Buổi trưa ăn cơm hơi muộn, nhưng 5 giờ chiều Diệp Quyền đã xuống dưới tầng ngồi chờ cơm trong phòng khách. Cả buổi chiều Hám Sinh lau dọn nhà cửa, cũng không thể coi như không nhìn thấy anh ta, đành bất đắc dĩ đi nấu cơm tối. Ăn cơm xong Diệp Quyền vào bếp tự tay rửa bát. Sau đó Hám Sinh đi kiểm tra thấy bếp đã được lau dọn sạch sẽ nên rất vừa ý, hai người cùng nhau ăn hai bữa cơm, quan hệ đã trở nên tốt hơn nhiều.
Sáng ngày hôm sau, Hám Sinh thức dậy nấu cho cả hai mỗi người một bát mì, lại cho Mông Bự ăn no, xong xuôi đâu đấy hai người xuất phát như đã hẹn. Lúc ra khỏi cửa thời tiết rất đẹp, bầu trời quang đãng, mặt trời đã bắt đầu ló rạng. Hám Sinh ngồi trên xe máy, cô đặt Mông Bự ngồi phía trước, Diệp Quyền ngồi sau lưng. Về phương diện này Diệp Quyền đúng là quá vô tâm vô tư rồi, anh ta thậm chí không biết nếu việc ngồi sau xe con gái mà bị rêu rao ra ngoài sẽ đáng xấu hổ thế nào, thế là cứ ngoan ngoãn ngồi sau xe để Hám Sinh đưa đến bến tàu.
Đây là lần đầu tiên Hám Sinh nhìn thấy du thuyền. Cô rất thích mạn thuyền vừa rộng lớn lại sạch sẽ. Còn khoang thuyền phía dưới, nơi này hơi chật hẹp, tuy rằng được trang trí xa hoa, nhưng không gian chật chội, cô không thích lắm nên chỉ nhìn thoáng qua chứ không đi xuống.
Diệp Quyền khởi động du thuyền, Hám Sinh ôm Mông Bự ngồi trên mạn thuyền. Mông Bự đúng là chẳng có tương lai gì cả, lúc mới lên thuyền còn chạy loăng quăng khắp nơi ra oai, thuyền vừa mới bắt đầu rời bến nó đã sợ tới mức rúc ngay vào lòng Hám Sinh, chờ đến lúc nằm vững vàng trong lòng Hám Sinh rồi lại bắt đầu ra oai, đứng trên đùi Hám Sinh, hướng mặt tới mũi thuyền, nghênh chiến với gió biển, bộ dạng oai phong lẫm liệt. Hám Sinh nhìn nó nở nụ cười.
Thuyền chạy đã khá xa bờ đến chỗ biển sâu, Diệp Quyền lấy cần ra câu cá. Anh ta cũng chuẩn bị sẵn một bộ cần câu cho Hám Sinh, Hám Sinh nghĩ cô sẽ không câu cá, chỉ ngồi nhìn anh ta tháo tháo lắp lắp bộ cần câu, rồi chuẩn bị thêm mồi vào móc câu.
Diệp Quyền thấy cô có vẻ không quan tâm, nói với cô “Nghe tôi nói đây, chúng ta không mang theo đồ ăn, muốn ăn trưa còn phải xem chúng ta câu được bao nhiêu cá, cô hiểu rồi chứ.”
“Ừm.” Hám Sinh trả lời anh ta cho có lệ, nhưng người lại như khẳng định rõ ràng, cô ngồi bó gối nhìn mặt biển phẳng lặng kia. Diệp Quyền bất đắc dĩ, chấp nhận việc chỉ có một mình mình xông trận câu cá mà thôi.
Mặt biển lặng sóng, không có tiếng người xe ồn ào. Ngay cả tiếng sóng biển cũng không có. Cảnh sắc cũng đơn điệu, bốn bề đều là trời xanh biển xanh, biển trời hoà cùng một màu, chẳng có lấy màu sắc nào khác. Diệp Quyền ngồi một bên nhìn cần câu không lên tiếng, trông cả hai như người không quen biết, cũng chẳng ai nói với ai câu nào.
