy.
Tiếng tinh tang phát ra từ bức rèm châu ngũ sắc, trong ánh nến lay động, cô từ từ chìa tay về phía Công Nghi Phỉ sắc mặt dửng dưng đứng ở cửa phòng, cô hơi nhướn mi, ánh mắt dịu dàng xôn xao như sóng.
Công Nghi Phỉ sững sờ, nhưng không bước đến nắm bàn tay chìa ra đó, ánh mắt dừng lại trên gương mặt dịu dàng hiếm hoi của cô, “Đã là canh hai, phu nhân còn chưa ngủ, cho Họa Vị mời ta đến có việc gì gấp gáp?”.
Cô bước ra mấy bước, chiếc váy dài xúng xính sát đất, hơi nghiêng đầu nhìn chàng: “Tôi tưởng đệ không đến, nhưng đệ đã đến, đến rồi cũng không dám nắm tay tôi”. Cô cúi đầu cầm tay chàng, ấp vào ngực mình, nhích dần lên trên, như muốn bàn tay đó ôm ấp má mình, nhưng lại dịch sang bên dừng lại ở tai. Cô đăm đăm nhìn chàng: “Đang run”, trong mắt có gì lóe qua, “… Tôi đáng sợ thế sao?”.
Cô nhìn chàng rất lâu, giơ tay vuốt trán, như đầy nghi hoặc: “Uống say không tốt sao? Lúc nhỏ tôi ở lầu xanh, nhìn thấy khách mua vui nếu thấy cô gái nào bị chuốc say họ sẽ rất vui”. Cô ngẩng nhìn chàng, hơi nghiêng đầu, “Còn đệ, A Phỉ, tôi say rồi đệ có thấy vui không?”.
Trong phòng yên tĩnh, chàng cười khẽ: “Cô muốn kéo tôi quay lại chăng?”.
Đôi môi đỏ của cô hơi mím.
“Tôi đã đoán sai?”. Chàng cười gật đầu, “Phải, sao cô có thể muốn kéo tôi quay lại, ngày xưa tôi thích cô, cô đã phát buồn nôn, hôm nay làm đến nước này, tôi lại cản đường cô ư?”. Nói đoạn bước tới trước đài gương, cầm lên bình rượu bằng ngọc, “Hôm nay muốn chuốc cho tôi say để làm gì? Muốn làm tô