Hám Sinh cảm thấy buồn chán, đứng lên đi đến mũi thuyền, nhìn ra phía xa xa, trước mắt là mặt biển trống trải. Phóng hết tầm mắt đến nơi xa nhất, bầu trời và mặt biển tiếp giáp nhau bằng một đường thẳng tắp. Hám Sinh nghĩ cả đời cô chưa bao giờ được nhìn thấy khung cảnh phía xa kia. Cô sinh ra ở thành phố, từ nhỏ đến lớn nhìn thấy cũng chỉ là những thứ gói gọn trong thành phố đó mà thôi. Nhiều năm sau cô cũng chưa từng nghĩ đến chuyện rời khỏi đó, lúc này cô đứng ngây ngốc nhìn khung cảnh xa xa đến xuất thần.
Diệp Quyền ngẩng đầu liền nhìn thấy bóng dáng Hám Sinh, một cô gái đứng yên lặng ở đó, áo phông trên người cô hơi rộng bay phần phật trong gió. Chỉ cần lướt qua một lần, anh ta cũng có thể nhìn thấy vẻ bi thương một cách rõ ràng trên người Hám Sinh.
Con người Diệp Quyền lớn lên trong sự tự do, không hề bị bất kì điều gì ràng buộc. Anh ta hiểu sâu biết rộng, chẳng mấy chuyện có thể khiến anh ta lộ ra vẻ xúc động. Nhưng lúc này nhìn Hám Sinh, gương mặt anh ta bỗng trở nên nghiêm túc, ánh mắt dừng lại trên bóng dáng của Hám Sinh khá lâu.
Mặt trời đã lên cao đến đỉnh đầu, hai người vẫn chẳng nói chuyện với nhau. Một lát sau Hám Sinh ôm Mông Bự nằm trên mạn thuyền phơi nắng. Đến giữa trưa Diệp Quyền câu được ba con cá, trong đó có một con khá to. Anh ta bảo Hám Sinh vào khoang thuyền hấp cá, bản thân cởi quần áo hét lên một tiếng rồi nhảy xuống biển bơi. Thật ra đi chơi cùng Hám Sinh không thực sự vui vẻ, nhưng Diệp Quyền là người có thể tự mình nghĩ ra trò để chơi, tự mình tạo ra niềm vui cho mình.
Hám Sinh đem cá vào trong khoang thuyền, làm cá sạch sẽ đâu ra đấy rồi đặt vào nồi hấp, lại cho Mông Bự ăn một chút thức ăn dành cho chó. Hám Sinh không đói, bát mỳ mới ăn khi sáng vẫn chưa tiêu hoá hết. Cô không cảm thấy đói nên chẳng muốn ăn. Trong khoang thuyền có tủ lạnh, bên trong chỉ có thịt và rau, cô cũng không muốn làm cơm trưa, nghĩ bụng hay là dùng món cá hấp kia cho Diệp Quyền ăn tạm vậy.
Diệp Quyền bơi dưới biển một lúc, khi trở lại trong khoang thuyền đã thấy trên quầy bar có bày mấy đồ lặt vặt và một chiếc khay đựng bát cá hấp, chẳng thấy bóng dáng Hám Sinh đâu cả. Anh ta tắm rửa qua loa rồi thay quần áo, bưng khay ra khỏi khoang thuyền.
Diệp Quyền tìm thấy Hám Sinh ở trên mạn thuyền. Hám Sinh ngồi dựa lưng vào hành lang, ôm Mông Bự trong lòng. Diệp Quyền bưng chiếc khay đựng bát cá đi đến bên người cô rồi ngồi xuống, đưa bát cá đến trước mặt hỏi cô “Có ăn không?”
Hám Sinh lắc đầu “Tôi không thích ăn cá.” Diệp Quyền gật đầu, cũng không đáp lời nào đã bắt đầu ăn.
Diệp Quyền cúi đầu rất thấp, ăn một cách tập trung, cả bát cá bị anh ta ăn sạch sẽ, chỉ còn lại mỗi bộ xương cá trong khay. Anh ta ăn xong liền đặt khay sang bên cạnh, bất chợt mở miệng “Vậy cô thích ăn gì?”
Diệp Quyền hỏi một câu, làm như khoảng thời gian anh ta ăn cá không làm gián đoạn cuộc trò chuyện, cứ thế tiếp tục nói về đề tài kia. Hám Sinh cũng có thể bắt kịp ý nghĩ của anh ta, buột miệng trả lời “Tôi thích ăn cua.”
Nhắc đến cua, nó đã khắc quá sâu trong kí ức của Hám Sinh. Trước đây, về khoản cái ăn cái mặc mẹ Hám Sinh rất thoải mái với cô. Khi đó cua cũng chưa đắt như bây giờ, chỉ có mấy đồng một cân. Cứ hè đến, cũng là mùa cua đồng, mẹ cô đều mua về một rổ, nấu một nồi to, Hám Sinh ăn đến phát ngấy thì thôi. Đến mùa thu, cua ít hơn, Hám Sinh vẫn trộm lấy cua trong nhà hấp cho Đông Dạ Huy ăn. Vào dịp trung thu hàng năm, cặp sách của cô lúc nào cũng sực mùi cua hấp.
Sau này Hám Sinh bỏ nhà đến sống cùng với Đông Dạ Huy. Lúc đó bọn họ có tiền, hàng năm dịp trung thu, Đông Dạ Huy thường lái xe đến tận cảng biển, mua cua người ta mới đi biển bắt được mang về nhà. Hám Sinh sẽ chia làm ba phần, một phần mang đến cho ba của Đông Dạ Huy, một phần giữ lại ăn, phần còn lại nửa đêm lén lút đặt trước cửa nhà mẹ cô. Khi đó bọn họ mới có cuộc sống đích thực, bọn họ thực sự đã từng trải qua khoảng thời gian như vậy.
Diệp Quyền nghe thấy câu trả lời của Hám Sinh, vội đứng lên. Khí thế bừng bừng đứng trước mặt cô nói “Đi, bây giờ tôi sẽ đưa cô đi ăn cua nhé.” Diệp Quyền nói là làm, lập tức khởi động du thuyền trở về.
Diệp Quyền không lái thuyền quay trở lại đảo mà lái thẳng đến bến tàu đối diện nó. Xuống thuyền, đối diện với bên tàu có một nhà hàng hải sản. Nhà hàng ba tầng độc lập, trang trí xa hoa. Bọn họ đến vừa đúng giờ ăn trưa, cửa nhà hàng đỗ đầy xe hơi đắt tiền.
Trên đường trở về bỗng nhiên Diệp Quyền vô cùng cao hứng, lái du thuyền nhanh nhất có thể đến thẳng đây. Hám Sinh cũng bị anh ta gợi lên cảm giác thèm cua tới mức nghiện trước đây, tâm trạng không hiểu sao cũng trở nên tò mò.
Diệp Quyền vẫn giữ cái khí thế bừng bừng kia dẫn Hám Sinh vào nhà hàng. Lúc gần đến cửa nhà hàng, Hám Sinh cười, nghi ngờ hỏi Diệp Quyền “Chuyện đó, Diệp Quyền, tôi có thể ăn thật sao?”
Diệp Quyền quay đầu nhìn cô, tò mò hỏi “Cô có thể ăn được bao nhiêu?”
Hám Sinh nghĩ đi nghĩ lại một lát “Nếu tôi nói ăn bảy tám con, có thể ăn được bảy tám con à. Anh trả nổi không?”
Diệp Quyền đứng tại chỗ nhìn Hám Sinh một lượt từ đầu đến chân, sau đó trầm mặc quay đầu đi về phía trước. Hám Sinh cười hì hì đi theo sau. Còn cách cửa nhà hàng một hai bước, Diệp Quyền xoay người nhìn Hám Sinh đang bước vào nhà hàng cúi đầu nói “Chỉ cần cô có thể ăn, bao nhiêu tôi đây cũng trả được.”
Hám Sinh nhìn anh ta nở nụ cười. Sau đó cô lại hỏi Diệp Quyền anh ta học được mấy câu này ở đâu, Diệp Quyền nói trong thời gian anh ta còn ở Mĩ đã từng xem “Đại gia tộc.”[1]
([1]: Đại gia tộc là một bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc, đã từng được làm lại vào năm 2001. Mình chưa xem nên cũng không biết Diệp Quyền nhắc đến phim với dụng ý gì.)
Diệp Quyền trưng ra vẻ mặt hiên ngang dẫn Hám Sinh đi vào cửa nhà hàng. Mông Bự đi trước, ngẩng đầu vẫy đuôi, hết nhìn trước nhìn sau lại nhìn xung quanh một lượt, so với Diệp Quyền nó còn hiên ngang hơn. Diệp Quyền dắt theo một người một chó đi vào, vừa qua cửa liền bị một người thanh niên sáng sủa ngăn lại.
Bộ đồng phục màu đỏ càng tôn lên vẻ đẹp trai của cậu thanh niên. Cậu ta vươn cánh tay ra trước Hám Sinh, đứng trước mặt cô nửa thước, cất giọng non nớt trầm trầm xin lỗi rất đúng mực “Rất xin lỗi cô, chỗ chúng tôi không thể cho khách đi dép lê vào trong.”
Hám Sinh đứng ngây ngốc, cúi đầu nhìn đôi dép nhựa màu xanh mua có năm đồng dưới chân cô, cô ngẩng đầu nhìn Diệp Quyền bằng ánh mắt vô tội.
Diệp Quyền nhìn về cậu thanh niên kia, yên lặng một lúc mới nói “Châm chước một chút được không?” Cậu thanh niên kia cười tỏ vẻ có lỗi, lộ ra hàm răng trắng đều tăm tắp.
Hám Sinh nhìn xuyên qua cánh cửa lớn bằng thuỷ tinh vào bên trong nhà hàng. Quả nhiên đại sảnh nhà hàng được trang trí xa hoa hơn bất kỳ nhà hàng nào khác. Trên mỗi bàn cơm đều phủ một chiếc khăn trải bàn nặng nề màu hồng phấn được thêu thủ công. Sàn được thiết kế kiểu hành lang nước dưới một lớp thuỷ tinh công nghiệp chắc chắn, bên dưới có đèn toả sáng. Những người khách trong nhà hàng, ai ai cũng ăn mặc đứng đắn sang trọng, cô còn chú ý nhìn dưới chân bọn họ, không phải là giày da, giày xăng đan thì cũng là giày cao gót, chẳng có ai đi dép lê như cô cả. Hám Sinh vẫn chưa biết mấy khách sạn ở Trung Quốc bắt đầu chú ý đến việc này từ bao giờ.
Trên chiếc bàn gần chỗ Hám Sinh đang đứng, người đàn ông to béo đang ngồi gỡ thịt một con cua rất to trên đĩa. Con cua màu đỏ rực, chiếc càng to bị người đàn ông kéo ra, nước thịt cua màu vàng vàng cũng chảy ra theo. Hám Sinh bỗng nhiên cảm thấy dạ dày mình trống rỗng, dường như lúc cô ngửi được cái mùi vị quen thuộc kia, nước miếng đã tiết ra trong nháy mắt. Cô rất muốn ăn, không hiểu tại sao lại muốn được ăn ngay lập tức như vậy.
Diệp Quyền vẫn đang thương lượng với cậu thanh niên kia. Người bảo vệ trẻ tuổi này có vẻ cứng rắn, nhưng dù sao cũng là người có phẩm chất tốt. Diệp Quyền vừa định lấy tiền hối lộ, cậu ta vậy mà xua tay không nhận. Hám Sinh bỗng nhiên thấy tức giận, cô cúi người tháo dép lê, xách dép lên, kéo theo Diệp Quyền “Đi.”
Hám Sinh xách dép đi vào bên trong, người bảo vệ trẻ tuổi nóng nảy, vội chạy đến ngăn cô lại “Này! Này! Cô không thể nào.”
Diệp Quyền giữ cánh tay cậu ta lại, khiến cậu ta không ngăn được Hám Sinh nữa. Đúng lúc đó Hám Sinh quay lại, nói rất hợp tình hợp lý “Cậu nói không được đi dép lê vào, chứ không nói không được đi chân đất vào.” Nói xong cô ngẩng đầu thẳng lưng đi vào trong. Mông Bự “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” cũng vẫy vẫy cái đuôi đi theo sau cô.
Người bảo vệ trẻ tuổi bị khí thế của Hám Sinh và Diệp Quyền lấn lướt. Diệp Quyền liếc nhìn cậu ta, thấy khuôn mặt cậu ta biến đ